Lời Chúa mấy tuần gần đây đưa ra những sứ điệp rất an ủi : Chúa nhựt tuần trước. Chúa cho biết Ngài là một người Cha yêu thương luôn tìm những ơn tốt lành nhất để ban cho chúng ta là con cái Ngài. Hôm nay Chúa cho biết thêm Ngài sẽ thỏa mãn tất cả những khát vọng của con người.
Chúng ta hãy cùng dâng Thánh Lễ này trong tâm tình biết ơn và trông cậy Chúa.
Đoạn này thuộc về chương cuối của phần II sách Isaia ("sách an ủi", gồm các chương 40-55). Đệ nhị Isaia công bố lời Thiên Chúa mời gọi người ta đến dự một bữa tiệc do Ngài khoản đãi. Bữa tiệc này rất đặc biệt :
- Những món ăn rất thịnh soạn toàn đồ bổ và cao lương mỹ vị.
- Bữa tiệc hoàn toàn miễn phí.
- Người được mời là những kẻ nghèo khổ, đói khát, không tiền bạc, cũng không có gì để đổi chác.
Dĩ nhiên, hình ảnh bữa tiệc mang ý nghĩa tượng trưng :
- Tượng trưng cho sự thỏa mãn những khát vọng của con người
Tv 144 ca tụng tình thương ân cần của Thiên Chúa đối với tất cả những thụ tạo của Ngài : chẳng những Ngài đã tạo nên chúng, mà còn quan tâm dưỡng nuôi và chăm sóc chúng : "Muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa. Chúa mở rộng bàn tay và thi ân cho mọi sinh vật được no nê".
Phép lạ hóa bánh ra nhiều. Cách viết của thánh Matthêu rõ ràng muốn so sánh với phép lạ manna thời xuất hành và bí tích Thánh thể mà Chúa Giêsu sẽ lập : thời xưa Thiên Chúa đã nuôi dân do thái no nê bằng thứ lương thực diệu kỳ là manna. Thời nay Chúa Giêsu còn nuôi dân mới bằng một thứ lương thực diệu kỳ hơn nữa là Bí tích Thánh Thể.
Đoạn thư này của Thánh Phaolô là lời tuyên xưng đức trông cậy mạnh mẽ nhất : không gì có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô.
- Bảng liệt kê thứ nhất kể ra những gian truân thử thách của bản thân Thánh Phaolô và có thể cũng là của mọi kitô hữu : gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo.
- Bảng liệt kê thứ hai kể ra những gian truân của thân phận làm người : chết hay sống, hiện tại hay tương lai…
Lời Chúa hôm nay thật rõ ràng : Chúa nói Ngài thỏa mãn mọi thứ đói khát của con người.
Nhưng ta có thể tin vào Lời đó không, bởi vì ngày nay biết bao người còn đang đói khát, trong số đó có thể có chính chúng ta nữa ?
- Điều căn bản mà chúng ta phải nhớ là Thiên Chúa đã tạo dựng nên trái đất này, một trái đất phong phú, sản sinh ra đầy đủ đến dư thừa mọi lương thực chẳng những cho loài người mà còn cho muôn loài. Cho nên trên căn bản là Chúa bảo đảm cho muôn loài được no nê.
- Trong bài Tin Mừng, Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều từ 5 chiếc bánh và 2 con cá mà một cậu bé đã bỏ ra để chia xẻ cho mọi người khác ; sau khi chúc tụng, bẻ ra, Chúa bảo các môn đệ "phân phát". Nghĩa là Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc chia xẻ, phân phối. Với nguồn tài nguyên phong phú của trái đất, theo nguyên tắc thì mọi người đều có thể no đủ, miễn là con người biết chia xẻ cho nhau và biết phân phối hợp lý.
- Ngoài thức ăn vật chất, Chúa Giêsu còn muốn hướng con người đến một thức ăn khác nữa, cần thiết hơn, quý trọng hơn. Bởi đó, sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, người ta tiếp tục tuôn đến với Chúa mong Ngài tái diễn phép lạ ấy, nhưng Ngài đã lánh họ mà đi. Theo tường thuật của Thánh Gioan, Ngài còn nói với họ "Các ngươi tìm Ta chỉ vì đã được ăn bánh no nê. Hãy nỗ lực tìm kiếm thứ lương thực nuôi dưỡng sự sống muôn đời"
- Thứ lương thực ấy chính là bản thân của Chúa Giêsu, được ban cho chúng ta qua bí tích Thánh Thể.
Con người có nhiều khát vọng, nhưng tiếc thay họ chỉ để ý tới những khát vọng tầm thường.
- Rõ rệt và dễ cảm thấy nhất là những khát vọng của thân xác : ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi. Xét cho cùng, những khát vọng này cũng giống với những khát vọng của thú vật và thực vật thôi. Và xét cho cùng thì cũng dễ thỏa mãn thôi miễn là tài nguyên của trái đất này được chia xẻ và phân phối hợp lý. Chúa Giêsu nói "Hãy xem chim trời… hãy xem hoa huệ ngoài đồng…"
- Còn nhiều khát vọng cao hơn và quý hơn : bình an sâu sắc, tình yêu chân thật, sự sống vĩnh cửu… Chân, thiện, mỹ tuyệt đối… Những khát vọng này không ai và không cái gì có thể thỏa mãn cho chúng ta, ngoài một mình Thiên Chúa.
4. Một giải thích mới về phép lạ hóa bánh ra nhiều
Có người giải thích rằng phép lạ này không nằm ở chỗ số lượng bánh rất nhiều, mà nằm ở chỗ Đức Giêsu đã làm được một việc lạ lùng hầu như không ai làm nổi : biến tính tự tư tự lợi của con người thành tính quảng đại chia xẻ.
Câu chuyện sau đây có thể minh họa cho ý nghĩa này :
Một hôm, có một người đàn ông vào nhà một bà dân làng xin ăn. Bà này từ chối :
- Xin lỗi. Hiện giờ trong nhà tôi không còn gì có thể ăn cả.
- Không sao. Chỉ nhờ Bà cho tôi mượn chiếc nồi nấu súp. Tôi có một viên sỏi có thể nấu thành một nồi súp đặc biệt ngon, từ trước tới giờ chưa từng có món ăn nào ngon bằng.
Bà chủ nhà bằng lòng. Người khách đổ nước vào nồi, bỏ viên sỏi vào rồi bắt đầu nấu. Trong khi đó, bà chủ nhà sang nhà hàng xóm tiết lộ bí mật của nồi súp tuyệt vời ấy. hàng xóm này lại tiết lộ cho hàng xóm khác. Chẳng bao lâu căn nhà đầy người.
Khi nước bắt đầu sôi, người khách lạ múc lên một muỗng nếm : "Chà, rất ngon. Nhưng phải chi có thêm chút ít khoai tây nữa thì sẽ ngon tuyệt". Một người vội vàng chạy về nhà lấy khoai tây bỏ vào. Lát sau người khách lại nếm và lại nói "Ngon hơn trước rồi. Phải chi có thêm một chút thịt nữa thì hết chỗ chê". Một người khác vội chạy về nhà lấy thịt. Cứ như thế…
Cuối cùng nồi súp chín. Người khách mời mọi người ngồi vào bàn. Mỗi người một tô. Ai nấy đều khen món súp ngon tuyệt vời. Còn người khách thì vớt từ đáy nồi lên viên sỏi của ông, bỏ vào túi, vui vẻ chào mọi người và ra đi.
5. "Điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô" ?
Kiểu nói "lòng yêu mến của Đức Kitô" có hai nghĩa : a/ Lòng Đức Kitô yêu mến chúng ta ; và b/ lòng chúng ta yêu mến Đức Kitô.
Chúng ta hãy trả lời câu hỏi của Thánh Phaolô theo nghĩa thứ nhất : có gì có thể làm Đức Kitô không còn yêu mến chúng ta nữa không ? Chắc chắn là không : Đức Kitô đã phải "gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo" nhưng Ngài vẫn yêu mến chúng ta, Ngài yêu mến chúng ta đến nỗi hiến thân chịu chết vì chúng ta.
Bây giờ chúng ta cũng trả lời câu hỏi ấy nhưng theo nghĩa thứ hai : có gì có thể làm cho chúng ta hết yêu mến Đức Kitô không ? Câu này có thể có hai câu trả lời :
- Nếu chúng ta thực lòng yêu mến Chúa thì không. Chẳng hạn Thánh Phaolô. Ngài đã chịu đủ thứ "gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo", nhưng Ngài vẫn một mực yêu mến Chúa. Ngài còn lấy làm hạnh phúc bởi được chịu khổ vì Chúa. Các thánh thì cũng thế.
- Nhưng nếu chúng ta không thực lòng yêu mến Chúa, tất cả đều có thể tách ta ra khỏi Chúa. Mà xét cho cùng, chỉ có một người có thể tách chúng ta ra khỏi Chúa, đó là chính bản thân chúng ta.
Thiên Chúa là Tình yêu. Người yêu thương, chăm sóc và dưỡng nuôi hết thảy mọi người. Tin tưởng vào tình thương của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin.
1- Hội Thánh không những cung cấp lương thực thiêng liêng / là Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa cho con cái mình / mà còn quan tâm giúp đỡ những ai nghèo khổ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Hội Thánh / làm tròn trách nhiệm cao quý nhưng hết sức nặng nề này.
2- Trên thế giới ngày nay / nạn đói vẫn còn đang hoành hành dữ đội / mỗi năm giết chết hàng triệu người lớn và trẻ em tại các nước chậm phát triển / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho có nhiều nhà hảo tâm / luôn sẵn sàng trợ giúp những người nghèo đói một cách quảng đại.
3- Nhiều khi vì miếng cơm manh áo / mà nhiều người đã bán rẻ nhân phẩm / coi thường danh dự / sa lầy trong vũng bủn tội lỗi / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa nâng đỡ những ai đang sống trong cảnh khốn cùng / để dù nghèo khổ / họ vẫn luôn giữ được khí tiết của mình.
4- Quan tâm giúp đỡ những ai đói nghèo / những người bệnh tật / là trách nhiệm của mỗi kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết sống bác ái một cách cụ thể với hết thảy mọi người.
CT : Lạy Chúa, thánh Phaolô đã nói với chúng con "Sống bác ái là chu toàn cả lề luật". Xin Chúa ban ơn giúp sức, để chúng con có thể sống trọn vẹn đức bác ái yêu thương, và biết thật tình chia sẻ với những ai đói rách bần cùng. Chúng con cầu xin…
- Trước kinh Lạy Cha : Chúng ta đều là con cùng một Cha trên trời. Chúng ta hãy một lòng một ý với nhau cầu xin Cha trên trời ban cho chúng ta lương thực hằng ngày, chẳng những lương thực vật chất mà cả lương thực thiêng liêng nữa.
- Trước rước lễ : Dân do thái ngày xưa được ăn manna. Dân chúng thời Đức Giêsu được ăn no nê từ 4 chiếc bánh và hai con cá mà Chúa đã làm phép lạ cho ra nhiều. Thực ra chúng ta cũng không thua kém gì họ, bởi vì chúng ta được ăn chính Mình Thánh Đức Giêsu. "Đây Chiên Thiên Chúa…"
Cuộc sống của chúng ta rất tất bật, bon chen, cực nhọc… Chúng ta cảm thấy mình như bị cuốn hút vào một dòng chảy liên tục, không ngơi nghỉ… Vì thế, có một khoảng thời gian bình lặng như Thánh lễ mỗi ngày Chúa nhựt như thế này thì thật là bổ ích : chúng ta vừa có dịp bình tâm lại, vừa được nghe Lời giáo huấn của Chúa, lại vừa được múc lấy nghị lực từ nơi Chúa, như lời Ngài đã nói "Hỡi những ai lao nhọc, hãy đến với Ta, các ngươi sẽ tìm được sự ngơi nghỉ".
Chúng ta đã đến với Chúa. Xin Chúa cho chúng ta được nghỉ ngơi và bồi dưỡng.
Thời vua Acáp đang trị vì vương quốc Israel, hoàng hậu Giêsaben một mặt đem việc thờ phượng các thần Baal vào nước, mặt khác tích cực bách hại các ngôn sứ của Yavê. Ngôn sứ Eâlia vì dám đương đầu với Bà cho nên bị bà truy nã ráo riết. Ông phải chạy trốn lên núi Horép. Ở đó Thiên Chúa đã hiện ra với Ông và thêm sức cho ông.
Đoạn trích này mô tả Thiên Chúa như là Đấng vô hình nhưng rất gần gũi và hùng mạnh : Eâlia không nhìn thấy Ngài, nhưng ông biết Ngài đang hiện diện bên cạnh ông qua một làn gió hiu hiu.
Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều (Tin Mừng Chúa nhựt tuần trước), Đức Giêsu giục các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia Biển Hồ. Còn Ngài thì ở lại giải tán dân chúng, rồi lên núi cầu nguyện một mình.
Đến chiều, thuyền các môn đệ gặp bão lớn, các ông vô cùng sợ hãi.
Chính lúc đó Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các ông. Ban đầu các ông tưởng là ma nên càng sợ hơn nữa. Nhưng khi đã nhận biết đó là Thầy mình thì các ông bình an trở lại và tuyên xưng "Thật Thầy là Con Thiên Chúa".
Phaolô là một nhà truyền giáo nhiệt thành. Tuy nhiên ông cảm thấy hầu như bất lực trong việc làm cho những đồng bào do thái của ông tin vào Đức Giêsu Kitô : "Tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn".
Vì yêu thương đồng bào và tha thiết với sự cứu rỗi của đồng bào, ông dám hy sinh tất cả : "Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Đức Kitô vì phần ích của anh em tôi".
Nhưng dù sao ông vẫn hy vọng rằng cuối cùng dân do thái sẽ tin, bởi vì dù sao họ cũng "được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa".
Hai hình ảnh về một lòng tin đã được thánh Mátthêu nối kết với nhau, như một đối trọng, nói lên sự hiện diện của "Thiên Chúa ở cùng" luôn là điều cần thiết cho các môn đệ năm xưa, cũng như cho mỗi người chúng ta hôm nay. Lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa như một mặt hồ phản chiếu. Có những lúc phẳng lặng trong suốt soi rõ những vẻ đẹp thiên nhiên. Nhưng nhiều khi chỉ một làn gió nhẹ làm gợn sóng, mặt hồ liền xao động, bao nhiêu vẻ đẹp đều tan biến.
Nhìn lại những thăng trầm cuộc đời, mỗi khi chúng ta được sống trong bầu khí an vui, được hài lòng với mọi sở nguyện, chúng ta dễ dàng xác tín và cảm nhận mạnh mẽ sự quan phòng của Chúa. Thế nhưng khi gặp phải những khó khăn thử thách, những điều bất ưng, những nghịch cảnh – như các môn đệ xưa giữa cơn sóng gió – chúng ta cũng dễ dàng hoang mang lo sợ và không nhận ra Ngài. Bởi lẽ chúng ta đã quá lo lắng về cuộc sống và chỉ biết tự lo liệu lấy một mình. Nhưng "Phúc thay ai bước đi không phải nhờ cái nhìn, mà nhờ sự phó thác của niềm tin" (Sh Roger). Quả thật, lòng tin của chúng ta đã nhiều lúc yếu ớt, mong manh – một khi chúng ta không biết tín thác vào Đức Kitô để có sự bình an, không cùng chia xẻ con đường thập giá, như một phương tiện để hưởng nhờ vinh quang với Ngài.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đón nhận thử thách như những cơ hội để trưởng thành lòng tin. Và xin cho chúng con luôn suy gẫm lời dạy của Thánh Bênađô : "Khi bạn được tràn đầy ơn phúc thì chớ có nói ‘Không gì làm tôi nao núng’. Như thế bạn sẽ không phải rên siết : Chúa vừa dấu tôn nhan, lòng tôi đã bàng hoàng" (Mai Chi, báo CgvDt, số đặc biệt Giáng sinh ’95, trang 228-229)
Đức tin không bảo đảm cho người tin khỏi gặp sóng gió, nhưng thêm sức cho người ấy có thể bước đi trên mặt nước giữa sóng gió tơi bời.
Hiểu như thế thì không phải chỉ một mình Phêrô, mà còn rất nhiều người có thể đi trên mặt nước :
- A là một sinh viên sống xa gia đình và ở nhà trọ. Sáng Chúa nhật, trời lạnh, chăn ấm. A không muốn ngồi dậy đi lễ. Vả lại anh cũng ngại bị những bè bạn ngoại đạo thấy anh đi lễ và chê cười anh còn mê tín dị đoan. Sau vài phút dằng co, A cương quyết tung chăn ngồi lên chuẩn bị đi lễ. Nghĩa là A bắt đầu bước đi trên mặt nước, bất chấp sóng gió của cơn mê ngủ và sự dị nghị của bạn bè.
- B là một cô gái độc thân, sau một lần nhẹ dạ đã phải mang thai. Nếu gia đình hay được, nếu hàng xóm biết được thì… ôi thôi, cô không dám nghĩ tiếp. Cô định đi phá thai. Nhưng rồi Cô can đảm giữ lại bào thai ấy. B cũng đang bước đi trên mặt nước bất chấp bao sóng gió phũ phàng của dư luận.
- C là một cảnh sát. Một tên bán ma túy hứa cho anh một số tiền lớn, chỉ cần anh làm ngơ cho việc làm của hắn ; nếu không hắn sẽ sai đồng bọn đến tính sổ với anh. Nhưng anh cương quyết chối từ. C cũng đang đi trên mặt nước, đi ngược với sức quyến rũ của đồng tiền và sóng gió của đe dọa.
Chúng ta còn có thể nghĩ ra thêm rất nhiều thí dụ khác, trong đó có thí dụ hợp với hoàn cảnh của chính mình. Quả thật, nếu có đức tin sống động, ai cũng có thể bước đi trên mặt nước giữa bao sóng gió của cuộc đời.
Cách viết của tác giả bài đọc I (1V 19,9a.11-13a) hàm chứa một bài học sâu sắc về sự hiện diện của Chúa : Khi ngôn sứ Eâlia đứng trong một hốc núi Horép, ông thấy một luồng gió mạnh xé núi xé non, nhưng Chúa không ở trong đó ; ông lại thấy một cơn bão rất mạnh làm cho đất bị động, nhưng Chúa không ở trong bão ; ông còn thấy lửa, nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Cuối cùng ông thấy một làn gió hiu hiu, ông được soi sáng cho biết có Chúa ở trong đó, ông liền cung kính lấy khăn che mặt lại để bước ra khỏi hang diện kiến Thiên Chúa.
Bài học là : Thiên Chúa không thích hiện diện trong những thứ ồn ào, uy phong, vĩ đại. Ngài thường hiện diện cách êm ả, âm thầm và nhẹ nhàng trong cái rất bình thường của đời thường.
Chúng ta không nhận ra được sự hiện diện của Chúa bởi vì chúng ta cứ mãi tìm Ngài trong những sự phi thường.
Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông : Tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp. Thế la lấy hết sức lực, người vô thần la lớn : "Lạy Chúa". Tuy nhiên bốn bề chỉ có thinh lặng và ông chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van. Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn : "Lạy Chúa, nếu quả thật Chúa hiện hữu thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa." Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao : "Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế." "Không, lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất." Tiếng ấy trả lời : "Được lắm, Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra." Người vô thần thất vọng thốt lên : "Buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao !" (Trích "Món quà giáng sinh")
b/ Đức tin lớn lao
Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hi vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi :
- Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao ?
- Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.
Thiên Chúa là Cha hay thương xót. Người luôn trợ giúp chúng ta dang lúc chúng ta cần. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.
1- Con thuyền Hội Thánh thường gặp nhiều phong ba bão táp / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho con thuyền Hội Thánh / luôn được an toàn giữa biển trần gian.
2- Hiện nay / có biết bao kẻ chịu thiệt thòi do nạn kỳ thị chủng tộc / màu da / ngôn ngữ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người / biết tôn trọng quyền lợi / và phẩm giá của những anh chị em ấy.
3- Đời sống khó khăn / lại gặp nhiều thất bại hay đau khổ / khiến một số kitô hữu chán nản thất vọng / mất niềm tin vào Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những t1in hữu đang gặp thử thách luôn hiểu rằng / chỉ có Chúa mới giúp họ đạt được thành công và hạnh phúc.
4- Đức Giêsu đã nói / "Anh em đừng xao xuyến / nhưng hãy tin vào Thầy" / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết luôn tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Chúa / giữa muôn vàn thử thách gian nan trong cuộc sống thường ngày.
CT : Lạy Chúa, cuộc sống chúng con thường ngày có quá nhiều buồn phiền và đau khổ, khiến lắm khi chúng con ngã lòng trông cậy. Vậy xin Chúa thương ban ơn trợ giúp, để dù gặp nghịch cảnh đến đâu đi nữa, chúng con vẫn luôn gắn bó và tin yêu Chúa. Chúng con cầu xin…
- Trước kinh Lạy Cha : Thiên Chúa là Cha luôn hiện diện bên cạnh ta, lúc nào Ngài cũng thấy ta và nghe tiếng ta. Vậy chúng ta hãy cùng nhau dâng lên Ngài lời kinh Lạy Cha.
- Sau kinh Lạy Cha : "... xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được luôn bình an, thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp..."
Thực là sung sướng khi được biết Chúa yêu thương luôn hiện diện bên cạnh chúng ta. Chúng ta hãy sống với Ngài, làm việc với Ngài và kết hợp tâm tình cùng Ngài trong mọi việc, mọi lúc và mọi nơi.
Sợi chỉ đỏ : Tất cả các bài đọc hôm nay, kể cả bài đọc II (thường không trùng với chủ đề của bài đọc Cựu Ước và bài Tin Mừng) đều có cùng một ý tưởng : Thiên Chúa muốn cứu độ hết mọi dân tộc.
- Bài đọc I : Thiên Chúa ban ơn cứu độ chẳng những cho dân do thái biết giữ ngày Sabbat, mà còn cho những người thuộc ngoại bang.
- Tin Mừng : Đức Giêsu cứu chữa con gái một phụ nữ ngoại xứ Canaan.
- Bài đọc II : Thánh Phaolô nói "Tôi là tông đồ dân ngoại"
Minh họa
- Mille images 114 E
- "Một người đàn bà Canaan kêu lên : Lạy Ngài là Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi" (Mt 15,22)
Trong khi chúng ta đang tập họp nhau trong nhà thờ này để thờ phượng Chúa, thì có nhiều người khác, tuy cũng là kitô hữu, không có mặt ; và còn biết bao anh chị em người lương chưa biết Chúa.
Thiên Chúa là Cha của hết mọi người, yêu thương hết mọi người và muốn ban ơn cứu độ cho hết mọi người.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các kitô hữu nguội lạnh trở về với tình thương của Chúa, và cho anh chị em người lương có dịp cảm nếm tình thương của Chúa.
Phần thứ ba của sách Isaia gồm các chương 56-66, được gọi là Đệ Tam Isaia. Phần này được viết sau khi dân Israel thoát ách lưu đày Babylon, hồi hương về thánh địa.
Đoạn được trích đọc hôm nay mở đầu phần này. Đại ý : Thiên Chúa đã đưa dân Ngài hồi hương từ chốn lưu đày. Ngài muốn mở rộng dân này, để không chỉ có người Israel mà có cả lương dân nữa, vì "nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc".
Câu chuyện xảy ra ở miền Tyrô và Siđon, tức là ngoài lãnh thổ Palestina. Nên nhắc lại là dân Israel nghĩ rằng Thiên Chúa là Chúa của riêng họ, Ngài không ban ơn cho dân ngoại. Người phụ nữ trong chuyện là một người ngoại. Chắc bà cũng chia xẻ quan niệm trên. Vì thế khi đến với Đức Giêsu, bà rất khiêm tốn, tự nhận mình là "chó con" và chỉ dám xin ăn những vụn bánh thừa từ bàn ăn của con cái trong nhà rớt xuống.
Nhưng Đức Giêsu, sau khi làm ra vẻ lạnh nhạt để thử đức tin của bà, đã phải nhìn nhận bà có đức tin rất mạnh. Và chính vì có đức tin cho nên bà được kể là con cháu của Abraham và do đó đáng được Đức Giêsu ban ơn.
Qua chuyện này, Đức Giêsu cho thấy : con cháu đích thực của Abraham -mà cũng là dân Thiên Chúa đích thực – không phải là những người cùng huyết thống với Abraham, nhưng là những người có đức tin như Abraham, kẻ được gọi là "Cha của những người tin".
Thánh Phaolô nói với những tín hữu Rôma vốn trước kia là lương dân nay đã tin vào Đức Kitô :
- Tôi là tông đồ dân ngoại
- Do việc đi rao giảng cho dân ngoại, nếu Phaolô có làm cho đồng bào do thái của ông phải phân bì, thì ông cũng chấp nhận, miễn là dân ngoại cũng được cứu độ.
Vào tháng 12 năm 1987 một cơn động đất lớn đã xảy ra ở xứ Armênia thuộc Liên Xô cũ giết chết hằng ngàn người. Trong số những người bị chôn dưới đống gạch vụn có hai mẹ con bà Suzanna. Hai mẹ con may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hủ mứt nhỏ. Nhưng chẳng bao lâu hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó đứa con 4 tuổi kêu lên : "Mẹ ơi con khát quá". Bà Suzanna không biết tìm đâu ra nước cho con. Nhưng tình mẫu tử đã gợi cho bà một sáng kiến táo bạo : bà dùng một miếng kính vỡ cắt đầu ngón tay mình cho máu chảy ra và đưa vào miệng đứa con cho nó mút. Một lúc sau nữa nó lại kêu khát, bà lại cắt một đầu ngón tay nữa. Cứ như thế cho đến cuối cùng người ta cứu hai mẹ con ra. Sau khi ra ngoài, bà mẹ cho biết rằng : "Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết. Nhưng tôi muốn con tôi sống"
Bà mẹ Canaan trong bài Tin Mừng hôm nay cũng giống Bà mẹ Armenia trong chuyện trên. Vì thương đứa con gái bị quỷ ám, bà đã lặn lội đi tìm Đức Giêsu, nài nỉ van xin Ngài, bị xua đuổi Bà vẫn kiên trì, bị Đức Giêsu nói nặng là "đồ chó", Bà vẫn không nản.
Những sự kiên trì và khiêm tốn ấy chẳng những chứng tỏ một tình yêu mãnh liệt mà còn chứng tỏ một đức tin không gì lay chuyển nổi. Chính Đức Giêsu đã đánh giá sự kiên trì của Bà là một bằng chứng đức tin : "Này Bà, Bà có lòng tin mạnh. Bà muốn sao thì được như vậy".
Tin và Yêu đi đôi với nhau ban cho người ta một sức mạnh vô địch giúp người ta can đảm, kiên trì và khiêm tốn.
Người phụ nữ Canaan, tuy biết rằng những người do thái mà bà đang khẩn cầu này nhìn bà cách kinh tởm, vẫn cứ nài nỉ dai dẳng. Các môn đệ, những người rất tôn trọng truyền thống, gợi ý với Thầy mình : Xin Thầy làm phép lạ cho bà ấy đi, để chúng ta được yên.
Đây là cuộc gặp gỡ do Chúa Quan Phòng xếp đặt. Vì lòng kiên trì của người phụ nữ sẽ thắng thái độ thinh lặng "theo luật" của Đức Giêsu. Nào Người sẽ giữ thái độ khép kín trong bốn bức tường định kiến của dân tộc Người chăng ? Nhưng vị tiên tri Nadarét đã phản ứng cách bất ngờ và gây sốc biết bao. Bằng chỉ một lời, Đức Giêsu đã quét sạch mọi cấm kỵ, mọi luật lệ, mọi quy ước do những con người nhỏ nhen tạo ra, và bắt đầu một cuộc đổi đời mà sẽ trở thành cuộc hiệp thông giữa mọi người.
Đứng trước nhóm biệt phái tức tối và nhóm môn đệ bàng hoàng, Đức Giêsu đã trân trọng lời của một phụ nữ, trân trọng đức tin của một người ngoại đạo, thái độ chứng tỏ cho mọi người thấy tâm hồn cao thượng và lòng tin tưởng sâu xa của bà. Bà nhận được phép lạ như lòng mong ước, đồng thời nhận được tình bạn của vị tôn sư, điều mà bà không dám nghĩ tới.
Giờ đây, người "dơ" trở nên mẫu mực cho người "sạch". Người mà đáng lẽ phải bị ruồng bỏ giờ đây được đón tiếp, người đáng lẽ bị nguyền rủa giờ đây được chúc mừng. Người phụ nữ Canaan bị các môn đệ khinh bỉ, giờ đây được sư phụ của họ tôn vinh. Người khách lạ trở nên người thân thuộc, và "con chó nhỏ" được ngồi vào bàn ăn của Chúa, sát bên Người.
Chúng ta cũng có những phụ nữ Canaan, những con chó nhỏ. Tinh thần Ghetto (pháo đài) về giai cấp, địa vị luôn rình rập ta. Tính tự cao tự đại khiến ta nghi kỵ ra mặt, khinh bỉ người khác không dấu diếm, hoặc kiêu căng nghĩ mình là trên hết. Nhưng nhiều khi những "con chó nhỏ" giúp ta nhảy qua rào cản của bè phái để mở ra đón nhận sự phong phú từ người khác, và mở ra đón nhận tình huynh đệ toàn cầu. Đâu là những "người khách lạ" khi chúng ta tham dự tiệc Thánh Thể ? (F. Declos, được trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 262-263)
Giáo huấn Chúa nhựt hôm nay có vẻ như mời gọi chúng ta truyền giáo, đem Tin Mừng của Chúa đến những anh em lương dân.
Thực ra nó còn hơn là truyền giáo nữa. Vì khi truyền giáo, chúng ta muốn dẫn người khác vào đạo của chúng ta. Đối với những người nào mà ta thấy không có hy vọng đem vào đạo thì chúng ta "dừng bước".
Giáo huấn hôm nay không "dừng bước" trước bất cứ người nào, cho dù họ nhất định không theo đạo Chúa, cho dù họ còn không cảm tình với đạo Chúa. Cho dù họ thế nào đi nữa, ta vẫn xác tín rằng Chúa cũng thương yêu họ như thương yêu chúng ta. Từ niềm xác tín ấy, chúng ta không loại trừ họ, không khinh bỉ họ, không coi họ là "người khác hệ". Trái lại chúng ta tôn trọng : tôn trọng suy nghĩ của họ, tôn trọng chọn lựa của họ. Chúng ta cũng yêu thương : yêu thương họ như Chúa yêu thương họ.
Ngày nọ, Chúa và tôi đến một hội chợ, không phải hội chợ thương mại, mà là Hội chợ Tôn giáo. Nhưng những người tham dự luôn tỏ ra hung bạo và tuyên truyền ầm ĩ.
Tại quầy hàng của người Do thái, chúng tôi nhận được những tờ quảng cáo nói rằng Chúa là Đấng thương xót và dân Do thái là dân được Ngài tuyển chọn. Ngoài những người Do thái, không ai khác được chọn như họ.
Tại quầy hàng của người Hồi giáo, chúng tôi học biết rằng Chúa đầy lòng khoan dung và Mohammed là ngôn sứ duy nhất của Ngài. Sự cứu độ đến nhờ việc nghe ngôn sứ duy nhất của Chúa.
Tại quầy hàng của người Kitô giáo, chúng tôi khám phá ra Chúa là tình yêu và không có sự cứu độ ở ngoài giáo hội. Hoặc gia nhập giáo hội hoặc phải chịu kết án đời đời.
Trên đường trở ra, tôi hỏi Chúa : "Ngài nghĩ gì về những điều nói về Chúa ?"
Chúa nói : "Ta không tổ chức Hội chợ đó. Ta thấy xấu hổ ngay cả khi đến thăm nó".
b/ Các tôn giáo
Chúa Giêsu nói rằng Ngài chưa bao giờ xem bóng đá. Vì thế, bạn tôi và tôi dẫn Ngài đi xem một trận. Đó là trận đấu gay cấn giữa những người Tin lành và những người Công giáo.
Người Công giáo ghi bàn thắng trước. Chúa Giêsu reo hò và tung mũ lên. Rồi đến người Tin lành ghi bàn thắng, Chúa Giêsu cũng reo hò và tung mũ. Điều này gây khó chịu cho anh thanh niên ngồi sau chúng tôi. Anh vỗ nhẹ lên vai Chúa Giêsu và hỏi : "Này anh bạn tốt, anh ủng hộ bên nào ?"
Lúc này Chúa Giêsu thấy hứng thú vì trận đấu, Ngài trả lời : "Tôi hả ? Ồ, Tôi không đứng về bên nào. Tôi chỉ thưởng thức trận đấu".
Anh quay sang người bạn bên cạnh, nhếch mép cười : "Hừ, kẻ vô thần".
Trên đường trở về, chúng tôi cho Chúa Giêsu biết về tình trạng các tôn giáo trên thế giới ngày nay : "Chúa ạ, thật buồn cười về những người trong các tôn giáo. Dường như họ luôn nghĩ rằng Chúa chỉ đứng về phía họ và chống lại những người khác".
Chúa Giêsu đồng ý : "Đó là lý do tại sao Ta không ủng hộ các tôn giáo. Ta ủng hộ con người. Con người quan trọng hơn tôn giáo. Con người quan trọng hơn ngày Sabát".
Một trong chúng tôi nói với vẻ lo lắng : "Ngài phải thận trọng. Ngài biết, Ngài đã một lần bị đóng đinh vì nói như thế".
Thiên Chúa là Chúa của mọi người, mọi dân tộc. Ngài yêu thương tất cả và muốn cứu độ tất cả. Chúng ta cùng dâng lời cầu xin Chúa.
1- Hội Thánh là ánh sáng của muôn dân, Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa giúp Hội Thánh biết cách giới thiệu hình ảnh Thiên Chúa yêu thương cho tất cả mọi người trong thế giới hôm nay.
2- Trên thế giới, có nhiều nơi đang xảy ra chiến tranh, nhiều nơi nghèo túng khốn khổ. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các nhà lãnh đạo những nơi ấy tìm ra những biện pháp hữu hiệu để tái lập hòa bình và giúp dân mình được no cơm ấm áo.
3- Đất nước chúng ta có nhiều tôn giáo và nhiều người không tôn giáo nào cả. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người đối xử với nhau trong tinh thần tôn trọng và yêu thương.
4- Do thành kiến đạo mình là tốt nhất, nhiều kitô hữu có thái độ khinh miệt những người khác không cùng tín ngưỡng, khiến cho hình ảnh của Thiên Chúa và của Giáo Hội trở thành méo mó xấu xa trước mặt người khác. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta sống hòa thuận, tôn trọng và tương thân tương ái với hết mọi người trong phạm vi giáo xứ của mình.
CT : Lạy Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Đấng cho mặt trời chiếu sáng trên kẻ lành người dữ, cho mặt trời mọc lên trên tất cả mọi người. Xin ban cho chúng con tấm lòng quảng đại bao la của Chúa, để chúng con có thể tôn trọng và yêu thương hết mọi người như Chúa đã yêu thương. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.
- Kinh Tiền Tụng : Nên đọc Kinh Tiền tụng Chúa nhật thường niên III, nói tới ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.
- Trước kinh Lạy Cha : Trong lời kinh Lạy Cha hôm nay, chúng ta đặc biệt cầu xin cho "Nước Cha trị đến" nơi tâm hồn tất cả mọi người và mọi dân tộc trên khắp thế giới.
Trong anh chị em đang hiện diện ở đây, có người làm cha, có người làm mẹ, có người làm con… người nào cũng có trách nhiệm trong gia đình.
Đối với giáo xứ, có người được giao trọng trách trong Hội đồng giáo xứ, trong ban trị sự khu xóm, trong các giới các đoàn thể. Những người khác không có chức tước, nhưng cũng có trách nhiệm xây dựng giáo xứ và Giáo Hội. Ai cũng có trách nhiệm.
Đối với xã hội và đất nước cũng thế… Không ai được quyền chỉ lo cho mình hoặc chờ người khác lo cho mình. Ai ai cũng có trách nhiệm với người khác.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa giúp mỗi người chúng ta ý thức trách nhiệm của mình, và xin Ngài giúp sức để chúng ta chu toàn trách nhiệm ấy.
Thời vua Eâdêkia làm vua nước Giuđa (thế kỷ thứ 8 trước công nguyên), Sobna làm quan cai đền thờ. Vì ông này không xứng đáng nên bị cách chức, và chức vụ này được trao cho một người khác tên là Eâliakim.
Những điều đáng chú ý trong chuyện này là :
- Chính Thiên Chúa trao trách nhiệm cho con người : mặc dù Eâliakim phục vụ cho vua Eâdêkia, nhưng trách nhiệm của Eâliakim không phải do vua trao, mà do chính Thiên Chúa.
- Khi Thiên Chúa trao trách nhiệm cho ai thì Ngài cũng ban cho người đó những trợ giúp cần thiết để có thể chu toàn trách nhiệm : Ngài trao cho Eâliakim "áo choàng" và "đai lưng", tức là những thứ bề ngoài để người lãnh trách nhiệm có một tư cách được người ta nhìn nhận ; Ngài cũng trao cho Eâliakim "chìa khóa", nghĩa là thẩm quyền để hành xử trong phạm vi trách nhiệm của mình ; Ngài còn hứa "sẽ đóng nó vào nơi kiên cố như đóng đinh", nghĩa là che chở, trợ giúp để ông thi hành trách nhiệm.
Đức Giêsu trao cho Phêrô "chìa khóa Nước Trời", nghĩa là ông được làm người quản trị của Hội Thánh mà Ngài sẽ thành lập. Việc trao trách nhiệm này có một số điều đáng ta lưu ý :
- Phêrô được giao trách nhiệm sau khi tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu : "Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống" à Người lãnh trách nhiệm của Chúa phải có đức tin vào Chúa.
- Đức Giêsu bảo đảm rằng Thiên Chúa sẽ hỗ trợ cho trách nhiệm của Phêrô : "Điều gì con cầm buộc… trên trời cũng cầm buộc ; điều gì con tháo cởi… trên trời cũng tháo cởi".
- Tuy nhiên người lãnh trách nhiệm không hẳn là người hoàn toán xứng đáng, thánh thiện : vừa được trao trách nhiệm cao cả, đã can gián Chúa chịu nạn chịu chết và bị Ngài quở trách nặng lời : "Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy".
Thánh Phaolô ca tụng sự khôn ngoan vô cùng của Chúa : "Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa. Sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được"
1. Mỗi người chúng ta cũng là một viên đá sống động
Bài Tin Mừng hôm nay kể rằng Thánh Phêrô đã được Đức Giêsu chọn làm tảng đá để xây dựng Hội Thánh của Ngài trên đó. Nhưng ngoài tảng đá Phêrô, Chúa còn xây dựng Hội Thánh của Ngài trên tảng đá nào khác nữa không ? Đây là một câu hỏi thú vị. Câu hỏi thú vị này lại có câu trả lời thú vị không kém, mà lại là câu trả lời của chính tảng đá Phêrô : Thưa có, mỗi kitô hữu cũng là một viên đá để xây dựng Hội Thánh. Nguyên văn câu nói của Phêrô trong thư thứ nhất của ngài là : "Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên Đền thờ thiêng liêng" (1 Pr 2,5)
Như thế, thánh Phêrô không dành độc quyền xây dựng Hội Thánh mà chia quyền ấy cho mọi kitô hữu. Công đồng Vaticanô II cũng nói không khác với Phêrô : mọi kitô hữu đều có sứ mạng xây dựng Hội Thánh, mỗi người trong cương vị của mình, hoàn cảnh của mình và theo khả năng của mình.
Có một bài cầu nguyện rất đặc biệt mà tôi đã đọc trong một quyển sách. Tôi không còn nhớ tựa đề quyển sách đó, cũng không nhớ tên tác giả, nhưng vẫn nhớ nội dung lời cầu nguyện ấy mặc dù không nhớ kỹ từng lời. Đó là lời cầu nguyện của một viên gạch. Viên gạch này nằm sát chân tường. Đôi khi nó nhìn lên những viên gạch khác và trong lòng nó chợt nảy ra những so sánh, những ước ao, và nó cầu nguyện như sau :
Lạy Chúa, con chỉ là một viên gạch tầm thường nằm sát dưới chân tường.
Con không được như viên gạch xây cửa, ở ngay tầm mắt người ta.
Con không được như viên gạch xây mặt tiền, hãnh diện nhìn người qua kẻ lại và sung sướng được người ta khen đẹp.
Con không được như viên gạch trong phòng khách, hàng ngày được người ta lau chùi đánh bóng.
Con chỉ là một viên gạch tầm thường nằm sát chân tường.
Nhưng viên gạch ấy đã suy nghĩ, rồi nó cầu nguyện thêm :
Nhưng lạy Chúa, con vui vì chỗ ở của con, con vui với nhiệm vụ của con. Con mừng vì con cũng có góp phần trong ngôi nhà xinh đẹp này. Không có phần nhỏ bé và âm thầm của con thì bức tường sẽ đổ, ngôi nhà sẽ sập. Mặt tiền xinh đẹp kia không còn, cánh cửa xinh đẹp kia không còn, phòng khách xinh đẹp kia cũng không còn.
Bài Tin Mừng về việc Chúa chọn Phêrô làm đá tảng xây dựng Hội Thánh khiến ta liên tưởng tới một đoạn Tin Mừng khác, Đức Giêsu nói về việc xây nhà trên đá (Mt 7,24-27).
Xây nhà trên đá là gì ? Thưa là biết lắng nghe Lời Chúa và nhất là sau đó đem Lời Chúa ra thi hành. Đức Giêsu bảo người đó là người khôn. Còn kẻ nào không lắng nghe Lời Chúa và nhất là không thi hành lời Chúa thì giống như người ngu xây nhà trên cát.
Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm xây dựng Giáo Hội, xây dựng giáo xứ, xây dựng xã hội và xây dựng gia đình. Việc xây dựng đầu tiên, làm nền tảng cho mọi cuộc xây dựng tiếp theo, chính là nỗ lực lắng nghe và sống Lời Chúa.
3. Đừng là gánh nặng cho nhau, mà hãy là đá để thành chỗ dựa cho nhau
Trong cuộc sống chung, khi mọi việc đều êm xuôi tốt đẹp thì hòa thuận yêu thương nhau rất là dễ, hạnh phúc như đang bao bọc chung quanh mình. Nhưng khi khó khăn xảy đến thì mọi người đều buồn phiền, bực bội, gắt gỏng… Một chuyện nhỏ cũng có thể gây nên một xung đột lớn. Tại sao thế ?
Thưa vì trong những lúc khó khăn như thế, người ta chỉ còn nghĩ đến nỗi khổ của mình mà không còn nghĩ đến người khác, người ta chỉ nhớ rằng người khác phải có trách nhiệm với mình mà quên rằng mình cũng có trách nhiệm với người khác.
Ai nấy cũng đã khổ rồi, sao còn vô tình làm khổ nhau thêm ? Phải chi mỗi người nhớ đến trách nhiệm của mình để đến an ủi người khác, san xẻ gánh nặng của người khác, và trở thành chỗ dựa cho người khác thì tốt hơn biết mấy !
Hạnh phúc không phải do thụ động chờ mà tới. Hạnh phúc phải do con người xây dựng, người này xây dựng cho người kia, mọi người xây dựng cho nhau.
Có một người làm công, ngày ngày đi quét lá rừng rụng xuống, gom lại một nơi rồi hốt đi. Một hôm một đoàn người lên rừng chơi, thấy người quét lá họ rất đỗi ngạc nhiên, và họ càng ngẩn ngơ khi biết rằng chính Hội đồng Thành phố đã thuê với số lương 7000 đồng một tháng.
Sau một hồi vãng cảnh, đoàn người trở về. Một số người tìm đến ông Chủ tịch Hội đồng thành phố đề nghị hủy bỏ phụ khoản chi tiêu cho việc quét lá rừng vì quá vô ích. Ông Chủ tịch cũng như Hội đồng chẳng hiểu căn do của phụ khoản kia, vì họ chỉ làm theo truyền thống, nên cuối cùng quyết định không thuê người quét lá rừng nữa.
Ngay giữa thành phố có một cái hồ rộng lớn, nước trong xanh, cây to in bóng mát, người qua lại dập dìu. Mọi người ca tụng nó là viên ngọc trai điểm trang cho thành phố. Nhưng lạ thay, một tháng sau ngày người quét lá rừng nghỉ việc, nước hồ trở nên đục ngầu bẩn thỉu, không còn thấy bóng người hóng gió ngoạn cảnh, quán xá bên bờ hồ vắng tanh... Cả thành phố trở nên buồn tẻ mà không hiểu tại đâu. Hội đồng Thành phố nhóm ngay phiên họp bất thường để tra xét hiện tượng trên. Và sau cùng họ tìm ra nguyên nhân : do người phu quét là rừng nghỉ việc nên lá rừng rụng xuống, gió đùa lá bay tứ tung trên mặt đường, rồi rơi xuống hồ nước trong xanh, gây nên tình trạng ô nhiễm...
Và ngay hôm đó họ tái dụng người phu quét lá với số lương còn cao hơn xưa. (Trích "Phúc")
b/ Trung thành với trách nhiệm
Một ngày nọ vào năm 1780 bỗng dưng cả vùng tiểu bang Connecticut bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế. Khi đó Hội đồng lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc họp để họ có thể về nhà cùng với gia đình chờ Chúa đến. Nhưng ông chủ tịch nói : "Không biết hôm nay có phải là ngày tận thế hay không. Nếu không thì không cần hoãn họp. Còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu toàn nhiệm vụ hơn nữa. Xin thắp nến lên" (Drinkwater).
Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh để tiếp tục công cuộc cứu độ của Người. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.
1- Đức Thánh Cha là đấng kế vị Thánh Phêrô / và thay mặt Chúa Giêsu / hướng dẫn dân Chúa trên đường lữ thứ trần gian / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa luôn gìn giữ Người khỏi mọi hiểm nguy / và giúp đỡ Người chu toàn trọng trách của mình.
2- Các Đức Giám mục là những đấng kế vị các thánh tông đồ / là thầy dạy chân lý cho các kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa luôn soi sáng / hướng dẫn / và nâng đỡ các ngài trong đời sống mục vụ / vốn đầy dẫy những khó khăn và đau khổ.
3- Tuyên xứng đức tin phải là việc làm thường xuyên của những người tin Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho các kitô hữu / luôn hiên ngang sống đức ái đã lãnh nhận / bất chấp những thử thách cam go trong cuộc sống thường ngày.
4- Bổn phận của người kitô hữu là luôn yêu mến / vâng lời / và bênh vực Hội Thánh / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn trung thành với Hội Thánh / mến yêu hàng giáo phẩm / nhất là biết tích cực cộng tác với các ngài trong việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô.
CT : Lạy Chúa, theo Thánh Gioan Tông đồ, tin không phải là tuân giữ một số điều răn, nhưng là gắn bó và dấn thân theo Chúa. Xin cho tất cả chúng con biết cố gắng sống trọn vẹn niềm tin mà thánh Gioan đã nhắc nhở chúng con. Chúng con cầu xin nhờ…
- Trước kinh Lạy Cha : Trong kinh Lạy Cha hôm nay, khi đọc câu "Xin cho Nước Cha trị đến", chúng ta hãy tha thiết cầu xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết nghĩ đến trách nhiệm của mình trong việc xây dựng Nước Chúa.
Chúng ta đã ý thức trách nhiệm của mình đối với Giáo Hội, xã hội và gia đình. Anh chị em hãy ra về và cố gắng chu toàn những trách nhiệm ấy.
Sợi chỉ đỏ : Tất cả các bài đọc hôm nay đều gom vào chủ đề muốn theo Chúa thì phải từ bỏ mình và vác thập giá.
- Bài đọc I : Lời tâm sự của ngôn sứ Giêrêmia : vì làm ngôn sứ của Chúa mà Giêrêmia phải chịu biết bao đau khổ "Lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhọc nhã và bị chế nhạo suốt ngày"
- Đáp ca : Lời cầu nguyện của một tâm hồn thiết tha yêu mến Chúa. Trong cuộc sống khó khăn, tác giả khát khao được gặp Chúa.
- Tin Mừng : Đức Giêsu báo tin thương khó lần thứ nhất. Ngài còn nói rõ : "Ai muốn theo Ta thì phải từ bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo".
- Bài đọc II : Thánh Phaolô kêu gọi tín hữu hãy "hiến thân làm của lễ sống động và thánh thiện" cho Thiên Chúa.
Minh họa
- Mille images 70 D
- "Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mt 16,24)
Đoạn này được các nhà nghiên cứu Thánh Kinh gọi là "Lời tự thú của Giêrêmia", trong đó vị ngôn sứ than thở về biết bao đau khổ ông phải chịu do sứ mạng làm ngôn sứ cho Chúa.
Thực vậy, sứ mạng của Giêrêmia không được trơn tru và thành công, nhưng gặp phải rất nhiều chống đối : lời ông giảng không được người ta đón nghe, trái lại còn chế nhạo, phản đối, thậm chí lên án nữa (vì ông công kích cuộc sống tội lỗi của họ, loan báo án phạt của Chúa…). Nhiều lần người ta âm mưu sát hại ông khiến ông chỉ thoát chết trong đường tơ kẻ tóc…
Nhưng dù than thở như thế, Giêrêmia cũng thú nhận là ông không thể nào từ bò sứ mạng đau khổ đó, bởi lẽ "Chúa đã quyến rũ được con, Chúa đã hùng mạnh hơn con và đã thắng con".
Thánh vịnh này được xếp vào loại các Thánh vịnh cầu nguyện trong cơn khốn khó.
Tác giả là người thiết tha yêu mến Chúa. Yêu mến ai thì khát khao gặp được người đó. Tác giả cũng thế, nhất là trong lúc khốn khó, tác giả khao khát được gặp Chúa, như đất khô cằn mong gặp được nước.
Sau khi Đức Giêsu loan báo Ngài sẽ chịu nạn chịu chết, Phêrô kéo Ngài lại và ngăn cản. Đức Giêsu trách mắng ông rất nặng lời, Ngài gọi ông là Satan.
Sau đó, Đức Giêsu còn nói về điều kiện của những ai muốn làm môn đệ Ngài ("đi theo" trong cách nói do thái có nghĩa là làm môn đệ) :
- Điều kiện thứ nhất là từ bỏ mình.
- Điều kiện thứ hai là vác thập giá mình.
Nên chú ý một số chi tiết có ý nghĩa sâu sắc :
. "Từ bỏ chính mình" : xem ra từ bỏ mình nghĩa là tha hoá, vong thân (aliénation), mình không còn phải là mình nữa. Xét theo tâm lý học thì điều này không tốt, vì mỗi người phải giữ cái độc đáo của mình. Nhưng xét theo thần học thì lại rất tốt : tuy ta không còn là mình nữa nhưng ta hóa nên giống Đức Giêsu thì thật tuyệt vời. Lý tưởng mà thánh Phaolô luôn nhắm tới là được trở nên "đồng hình đồng dạng" với Đức Giêsu. Hơn nữa đây thực sự không phải là "tha hóa" mà là tìm lại chính mình, bởi vì từ đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người "giống hình ảnh" Ngài. Chỉ sau đó do tội lỗi nên con người bị "tha hóa". Nay cố gắng trở nên giống Đức Giêsu chính là tìm lại hình ảnh ban đầu.
. "Vác thập giá mình" : Kiểu nói này có nhiều nghĩa : a/ Đón nhận những khổ cực của mình, cũng như Đức Giêsu đã đón nhận những khổ cực của Ngài ; b/ Theo luật hình sự Rôma, người bị kết án đóng đinh phải tự mình vác lấy thập giá của mình ra pháp trường. Như thế, "vác thập giá mình" nghĩa là coi như mình đã bị kết án tử ; c/ câu 25 giải thích câu 24 : "Quả thật ai liều mất mạng sống mình vì tôi…". Như thế "vác thập giá" có nghĩa là "liều mất mạng sống", hay nói nôm na là "liều mạng" vì Chúa.
Những lời Thánh Phaolô viết trong đoạn thư này cũng có ý nghĩa tương đương với lời Đức Giêsu kêu gọi môn đệ hãy từ bỏ và vác thập giá mình : tín hữu hãy coi mình như một của lễ, cho nên hãy dâng bản thân mình cho Chúa, giống như chủ tế dâng của lễ lên Thiên Chúa trong một Thánh lễ.
Thánh Phaolô khuyến khích : đó là một việc rất đẹp lòng Chúa, và đó chính là việc phụng thờ hợp lý đáng làm nhất.
Đa số chúng ta nghĩ rằng từ bỏ là một điều gì đó bất thường, vì thế chúng ta không muốn từ bỏ.
Thực ra, từ bỏ là điều rất bình thường, rất cần thiết nữa là đàng khác, cho nên có thể nói từ bỏ là một quy luật.
- Quy luật của sinh tồn : có nhiều thứ nếu ta không chịu bỏ thì ta sẽ chết. Chẳng hạn ta có một khúc chân đang bị hoại tử. Nếu không cắt bỏ nó đi thì chứng hoại tử sẽ lan dần đến toàn cơ thể làm ta phải chết.
- Quy luật của phát triển : cơ thể ta hằng ngày hằng giờ hằng phút đều bỏ đi những chất thải, bỏ đi một số tế bào già nua để thu nhận vào những chất dinh dưỡng, để sinh những tế bào mới. Nhờ đó cơ thể lớn dần lên. trong quá trình phát triển, con người phải từng giai đoạn bỏ đi đứa bé sơ sinh, đứa trẻ con ấu trĩ… có thế mới phát triển dần thành người lớn.
- Quy luật của cải thiện : cải thiện là bỏ đi những cái chưa tốt để lấy vào những cái tốt hơn.
- Quy luật của tiếp nhận : có bỏ thì mới có nhận. Thí dụ ta có một cái chai đang đựng nước. Muốn có một lít rượu thì trước hết phải đổ bỏ một lít nước kia ra khỏi cái chai.
Chẳng những phải bỏ bớt, bỏ cái này, bỏ cái kia… mà có khi phải bỏ hoàn toàn, bỏ tất cả nữa. Chẳng hạn chiếc xe gắn máy của tôi đã hư quá nặng, nếu tiếp tục xài thì có ngày sẽ gây tai nạn, có sửa bộ phận này bộ phận khác cũng không bảo đảm an toàn. Vì thế tôi phải bỏ hẳn để mua một chiếc xe khác.
Làm môn đệ Đức Giêsu là làm một người khác hẳn, cho nên không lạ gì khi Ngài bảo chúng ta phải "từ bỏ mình". Cái phần "mình" được bỏ đi bao nhiêu thì cái phần "Chúa" được gia tăng bấy nhiêu. "Từ bỏ mình" hoàn toàn thì sẽ trở thành "Kitô khác" hoàn toàn.
Như thế tuy bỏ nhưng không mất, mà lại được ; không thiệt thòi mà lại có lợi hơn. Thánh Phanxicô Assisi nói : "Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời".
Nói "từ bỏ" thì ta cảm thấy tiếc. Nhưng nếu nói "hiến dâng" như Thánh Phaolô (bài đọc II) thì ta thấy hăng hái hơn. Vì thế, xem ra câu của Thánh Phaolô "Anh em hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động cho Thiên Chúa" tuy cũng cùng ý nghĩa với câu Đức Giêsu nói "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình", nhưng tích cực hơn.
- "Hiến thân" hàm chứa tình yêu : yêu là cho, yêu trọn vẹn thì không chỉ cho món này món nọ, mà cho cả con người của mình. Hiến thân.
- "Hiến thân" là một hành vi tự do : không ai ép buộc, chỉ vì yêu nên tự nguyện hiến thân.
- "Hiến thân" còn có giá trị tôn thờ : dùng thân mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa để thờ phượng Ngài. Cuộc sống trở thành phụng tự. Cuộc đời trở thành Thánh lễ.
Nếu ta chăm chú nghe Lời Đức Giêsu, ta sẽ thấy rằng Người không nói chống đối sự sống. Người không đòi hỏi các môn đệ phải bỏ sự sống. Trái lại Người kêu mời họ sống phong phú hơn. Người chỉ cho thấy con đường sống thôi thúc người ta sống tốt tối đa, tức là sống để trao ban chính bản thân. Ai khép kín trong vỏ ốc của mình, ai chỉ lo cho bản thân mình, sẽ héo tàn, bởi vì con người không thể thành tựu nếu chỉ đóng kín lo cho mình. Nếu bạn khép kín, bạn sẽ chết trong khi nghĩ rằng mình giữ được sự sống. Thu tích của cải để phòng thân sẽ không ích gì nếu bạn đánh mất chính mình. Con người ta không thể được cứu rỗi nhờ những của cải mình có, nhờ của "sở hữu", nhưng nhờ đức tính của đời sống. Tính "người" được lớn lên khi ta quên mình và trao ban thân mình. "Nếu người ta được cả thế giới mà thiệt mất mạng sống mình, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?" Đức Giêsu nhắc cho ta vẻ cao trọng của con người. Trái tim con người được tạo nên để mở ra, để thương, và bạn không thể yêu thương nếu bạn không cho đi và trao ban chính mình. "Yêu là cho tất cả và trao ban chính bản thân mình", thánh Têrêxa Hài Đồng đã nói. Nếu bạn muốn tự cho mình là trung tâm vũ trụ, nếu bạn muốn quy chiếu mọi sự vào bạn, bạn sẽ đánh mất bản thân : mất linh hồn, yếu tố nhờ đó mà sự sống thực sự là của con người.
Thật là một nghịch lý cho con người. Anh ta chỉ thật sự thành tựu cuộc sống trong khi anh khước từ nó để cho đi. Chúng ta có thể nhận thấy ở ngay quanh ta, mặc dầu ta không dễ chấp nhận điều đó áp dụng cho chính mình : những người thành tựu, cuộc sống tốt đẹp và hữu ích, là những người không tìm dễ dãi, là những người cho đi thời gian, sức lực, lòng tận tuỵ để phục vụ tha nhân… cho đến hy sinh sự sống của mình. Đức Giêsu đã đề cập và soi sáng vẻ cao đẹp chỉ con người mới có này. Không những Người đã sống như thế, Người còn mặc khải ý nghĩa đầy đủ : Ai muốn theo tôi… Nào chúng ta lại không muốn bước theo Người sao ? Con đường thập giá, Người đã làm cho nó trở thành cửa ngõ quãng đường dẫn vào cuộc sống sung mãn bất ngờ : đó là phục sinh. Những câu tiếp theo liên quan đến phần thưởng Người nói về kết cục của cuộc sống con người. Không phải một lời đe dọa đâu, mà là một lời hứa. "Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm". Không có gì phải sợ khi bạn liều mạng sống vì Đức Giêsu, vì đó là một bảo đảm tốt nhất cho sự thành tựu cuối cùng. "Ai liều mạng sống mình vì Thầy, sẽ tìm lại được nó". Đức Giêsu mời ta cân nhắc tầm vóc đời đời của những lựa chọn của ta, và tương lai vô tận của tình thương đã trao ban. (Mgr Daloz, trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 275-276)
Có một thuyền trưởng ghé tàu qua đảo hoang, bắt gặp một khối lượng nam châm rất lớn. Ông đem hết lên tàu để về làm giàu. Nhưng tàu bị lạc giữa biển không sao định hướng được, kim nam châm hải bàn lúc nào cũng chỉ về phía khoan tàu chứa khối nam châm. Cuối cùng lương thục thiếu, nhiên liệu cạn dần, người thuyền trưởng phải quyết định vất bỏ khối nam châm để hải bàn có thể định hướng đúng mà cứu sống cả con tàu. (Trích "Phúc")
b/ Dấu nhận ra Chúa
Có lần một nhà truyền giáo hỏi lớp giáo lí Thánh Kinh : nếu các bạn thấy một nhóm gồm 12 người đàn ông rất giống nhau, trong đó có đức Kitô, làm sao các bạn nhận ra Ngài ? Nhiều người bảo không biết. Nhưng một em bé nói : "Nhờ những dấu đanh trên tay Ngài".
Đường lối của Thiên Chúa thường khác xa với những suy nghĩ tầm thường của loài người. Luôn xác tín Thiên Chúa là Đấng thượng trí vô song, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.
1- Hội Thánh không ngừng rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thập giá / và sống lại khải hoàn để cứu chuộc nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho việc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh / được nhiều người thành tâm đón nhận.
2- Ngày nay nhiều người thích đời sống dễ dãi / hơn là chấp nhận những hy sinh gian khổ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho có nhiều kitô hữu / dám vì Chúa mà hy sinh phục vụ những người bất hạnh nhất của xã hội.
3- Phải qua thập giá rồi mới bước vào vinh quang / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu hiểu rằng / nếu muốn được chia xẻ vinh quang với Chúa / họ phải đi qua con đường hẹp / đầy dẫy những thử thách gian nan / nhưng là con đường dẫn tới sự sống muôn đời.
4- "Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người dám thí mạng vì bạn hữu mình" / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết yêu thương nhau như Chúa đã dạy.
CT : Lạy Chúa Giêsu, bản tính con người chúng con rất sợ phải gặp đau khổ trong cuộc sống thường ngày. Do đó, nếu Chúa không ban ơn giúp sức, chúng con không thể nào vác thập giá theo chân Chúa đến cùng được. Vậy xin Chúa ban ơn trợ giúp cho chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
- Trước kinh Lạy Cha : Làm con thì phải vâng theo ý Cha mình. Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha, đến nỗi hy sinh cả mạng sống. Chúng ta hãy kết hợp tâm tình với Đức Giêsu để dâng lên Chúa Cha lời kinh sau đây.
- Sau kinh Lạy Cha : "... xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Xin giúp chúng con cam đảm từ bỏ mình và hằng ngày vác thập giá đi theo Con Cha. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp..."