Đầu thế kỷ IV, Ario (linh mục) truyền bá lạc thuyết: “Đức Kitô không phải là Con Thiên Chúa”; đỡ đầu cho lạc thuyết này có Hoàng đế Theôđôsiô. Cũng vào lúc ấy vị hoàng đế này phong cho hoàng tử mới 16 tuổi của ông được cùng trị vì trên ngai vàng với ông. Trong số khách được mời đến dự lễ phong vương, có Đức Giám mục Amphilôcô. Đức Giám mục chỉ nói vài lời chúc mừng rồi chuẩn bị ra về. Hoàng đế giận dữ hỏi:
- Ngài không quan tâm đến hoàng tử sao? Ngài không biết rằng ta phong cho hoàng tử cùng trị vì với ta hay sao?
Vị giám mục bình thản trả lời:
- Tâu hoàng thượng, hoàng thượng phật ý trước sự giả bộ thờ ơ của tôi đối với hoàng tử, vì tôi đã tỏ ra không tôn kính hoàng tử như bệ hạ mong muốn. Vậy Thiên Chúa sẽ nghĩ sao về hoàng thượng khi hoàng thượng không công nhận và giáng cấp Con của Người?
Hoàng đế Theôđôsiô im lặng vì không thể trả lời được.
Truyện gợi vài ý: - hiểu biết chân lý và những điều thiện hảo trong Tin mừng là ơn Chúa ban để sống đẹp lòng Chúa hơn – Chúa ban cho ai Người muốn – khiêm nhu, nhỏ bé là cơ hội.
Không ai tự hiểu biết nhưng do Chúa ban: nào là ơn hiểu biết Chúa Kitô (hiểu biết luôn Chúa Cha), nào ơn hiểu biết có thực thi Lời Chúa mới thực tin Chúa, nào hiểu biết có yêu người mới đúng yêu Chúa, nào được sống thêm một giây thì giây ấy phải là giây sám hối v.v… còn nhiều ơn hiểu biết khác. Mỗi lần được thêm một ơn hiểu biết là mỗi lần sửng sốt vì sự ngu dốt của mình.
Ơn hiểu biết được ban theo sự tuyển chọn của Chúa: “Nước Trời như chiếc lưới cá”(Mt 13,47-53), “Ai có tai hãy nghe” (Lc 8,8), “Gọi thì nhiều chọn thì ít” (Mt 22,14)…
Cơ hội để được tuyển chọn nằm trong câu Chúa Giêsu cầu nguyện: "…vì Cha đã giấu không cho kẻ khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn…” (Mt 11,25-27).
NK
Có một cuốn sách của một nhà cải cách tôn giáo thế kỷ 15, trong đó ông kể một câu chuyện xảy ra từ khi ông còn nhỏ. Câu chuyện ấy đã thay đổi toàn bộ cuộc đời ông.
Ông kể rằng một ngày nọ ông đi qua một tòa nhà lớn đang xây dưới ánh mặt trời nóng đến rộp cả da, quanh đó là những người đàn ông đang bưng bê gạch đá, tất cả đều ướt đẫm mồ hôi.
Ông đến hỏi:
- Các anh đang làm gì thế?
Thế là ông nhận được 3 câu trả lời hoàn toàn khác nhau.
Người thợ xây thứ nhất nói với một thái độ gắt gỏng:
-Anh không thấy đường à? Tôi đang cực khổ trét hồ để ốp từng viên gạch chứ còn làm gì nữa.
Người thợ xây thứ hai điềm tĩnh hơn, ông ta xếp các viên gạch thành một hàng ngay ngắn, lướt mắt nhìn chúng rồi nói:
- Tôi đang xây một bức tường đấy thôi.
Ông tiến đến hỏi người thợ xây thứ 3, dường như có một luồng ánh sáng nhẹ nhàng, phấn khởi trong mắt người đàn ông này khi ông đặt những viên gạch xuống, ngẩng đầu lên, lau mồ hôi và nói rất hãnh diện:
-Anh hỏi tôi à? Chúng tôi đang xây một công trình vĩ đại, một nhà thờ đấy!
10 năm sau…
Người thứ nhất vẫn là thợ xây, người thứ hai trở thành một kiến trúc sư, còn người thứ ba trở thành ông chủ của hai người kia.
Nhà cải cách tôn giáoviết thêm kết luận
Tôi gọi thái độ của người thợ xây thứ nhất là bi quan. Anh ta xem công việc mình làm chỉ như một thứ gánh nặng trong cuộc đời cực nhọc; anh ta chỉ biết chăm chăm nhìn vào sự gian khổ của khoảnh khắc này (dĩ nhiên khoảnh khắc khổ nhọc này là có thực).
Thái độ của người thợ xây thứ hai là cái mà tôi gọi là tinh thần chuyên nghiệp. Anh ta biết mình đang xây một bức tường, bức tường ấy là bộ phận của một sản phẩm hoàn chỉnh và anh ta phải làm hết sức để kiếm tiền. Đó là một bổn phận nghề nghiệp và thái độ của anh ta phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn. Song, anh ta không có bất kỳ thiên hướng nào cao hơn.
Tôi gọi thái độ của người thợ xây thứ ba là thái độ tư tưởng chủ nghĩa. Bởi anh ta biết mỗi viên gạch và từng giọt mồ hôi mình đang đổ ra sẽ đóng góp vào việc dựng nên một chốn thiêng liêng – một nhà thờ. Anh ta thấy mỗi đóng góp của mình đều có giá trị và anh đã nhìn thấy kết quả trong công việc gian khổ mình đang làm. Anh làm việc không phải với tư cách của một “món đồ khí cụ”. Những việc anh ta làm được nối kết với thế giới của chúng ta, với ước mơ của chúng ta như anh ta nói, đó là một thứ hiện hữu với chúng ta: một nhà thờ. Và tại cùng thời điểm ấy, vì anh ta đã đắm mình trong giấc mơ về một nhà thờ, nên tư tưởng của anh vượt ra khỏi những thành quả mang tính cá nhân để đạt đến những giá trị tinh thần tuyệt vời hơn nhiều…
Câu trả lời của người thợ xây thứ ba rõ ràng là hồ hởi, háo hức hơn nhờ khả năng “nhìn xa” của anh ta. Anh nhìn xa hơn công việc hiện tại mình đang làm, anh trông thấy trước thành quả và dự báo được chuyện sẽ đến trong tương lai với một bản vẽ tòa nhà nguy nga đã có từ trước trong đầu. Chắc chắn, công việc và cuộc sống của người thứ ba sẽ nhiều niềm vui và thú vị hơn hai người thợ xây còn lại… rất nhiều.
Vấn nạn:Người đời thường hay chế giễu kẻ nghèo tiền của, nghèo phương tiện hay nghèo chức quyền, địa vị, danh nghĩa… mà lại cày cục lo việc Chúa. Vậy có phải kẻ nghèo không nên lo việc Chúa hay không? (Một giáo dân)
Trao đổi
Người càng nghèo, cho dù nghèo đủ mọi thứ như vừa kể trên… trái lại, càng nên lo việc Chúa. Lý do:
1. Mọi người được Chúa sinh ra đều có bổn phận ngang nhau trong việc thờ phượng, tôn vinh Chúa và lo việc Chúa cho đến sức cùng lực kiệt… như câu:“Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi” (Ga 2,22) mới thôi. Người càng nghèo càng bị thách đố sự trung kiên trong lòng hiếu thảo với Chúa.
2. Người nghèo, đủ mọi thứ nghèo, càng nên lo việc Chúa, vì nghèo là cơ hội tốt nhất để chứng tỏ đức tin, lòng trung dạ hiếu với Chúa. Giống như bà góa bố thí ¼ xu, giống như quà mọn của đứa con nghèo nói lên cách hùng hồn lòng hiếu thảo với cha mẹ… người nghèo lo việc Chúa sẽ có công nghiệp cao ngất nhìn ở mọi góc độ, hơn rất nhiều so với kẻ giàu lo việc Chúa.
3. Ai trưng dẫn câu: “Có thực mới vực được đạo”(*)lại càng làm cho vấn đề nổi bật lên hơn nếu nói ngược lại rằng: “không thực mà vẫn vực được đạo mới giỏi gian, anh hùng”. Nhóm Thánh Nhạc Ngày Nay có lần bị một người chế giễu: “Tếu thật! Các anh không tiền mà đòi làm báo!”; mọi người trong nhóm phản bác: “Không tiền mà làm báo mới hay! Có tiền làm báo thì có gì đáng nói”, người chế giễu ấy không nói gì được thêm.
Vậy, nghèo lo việc Chúa mới đáng nể, mới có công to, mới anh thư hào kiệt!
Đây lại là một Tin mừng khác nữa cho người nghèo. Đó là: người nghèo là người giàu cơ hội làm đẹp lòng Chúa.
(*) Những người cố trưng dẫn câu: “Có thực mới vực được đạo” lại thường là những người có tính so đo, tính toán hơn thiệt… Vì cái tính so đo ấy, cho nên chính họ khi đã “có thực” (có của ăn của để), họ không dừng lại đó mà lại muốn nhiều thêm, thế là họ phớt tỉnh, không thèm “vực… đạo”. Lời Chúa: “Ai trung tín trong việc nhỏ sẽ trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10) là thế.