Một anh tú tài nọ, để chuẩn bị lên kinh đô thi cử, mượn nhà chùa một gian phòng để ôn thi; tuy vậy anh vẫn cứ lề mề chưa chịu “sôi kinh nấu sử”. Một chiều nọ, đột nhiên anh kêu tiểu hòa thượng đem sách đến; tiểu hòa thượng đem đến quyển “văn tuyển”, anh tú tài chê là sách thấp; tiểu hòa thượng đi lấy quyển “Hán thư”, anh tú tài lại chê là sách vẫn còn thấp; tiểu hòa thượng lại đi lấy quyển “sử ký”, anh tú tài vẫn cứ chê là sách thấp.
Lão hòa thượng đi ra nói:
- Ba bộ sách ấy, bất kỳ bộ nào nếu ai học thuộc đều có thể được cho là học giả, tại sao anh đều nói là “thấp”?
Anh tú tài gãi đầu:
- Thực ra tôi chỉ muốn dùng sách làm gối kê đầu để ngủ thôi.
Chuyện trên gợi vài ý: - có người sách cao kiến thức thấp, có người sách thấp kiến thức cao – kiến thức mà thôi chưa làm cho trí cao – nhưng làm sao để trí cao?
Khi về nước (1965) với bằng nhạc sư, linh mục nhạc sư Tiến Dũng đến tiểu chủng viện Têrêxa (Long Xuyên) làm cha giáo dạy nhạc; ngài dễ tính đến độ luôn mở toang cửa phòng mình cho chủng sinh ra vào bất cứ lúc nào. Một hôm các chủng sinh hỏi một cha giáo khác:
- Trong phòng cha Tiến Dũng không có lấy một quyển sách thì ngài dạy học làm sao?
Suy nghĩ giây lát, cha giáo ấy trả lời:
- Sách đã hóa người, người đã hóa sách hết rồi!
Ngược lại, có người sách nhiều đến “đụng trần nhà” nhưng kiến thức thấp, vì họ không đọc hoặc đọc mà không học.
Sách với kiến thức, hai chuyện tách biệt nhau là vậy, kiến thức với trí hai chuyện còn tách biệt nhau hơn. Có người kiến thức thuộc hàng bác học, nhưng trí không cao vì họ học mà không hành, bởi hành mới “biết”, “biết” mới tìm ra được một con đường riêng, mới, lạ và ích cho mình cho người; cha xứ Ars (thánh Jean Vianney 1786–1859 người Pháp) kiến thức thấp nhưng trí cao đến được tôn làm quan thầy các cha sở.
Kiến thức với trí, hai chuyện tách biệt đến thế, trí với lòng hai chuyện còn tách biệt đến đâu! Nhiều triết gia, nhà đấu tranh, nhà cách mạng có sách cao, kiến thức cao và trí cao, nhưng vì lòng thấp đã đưa vài thế hệ nhân loại đi vào ngõ cụt. Lòng (tình yêu) mới đưa con người về Chân lý (Thiên Chúa). Không có lòng, sách cao kiến thức cao trí cao đều như những tháp Babel vì “Amor mundum fecit” (tình yêu dựng nên thế giới).
Để có sách cao chỉ cần 1 quyển: Tin mừng; để có kiến thức cao chỉ cần học 1 quyển: Tin mừng; để có trí cao chỉ cần thực hành 1 quyển: Tin mừng; để có lòng cao chỉ cần sống quyển: Tin Mừng. Đức Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, gần đây nữ thánh tiến sĩ Têrêxa Nhỏ là những điển hình.
NK
Có một người diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. Mùa hạ năm ấy ông tìm về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên cấp I trường làng.
Mỗi buổi chiều, ông thường ra chơi nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung lũng. Ở đây, chiều nào ông cũng thấy một chú bé ra ngồi đợi đoàn tàu chạy qua thung lũng, trước khi rẽ vào những vách đá đến phía ga trên.
Chú bé hồi hộp đợi. Đoàn tàu phủ đầy bụi đường với những toa đông đúc hành khách như một thế giới khác lạ, ầm ầm lướt qua thung lũng. Chú bé vụt đứng dậy, háo hức đưa tay vẫy, chỉ mong có một hành khách nào đó vẫy lại chú. Nhưng hành khách - mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường- chẳng ai để ý vẫy lại chú bé không quen biết.
Hôm sau, rồi hôm sau, hôm sau nữa, hôm nào ông già cũng thấy chú bé ra vẫy và vẫn không một hành khách nào vẫy lại. Nhìn nét mặt thất vọng của chú bé, tim người diễn viên già như thắt lại. Ông nghĩ: "Không gì đau lòng bằng việc thấy một em bé thất vọng, đừng để trẻ con mất lòng tin ở đời sống, ở con người."
Hôm sau, người em thấy ông giở chiếc vali hoá trang ra. Ông dán lên mép một bộ râu giả, đeo kính, mượn ở đâu một chiếc áo veston cũ, mặc vào rồi chống gậy đi. Ông đi nhờ chuyến xe ngựa của trạm, lên tàu đi ngược lên ga trên. Ngồi sát cửa sổ toa tàu, ông thầm nghĩ: " Đây là vai kịch cuối cùng của mình, cũng như nhiều lần nhà hát thường phân cho mình, một vai phụ, một vai rất bình thường, một hành khách giữa bao hành khách đi tàu..."
Qua cái thung lũng có chú bé đang đứng vẫy, người diễn viên già nhoài người ra, cười, đưa tay vẫy lại chú bé. Ông thấy chú bé mừng cuống quít, nhẩy cẫng lên, đưa cả hai tay vẫy mãi.
Con tàu đi xa. Người diễn viên già trào nước mắt cảm động hơn bất cứ một đêm diễn huy hoàng nào ở nhà hát. Đây là vai kịch cuối cùng của ông, một vai phụ, một vai không có lời, một vai không đáng kể nhưng đã làm cho chú bé kia vui sướng, đã đáp lại tâm hồn chú bé và chú sẽ không mất lòng tin ở cuộc đời.
Có lòng yêu thương, một diễn viên già tầm thường đã trở nên cao cả và vĩ đại.
Trao đổi
Thuyết vay trả, theo giáo lý của nhiều tôn giáo và theo kinh nghiệm dân gian, có chỗ đứng nhất định trong chương trình của Chúa đối với loài người và trong kế hoạch của Chúa đối với từng người. Khẳng định này đặt trên nền tảng Tin mừng cùng với những trải nghiệm sau:
1. Trong chương trình Chúa có thuyết vay trả nằm trong định luật nhân quả, Chúa từng nói về định luật nhân quả qua câu: “…Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt”.(Mt 7,17-19), nhất là qua Hiến chương Nước Trời tức Tám Mối Phúc Thật. Chưa hết, mọi dụ ngôn của Chúa Kitô đều ẩn chứa thuyết vay trả ví dụ, dụ ngôn người giàu có và ông Ladarô hành khất.
2. Trong kế hoạch Chúa có thuyết vay trả. Thuyết ấy hiển hiện nhiều dạng diện và nhiều màu sắc đại để như sau:
- Vay trả ngược: đó là trường hợp vay ngược; vay ngược là vay khốn khó được trả vinh quang, hay được Chúa ban cho “vay thập giá để được trả Nước Trời”; các thánh nhân nhất là các vị thánh tử đạo đều chịu khổ ải gian lao cùng cực vì muốn theo Chúa, nay đều được hiển thánh trước mặt Thiên Chúa lẫn người đời.
- Vay ít trả nhanh: đó là trường hợp nhiều người do được Chúa chọn, thế là để tẩy sạch họ, Chúa cho họ khi vừa lỡ vấp ngã đã phải trả giá ngay để họ dần tiến tới trên con đường trọn lành.
- Vay nhiều trả chậm: đó là trường hợp những người bất lương, họ vay quá nhiều trong thời gian quá lâu (làm ác, gây đau thương, gây chết chóc cho nhiều người) nhưng họ lại cứ vẫn sống nhởn nhơ vui cười và phây phây hạnh phúc vì Chúa không muốn cứu họ do họ quá cứng lòng, có kẻ ra mặt cứng lòng cũng có nhiều kẻ miệng lúc nào cũng bô bô đạo đức nhưng tâm hồn xơ cứng hóa chai lỳ, Chúa Kitô phán về họ: "Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành”. (Mt 13.14-15). Vì vay nhiều trả chậm nên họ sẽ trả vào đời sau ở hỏa ngục. Đọc lại đoạn đầu của Thánh vịnh 37 chúng ta càng thấy rõ những điều vừa nói:
1 Bạn đừng nổi giận vì quân gian ác,
chớ phân bì với kẻ bất lương,
2 vì chúng tựa cỏ hoang mau úa
và giống như thanh thảo chóng tàn.
3 Cứ tin tưởng vào CHÚA và làm điều thiện,
thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn.
4 Hãy lấy CHÚA làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng.
5 Hãy ký thác đường đời cho CHÚA,
tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.
6 Chính nghĩa bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh,
công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ.
7 Hãy lặng thinh trước mặt CHÚA và đợi trông Người.
Bạn chẳng nên nổi giận
với kẻ được thành công hay với người xảo trá.
8 Dừng cơn phẫn nộ và chớ mãi nổi xung,
đừng nổi giận kẻo sinh ra tội lỗi,
9 vì bọn gian ác sẽ bị diệt trừ,
còn người trông đợi CHÚA, sẽ được đất hứa làm gia nghiệp.
10 Ít lâu nữa ác nhân sẽ chẳng còn,
đến chỗ xưa cũng không tìm thấy hắn.