Trên vùng đồi núi của một cao nguyên nọ, có hai người bạn, người tên Ất người tên Giáp. Ông Ất -lớn tuổi hơn- rủ ông Giáp hùn hạp nấu rượu bán,
Ông Ất nói với ông Giáp:
- Ông xuất gạo, tôi xuất nước.
Ông Giáp, hiền, thật, ít nói, tư lự một lúc hỏi:
- Gạo đều do tôi bỏ ra, sau này khi nấu rượu xong, làm sao mà tính toán?
Ông Ất, tính ma mãnh, tất nhiên nói nhiều, lẻo mép lại hay thề thốt:
- Chúng ta đang ngồi ở đâu đây? Trước bàn thờ nhà ông đúng không? Đây tôi nói: Tôi giàu có hơn ông, cũng lớn tuổi hơn ông, tôi chân thật lắm cơ! Lại luôn tâm nguyện sống là để đức cho con; vả… chúng ta còn là đôi bạn thân. Này nhé! Rượu nấu xong chỉ cần trả nước lại cho tôi là được, tất cả còn lại là của bác.
Canh chừng rượu vừa nấu xong, ông Ất thu hết rượu đội về nhà, để lại ông Giáp với mớ hèm (bã rượu) vô tích sự.
Từ lâu nghe và chứng kiến tất cả, thấy chồng buồn tủi vì thua sút bạn bè, vợ ông Giáp an ủi:
-Hơn thua nhau kiểu ấy mà được với ông Trời sao?
Chuyện trên gợi vài ý: - tính “hơn thua” (tranh giành) gốc ở ganh đua (có trong mỗi người) dễ biến thái thành tính hiếp đáp nhau – “hơn thua” còn xảy ra nhiều hơn trong lời nói – dứt bỏ được tính “hơn thua” cả trong lời nói người ta mới tu luyện bác ái thành đạt.
Thật vậy! Quy luật thiên nhiên “mạnh được yếu thua” gạn lọc và tuyển lựa để vạn vật tồn sinh - tiến hóa – nên ưu việt thêm lên… thật khắc nghiệt khiến nhiều người “hơn thua” nhau, đến hà hiếp nhau như trong thế giới động vật hoang dã.
“Hơn thua” đến lấn hiếp nhau trong lời nói là vô kể (ngôn ngữ là môi trường hoang dã nhất) chính do nghĩ rằng “…verba volant” (lời nói bay đi) nên nhiều người “nói không sợ tội”.
Trong tu luyện bác ái, thánh Vincent de Paul (sáng lập tu hội Nữ tử Bác ái) khuyên bỏ tính “hơn thua” ngay cả trong lời nói, ví dụ: đừng nói một lời hai nghĩa, đừng “gagner la derniètre parole” (tìm cách nói “lời cuối”) tức: nói như phán một câu kết thúc rồi bỏ đi (hay cúp điện thoại) để người khác ở lại tức điên…
Trên hết, học với Chúa Kitô: “…hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,28-30).
Không màng hơn sẽ hơn. Không sợ thua lại chẳng hề thua.
NK
Vợ của một người giàu có kia chết trong ngày bà sinh hạ đứa con trai đầu lòng. Ông chồng buồn phiền quá sức và ông phải tìm vú nuôi để chăm nom đứa bé và coi sóc cửa nhà. Người vú nuôi này yêu thương đứa bé như con mình. Rủi thay, đứa bé thiệt mạng trong một tai nạn giao thông khi chưa tới tuổi trưởng thành. Ông cũng chết sau đó vài năm vì một cơn đau tim bất ngờ. Vì không có ai là họ hàng thân thích và không tìm thấy tờ di chúc nào nên người ta chẳng biết gia tài khổng lồ sẽ đi về đâu
Cuối cùng, toàn bộ gia tài được giao cho cộng đoàn nơi ông đã sống. Theo lệ thường, người ta cho trưng bày và đấu giá trước một số vật dụng, sau đó vài tháng sẽ cho đấu giá toàn bộ. Ngày đấu giá sơ khởi diễn ra, những người buôn bán tụ tập rất đông. Người vú nuôi ngày xưa cũng đến tham dự, không phải để được mua sắm với giá hời, nhưng vì lòng thương nhớ gia đình chủ xưa khiến bà tìm đến để nhìn lại lần cuối các vật chứa đầy kỷ niệm. Trong số các thứ được đem ra đấu giá, người vú nuôi chợt thấy tấm hình con ông chủ được lồng trong một khung kính đơn sơ. Bà thương nhớ da diết cậu bé ngày xưa! Nước mắt bà rơi xuống. Thế rồi khi thấy chẳng ai thèm chú ý đến tấm hình, người vú nuôi liền mua nó với giá sơ khởi là một đồng. Bà mang tấm hình về, tháo khung ra, dự tính đặt ba tấm hình vợ chồng và đứa con của gia đình chủ xưa vào chung một chiếc khung. Nhưng lúc vừa gỡ mặt sau tấm hình cậu bé, bà thấy có mấy tờ giấy rơi ra. Xem có vẻ quan trọng, bà bèn mang chúng đến một luật sư nhờ xem giúp. Vị luật sư sau khi quan sát kỹ các giấy tờ đã tươi cười nói với bà:
- Xin chúc mừng bà! Người chủ của bà đã viết rằng: Ông ta muốn giao lại toàn bộ tài sản cho người nào yêu mến đứa con của ông đến nỗi chịu mua bức hình đó, và như thế, bà được quyền thừa hưởng di chúc này.
Thường lòng người ai cũng tham của. Nếu có người không tham chính do người ấy kiềm chế lòng tham và nhận định công minh của nào là của người, rồi hành xử công bình theo kiểu “của người không phải là của mình”.
Đương đạo LINH MAI LINH
Vấn nạn:Tại sao sống lành cứ gặp phải bao khốn khó?(Một giáo dân).
Trao đổi
Có ít là 2 kiểu sống lành:
1.Sống lành kiểu khôn lanh: “Tôi không đụng ai thì đừng ai đụng tôi”, “thợ đáng ăn lương của mình”, “khôn chết, dại cũng chết, biết thì sống” v.v… sống lành kiểu này -có khi cả đời- không gặp khốn khó, thậm chí không trầy xướt, sứt mẻ miếng nào.
2.Sống lành kiểu Tin Mừng: hiền lành và khiêm nhượng, bỏ mình vác thánh giá theo Chúa, yêu người theo dụ ngôn người Samari nhân hậu, yêu và cầu nguyện cho chính kẻ thù, “tha 70 lần 7” v.v… Lành kiểu này cầm chắc gặp không ít, mà còn gặp rất nhiều khốn khó. Phải thôi! Vì “Chúa Cha tỉa cành”, vì hạt giống gieo vào lòng đất phải thối đi. “Tỉa cành”, ”thối đi” là khốn khó… tuy nhiên sống lành kiểu Tin Mừng này khốn khó để trường sinh, vinh quang và hạnh phúc.