“Cử kỳ bất định”(tay giơ quân cờ lên, nhưng không biết đi nước nào).
Vệ Hiến Công vua nước Vệ vì kiêu căng tàn bạo nên bị Ninh Huệ Tử và bạn (một đại phu) đảo chính phải lưu vong. Ninh Huệ Tử cùng bạn cầm quyền. Ít lâu sau bị bạo bệnh sắp chết, Ninh Huệ Tử thấy việc đuổi vua là bậy nên dặn con Ninh Điệu Tử tìm cách đưa vua (Vệ Hiến Công) hồi triều.
Nhằm lúc Vệ Hiến Công cũng cậy người xin Ninh Điệu Tử giúp ông phục quốc với lời hứa “sẽ chỉ phụ trách việc tôn miếu và cúng tế mà không tham chính”. Nhiều người trong triều phản đối việc cho Vệ Hiến Công ngồi lại ngai vua, đại phu Thúc Nghi nhắc Ninh Điệu Tử:
- Làm việc gì cũng phải nhất quán; dòng họ Ninh đuổi vua, nay đón về, ấy là “cử kỳ bất định”, khó tránh khỏi “thua cuộc”; việc lớn này không suy sâu xét kỹ có khi vạ lây cả dòng họ.
Nhưng Ninh Điệu Tử không nghe, lấy cớ tuân theo di mệnh của cha, đón Vệ Hiến Công về. Chỉ ít lâu sau, Ninh Điệu Tử bị Vệ Hiến Công sát hại để báo thù dòng họ Ninh đuổi vua.
Từ đó, dân gian có câu “Cử kỳ bất định” ý chê người do dự không quả quyết. Mượn câu “cử kỳ bất định” nghĩ việc tu đức: - lúc khổ ai cũng quả quyết này nọ – sướng rồi lại “cử kỳ bất định” (do dự) - sắp chết quả quyết trở lại thì đã muộn.
Thật vậy! Đang nghèo hay còn hàn vi ai cũng nhất quyết hễ giàu, hễ hiển đạt sẽ thực thi Lời Chúa (thờ Chúa hết sức, yêu người hết lòng).
Nhưng giàu hay hiển đạt lại “cử kỳ bất định” như trì hoãn, làm tôi hai chủ, viện cớ, lảng tránh hoặc chỉ thực thi Lời Chúa cách “hình thức”.
Về hưu hay sắp chết giật mình quả quyết trở lại thì đã “thua cuộc”, không còn cơ hội để thực thi Lời Chúa.
Làm người ai cũng vậy, hễ còn sở hữu chút tiền, danh, lợi, sắc… đều có thể “cử kỳ bất định”, cho nên Chúa bảo chàng trai về bán sạch gia tài phân phát cho kẻ nghèo hẳn đến theo Chúa. (Mt 19,16-22) để khỏi “cầm cày ngoái lại sau lưng”, nhưng cứ mặc “kẻ chết chôn kẻ chết”.
Khó cho giáo dân! Nặng gánh gia đình, cơ ngơi, nợ nần… khó tránh “cử kỳ bất định”. Hay là… ta cứ theo Chúa bằng quả quyết nhỏ: luôn yêu thương mọi người mọi nơi mọi lúc. Kinh nghiệm cho hay hễ thực thi Lời Chúa dù ít (miễn không “cử kỳ bất định”). Chúa liền đến và thêm sức cho ta dần tiến tới.
NK
CHÂU HÂN st
- Ăn rau không chú ơi?
…
- Ăn hộ tôi mớ rau...!Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người, vừa mới buổi sáng sớm. Bần thần một lát rồi gã chợt quay đi, đáp nhanh: Dạ cháu không bà ạ! Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi cái cảm giác ấy gã quên rất nhanh. “Mình thương người thì ai thương mình” - cái suy nghĩ ích kỷ ấy lại nhen lên trong đầu gã.
- Ăn hộ tôi mớ rau cô ơi! -Tiếng bà cụ yếu ớt-
- Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!Tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ.
Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Cau mày đợi cô gái đi khuất, gã đi đến nói với bà:
- Rau này bà bán bao nhiêu?
- Hai nghìn một mớ -Bà cụ mừng rỡ-
Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.- Sao chú mua nhiều thế?
- Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!
Rồi gã cũng nhấn ga lao vút đi như sợ sệt ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã. Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy vui vui.
ảnh: Lê Thắng.
Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ôcửa kính và theo đuổi những suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thíchngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳquái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, gã nghĩ đến bà cụ...
Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ.
Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ.
Chiều chủ nhật gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy và có lẽ gã cũng thích thế.
Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện.
Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo:
- Bà bán rau chết rồi.
- Bà cụ hay đi qua đây hả chị? - chị bán nước khẽ hỏi.
- Tội nghiệp bà cụ! một giọng người đàn bà khác.
- Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh. Nghe đến đây mắt gã chợt nhòa đi, điếu thuốc chợt rơi khỏi môi. Bên tai gã vẫn ù ù giọng người đàn bà béo kia. Gã không ngờ...!
…
Trên đời ai cũng có nỗi ám ảnh hay nỗi dằn vặt đớn đau của niềm hối hận. Muốn giải trừ, ta cầu nguyện cho người ta, muốn chuộc lỗi, cám ơn hay đền bồi bù đắp. Cầu nguyện là cách vừa giúp làm được những việc ấy vừa giúp ta nhận được ân tha thứ để tiến bộ.
Người lương cầu nguyện được không? – Được lắm!
Nhưng chuyện muốn nói ở đây là việc giữ chữ tín. Nhiều dân quê, người thất học, kẻ nghèo hèn… trọng chữ tín như trân quý con đẻ, giữ chữ tín hơn người giàu sang, kẻ quyền quý, bậc uyên bác, người mệnh danh lo việc Chúa, làm từ thiện...
Kẻ giữ chữ tín luôn được mọi người kính trọng.
Hộp thư này không nhằm giải đáp thắc mắc, chỉ nhắm, cùng là những giáo dân nghèo hèn đau khổ như nhau, chúng ta giúp nhau xoa dịu phiền muộn, an ủi nỗi đau và nâng đỡ đức tin trong hành trình về Nước Trời.
Vấn nạn:
Nhiều người lương cười: “Người Công giáo xúc phạm người này đi xin lỗi người nọ, chẳng phải đó là việc làm vô lý lắm sao!”. Ý họ cười chê việc đi xưng tội của ta. (Một giáo dân).
Trao đổi
Đúng là có một số Kitô hữu đã hiểu đơn giản về bí tích giải tội nên họ làm như vậy. Nhân dịp này, ta nhắc nhau nên xin lỗi người ta đã xúc phạm, rồi mới đi xưng tội.
Thật vậy, vì linh mục không phải là người bị xúc phạm cho nên đôi lúc khi nghe thú tội “xúc phạm người khác:, đã giải tội theo bổn phận làm cho ta hiểu lầm xúc phạm người khác là chuyện nhỏ.
Trái lại, nếu ta tìm gặp và xin lỗi người bị ta xúc phạm, có lẽ người ấy cảm thấy khó tha thứ ngay, có trường hợp muốn tha cũng phải cho ta một bài học gì đó; phần ta, ta rất ngượng ngùng khi phải nói lời xin lỗi, lại phải hạ mình nhận lỗi và hạ mình chịu sự trách mắng v.v… Thật chẳng dễ!
Nhưng có trực tiếp xin lỗi người bị ta xúc phạm rồi mới đi xưng tội, ta mới tỏ ra thực tâm ăn năn hối cải, việc xưng tội sau đó vừa có nhiều lợi ích đồng thời đời sống Bác ái được thăng tiến.