Có người họ Vũ vừa mua một chiếc giường mới quý hiếm. Rất muốn, nhưng không biết cách nào khoe với thông gia họ Tô của mình, nên ông giả bệnh nằm liệt trên chiếc giường mới để thông gia đến thăm, lóe mắt với chiếc giường.
Vừa vặn lúc ấy họ Tô cũng sắm được một chiếc quần mới tuyệt đẹp, cũng muốn khoe với thông gia họ Vũ mà chưa nghĩ ra cách thì được tin thông gia họ Vũ bệnh nặng. Còn dịp may nào nữa! Họ Tô vội đến thăm họ Vũ.
Vào đến nhà, họ Tô tìm một nơi sáng nhất để ngồi, lại còn bắt chéo chân, vén vạt áo dài, vỗ vỗ, phủi phủi vào chiếc quần mới… làm đủ mọi động thái khoe quần xong mới hỏi:
- Anh sui bệnh sao vậy?
Vừa ngứa mắt vừa sốt ruột vì mãi chẳng thấy ông thông gia đả động gì đến chiếc giường quý hiếm của mình, họ Vũ điên tiết, quên béng mình đang bệnh liệt giường, chồm nhổm dậy quát:
- Bệnh gì? Chiếc giường của tôi đây này!
Đã vậy thì “chơi tới luôn”, họ Tô đứng phắt dậy tay kéo kéo quần miệng quát trả:
- Chiếc quần mới của tôi đây thì… đồ bỏ à?
Mắng chán tới đấm nhau. Tàn cuộc, giường hư quần hỏng, hàng xóm nhạo “ấy tại thông gia đồng bệnh”, bệnh khoe khoang.
Chuyện trên gợi vài ý: - khoe khoang (khoe của hoặc khoe người) gốc ở tự kiêu – càng khoe càng lộ mình yếu nhược và thiếu thốn – khoe khoang gây lạc hướng mọi việc.
Thật vậy! “Cá ngoi là cá ngộp” (khoe khoang là ngoi lên, không chịu nổi khi thấy có người hơn mình là ngộp thở).
Khoe mình khôn thì chưa khôn, khoe mình đạo đức thì chưa đạo đức… bởi kẻ thật giàu không khoe của, kẻ biết thì không nói “tri giả bất ngôn..,”, bậc thánh hiền luôn giản dị.
Vì gốc ở tự kiêu nên khoe dễ dối, dối dễ gian, gian gần với ác… thế là khó tránh khỏi lạc hướng mọi việc lẫn lạc hướng cuộc đời như người Pharisêu qua lời Chúa mắng (Mt 23,13-22; Mc 12,40; Lc 11,39).
Khoe mau bị che, lòe mau bị nhòe… vì lý đời rành rạch: “Không tự biểu hiện cho nên mới sáng tỏ, không tự cho mình tốt cho nên mới chói lọi, không tự kể công thì lại được ghi công, không tự phụ cho nên mới hơn người”. (Đạo đức kinh).
Lấy một câu ngắn -trong lời Chúa dạy- làm khẩu ngữ nhắc ta tránh khoe khoang: “Non discumbas in primo loco” (không ngồi vào chỗ nhất) (Lc 14,8).
NK
CHÂU HÂN sưu tầm
Khi nghệ sĩ lừng danh Burt Lancaster còn là một đứa bé nghèo ở thành phố New York, ông vẫn thường có những giấc mơ rất trẻ con về những que kem sôcôla quyến rũ. Lúc đó đồng 25 cent đối với cậu bé là cả một gia tài.
…
Một ngày kia đi ngang qua một ngân hàng, cậu bé Burt bất chợt thấy một tờ 20 đô la nằm dưới đất chỗ bãi đậu xe. Đó là số tiền lớn nhất mà Burt từng thấy khiến tim cậu như muốn nhảy sổ ra khỏi lồng ngực.
Cậu cúi xuống lượm. bỏ vào túi quần và liên tưởng ngay đến những que kem sôcôla cũng như những món đồ chơi mà cậu từng mơ ước.
Nhưng ngay lúc đó, có một phụ nữ đứng tuổi với vẻ mặt hoảng hốt đi đi lại lại mắt nhìn chăm chăm như tìm kiếm gì đó dưới đất. Thấy cậu bé, bà liền hỏi:
- Con ơi! Con có thấy tờ 20 đôla của dì làm rơi không?
Người phụ nữ cố giải thích rằng đó là số tiền mà cả gia đình đông đúc của bà phải nhờ vào để sinh sống cho đến hết tháng này; vừa kể bà vừa khóc.
- …dì không biết sẽ phải làm gì nếu không tìm ra nó. Chắc có lẽ nó rớt đâu đây thôi...
Những ngón tay của Burt siết chặt vào tờ giấy bạc 20 đôla đang nằm gọn trong túi quần của cậu. Trong đầu cậu bé, những món đồ mà cậu từng rất ao ước nay có thể mua được với số tiền to lớn đó lần lượt hiện ra rõ mồn một. Rất dễ để trả lời: "Con không thấy tờ giấy bạc nào hết!" và bước đi.
Nhưng thay vì như vậy, cậu bé rút tờ giấy bạc ra, đưa cho người phụ nữ và nói:
-Dì ơi! Con vừa mới lượm được nó đây!
Sự vui mừng tột độ lộ rõ trên khuôn mặt đầy lo âu của người phụ nữ bỗng dưng làm ấm lòng cậu bé. Người phụ nữ cám ơn cậu bé và bước đi.
Ngôi sao điện ảnh Burt Lancaster nhớ lại, đó là giây phút hạnh phúc nhất của cuộc đời ông.
Làm điều gì tốt khiến cho người khác, bất kể là a, vui sướng hay hạnh phúc… không phải là chuyện nhỏ cũng chẳng phải là chuyện vô bổ, bởi vì điều gì phát xuất từ lòng yêu thương sẽ thắp sáng yêu thương.
Làm gì cho người khác vui đều có giá trị to lớn, vì đó là yêu thương.
Đương đạo LINH MAI LINH
Vấn nạn: Ai lại không biết cần phải sống lành? Nhưng sống lành đâu dễ! Người chung quanh đâu để yên cho ta sống lành! (Một giáo dân).
Trao đổi
Đúng như vậy thật! Thấy ta sống lành (hiền lành, khiêm nhượng, thật thà, nhân ái, tha thứ, nhịn nhục, hòa nhã, tế nhị, yêu thương, hy sinh, giúp đỡ…) họ tấn công ngay (khinh nhờn, lợi dụng, nói xấu, trèo lên đầu, tệ nhất cũng là gièm pha, cười nhạo…).
Tại sao? – Vì người lành dễ trở thành mục tiêu “ngon ăn” cho người ác tấn công; vì trái cây ngon dễ trở thành mục tiêu cho mọi người: từ chủ vườn, thương lái đến khách hàng (người mua) lẫn thực khách trên bàn ăn… thèm thuồng và giành xơi trước.
Tôi có một câu chuyện nhỏ để dẫn chứng cách cụ thể.
Khoảng năm 2000 tôi đến phòng mạch tư ở khu phố bình dân vào chiều tối; nhờ đến sớm, nên tôi là người thứ 2 sẽ được vào khám sớm sau khi bác sĩ mở cửa. Nhìn thấy người sau lưng, một bà mẹ ôm đứa bé có vẻ đau đớn khổ sở, tôi nhường cho chị vào khám trước.
Thấy tôi tử tế, người thứ 4, một phụ nữ lớn tuổi, xin tôi cũng nhường cho bà được vào khám trước; hơi ngạc nhiên nhưng thấy mình có chậm khám một chút cũng chẳng hề gì… đàng khác, trông người phụ nữ này cũng tội tội… nên tôi đồng ý.
Được nước làm tới, người thứ 5, một ông cỡ 50 tuổi dáng còn khỏe mạnh khều vai tôi xin tôi nhường tiếp… Quá sức ngạc nhiên, tôi nhìn ông… đang khi còn chưa biết phải làm sao thì người thứ 6 vọt lên chặn đầu tôi, miệng vừa xin chân vừa chực chờ ngay trước cửa phòng khám để khi cửa vừa mở sẽ chui vào ngay…
Phải! Sống lành không dễ, cho nên khi quyết định sống lành, bạn cần sẵn sàng chấp nhận luôn mọi hệ lụy như thua thiệt, bị tấn công, thương đau, mất mát, bị hiếp đáp… nghĩa là thực thi Lời Chúa không phải là một cuộc dạo chơi.
Tuy nhiên không vì những hệ lụy “xấu tệ” rất trần đời như thế mà ta hoàn toàn không nhìn thấy được ở phía sau đó là gì. Là phần thưởng: hạnh phúc vì cảm nhận được mình đang ở trong Nước Trời.