Ngôi làng Shani Shingnapur ở Ấn Độ thu hút khoảng 40.000 người tham quan mỗi ngày do truyền thống lâu đời: nhà không có cửa.
Ở Shani Shingnapur có tỷ lệ tội phạm thấp, dù nhà không hề có cửa hay khóa. Nguồn: BBC
Những ngôi nhà ở không có cửa trước, những cửa hàng không khóa, những vật chứa đồ quý giá, tiền bạc trong nhà cũng không có khóa, nhưng người dân không bao giờ thấy thiếu an toàn. Sở dĩ tồn tại điều này là do người dân tin thần sẽ bảo vệ họ.
Theo truyền thuyết cách đây 300 năm, sau một trận mưa lũ, một tảng đá đã dạt vào bờ sông Panasnala - con sông chảy qua ngôi làng. Cũng trong đêm đó, thần Shani (thần Sao Thổ) xuất hiện trong giấc mơ của trưởng làng, tiết lộ rằng, tảng đá là hiện thân của thần, phải được giữ trong làng. Thần bảo vệ làng khỏi mọi nguy hiểm và ban phước lành cho người dân. Sau khi người dân đặt tảng đá ở giữa làng, họ dỡ bỏ tất cả cánh cửa và ổ khóa bởi cho rằng, đã có thần che chở nên chúng không còn cần thiết nữa. Hiện tại, tảng đá này vẫn được giữ tại miếu thờ trong làng.
Truyền thống này vẫn tồn tại sau nhiều thế hệ, người dân địa phương thỉnh thoảng vẫn dùng những tấm gỗ che tạm lối vào để vật nuôi khỏi đi lạc, nhưng họ không lắp cánh cửa chắc chắn. Ngay cả nhà vệ sinh công cộng trong làng cũng chỉ che một tấm màn ở lối vào. Thậm chí, những công trình mới xây dựng cũng phải tôn trọng điều này. Đồn cảnh sát mở hồi tháng 9-2015 cũng không có cửa trước. Một chi nhánh ngân hàng mở năm 2011 cũng chỉ lắp cửa kính và khóa điện điều khiển từ xa để tôn trọng luật lệ địa phương. Người dân không hề lo lắng, thậm chí không nhờ hàng xóm trông nhà giúp khi họ đi vắng. Họ tin tên trộm sẽ bị trừng phạt và ai không trung thực sẽ gặp điều không may mắn trong 7 năm rưỡi. Bất tiện duy nhất khi không có những cánh cửa là khách đến nhà họ không thể gõ cửa mà thay vào đó phải la lớn để thông báo.
Ngôi làng 5.000 cư dân với truyền thống độc đáo này được biết tới nhiều hơn vào những năm 1990 khi nó xuất hiện trên một bộ phim. Người dân ở đây từng sống chủ yếu bằng nghề trồng mía nhưng hiện nay du lịch tạo nguồn thu nhập chính cho họ.
Những người hoài nghi cho rằng, tỷ lệ tội phạm thấp là do vị trí xa xôi hẻo lánh của ngôi làng, vài người đang tìm cách thay đổi tục lệ lâu đời này, xin phép nhóm tự quản của làng để lắp cửa và khóa nhằm đảm bảo sự an toàn của gia đình họ. Dù sự thật thế nào thì hầu hết người dân tại Shani Shingnapur đều hy vọng truyền thống của họ được duy trì trong nhiều năm nữa.
THIÊN NGỌC (tổng hợp từ BBC, Oddity Central)
Thoạt nghe “Ngôi làng nhà không có cửa ở Ấn Độ” tưởng lạ, nào ngờ nhà ở miền Tây Nam bộ tại Việt Nam vào thời kỳ không xa xưa cho lắm -khoảng năm 1960 trở về trước- hầu hết đã từng không có cửa, hay những nhà khá giả có cửa mà đã từng chẳng đóng bao giờ.
Với bối cảnh đó, ngôi nhà, được quan niệm cách hồn nhiên, là nơi để ở, để che nắng che mưa, tránh gió trú bão, giữ ấm che mát, mang lại sự sạch sẽ, ngừa thú vật và côn trùng xâm hại… hoàn toàn không có ý để khoe của, giấu của, khoe đẳng cấp như quan niệm nhà cửa của người ngày hôm nay
Ở lãnh vực thánh nhạc, Thánh ca Phụng vụ (TCPV) cũng giống như vậy, được hiểu cách hồn nhiên:
- Là “nữ tỳ của phụng vụ” thì phải bám phụng vụ, căn cứ theo phụng vụ, hát theo sát phụng vụ để “thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa”, rồidội lại bằng sự “thánh hóa tâm hồn”cộng đoàn.
- Là hát Lời Chúa với cả cộng đoàn theo kiểu đối đáp nhau (*) như thời kỳ đầu của Giáo hội.
Thế nên TCPV không cầu kỳ, không kiểu cách, không quá trọng kỹ thuật, không tìm chuẩn mực nghệ thuật đứng riêng… Thật vậy! Hát thánh ca đúng quan niệm của thánh Phaolô:“Anh chị em hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Eph 5m19)
(*) Không thể hát cộng đoàn mà không hát đối đáp. Chính xác: “Hát cộng đoàn là phải hát đối đáp”. Công đoàn hát được là nhờ được trao cho những câu ngắn, dễ hát, dễ tập, dễ thuộc, dễ nhớ… đế đáp lại ca đoàn hay một vài ca xướng viên sau khica xướng viên tụng một câu thánh vịnh. Một ít bài thánh ca bình dân tôn giáo cộng đoàn hát được như bài “Dâng Mẹ”, “Năm xưa trên cây sồi”… không gọi là hát cộng đoàn, vì chỉ hát được ở một vài hoàn cảnh.