(Tin Môi Trường) - Jim Reischl, 68 tuổi, một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, đã vượt hơn 13.600 km với đôi chân đã trĩu nặng những mệt mỏi của tuổi già, để gặp lại người phụ nữ mà ông đã gặp và yêu thương khi ở Việt Nam.
Sau khi trở về Minnesota, Reischl trở thành một chuyên viên vẽ bản đồ của Chính phủ, kết hôn 2 lần, có một con trai và sức khỏe ông cũng có những vấn đề do hậu quả chất độc màu da cam. Tuy vậy, ông chưa hề quên “người phụ nữ đầu tiên” của mình.
Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, ước tính đã có khoảng 100.000 đứa trẻ được sinh ra do quan hệ giữa lính Mỹ và phụ nữ Việt Nam, nhưng hầu hết đều đã di cư sang Mỹ và nhiều người trong số đó đã được các gia đình Mỹ nhận nuôi. Kể từ năm 2012, với sự giúp đỡ của Father Founded, Reischl đã đến Việt Nam 5 lần, trò chuyện với nhiều nhà báo và đăng tin tìm người trên các tờ báo địa phương.
Mẫu tin tìm người gần đây nhất mà ông đăng có nội dung: “Tôi đang đi tìm bà. Đã nhiều năm lắm rồi. Mục đích của tôi không phải là một mối quan hệ, tôi muốn bà hiểu điều đó. Tôi chỉ muốn trò chuyện với người phụ nữ tuyệt vời mà tôi từng quen biết trong năm 1969 và 1970”.
Reischl cho những người sống gần căn hộ xem tấm ảnh của cô gái trẻ ấy. Trong ảnh, cô đang đứng trên ban công nhìn ông lái xe rời đi. Không còn ai nhớ ra cô, nhưng Reischl tuyên bố ông sẽ không ngừng tìm kiếm.
Sau khi Reischl rời Sài Gòn về Mỹ, cô gái trẻ tên Hạnh rất đau lòng và đã rời Sài Gòn về tá túc ở nông thôn. Đến tháng 12-1970, cô sinh một bé gái với đôi mắt to, làn da tái và đặt tên là Nguyễn Thanh Nguyên Thủy. Tên cô bé nghĩa là “Giọt nước mắt đầu tiên” bởi vì khi ấy người mẹ chỉ một thân một mình và không ai bên cạnh.
Khi sinh con, Hạnh mới chỉ 19 tuổi, thế nên cô đã nhờ một người bạn gửi con gái lại cho một trại trẻ mồ côi với ý nghĩ mình vẫn có thể đến thăm con. Thế nhưng người bạn cô nhờ cậy đã biến mất, khi Hạnh đến trại mồ côi đó hỏi thăm thì các bảo mẫu nói rằng họ chưa từng ghi nhận một trường hợp nào như trường hợp của cô.
“Rất vui được…gặp lại bà”- Reischl ngập ngừng nói khi ông mở cửa và nhìn thấy bà Hạnh, người phụ nữ có vóc dáng bé nhỏ với mái tóc vẫn rẽ ngôi một bên đúng như khi ông yêu bà năm xưa. Ông giang 2 tay ra ôm lấy bà, còn bà thì bật khóc.
Người phụ nữ năm xưa vô cùng xúc động khi cả 2 ngồi xuống ghế trả lời phỏng vấn. Người cựu binh Mỹ tóc bạc trắng khẽ đặt cánh tay lên chiếc ghế bành bà Hạnh đang ngồi như để trấn an bà.
Giờ đây, cả hai quyết tâm tìm lại đứa con họ đánh mất năm xưa. Reischl mang đến một bộ thiết bị thử ADN để các chuyên gia có thể lấy mẫu thử của bà Hạnh về xét nghiệm làm cơ sở tìm kiếm. Nếu không làm điều này thì cuộc tái ngộ giữa họ không thể trọn vẹn.
Bà Hạnh tâm sự: “Nếu nói rằng tôi hoàn toàn bình tĩnh và thoải mái về sự kiện này thì đúng là nói dối. Cảm xúc tôi thật lẫn lộn. Tôi rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Giấc mơ duy nhất chưa hoàn thành của tôi là tìm lại đứa con gái đầu tiên của mình”.
(Theo The Washington Post, NLĐ)
Bài viết trên cho ta những nhận xét:
-Tình yêu là một thực thể thanh cao.
-Khi tình yêu không bị pha trộn một thứ gì vẩn đục vào, tình yêu ấy luôn quyến rũ và làm say đắm lòng người.
-Nhưng rất tiếc, người ta thường vô tình pha trộn vào tình yêu những yếu tố vẩn đục khiến có nhiều loại tình yêu không còn thanh cao nữa.
Từ đó bước sang lãnh vực thánh nhạc, ta cũng thấy nếu thánh nhạc là âm nhạc thuần túy không pha trộn tạp âm, tất thánh nhạc sẽ thanh cao.
Nhưng người ta vô tình để thánh nhạc pha trộn nhiều tạp âm; tạp âm là những yếu tố từ tiếng trống, tiết điệu trong đàn điện tử, những sắc tiếng lạ phi truyền thống… cho đến những kiểu cách trau chuốc quý đáng thật chẳng cần thiết, lẫn pha trộn lòng vụ danh vụ lợi, pha trộn vào thánh nhạc cả sự ganh tức, thù hằn, thành kiến, đố kỵ, tranh giành v.v…
Muốn thánh nhạc thật sự là âm nhạc thuần túy hãy tìm đến Thánh ca Phụng vụ (TCPV), vì TCPV:
-Không pha trống hay tiếng lạ
-Không trau chuốt và tự làm duyên.
-Không ganh ghét đố kỵ tranh giành.
-Không pha trộn bản thân vào.
Thánh ca Phụng vụ là âm nhạc thuần túy vừa theo nghĩa hẹp không pha tạp âm, vừa theo nghĩa rộng không pha trộn lòng thiếu đoan chính. Căn cứ vào đâu mà nói như thế? – Thưa căn cứ vào những điểm sau:
-TCPV mô phỏng Bình ca, Bình ca là âm nhạc thuần túy
-TCPV hát nguyên văn Lời Chúa, Thánh vịnh và bản văn phụng vụ
-TCPV mời cộng đoàn hát và cho cộng đoàn là thành phần là chính trong lối hát này.
-TCPV hát vì nghi lễ phụng vụ..
Đó là những điều xác đáng, ai tìm hiểu hoặc tham dự một buổi hát Thánh ca Phụng vụ sẽ nhận ra tất cả những điều đó.
Để kết luận, Thánh ca Phụng vụ là âm nhạc thuần túy; mà âm nhạc thuần túy thì để làm gì? – Thưa để trở thành của lễ xứng đáng dâng lên Thiên Chúa. Xứng đáng vì nó không làm vẩn đục người hát người nghe, dễ nâng lòng lên với Chúa và hiệp nhất yêu thương qua hát cộng đoàn, đồng thời tuân giữ nghiêm túc kỷ luật thánh nhạc mà Giáo hội đã đề ra.