Theo Nhạc lý, mọi âm thánh đến tai nghe được chia 2 loại: nhạc âm và tạp âm. Nhạc âm là âm thanh có độ trầm bổng có thể xác định được (tiếng hát, đàn, kèn, còi), tạp âm là âm thanh không có độ trầm bổng khó thể xác định được (tiếng trống, mõ, nổ, ồn, động, va chạm). Âm nhạc thuần túy là loại âm nhạc dùng toàn nhạc âm.
Sau thánh lễ sáng chúa nhật, tại phòng khách nhà xứ, cha sở tiếp hai vị khách từ thành phố đến. Hai vị khách này luôn miệng chê bai “lối hát thánh ca ở đây quá quê và quá buồn”. Theo thói quen, cha sở im lặng và kiên trì lắng nghe cốt để hai vị khách phát biểu rốt ráo những ý kiến “chê tối mặt” mà họ gọi là “chân tình góp ý” và “thiện chí xây dựng”.
Họ còn đang say sưa nói thì cha phó từ bên nhà thờ trở về. Cha sở giới thiệu đôi bên rồi mời cha phó cùng tham gia câu chuyện. Hai vị khách nói tiếp theo khoảng năm ba phút nữa thì cạn ý. Cha sở tóm tắt nội dung góp ý của hai vị khách cho cha phó nghe. Nghe xong, cha phó mỉm cười và kính trọng nhường lời cho cha sở. Cha sở cám ơn hai vị khách xong thì nói tiếp thêm:
- …Chúng tôi có đầy đủ nhạc cụ cho một ban nhạc éts-trát (estrade) (1) lớn, nhưng những nhạc cụ ấy chỉ để dành cho nhạc đời hoặc cho thánh ca thể loại Năm hát ngoài nhà thờ và thể loại Sáu (2) hát trên sân khấu; còn trong phụng vụ chúng tôi có chủ trương rõ rệt: hát thánh ca bằng loại âm nhạc thuần túy thôi. .
Người đàn ông tóc dài râu rậm khó đoán được tuổi cũng không phải tay mơ, hỏi ngay:
- Trong Thánh vịnh có câu đại loại hãy ca ngợi Chúa với đàn sắt đàn cầm, bằng thanh la não bạt, rúc tù và v.v… (3), nghĩa là ta có thể dùng đủ mọi loại âm nhạc để ca ngợi Chúa, đâu chỉ loại âm nhạc thuần túy?.
Cha sở đáp:
- Anh Thành Vân –cha sở nhìn người lớn tuổi- nói không sai! Nhưng tại sao Giáo hội thiết lập âm nhạc Bình ca, loại âm nhạc thuần túy để làm chi?
Ông Thành Vân nhìn cha sở với đôi mắt giống chú mục đến giống như trợn trừng mà không trả lời. Cha sở nói tiếp:
- Vì âm nhạc phát triển, qua một thời kỳ dài, Giáo hội thấy thánh nhạc ngày càng rối rắm theo sự phát triển ấy, cho nên thế kỷ thứ 11 Giáo hội thiết lập Bình ca, một loại âm nhạc thuần túy để vãn hồi trật tự thánh nhạc.
Trong khi người đàn ông lớn tuổi tên là Thành Vân gật gù suy nghĩ thì người thanh niên trẻ tuổi với dáng một tay rốc cơ (rocker) (4) tóc dài đến vai và gương mặt sáng trưng, lên tiếng:
- Có phải quý cha đang cho hát một lối hát mang tính chất Bình ca hay không? Thật là buồn tẻ! Bình ca đã chết từ lâu và giới trẻ đang cần một ngôn ngữ khác để cầu nguyện và ca tụng Chúa.
Cha sở nhìn cha phó. Hiểu ý, cha phó đáp:
- Đúng là chúng tôi đang hát một lối hát mô phỏng Bình ca; nếu có ý định cầu nguyện thì lối hát như thế của chúng tôi không buồn tẻ. Đàng khác Bình ca không chết, chỉ không dùng tại các nước như Việt Nam. Còn điều này nữa, dù giới trẻ thời đại nào thì ngôn ngữ Thánh vịnh vẫn là ngôn ngữ cầu nguyện thích hợp nhất.
Cha sở nói bằng giọng xoa dịu:
- Đó là lối hát Thánh ca Phụng vụ. Quý anh nên tham dự thử một lần, có thể quý anh sẽ thích..
Thành Vân, người đàn ông lớn tuổi đứng lên nói:
- Thôi nếu các cha đã có hẳn một chủ trương với tên gọi rạch ròi như thế thì chúng tôi không còn có ý kiến gì thêm.
Người đàn ông ngập ngừng giây lát rồi nói tiếp:
- Cứ tưởng các cha làm theo kiểu “hú họa” (5)… Nghệ thuật mà! Muốn làm gì thì làm miễn có ý đồ (6).
(1)Ban nhạc estrade là ban nhạc nhẹ thường gồm: 2 hoặc 3 guitar, dàn trống Jazz, organ, kèn saxophone hoặc trompette.
(2)Thánh ca thể loại V: Thánh ca Bình dân Tôn giáo (cantus religius popularis). Thánh ca thể loại VI là Giáo ca (music
(3)Tv 150,3
(4)Tay chơi nhạc Rock.
(5)Hú họa nghĩa là làm liều, làm không có cơ sở, không tính toán, được chăng hay chớ, ví dụ một số vị chủ tế có giọng hát tốt, liền ngẫu hứng hát luôn kinh nguyện Thánh Thể (trong thánh lễ) không dựa trên một cơ sở nghệ thuật nào, gọi đó là “hát hú họa”.
(6)Chính xác câu nói của linh mục nhạc sư Tiến Dũng thường dùng để nhắc nhở học trò: “Người nghệ sĩ rất tự do, muốn làm gì thì làm, nhưng phải có ý đồ”.