Buổi tối nhàn hạ, nhìn thấy một số thanh niên nam nữ còn nán lại ngồi chuyện trò trên các băng ghế đá xung quanh nhà thờ, cha phó lân la đến bắt chuyện.
- Các bạn chưa về nhà…?
Một chàng trai nói tiếp theo:
- …để chờ một bạn còn đang có việc ở nhà các dì phước, thưa cha.
Cha phó ngồi vào một băng ghế trống gần đó hỏi:
- À!... Nhưng cả 3 bạn cùng chờ à?
Chàng trai áo đỏ đáp:
- Đúng vậy! Sẵn tiện cũng ngắm cảnh nhà thờ… các cha thiết kế rất mỹ thuật!
Cha phó gật đầu:
- Phải! Cho nhiều cây xanh vào đương nhiên quang cảnh trở nên đẹp mà chẳng tốn nhiều công thiết kế… cốt giáo dân thích đến nhà thờ hơn đó mà!
Chàng trai áo sọc mon men lại gần cha phó và hỏi:
- Và còn để họ nấn ná không nhanh chân rời khỏi nhà thờ cho sớm nữa… -nói xong phá lên cười dòn-
Cha phó cảm thấy vui, tiếp lời:
- Nhưng… có ai góp ý cho việc này không? Nên làm gì để mọi người ham thích vào hẳn bên trong nhà thờ, và đừng ra khỏi nhà thờ quá sớm như vậy.
Chàng trai áo đỏ trả lời:
- Thưa cha! Các cha đừng nói quá nhiều… Ừ phải! Ở đây thì không, các cha ở nhiều nhà thờ khác nói quá nhiều trong một thánh lễ, nào trước thánh lễ, đầu thánh lễ, giữa thánh lễ, cuối thánh lễ…
Cha phó nhận ra điểm này, nói:
- Khi một người nói quá nhiều thì những người khác sẽ “im lặng”. Luật bù trừ đó mà!
Cả ba chàng trai đều hiểu chữ “im lặng” của cha phó ám chỉ sự thụ động chịu đựng, thụ động chán nản và thụ động mong mau thoát khỏi nhà thờ cho mau… nên cùng gật đầu. Chàng trai áo trắng nãy giờ giữ im lặng tuyệt đối, lên tiếng:
- Thánh nhạc phải đồng bộ với phụng vụ nữa sau khi các cha ít nói hơn.
Cha phó hỏi:
-Ừ! Nhìn chung, nhà thờ mình đây… đã có thánh nhạc đồng bộ với phụng vụ chưa… ta?
Chàng trai áo trắng có khuôn mặt thủ lãnh thẳng thừng đáp:
-Chưa!
Cha phó như muốn văng khỏi băng ghế đá đang ngồi vì quá bất ngờ, kêu lên:
- Chết cha! Chưa à? Chưa… thế nào…?
Chàng trai áo trắng đáp không cần suy nghĩ:
-Không tìm thấy nhạc trong lễ, không tìm thấy lễ trong nhạc..
Cha phó lại cảm thấy quá bất ngờ hơn và tỏ ra rất thú vị trước câu trả lời của chàng trai áo trắng; không cần giữ ý tứ gì nữa, cha phó hỏi:
- Ờ mà anh là ai để tôi còn kể lại cho cha sở vì cha thích nghe những góp ý có tính vĩ mô (1) như thế này… lắm lắm…
Chàng trai áo sọc trả lời thay:
- Thưa cha, Bằng –chỉ tay về phía chàng trai áo trắng- đang là người tập sự đạo diễn cho một gánh hát cải lương.
Vừa nghe lời giới thiệu vừa nhìn chàng trai áo trắng, cha phó gật… gật đầu kêu lên:
- Phải! Cho nên anh mới có thể nói một cách chuyên môn như thế!
Chàng trai áo trắng không nói thêm gì nữa, cứ im lặng như không ở trong câu chuyện 4 người đang nói. Thấy vậy cha phó không dám hỏi thêm, chỉ lặp đi lặp lại công thức cha vừa mới rút ra từ câu chàng ta vừa nói: “Nhạc trong lễ, lễ trong nhạc”…
- Thế nghĩa là làm sao? Bồ có thể nói rõ hơn cho mình hiểu được không? ”Nhạc trong lễ, lễ trong nhạc” là gì?
Chàng trai áo trắng trả lời một cách bất đắc dĩ:
- Tôi không biết diễn tả… nhưng có thể nói, nếu dự một bữa tiệc trong im lặng, ngồi ăn với những người không quen, không được ai đón tiếp..,
Cha phó nói:
-Có lý lắm! Từ từ ta đào sâu khía cạnh này…
Chàng trai áo trắng nói thêm:
- Không thể hát nền, mà phải hát chính nghi lễ.
Chàng trai áo đỏ nói với cha phó:
Phải rồi thưa cha! Giống như hát cải lương; tức là hát chính lời thoại.
Cha phó bất ngờ phải đi vì có người gọi.
…
Buổi tối, sau khi thuật lại cho cha sở nghe những gì đã nghe ở 3 chàng trai vào buổi chiều vừa xong, cha phó hỏi cha sở:
- Thưa cha, cha nghĩ sao về “lễ phải có ở trong nhạc, nhạc phải có ở trong lễ” khi nói về thánh nhạc trong phụng vụ?
Hỏi đi hỏi lại và suy nghĩ kỹ, cha sở trả lời:
- “Lễ trong nhạc, nhạc trong lễ”, ở đây… là “thánh nhạc ở trong phụng vụ và phụng vụ ở trong thánh nhạc”…Muốn có điều này thì thánh nhạc phải hát bằng chính bản văn phụng vụ.
Ngừng vài giây, cha sở nói thêm:
-Và do toàn dân cùng hát. (2)
(1)Vĩ mô: đối tượng có quy mô lớn nhất, bao quát toàn hệ thống (Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ).
(2)“Lễ trong nhạc, nhạc trong lễ”: bản văn phụng vụ được phổ nhạc theo đúng quy cách Giáo hội ấn định. Khi sáng tác (phổ nhạc cho bản văn phụng vụ) đúng quy cách, cộng đoàn có thể hát đối đáp. Đó chính là Thánh ca Phụng vụ. Hát Thánh ca Phụng vụ là “lễ trong nhạc, nhạc trong lễ”.