- Điều gì khiến cha nhắc hoài đến Thánh ca Phụng vụ?
Cha sở suy nghĩ giây lát rồi trả lời:
- Điều gì làm người ta yêu thích trẻ con?
Cha sở trả lời luôn bằng một câu hỏi khác:
- Sự trong sáng… đúng không?
Cũng suy nghĩ một thoáng, cha phó gật đầu đồng ý. Cha phó lại thắc mắc:
- Thưa cha, Thánh ca Phụng vụ rất trong sáng; nhưng để chứng minh cho mọi người, ta phải làm sao đây?
Cha sở lắc đầu:
- Chứng minh thì dễ; nhưng làm cho mọi người theo đuổi và thực hiện mới khó. Vì chẳng ai muốn rời bỏ cái ghế mình đang ngồi “yên” (1).
Cha phó hỏi:
- Thưa cha, cha đã nói “đúng phóc” suy nghĩ của con. Mọi người thấy hát thánh ca hiện nay đang ổn, nên không có hứng thú tìm tòi thêm… Vậy ta phải làm sao?
Cha sở:
- Phải dùng chính sự trong sáng của Thánh ca Phụng vụ để thuyết phục mọi người....
Cha phó tò mò nên cố lắng tai nghe. Cha sở nói:
- Lần kia tôi chứng kiến cảnh tượng này. Một ông bố vừa đẩy xe trẻ em chỡ bé gái 1 tuổi xinh xắn… vừa đi mua hàng trong siêu thị. Chiếc xe thấp không gây chú ý. Thế nhưng di đến đâu, mọi người nhất là phụ nữ, hễ bất chợt nhìn xuống thấy bé gái xinh xắn đang ngây thơ nhìn lên, những người ấy đều có cùng một phản ứng như nhau: cơ mặt giãn ra, có người mỉm cười một mình, có người mỉm cười với bé… thậm chí một chị đang dọn quầy hàng vẻ mặt căng thẳng nhưng khi nhìn thấy bé gái, gương mặt chị bỗng dịu lại thấy rõ… Cảnh tượng ấy thu hút khiến tôi cứ len lén đi theo ông bố và bé gái để chiêm ngưỡng hoài không chán…
Chỉ là nhắc lại bé gái ấy thôi mà cơ mặt của cha sở cũng giãn ra, cười và nói tiếp:
- Còn có nhiều thứ khác, nhưng ít nhất sự trong sáng nơi trẻ thơ làm mềm lòng hết mọi người. Sự trong sáng của Thánh ca Phụng vụ có sức mạnh giống như vậy.
Cha phó chờ đợi xem giải pháp cha sở sẽ đưa ra như thế nào. Cha sở tiếp:
- Giống như ông bố, chúng ta cũng chẳng phải làm gì, cứ cho trình diện Thánh ca Phụng vụ. Chỉ trình diện thôi, còn sự trong sáng tự nó sẽ dần lên tiếng thuyết phục mọi người.
Cha phó sốt ruột:
-Đơn giản thế thôi sao… thưa cha?
Cha sở gật đầu:
- Tôi tin chắc như thế.
Cha phó hỏi:
-Nhưng sự trong sáng của Thánh ca Phụng vụ có hấp dẫn mọi người không thưa cha?
Cha sở trả lời:
- Tôi lại có một ví dụ khác nữa. Những chuyện cười do Bác Ba Phi (2) kể, xét ra, không có chuyện nào có thật, lần không có cả sự hợp lý, vậy mà mọi người vẫn cứ thích nghe, thích truyền tụng và lưu giữ vì truyện kể lẫn cách kể rất trong sáng. Sự trong sáng ấy do 3 yếu tố: tâm hồn đôn hậu vui vẻ của Bác Ba Phi, sự bất ngờ mà dí dỏm và tính nghệ thuật.
Cha phó vẫn lắng nghe. Cha sở nói tiếp:
- Cũng vậy, sự trong sáng của Thánh ca Phụng vụ do 3 yếu tố: cộng đoàn cùng hát trong hiệp nhất, tràn ngập không khí cầu nguyện và tính nghệ thuật rất cao.
Cha phó tỏ thái độ dè dặt:
- Liệu con người hiện nay có nhận thấy sự trong sáng này không?
Cha sở gật đầu:
- Kể từ khi thế giới có, ít là, 3 tiện ích lớn: điện thoại di động, internet, kỹ thuật số… con người trở nên “hư hỏng” hơn trước với, ít là, 5 “tiện hại”: một là nóng tính, hai là phóng túng, ba là “cứng đầu” khó tin, bốn là lạnh nhạt, năm là vô ơn thất trung thất tín (3). Tôi và cha cũng là những con người hiện đại đương nhiên cũng ít nhiều… “hư hỏng” theo với mọi người thể hiện bằng cách này hay cách khác.
Cha phó ghi vào sổ tay lời cha sở vừa nói. Sau khi ghi xong, cha phó thử “điểm danh” lại:
- Người hôm nay vì nóng tính mà muốn việc thờ phượng Chúa phải nhanh và gọn; phóng túng nên khó chấp nhận sự quy củ của Thánh ca Phụng vụ; “cứng đầu” khó tin nên chỉ thấy cái gì đang ở ngay trước mắt; lạnh nhạt với cả Thiên Chúa ngay trong việc thờ phượng Người và vô ơn thất trung thất tín với cả Thiên Chúa.
Cha phó nhìn cha sở nói tiếp:
- Đúng vậy! Chỉ nên trình diện, giới thiệu Thánh ca Phụng vụ rồi cứ để sự trong sáng làm mềm lònng người ta…
Cha sở hỏi cha phó:
-Cha có nản không?
-Cha phó:
- Thưa nản. Nhưng…
Cha sở gật đầu:
- Phải! Nhưng đó lại chính là ơn phúc.
Cha phó hiểu ý cha sở, nên cười nói:
- Không vì sự dễ dàng, thuận lợi, vẻ vang hay hứng thú… mà vẫn làm… làm với sự phấn đấu… mới là ơn phúc. Đây lại là một sự trong sáng khác nữa.
(1)“Yên” ở đây là yên trí. Thí dụ: Vào ngày chúa nhât, một số người Công giáo bình bình ráng đi lễ cho xong, và hể đi lễ chúa nhật xong rồi thì cảm thấy yên ổn trong lòng vì không mắc tội trọng. Đó là “yên” của đức tin-yên trí.
(3)Sự “hư hỏng” là tất yếu. Ví dụ internet làm ta ngày càng bán tín bán nghi tất cả; mọi mối giao tiếp giữa con người đều bớt dần nhân nghĩa; lợi nhuận chế ngự sự biết ơn, sự trung tín, sự chân thật…