Cha phó hỏi cha sở: - Thưa cha, ở Roma, người ta vẫn hát Bình ca?
Cha sở gật đầu xác nhận:
- Đúng vậy! Cha mở vài clip video ghi lại các thánh lễ lớn diễn ra trong đền thờ thánh Phêrô hoặc ngoài quảng trường… cha sẽ nghe hát Bình ca. Cha phó: - Thưa cha, khó nhận ra quá. Có những bài nghe hát nhiều bè… thật khó phân biệt…
Cha sở cười: - Bài hát nào có 2 bè trở lên, bài ấy không phải là Bình ca. Bình ca luôn hát bằng tiếng Latin và chỉ hát một bè duy nhất. Những bài hát nhiều bè cũng bằng tiếng Latin thì đó là những bài motetum gọi là đa âm điệu, nhạc viện Việt Nam gọi là phức điệu. Cha phó hỏi thêm: - Vậy để nhận diện được Bình ca, bài ấy hát duy nhất một bè và bằng tiếng Latin? Tại sao thế? Thưa cha! Cha sở trả lời: - Đúng thế! Vì thang âm Bình ca được xây dựng trên dấu trụ và dấu tận cho các âm thanh khác xoay quanh. Trái lại thang âm Âu châu được xây dựng trên âm thể, trong âm thể, các dấu nhạc liên đới với nhau chặt chẽ trên nền tảng dấu định âm.
Thấy cha phó tròn xoe mắt nhìn mình với ánh nhìn đục, tỏ ra không hiểu gì, cha sở nói đơn giản hơn:
- Âm nhạc Bình ca là âm nhạc dùng thang âm để hát ca từ, âm nhạc Âu châu là âm nhạc dùng thang âm để hòa âm… Cho nên nhạc Bình ca luôn hát chỉ một bè duy nhất. Cha phó có vẻ hiểu ra, hỏi: - Có lần cha nói Thánh ca Phụng vụ mô phỏng Bình ca. Mô phỏng làm sao được? Vì Bình ca nhạc xuất từ ca từ tiếng Latin… Cha sở hiểu ý cha phó muốn hỏi gì, không đợi nghe hết câu, cha trả lời ngay: - Một là bắt chước hình thể. Tức sáng tác theo các hình thể Bình ca đã có. Cha phó định hỏi gì đó nhưng kịp dừng. Cha sở nói tiếp: - Hai là mô phỏng hay bắt chước sử dụng thang âm Bình ca để sáng tác. Tức là dùng 8 thang âm của Bình ca để sáng tác tiếng Việt. Cha phó kêu lên: - Ô! Hay thiệt! Cha sở gật đầu: - Ừ! Nghĩa là sử dụng dấu trụ và dấu tận để sáng tác. Thế mới khó! Nhưng làm được… cho nên dù hát tiếng Việt, nhưng vừa cất lên nghe âm hưởng nhạc Bình ca ngay. Cha phó lại kêu lên: - Cho nên có người hiểu lầm gọi là hát Bình ca bằng tiếng Việt.. Cha sở xác nhận: - Gọi thế là sai, vì Bình ca hát tiếng Latin. Không hát bằng tiếng Latin liền không phải là Bình ca.
Cha phó im lặng ngụ ý chờ nghe cha sở nói tiếp: - Ba là áp dụng luôn 2 lối hát cantare và cantillare ngay trong một bài hát. Cha phó: - Bản văn được tôn trọng tuyệt đối…. nữa! Cha sở gật đầu:
- Cha nói đúng. Bản văn tiếng Việt được giữ nguyên, do sáng tác mô phỏng Bình ca như vậy.
Cha phó nhận xét: - Thế là Bình ca được ứng dụng sang thánh ca tiếng Việt rất thông minh và hiệu quả… Chứ không phải thời nay mà còn hát tiếng Latin chẳng ai hiểu gì! Cha sở cười gật đầu: - Cho nên Thánh ca Phụng vụ mô phỏng Bình ca để thánh nhạc càng xứng hợp hơn với phụng vụ. Cha phó hỏi: - Nếu Thánh ca Phụng vụ không dùng thang âm Bình ca… có còn là Thánh ca Phụng vụ không? Cha sở xác định:
- Vẫn còn là Thánh ca Phụng vụ. Vẫn còn là loại thánh ca mô phỏng Bình ca. Sợ cha phó không hiểu, cha sở giải thích: - Vì nó vẫn dùng Bản văn Phụng vụ. Vì nó vẫn theo sát phụng vụ. Vì nó vẫn tôn trọng bản văn. Vì nó vẫn theo hình thể Bình ca và dành cho cộng đoàn phần riêng để hát… Và vì nó vẫn dùng hai lối hát: cantare và cantillatr. Cha phó hỏi thêm: - Tại sao lại phải tự hào vì đã mô phỏng Bình ca? Cha sở trả lời ngay: - Vì Bình ca là âm nhạc của phụng vụ.
Cha phó còn hỏi thêm: - Các loại âm nhạc khác không hát phụng vụ được hay sao? Thưa cha!.
- Được chứ! Miễn là tải nguyên vẹn Bản văn Phụng vụ.