Cuối bữa tiệc tất niên là màn “hát mí nhau”. Trước khi hát bài thứ hai, một tay “MC tự phong” của ca đoàn “Xê-xi” lỡ mồm phát ngôn:
- Hát thánh ca mãi cũng mệt cái chủ thể… giờ chúng ta có dịp thì cứ hát tình ca cho đã cái mồm…
Nghe ngứa tai, cha phó bước lên sân khấu đính chính:
- Nói như “em-xi” (MC) Văn Vui là hơi “trật nhịp”, vì thánh ca chẳng qua là tình ca. Tình ca dâng Chúa.
Bốn ca đoàn gộp lại ngót ngét hơn trăm con người ngồi bên dưới hất cả hơn trăm khuôn mặt nhìn lên sân khấu mắt thao láo nhìn, tay vỗ rào rào tán thành cha phó. Tay “MC tự phong” tên là Văn Vui mặt đỏ lừng chắc chẳng phải vì giận… mà là vì nốc như điên… bia “tai-gơ” do một đại gia trong giáo xứ tài trợ… đáp trả:
- Kính thưa “quý cha phó” thân mến! Tình ca là gì cơ? Là hát về tình, về những người tình và hát cách tình tứ cho những người đang có tình yêu nghe. Thế nhưng mà rằng thì là… khi hát thánh ca, con có thấy “tình” ở chỗ nào đâu? Vậy kính thưa “quý cha phó”! Sao có thể gọi thánh ca là tình ca cho được? Hì hì hì…
Cũng có tiếng vỗ tay lét đét chứ không phải là không. Cha phó thấy Văn Vui nói với vẻ pha chút bông phèng, cha cũng đáp từ với vẻ cũng bông phèng tý chút:
- Thánh ca cũng là hát về tình, tình Chúa yêu ta và tình ta dâng Chúa… hát về những người tình và hát rất tình, dù các bạn hát chưa tình tứ cho lắm…. Công bình mà nói, thánh ca còn “tình ca” hơn mọi thứ tình ca trên trái đất này nữa thưa “ông tướng”!
Lại có tiếng vỗ tay rào rào tiếp.
Một cô gái xinh thật là xinh từ dưới khán giả giơ tay hỏi cha phó:
- Cha có nói quá không chứ con chẳng thấy bài thánh ca nào là tình ca…
Cha phó đang dợm đi xuống ghế ngồi, nghe vậy trở lên chỗ micro trả lời:
- Thu Nga nói vậy… nhưng chỉ tại chúng ta chưa nhận ra đấy thôi! Thánh ca nào mà không dâng Chúa xuất phát từ tấm lòng kính yêu Người!
Thu Nga, cô gái xinh đẹp thắc mắc:
- Xét về mặt lý thuyết thì con công nhận, nhưng xét về mặt thực tế thì con thấy bài nào cũng “đơ”, chỉ có một số rất ít bài có cảm xúc thôi.
Một vài ca viên lẫn ca trưởng nêu ý kiến đồng tình với cô gái. Cha phó cười trả lời:
- Nhưng các bạn có đồng tình thánh ca là tình ca không đã? Nếu đồng tình, chúng ta chơi tiếp rồi lát nữa sẽ nói.
Mọi người tỏ vẻ đồng tình và tiếp tục hát hò.
…
Trời càng về khuya không khí càng lạnh mọi người càng hát hăng. Đúng 10g, cha phó mở cuộc thảo luận tiếp, vì cơ hội các ca đoàn gặp mặt nhau đầy đủ là rất hiếm. Cha phó gợi ý trước:
-Để thánh ca là tình ca đúng nghĩa, nhạc sĩ sáng tác phải thật sự yêu Chúa và viết với cả cảm xúc yêu mến.
Mọi người xin cha cho thí dụ. Cha phó nói:
-Có gì là khó nhận ra! Những bài viết cho tâm tình thánh hiến đều đầy cảm xúc ấy. Ngoài ra còn có những bài chúng ta nghe rất ướt.
Cha phó kể tên một vài bài thánh ca được viết rất tình tứ. Mọi người đều công nhận.
Sau khi thấy mọi người đều công nhận thánh ca là tình ca, chỉ tại nhiều bài viết vội vã, viết lấy có, viết theo đuôi, viết cho có số lượng, viết vô cảm xúc… cha phó kết luận:
- Có một mẫu mực tình ca trong thánh nhạc, đó là Thánh ca Phụng vụ.
Cha phó giải thích:
-Thánh ca Phụng vụ là thánh ca viết bằng Lời Chúa. Do đó, khi sáng tác Thánh ca Phụng vụ, chắc chắn nhạc sĩ sẽ có ngay cảm xúc. Vì Lời Chúa đều là lời tình nói với nhân loại.
Một nam ca trưởng hỏi:
- Lời Chúa mà là lời tình sao? Con thấy khô khan lắm mà!
Cha phó trả lời ngay:
- Một đàng chúng ta ít tiếp xúc với Lời Chúa, đàng khác chúng ta chưa yêu Chúc đích thực.
Cha phó giải thích thêm:
- Nếu hát bằng thánh vịnh, chúng ta sẽ thấy rất tình tứ. Chưa kể hình thể thánh ca với hai lối hát (1) làm cho Thánh ca Phụng vụ nghe rất tình tứ.
Một ca viên hỏi:
- Trong việc thờ phượng có nên tình tứ hay không nên?
Cha phó trả lời:
- Chúa là tình yêu. Động đến Chúa là động ngay đến tình yêu… chỗ nào cũng có thể tỏ tình yêu với Chúa được hết cả.
Một ca viên nhận xét:
-Chúa xuống thế để tỏ tình cùng nhân loại mà!
Cha phó gật đầu đáp:
- Phải rồi! Tại chúng ta lạnh nhạt… xong rồi nghĩ thế này thế nọ…
Mọi người bu quanh cha phó mặc cho một số ca viên khác vẫn còn say sưa hát rống lên hết cỡ.
Cha phó tận dụng thời cơ tốt đẹp, nhìn vào ánh mắt ham mê học hỏi của các ca viên, cha phó nói tiếp:
- Vậy nên trong lúc chưa có Thánh ca Phụng vụ, các bạn hãy thay đổi cung cách hát thánh ca bằng cách hát dâng Chúa với tất cả tình yêu.
Cha phó đi sâu vào chi tiết:
- Trong lồng ngực mỗi bạn đều đang có một trái tim lúc nào cũng phập phồng khao khát yêu đương, vậy tại sao các bạn không hát với tình yêu Chúa?
Cha phó dạy:
- Muốn vậy, các ca trưởng hãy chọn những bài có cảm xúc yêu Chúa để ca viên tập ca hát với lòng yêu mến Chúa.
Thu Nga cũng là ca trưởng, phát biểu:
- Từ lâu con đã cố gắng chọn những bài có cảm xúc.
Một ca trưởng khác nói với Thu Nga:
- Nói đúng ra trong số hàng triệu bài thánh ca Việt Nam, tôi chỉ chọn được rất ít bài có cảm xúc yêu Chúa đích thực. Đúng vậy không?(2)
(1) Hai lối hát vừa tạo tương phản vừa tạo thi vị: cantare là hát ca, cantillare là hát xướng.
(2) Nghệ thuật phải xuất phát trước tiên từ cảm xúc. Có 2 thứ cảm xúc nóng hổi làm nên bài hát hay: cảm xúc yêu thương và cảm xúc buồn khổ. Trong thánh ca là nghệ thuật dùng cho phụng thờ, cảm xúc yêu thương là cảm xúc do rung động vì thấy Chúa yêu ta và vì thấy ta yêu Chúa; cảm xúc buồn khổ là cảm xúc do rung động vì thống hối. Tận dụng 2 nguồn cảm xúc ấy, nhạc sĩ sẽ có những bài thánh ca đầy cảm xúc. Nhưng để đừng đi lạc hướng, người ta nên đi vào Thánh ca Phụng vụ, nơi đó 2 nguồn cảm xúc được chắt lọc, thanh luyện, định hướng và người nghe nhận được nhiều rung động lành mạnh hay thánh thiện hơn.