Trong lớp giáo lý tân tòng có một giáo viên ngành nghệ thuật tên Tú Anh, tuổi đời cũng kha khá. Thầy Tú Anh hỏi cô giáo lý viên tên Hội, người cũng “bộn tuổi” tính bộc trực thẳng thắn:
- Tại sao trong nhà thờ phải hát mới được?
Cô Hội hơi bất ngờ; cô giáo trầm ngâm suy nghĩ trong giây lát rồi trả lời:
- Để thánh lễ thêm sốt sắng.
Thầy Tú Anh ngập ngừng nhưng rồi cũng hỏi:
- Hầu như các bài hát và ngay cả cách hát… đều giông giống nhạc… đời; làm sao có thể gây sốt sắng được thưa cô?
Đến đây thì cô giáo Hội ngắt ngứ “nuốt không trôi” câu hỏi của học trò, cô bèn dùng chiêu “cả vú lấp miệng em”:
- Anh đã thật rành rọt về giáo lý chưa mà giờ lại còn lấn sang địa hạt thánh nhạc?
Thầy Tú Anh cười bẽn lẽn. Thấy mình hơi kỳ, cô Hội nở một nụ cười duyên nói:
- Nói vậy thôi chứ anh muốn hỏi gì thì cứ việc hỏi. Điều gì tôi giải đáp không xong thì có các linh mục. Lo gì!
“Được lời như cởi tấm lòng”, thầy Tú Anh hỏi:
- Lối hát trong các nhà thờ hiện nay có vẻ như lối hát dành cho các “sự kiện” ngoài đời. Trong nhà thờ cần có một lối hát khác hẳn mới được! Phải không cô?
Thật là may mắn đến không thể ngờ! Nhác thấy cha phó đi ngang qua dù ở đằng xa, cô Hội hét to:
- Cha ghé qua chỗ con một chút được không?
Cha phó ra hiệu đồng ý xong, tiếp tục đi đâu đó, vài phút sau cha phó quành trở lại chỗ cô Hội, chưa đến nơi cha phó đã hỏi:
- Tôi đây! Cô cần gì?
Sau khi nghe rõ câu hỏi, cha phó cười trả lời với thầy Tú Anh:
-Phải nói thầy tinh ý lắm! Qua năm tháng, chuyện gì cũng có thể chệch choạc. Nhưng quan trọng là mọi người cũng đang thấy ra và cố gắng sửa chữa.
Thầy Tú Anh lộ vẻ thích thú nên mạnh dạn phát biểu:
-Việc đầu tiên là phải lưu ý đến nghệ thuật. Không nghệ thuật thì đừng nói gì thêm phải không thưa cha?
Cha phó gật đầu xong thì hỏi ngay:
- Nhưng trước khi nói đến nghệ thuật, cần phải nói đến đầu tư. Không đầu tư đừng nói đến nghệ thuật. Phải không?
Gặp phải tay “kỳ phùng địch thủ”, thầy Tú Anh trố mắt:
-Đầu tư?
Cha phó trả lời:
- Hiện trong nhà thờ, thánh nhạc là ngành không có sự đầu tư từ mọi phía...
Cô giáo Hội tỏ ra sành sỏi, giải thích cho thầy Tú Anh:
- Mọi thứ đều phờ-ry (free) hết! (1). Tôi đang ở trong ca đoàn chính của họ đạo đây nè!
Cha phó tỏ vẻ đồng tình rồi giải thích rõ thêm:
- Bài hát không trả tiền tác quyền; đàn ca tự đi học rồi diễn tấu tự nguyện; ca trưởng tự ứng ra mà làm, ca viên tự tụ tập lại mà hát hò v.v…
Thầy Tú Anh nhận định:
- Hậu quả là chẳng ai dám đòi hỏi…
Cha phó nói tiếp theo:
- Thưa phải! Không đầu tư gì nên không ai dám đòi hỏi; không đòi hỏi thì không đổ mồ hôi, không mồ hôi thì không có nghệ thuật...
Thầy Tú Anh không bằng lòng:
-Nhưng đành chịu vậy mãi sao? Nhưng… thờ phượng bằng cách này mà được à?
Cha phó đáp:
- Không! Giáo hội đã tiên liệu tất cả cho nên Giáo hội từ bao đời đã đặt ra một ngành khoa học nghệ thuật cho tín hữu; ai không chịu đi theo Nó, sẽ dậm chân tại chỗ mãi với thứ âm nhạc phi nghệ thuật như ta thấy hiện nay; nhưng nếu ai đi với Nó, sẽ thấy sự thờ phượng “không giá tiền” nhưng rất “có giá trị”.
Thầy Tú Anh rất tò mò. Cha phó nói tiếp:
- Và Nó, thánh nhạc truyền thống của Giáo hội như vừa nói, là một thứ siêu nghệ thuật
Thầy Tú Anh im lặng lắng nghe. Cha phó giải thích:
- Đó là Thánh ca Phụng vụ. Một ngành khoa học nghệ thuật lớn có thể gọi là siêu nghệ thuật.
Thầy Tú Anh mỉm cười với vẻ nghi ngờ. Cha phó nói:
- Trước tiên vì hát bản văn phụng vụ có sẵn, cho nên Thánh ca Phụng vụ không phải vắt óc tìm nội dung và đặt ca từ. Kế đến sáng tác cho cộng đoàn hát nên không tốn nhiều công, chỉ cần theo đúng hình thể sẵn có. Tiếp theo dùng dấu trụ cho ca xướng viên hát cũng không mất nhiều thời gian… Vì Thánh ca Phụng vụ là của toàn dân cho nên mọi việc đi theo đều có tính quần chúng…
Thầy Tú Anh bất giác gật đầu. Cha phó giải thích tiếp:
- Nói Thánh ca Phụng vụ là một ngành siêu nghệ thuật vì 3 lý do: Một là với những “chất liệu” và “công thức” Giáo hội dọn sẵn, các bài Thánh ca Phụng vụ đều có tính khoa học và nghệ thuật rất cao. Hai là khoa học và nghệ thuật của Thánh ca Phụng vụ là khoa học và nghệ thuật kết nối tâm hồn mọi thành phần trong cộng đoàn để họ trở nên một duy nhất trước Nhan Chúa. Ba là Thánh ca Phụng vụ chính là loại hình nghệ thuật tiến dâng để tôn vinh và làm đẹp lòng Chúa.
Thầy Tú Anh hoàn toàn bị thuyết phục, nhưng vẫn còn thắc mắc:
- Như vậy mọi người còn đang tìm về Thánh ca Phụng vụ hay sao?
Cha phó đáp:
- Phải! Nếu một bước mọi người mọi việc trở nên hoàn hảo ngay thì con người đều là siêu nhân! Lúc ấy sẽ không có các câu “Nhân vô thập toàn”, “Vạn sự khởi đầu nan”…
(1) Có khi có sự đầu tư, nhưng đầu tư sai chỗ. Ví dụ đầu tư nhạc cụ, âm thanh mà không đầu tư người sử dụng đàn có kiến thức chuyên môn, người ca hát có tính chuyên nghiệp,..