Dấu chỉ thứ nhất của tính hàn lâm là có quy luật, quy luật của khoa học và nghệ thuật… Dấu hiệu đầu tiên của tính dân dã là thích hợp và gần gũi với quần chúng.
Cha phó hỏi cha sở:
- Thưa cha! Tại sao dòng nhạc Bolero đang được hồi sinh trở lại?
Cha sở hơi bị bất ngờ. Cha suy nghĩ vài giây rồi trả lời:
- Vì dòng nhạc Bolero có giá trị cho nên không chết. Món đồ có giá trị, không dùng đến, người ta cất đi chứ không quăng bỏ; khi cần lại được mang ra dùng. Giới trẻ Việt Nam -giới showbitz- hiện không đem lại cho công chúng một dòng nhạc nào đáng để thỏa khát thì công chúng tìm lại dòng nhạc Bolero.
Cha phó hỏi:
- Thưa cha! Dòng nhạc Bolero có giá trị do điều gì?
Cha sở suy nghĩ một lúc:
- Do luôn mới, mới vì có chất thời sự (1) Đặc biệt nó còn mang trong mình vừa tính hàn lâm vừa tính dân dã.
Cha sở mong cho cha phó hài lòng với câu trả lời để cùng nhau nói sang chuyện khác, nhưng cha phó xin cha sở giải thích thêm:
- Thưa cha! Thế nào là hàn lâm và thế nào là dân dã?
Cha sở trả lời:
- Tôi nói tóm xong thì cha “tha” cho tôi chuyện Bolero đi nhé! Hàn lâm là về âm nhạc, dòng nhạc Bolero chọn cho mình một sắc thái rất riêng không hòa lẫn với dòng nhạc nào khác; về nội dung, mỗi bài hát của nó là một câu chuyện; về ca từ, ca từ của dòng nhạc Bolero luôn trong sáng; về kỹ thuật sáng tác, mỗi tác phẩm của dòng nhạc Bolero đều có đầu tư về học thuật và có kỹ thuật lẫn kỷ luật.
Cha phó dợm hỏi thì cha sở nói luôn:
- Dân dã ở chỗ giai điệu, tiết tấu và hòa âm đều giản dị cho đại chúng, đậm chất dân ca và nhiều cảm xức, cảm xúc của dòng nhạc Bolero có sức lay động lòng người nơi đại chúng bằng những câu chuyện thường tình.
Cha phó đột ngột chuyển hướng:
- Thưa cha! Thánh ca Phụng vụ có được những gì như dòng nhạc Bolero không?
Đang cùng nhau đi tới đi lui trên sân nhà thờ, cha sở đứng khựng lại nhìn thẳng vào cha phó:
- Á à! Nãy giờ “ông” gài tôi đấy hả?
Nói xong cha sở cười rồi hăng hái trả lời:
- Có chứ! Sự hòa quyện 2 tính hàn lâm và dân dã vào nhau ở Thánh ca Phụng vụ mới là… nhiều hơn, đáng nói, khéo léo và ngoạn mục hơn nhiều… có thể tóm trong một câu: “Thánh ca Phụng vụ là mâm cỗ quý tộc dọn đãi kiểu bình dân”.
Cha phó kêu lên:
- Con tóm thêm một câu nữa… “Thánh ca phụng vụ là sự sâu sắc trong vẻ đơn sơ”(2)
Cha sở nói:
- Vậy là cha khôn và giỏi hơn tôi rồi!
Cha phó quan sát xem cha sở có “nói kháy” mình hay không. Cha sở cười và tỏ vẻ thành thật:
- Tôi nói thiệt mà! Cha giỏi lắm! Đúng là “Hậu sinh khả úy”! (3)
Cha phó cười sung sướng:
- Con sẽ đi khoe ngay với mấy anh bạn…
Tình yêu, đau khổ, sống, chết… là những chủ đề có tính thời sự –xưa nay người ta đề cập mãi vẫn không chán và vẫn mới hoài-
Những người viết Thánh ca Phụng vụ phải học nhiều về âm nhạc cổ điển, Bình ca lẫn âm nhạc hiện đại… mới có thể trở lại viết cho đại chúng.
“Hậu sinh khả úy”: Lớp người sau (người trẻ) nhưng lại rất đáng phục, đáng nể, tài giỏi hơn lớp người đi trước (người già), khiến cho những bậc thế hệ đi trước không thể xem thường.