Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn chủ đề cho đường hướng mục vụ trong năm 2015 là năm “Tân Phúc-Âm-Hoá Đời Sống Các Giáo Xứ và Các Cộng Đoàn Sống Đời Thánh Hiến”[1]. Với chủ đề này, các giám mục muốn thăng tiến các giáo xứ. “Giáo xứ” có nơi gọi là “họ đạo”, “xứ đạo”,... Những tên gọi này có ý nghĩa và sự khác biệt thế nào, cần được tìm hiểu.
1. Ý nghĩa của từ “xứ” và “họ”
Về chữ đạo và giáo chúng tôi đã có dịp giải nghĩa trong các bài trước đây đăng trên Nguyệt San Bài Giảng Chúa Nhật[2], Ở đây, xin không nhắc lại. chỉ tìm hiểu hai chữ xứ và họ.
1.1 Xứ.
Xứ, Hán Việt chỉ có một chữ: 處 (giản thể: 处). Chữ này rất phức tạp. Nguyên nghĩa là xử phạm nhân ở chung với cọp, nay hoàn toàn không có nghĩa này nữa, chỉ có nghĩa xử phạt, và những nghĩa diễn tiến từ nghĩa này:
處đọc làxứ (dt.), có nghĩa là (1) Nơi, chỗ: Trú xứ (nơi ở), thân thủ dị xứ (thân một nơi, đầu một nơi), tham mưu xứ (chỗ tham mưu trong dinh quan). (2) Nơi nào đó: Đáo xứ (đến nơi nào đó), xứ xứ (chốn chốn, nơi nơi, khắp nơi). (3) Điểm: Trường xứ (điểm hay, sở trường, đặc biệt, ưu điểm), tương đồng chi xứ (có điểm giống nhau). (4) Văn phòng: Nhân sự xứ (phòng coi về nhân sự, phòng tổ chức), xứ trưởng (người đứng đầu văn phòng). (5) Tiếng giúp đếm: Kỷ xứ nhân gia (nhiều hộ). 處đọc làxử (đt.), có nghĩa là: (6) Ở, cư trú: Tương xử (chung sống), cửu xử (ở lâu), quân xử Bắc Hải (anh cư trú tại Bắc Hải). (7) Giải quyết, phân biệt sự lý cho được phải chăng: Xử lý, xử trí, khu xử. (8) Ðắn đo để cầu cho yên: Xử tâm tích lự (bận lòng lo nghĩ để cho xứng đáng). (9) Quyết định: Xử đoạn (quyết định xong). (10) Xử hình án: Xử trảm (xử án chém), xử giảo (xử án thắt cổ). (11) Đặt mình vào: Xử ư nghịch cảnh (đối mặt với bất lợi). (12) An bài: Hà dĩ tự xử (an bài cách nào). (13) Quản lý, xem xét mà đối phó với việc xảy tới: Đức dĩ xử sự (quản lý với nhân đức). (14) Nghỉ hưu: Hoặc sinh hoặc xử (sống hay là nghỉ hưu). (tt.) trái nghĩa với chữ xuất (出), có nghĩa là: (15) Ở ẩn: Xử sĩ (kẻ sĩ không muốn ra làm quan), xuất xử (ra đời hay ở ẩn). (16) Chưa xuất giá: Xử nữ (gái trinh). (17) Lần đầu: Xử nữ tác (tác phẩm đầu tay)
Chữ Nôm có 4 chữ đọc là xứ: 處, 䖏, 处, 処.
- Hai chữ 處 và 䖏 đọc là xứ, như xứ sở, biệt xứ, tứ xứ(nhiều nơi); cũng đọc là xử, như xử án, xử phạt, dã xử.
- Hai chữ处và処đọc là xứ, như xứ trưởng (người đứng đầu văn phòng), nhân sự xứ (phòng coi về nhân sự); cũng đọc là xử, như xử án, xử kiện, xử thế, phân xử.
- Hai chữ處 và处 còn đọc là xớ, như xớ rớ (ngẩn ngơ; tình cờ gặp (cái hay), ăn nói xớ lợ (ăn nói ngọt ngào mà không thật lòng); và xở, như xở đi (xéo đi), xoay xở (tháo vát).
Trong phương ngữ tiếng Việt (miền Trung), xứ có nghĩa là đống (hàm ý rất nhiều, nhiều vô kể): Có cả xứ (có cả đống), xúc được một xứ cá con.
1.2 Họ.
Họ là chữ Nôm, có năm cách viết là: 户, 𢩜, 𣱆, , . Năm chữ này đều đọc là họ, như: dòng họ, họ hàng; họ tên. Riêng 户 và𢩜 còn đọc là hộ, như: hộ khẩu, hộ tịch; và户còn đọc là hụ, như: giầu hụ (rất giàu).
Họ (户) có nghĩa là: (dt.): (1) Tên chung một dòng tộc cùng một ông tổ mà con cháu khi đặt tên con đều phải dùng để đứng trước tên riêng: Họ Lê, họ Nguyễn, kiêng họ, tên họ; Gió đưa cây cửu lý hương. Hai người hai họ mà thương nhau đời (Ca dao). (2) Liên hệ gia đình: Họ nội; họ ngoại. (3) Số người dự lễ cưới thuộc một bên: Đi họ, giữa hai họ. (4) Lối góp tiền làm ăn: Gọi họ; mua họ. (5) Gọi trâu nghỉ cày: Sáng tai họ điếc tai cầy. (6) Từ đệm trước “hàng”: Họ hàng bà con. (7) Từ đệm sau “hàng”: Hàng họ khó bán. (8) Chi khu xứ đạo Công Giáo ở Bắc: Họ Phát Trung thuộc xứ Phát Diệm; toàn xứ đạo trong Nam: Họ Tân Định. (9) (thực) Giống, cùng một chất mủ: Họ bầu bí, họ cam quít, họ lan. (đdt.) (10) Người ta, người ấy, mấy người ấy, những người ấy, tiếng chỉ người hay nhóm người vắng mặt hay chỉ ngay những người có mặt nhưng bị xem như cừu địch: Đã bảo mà họ có nghe đâu; Họ đi cả rồi!
2. Họ và xứ trong khung cảnh Việt Nam.
Những bài viết của Lm. Đỗ Quang Chính trong tác phẩm “Tản mạn lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam”[3] có thể xem là những bài nghiên cứu rất quý báu và bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, về vấn đề hội nhập văn hoá và cả về chữ Quốc Ngữ. Trong tác phẩm này, khi nghiên cứu về sinh hoạt của các họ đạo Việt Nam từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, qua bài “Họ Nhà Thờ Việt Nam xưa” (trang 238-270), tác giả có bàn đến hai từ ngữ họ và xứ trong khung cảnh Việt Nam. Bài khảo cứu này đã cho thấy:
1- Xứ hay họ được dùng để chỉ nơi một số người Công Giáo quy tụ theo địa dư, sinh hoạt tôn giáo có tổ chức, lấy nhà thờ là trung tâm, dù nơi đó có cha sở hay không. Xứ và họ như thế không hoàn toàn đúng theo nghĩa từ paroecia trong Giáo Luật 1917 (điều 216) và Giáo Luật 1983 (điều 515, 518) mà ngày nay chúng ta gọi là “giáo xứ”. Những báo cáo truyền giáo thời đó gọi nơi nào có linh mục thường trú bằng danh từ residentia, ít khi có từ christianitas, càng không dùng từ paroecia.
2- Danh từ “xứ”, được dùng ở Đàng Ngoài hay miền Bắc, đầu tiên có nghĩa như một tỉnh ngày nay hay một miền hành chánh rộng lớn vào thế kỷ 17-18 như: Thanh Hoá xứ, Nghệ An xứ vv... Khi cuộc truyền giáo mới bắt đầu, số linh mục ít oi, nên mỗi linh mục coi sóc một xứ rộng lớn. Sau này, các linh mục đông hơn, nên các ngài ở hẳn từng xứ nhỏ, được hiểu theo giáo xứ ngày nay, và trong xứ có nhiều họ hay họ lẻ thuộc xứ đó.
3- Danh từ “họ”, được dùng ở Đàng Trong hay miền Nam, như họ Gò Thị, họ Cái Nhum, họ Lái Thiêu vv.... Trong họ có nhiều họ lẻ cũng được gọi là phần sở. Theo nguyên ngữ, “họ” có nghĩa là gia đình, họ hàng, thân thích, và nếu hiểu rộng hơn cũng chỉ các hiệp hội, hội đoàn, phường, có cùng một chí hướng, như: Họ Dòng Ba Phanxicô, họ Đức Bà, họ Thánh Binh Nhi Đồng, họ Chết Lành...
4- Trong khi từ xứ nói lên sự lớn lao về lãnh thổ, có tính cách địa dư, thì từ họ nhắm đến sự kết hợp chặt chẽ giữa bổn đạo, có tính cách xã hội. Vì thế, “họ” là một cơ sở hay nói đúng hơn là một cơ thể thực sự vững mạnh và sống động.
3. Từ họ đạo và xứ đạo đến giáo xứ.
Trong ngôn ngữ Công Giáo Việt Nam có hai từ họ và xứ nhưng biểu thị cùng một nội dung, giống như xứ đạo, họ đạo[4], giáo xứ, giáo sở. Các từ giáo xứ, giáo sở là những tên gọi mới được dùng mấy chục năm gần đây.
Có lẽ Nhóm phiên dịch bộ “THÁNH CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II” của Phân khoa Thần học GHHV Thánh Piô X là những người đã tạo ra thuật từ “giáo xứ”, vì cho đến thời điểm xuất bản bộ sách này (1972), chúng tôi chưa thấy có ai sử dụng từ ấy để dịch từ paroecia hay để chỉ các xứ đạo hay họ đạo:
- TỪ ĐIỂN EUGÈNE GOUIN[5] (1957) không có từ giáo xứ, nhưng đã có những từ: Họ đạo: Le chrétienté, une chrétienté; Địa hạt: Circonscription, localité, district; au fig. domaine; Địa phận: Division d’un territoire; diocèse, vicariat.
- TỪ ĐIỂN LA-VIỆT-PHÁP[6] (1960) thì dịch Paroecia là (f.) (1) Địa phận (của giám mục) = Diocèse. (2) Giáo khu, xứ (linh mục chính xứ cai quản) = Paroisse.
- Quyển VIỆT NAM CÔNG GIÁO - NIÊN GIÁM 1964[7] - kết quả của hai năm cộng tác giữa các văn phòng địa phận, các dòng tu, các đoàn thể - Mỗi địa phận, mỗi dòng tu đều có một số danh từ riêng biệt, khác nhau mà Ban Biên Tập quyển Niên Giám này đã “không có thẩm quyền để thay đổi hoặc đứng ra thống nhất”[8]. Cho nên, mặc dù Niên Giám sử dụng từ địa sở, địa hạt và địa phận để dịch các từ paroisse, district và diocèse, nhưng đồng thời cũng có dùng từ họ để chỉ các địa sở ở miền Nam và xứ chỉ các địa sở hoặc ở miền Bắc hoặc địa sở gốc Bắc. Thú vị là trong các bảng “Danh sách các cha” ở các địa phận miền Nam, như địa phận Sài Gòn (tr. 282-296) chẳng hạn: Cùng chức vụ cha sở, nhưng các linh mục xuất thân ở miền Nam thì gọi là “chánh sở”, xuất thân từ miền Bắc thì gọi là “chính xứ”!
- Bản dịch CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II do Senatus Saigon xuất bản năm 1969 vẫn dùng từ họ đạo.
- Quyển NIÊN GIÁM GIÁO PHẬN TP. HCM 1998[9] thống nhất dùng từ họ đạo, họ nhánh, giáo hạt, giáo phận, cha sở, cha phó.
- Quyển GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM - NIÊN GIÁM 2004 đã thống nhất dùng từ giáo xứ, giáo hạt và giáo phận (paroisse, district và diocèse).
Như Lm. Đỗ Quang Chính đã chứng minh một cách thuyết phục rằng: Khi sử dụng từ “họ”, ông cha ta muốn làm nổi bật sự liên kết chặt chẽ giữa các bổn đạo trong họ, chứ không lỏng lẻo như ở Châu Âu. Vì ở đó có thể nói được những cá nhân liên hệ với nhau khi tham dự kinh lễ tại nhà thờ trong những ngày giờ nhất định. Trái lại, ở Việt Nam, các bổn đạo trong họ còn liên kết với nhau bằng nhiều cách, trong nhiều tổ chức, sinh hoạt, không phải chỉ tới nhà thờ tham dự kinh lễ mà thôi. Từ “họ đạo” gợi lên một khung cảnh sinh hoạt tôn giáo sinh động và sầm uất của các khu xóm Công Giáo, trong đó bổn đạo đóng một vai trò quan trọng, dầu không có linh mục. Có thể coi đây là một trong những kết quả tích cực của cuộc hội nhập văn hoá từ thời các Thừa sai Dòng Tên với việc phát huy được những giá trị cao quý của “văn hoá gia đình”.
Thuật từ “giáo xứ” đã thống nhất tên gọi của đơn vị cơ sở được thiết lập cách vững bền trong Giáo Hội địa phương, thống nhất cách gọi khác nhau giữa hai “Đàng” trong một Giáo Hội duy nhất tại Việt Nam và cũng thống nhất hình thức cấu tạo từ ghép của bộ thuật ngữ: giáo xứ, giáo hạt, giáo phận, giáo phủ, giáo đô, giáo triều... Hiện nay, tất cả trang web các giáo phận đều sử dụng bộ ba thuật ngữ - giáo xứ, giáo hạt, giáo phận -. Nhưng thực tế, từ “giáo xứ” vẫn chưa thông dụng bằng từ “họ đạo” trong ngôn ngữ phổ thông của người Công Giáo miền Nam. Và vấn đề tên gọi các địa sở bên trong hay bên dưới của giáo xứ vẫn chưa có sự thống nhất: Có nơi gọi là họ, họ lẻ, họ nhánh, có nơi gọi là khu, khu giáo, giáo khu, chi khu, xóm giáo...
[1] Xem Thư chung gửi cộng đồng dân Chúa của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 4, ngày 10/10/2013.
[2]Đạo: xem bài “Hiền sĩ” (BGCN Số 12/2011) và “Trở lại đạo” (BGCN Số 08/2013). Giáo: xem bài “Công Giáo, Thiên Chúa Giáo” (BGCN Số 03/2010) và “Giáo dục, đào tạo, huấn luyện” (BGCN Số 02/2014).
[3] Lm. Đỗ Quang Chính, SJ., TẢN MẠN LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM, Nxb Antôn & Đuốc sáng, Montreal, 2003.
[4]Họ đạo (dt.) có hai nghĩa: (1) Toàn thể người Công Giáo trong một khu vực: Họ đạo Cầu Kho, họ đạo Chợ Đũi. (2) (lóng) Đô tuỳ hay đạo hò, phu khiêng đám ma (thuật ngữ giới trong nghề mai táng gọi những người phu khiêng hòm): Coi họ đạo bái quan. Họ hiếu (dt.): Nhà đòn! Compagnie des pompes funèbres (x. J. F. M. Génibrel, DICTIONNAIRE ANNAMITE FRANÇAISE, Mission à Tân Định, Sài Gòn, 1898).