Một chút suy tư trong ngày Thứ Sáu 26.2.2021 26-02-2021 22:22:18 GMT +7
Một chút suy tư trong ngày Thứ Sáu 26.2.2021
Michel Nguyễn Hạnh
Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 5, 20-26) có hai phần:
– Phần thứ nhất (Mt 5, 20) nói về Đức công chính của người đi theo Chúa: 20 "Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”
– Phần thứ hai (Mt 5, 21-26) nói về một trong những cách thức sống công chính – đừng giận ghét: 21 "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà.22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giậnanh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắnganh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửianh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt.23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh,24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục.26 Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.
GÓC CHIẾT TỰ VÀ SUY TƯ:
Phần thứ nhất:
Đức công chính là phẩm tính của Thiên Chúa (x. Is 5,16) biểu hiện qua việc Ngài “không thể chịu được sự gian ác” (x. Kb 1,13), xét xử công bình nhưng đầy lòng khoan dung (x. Đnl 10,18; Tv 51), tha thứ và ban ơn cứu độ qua Đấng Công Chính (x. Rm 3,25).
Theo Cựu Ước, Đức công chính cũng là nhân đức làm cho con người sống theo Lề Luật và thánh ý của Thiên Chúa (x. Đnl 6,25; Rm 5,17-21). Nhưng như thế vẫn chưa đủ, Chúa Giê-su dạy chúng ta phải “ăn ở công chính hơn” luật Mô-sê. Bởi luật Mô-sê răn dạy con người đừng gây ra hậu quả của tội, đó là “giết người”, Chúa Giê-su kiện toàn qua việc chỉ dạy về nguyên nhân của tội ấy, đó là: đừng giận ghét (Mt 5, 21-26), chớ ngoại tình (Mt 5, 27-30), đừng ly dị (Mt 5, 31-32), đừng thề thốt (Mt 5, 33-37), chớ trả thù (Mt 5, 38-42), Phải yêu kẻ thù (Mt 5, 43-48)
Công chính 公正- Justice
公cônglà không nghiêng bên nào, có dạng hội ý, thuộc bộ bát八 (phân biệt – bởi chữ bát八 có hai nét trái phải phân biệt nhau) biểu ý + mỗ厶 (tiếng đại danh từ, không chỉ rõ người nào hay vật gì) biểu ý. Như vậy, công公 nghĩa là không thiên vị, không phân biệt (bát八) bất cứ ai hay quyền thế nào (mỗ厶).
正chínhlà ngay thẳng, có dạng chỉ sự, thuộc bộ chỉ止 (dừng lại) diễn tả sự đứng yên qua hình ảnh một cái cây + nhất一 (dùng để nhấn mạnh) diễn tả sự chuyên chú, chuyên nhất. Như vậy, chính正 nghĩa là ngay thẳng, bất động (chỉ止) trước những tác động trong ngoài muốn làm thay đổi sự chuyên nhất (nhất一).
Công chính公正 nghĩa là công bình và chính trực. Cặp phạm trù này luôn đi đôi với nhau. Tuân Tử cũng khẳng định điều này qua câu: “Thượng công chánh tắc hạ dị trực hĩ”上公正則下易直矣 (Chính luận 正論) (Trên mà công bình chính trực thì dưới mới thẳng ngay). Trong dân gian cũng có thành ngữ: Thượng bất chính, hạ tắc loạn上不正,下則亂 (trên không ngay thẳng, dưới tất lộn xộn) hay Thượng lương bất chính hạ lương oa上梁不正下梁歪 (Xà trên không ngay thẳng, xà dưới sẽ lệch nghiêng).
Phần thứ hai:
Luật Mô-sê dạy “chớ giết người” (Xh 5,17), còn Chúa Giê-su dạy “ai giận”, “ai mắng”, “ai chửi” “anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt”.
“Ai” – whoever làtừ dùng nói về người nào đó, không rõ. Điều này nghĩa là Chúa không chỉ đưa yêu cầu cho người đi theo Ngài mà cho bất kỳ ai cũng phải như vậy.
Giận 恨 – Mắng 嗎 – Chửi 𠯽
恨giậncó dạng hình thanh và hội ý, thuộc bộ tâm忄 (lòng) biểu ý + cấn艮 (cứng cỏi, ngang ngạnh) biểu âm và hội ý. Như vậy, giận恨 là không bằng lòng (tâm忄) và bực bội đến mức ngang ngạnh (cấn艮) với người đã làm điều trái ý mình. Chúa Giê-su nhấn mạnh: “Ai giậnanh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa.” (Mt 5, 22) Bởi vì khi mình giận người khác, cho dù không giết họ về thể lý nhưng đã giết họ về mặt tâm hồn.
嗎mắngcó dạng hình thanh và hội ý, thuộc bộ khẩu口 (miệng, lời nói) biểu ý + mã馬 (to, lớn) biểu âm và hội ý. Như vậy, mắng嗎 là dùng lời nói (khẩu口) nặng, to (mã馬) tiếng để chỉ ra lỗi của người dưới. Chúa Giê-su nói rõ: “Ai mắnganh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng.” (Mt 5, 22) Bởi vì khi mình mắng người khác, cho dù không giết họ về thể lý nhưng đã làm tổn thương họ về mặt tinh thần.
𠯽chửicó dạng hình thanh và hội ý, thuộc bộ khẩu口 (miệng, lời nói) biểu ý + chỉ止 (đến … là hết) biểu âm và hội ý. Như vậy, chửi𠯽 là thốt ra những lời (khẩu口) cay độc để xúc phạm, làm nhục người khác đến hết mức (chỉ止). Chúa Giê-su nói thêm: “Còn ai chửianh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt.” (Mt 5, 22) Bởi vì khi mình chửi người khác, cho dù không giết họ về thể lý nhưng đã làm nhục họ về mặt tinh thần.
Chúa không chỉ yêu cầu đừng giận 恨 – mắng 嗎 – chửi 𠯽anh em mình mà hãy chủ động “đi làm hòa với người anh em” khi “sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với mình”. Chúa không nói hãy đi làm hòa với người anh em mà mình đang bất bình, nhưng Chúa đòi hỏi cao hơn thế, hãy đi làm hòa với người anh em đang có chuyện bất bình với mình, cho dù mình không bất bình với họ. Việc làm hòa với anh em phải được diễn ra trước khi giao hòa với Thiên Chúa.