TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO - QUỶ XƯNG TỘI Kỳ 39 (Phần 1) 21-10-2017 22:42:21 GMT +7
TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO
QUỶ XƯNG TỘI
MA VĂN LIÊU
Kỳ 39
(Phần đầu kỳ 39)
Tôi trở về họ đạo Long Thạnh sau kỳ nghỉ mười ngày thú vị.
Trong thời gian tiếp theo sau đó xảy ra một câu chuyện khiến mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn còn sợ, sợ run, sợ đến toát mồ hôi. Tôi xin phép được kể lại.
Trên chuyến xe đò từ bến phà Chân Phúc về Long Thạnh, tôi ngồi cạnh một người đàn ông trạc ba mươi tuổi. Chuyện trò mới được mấy câu tôi cảm thấy mến ông hành khách này; ngược lại, hình như ông ta cũng có thiện cảm đặc biệt với tôi. Tên ông ta là Cô, con thứ tư trong một gia đình đông con nên hàng xóm gọi là Tư Cô.
Vì xe đò cũ kỹ, đường xấu, lại đón khách, tiễn khách cùng hành lý rườm rà của họ nên chuyến đi trở nên lâu dài mệt mỏi, khiến câu chuyện giữa chúng tôi kéo dài dường như không dứt. Ban đầu hai bên tự giới thiệu nhau cách dè dặt, nhưng dần dần cái cách nói chuyện lôi cuốn của Tư Cô đã khiến tôi cởi mở hơn để rồi khi ông xuống xe trước tôi -ở một địa chỉ không xa họ đạo Long Thạnh là bao- thì chúng tôi đã trở nên thân thiết và quyến luyến nhau thật sự.
Về đến họ đạo, nhiều công việc dồn ứ sau mười ngày bỏ dở đã khiến tôi quên ngay Tư Cô. Nhưng khoảng ba bốn hôm sau bất ngờ Tư Cô tìm đến đúng nơi để thăm tôi. Chúng tôi lại tiếp tục chuyện trò vui vẻ và thân thiết nhau đến nỗi cùng nhau dùng bữa trưa, rồi dùng luôn cả bữa chiều một cách tự nhiên đến chẳng còn chút gì là ranh giới giữa chủ khách. Xế chiều, khi từ giã, Tư Cô khẩn khoản mời tôi đến thăm nhà. Tôi nhận lời ngay không do dự. Vài hôm sau tôi phấn khởi đến thăm nhà Tư Cô thật.
Nhà của Tư Cô gần như nằm tách biệt hẳn với hàng xóm, nhưng cảnh quan khu vực thì sầm uất, ra vẻ phồn thịnh, giàu sang và bề thế. Theo cách chỉ đường của anh, tôi tìm ra không khó bởi xung quanh ngôi nhà có nhiều cổ thụ cao to hùng vĩ và xum xuê bóng mát. Vì miền Tây Nam bộ hàng năm nước dâng cao, đặc biệt ở vùng này đất trũng năm nào nước cũng dâng cao khoảng 0,5 đến 1 mét, nên dân địa phương cất nhà sàn cao lêu nghêu. Nhà của Tư Cô có sàn cao quá đầu người, tôi ước định chừng hai mét hoặc hơn; điểm nổi bật này còn được cộng thêm với cách bố trí cây trồng quanh nhà thật khéo léo, tất cả đã đem lại cho ngôi nhà một vẻ gì đó vừa uy nghi, vừa phong quan, nói cho quá đi một chút thì nơi này gần giống chốn bồng lai tiên cảnh mà các bức tranh thủy mạc miêu tả. .
Bước lên các nấc thang bằng đá, tôi bước vào ngôi nhà toàn gỗ đen. Tất cả mọi vật dụng trong nhà hầu như đều được đánh bóng rất kỹ và được sắp xếp theo một thứ bố cục thật tinh tế. Tư Cô nói rằng mình đang ở với cha mẹ và anh chị em, nhưng tôi không thấy bóng dáng ai, dù chỉ là một hai lần, dù chỉ là thấp thoáng. Nhưng vì phải giữ sự tế nhị cho giống phong cách của anh, nên tôi không dám tỏ ra một chút gì gọi là thắc mắc. Cũng phải! Điều gì người ta không đề cập tức người ta không muốn.
Chúng tôi lại chuyện trò vui vẻ, cởi mở, thân thiết nhau như hai người bạn mặc dù tôi thua Tư Cô đến hơn mười tuổi. Những lúc câu chuyện nguôi bớt, tôi tò mò đi tới đi lui trong khuôn khổ gian ngoài của ngôi nhà với ý đồ nhìn ngắm, xem xét; phải nói tất cả mọi thứ đều lạ mắt, tôi chưa từng thấy có ở đâu. Đôi lần bước đến trước gần các cửa buồng được buông màn nhung đen dày một cách đài các, tôi liếc nhìn vào bên trong qua khe hở, chỉ thấy nguyên một màu tối đen và vắng lặng kín ẩn.
Thời này thanh niên cỡ Tư Cô không đi lính là điều lạ; vì nếu tuổi đó ai không đi lính chỉ có thể là tu sĩ của một tôn giáo nào đó hay là người bị tật hoặc bị bệnh. Khi tôi hỏi điều đó, Tư Cô nói ngay mình bị bệnh. Tôi hỏi bệnh gì, anh ấp úng một hồi rồi trả lời mình đang bị bệnh tim. Tôi lại chẳng biết bệnh tim ra làm sao, nên gật đầu đại cho rồi.
Tình bạn của chúng tôi ngày thêm thắm thiết dù không đồng tuổi, không cùng tôn giáo –Tư Cô theo đạo Ông Bà- cũng không đồng chí hướng lẫn tư tưởng. Tất cả giáo dân trong họ đạo đều thấy anh ta lui tới thăm tôi hoặc mỗi lần tôi đến thăm nhà anh ta, mọi người đều biết và không ai có ý kiến. Đôi lần tôi ngấm ngầm có ý nghĩ tận dụng tình bạn gắn bó này để lôi kéo anh ta dần đến đức tin Công giáo.
Tuy nhiên, tôi đã lầm. Chính anh ta mới là người lôi kéo tôi. Sau này tôi mới “ớ” ra.
Còn bằng chứng của sự lôi kéo ấy chính là những điều tôi sắp kể tiếp theo đây.
Một hôm, khi tôi đến chơi nhà anh, tôi vô cùng ngạc nhiên chứng kiến vài ba con chim ngũ sắc nho nhỏ rất xinh đẹp bay lượn trong nhà; lạ một điều chúng không hề ra vẻ mình bị khống chế, bị mất tự do; ngược lại những con chim ngũ sắc cứ tung tăng nhảy nhót, líu lo “ca hát” khi thì trên trần nhà, khi thì trên tủ giường bàn ghế, lúc lại đuổi nhau ra vườn rồi vụt bay trở vào nhà đậu trên một đầu bàn cách chỗ chúng tôi ngồi chừng một với tay. Ngạc nhiên quá tôi kêu lên và hỏi Tư Cô:
- Ủa! Những con chim này… anh Tư nuôi hay chúng tự bay đến?
Tư Cô thản nhiên trả lời:
- Nuôi làm gì cho tốn lúa hao gạo hả Liêu! Chúng tự đến… Có lúc chúng kéo đến hàng đàn.
Tôi thích quá hỏi tiếp:
- Làm thế nào để được những con chim đẹp đẽ và quý hiếm thế kia kéo đến nhà?
Tư Cô vẫn thản nhiên:
- Có cách của nó Liêu à!
Thấy tôi quá ham thích, Tư Cô hứa sẽ chỉ cho tôi cách gọi chim đến nhà. Tôi mừng rỡ và háo hức mong chờ tới ngày anh ta chỉ cách gọi chim về nhà.
Một lần khác, tôi và Tư Cô đang cùng nhau đứng ở lan can nhà anh nhìn ra đường. Một bầy bốn năm con chó hàng xóm la sủa ỏm tỏi, đuổi cắn nhau dài dài từ đâu kéo đến ngay trước cổng nhà Tư Cô. Thấy khó chịu, Tư Cô càu nhàu một mình: “Phải đuổi mấy con chó này đi mới được! Ồn ào quá!”. Nói xong, anh khom người xuống vẽ… vẽ… gì đó trên mu bàn chân trần của anh. Vẽ xong đứng thẳng người lên, anh đá nhẹ vào không khí. Lạ thay! Cứ mỗi cú đá nhẹ vào không khí thì bầy chó từng con la “ẳng… ẳng…” lên đau đớn như bị ai đánh hoặc đá; hễ đá nhẹ thì chúng la nhỏ, hễ đá mạnh thì chúng la lớn… Cứ như thế mà nhanh chóng, đàn chó bỏ chạy tán loạn vừa trốn vừa la inh ỏi. Tôi quá sức ngạc nhiên, trố mắt nhìn anh hỏi:
- Ủa! Anh làm cái gì ngộ vậy, anh Tư?
- …
- Ủa! Sao có thể đá khơi khơi ở đây mà trúng mấy con chó ngoài kia?
Tôi còn hỏi huyên thuyên nhiều nữa, nhưng vẫn với phong thái điềm đạm thản nhiên, Tư Cô trả lời:
- Vậy cho nó khỏe. Hơi đâu mà chạy ra tận nơi mới đánh đuổi được bọn chúng đi chỗ khác!
Có lẽ thấy tôi còn kinh ngạc há hốc mồm ra trông buồn cười lắm hay sao mà anh phá lên cười sặc sụa, nói:
- Thì từ từ anh sẽ chỉ cho Liêu!... Ôi…z…z… Anh biết gì thì Liêu cũng sẽ biết nấy thôi mà!
Thế là từ đó, tôi rất siêng năng đến nhà Tư Cô, vì anh luôn làm tôi thích thú chẳng phải chỉ vì cách nói chuyện thân tình mà lôi cuốn hấp dẫn, chẳng phải chỉ do kiến thức sâu rộng hoặc những lời khuyên thông minh và chí lý, cũng chẳng phải chỉ vì cách đối đãi lịch sự, phong nhã, quảng đại hết mức coi bạn bè như anh em ruột thịt của anh… mà còn vì ở anh có quá nhiều chuyện lạ khiến tôi không ngờ, không đoán ra và không hiểu nổi.
Trong mọi chuyện lạ tôi chứng kiến nơi Tư Cô, có chuyện lạ sau đây làm tôi vừa vô cùng kinh ngạc, vừa vô cùng thán phục. Đó là câu chuyện xử bắn tử tù VC.
Như tôi đã kể từ trước, thị trấn Long Thạnh xưa vốn tên là chợ Đầu Hổ, do tướng cướp Đầu Hổ hùng cứ. Vùng đất dữ này nay lại có người tàn độc không kém kế tục trấn giữ đó là thiếu tá Dẻo, chỉ huy trưởng tiểu đoàn lính địa phương quân, mặc đồ quân đội nhưng bản chất và hành vi là một tướng cướp. Người ta kể có một thời gian, mỗi đầu ngày, y phải tự tay bắn chết vài người thì ăn sáng mới cảm thấy ngon miệng. Cứ một hoặc hai tuần, y xua cả tiểu đoàn vượt biên giới sang Campuchia gọi là để “hành quân”, nhưng thực chất là cướp phá; khi trở về mang theo bao là chiến lợi phẩm, thỉnh thoảng có mang theo vài tù binh, rồi tổ chức xử bắn cho dân trong vùng ai muốn xem thì đến xem. Pháp trường là một bãi đất trống nằm gần nhà Tư Cô; gần đến độ chỉ cần lội bộ qua một khu vài công đất (1) là tới.
Sáng hôm đó, vào khoảng chín hoặc mười giờ, khi đang ngồi ở nhà Tư Cô, tôi bỗng nghe có tiếng la hét, tiếng vũ khí va chạm, tiếng chạy rầm rập. Tư Cô bảo:
- Sắp có một vụ xử bắn nữa đó!
- …
- Đi xem một lần cho biết nghe Liêu!
Tôi lắc đầu nguầy nguậy.
Nhưng Tư Cô nói thế nào một hồi khiến tôi cũng phải đi, nhưng đi với tâm trạng hồi hộp và lo sợ.
Không có đông người dân đến xem, nếu đếm chắc cũng chỉ độ vài mươi người, số còn lại toàn lính tráng. Tư Cô chọn một gò đất cao, gò đất này ở cách xa dãy cột gỗ dựng thành hàng ngang nằm trước gò cát lớn… chừng một hai trăm mét. Tôi đoán hàng cột gỗ đó là nơi trói các tử tù.
Không đầy 10 phút sau, xe chở tử tù đến. Theo xe chở tử tù là vài xe GMC chở đầy lính. Tiếng la hét văng tục nghe rất thô bạo của một vài sĩ quan áp giải khiến không khí càng thêm căng thẳng. Người ta kéo lôi các tử tù từ xe đến dãy cột; trong số 5 tử tù, chỉ có 2 người là đi đứng bình thường, 3 người còn lại, có lẽ vì bị đánh đến trọng thương hay vì sợ sệt đến không nhấc chân nổi, nên họ bị lôi đi xềnh xệch.
Tôi chờ để xem các tử tù là những ai, nam hay nữ.
Khi bọn lính trói mỗi tử tù vào một cột gỗ xong, họ lùi ra xa. Lúc này tôi mới thấy rõ từng người. Tất cả đều là đàn ông, có lớn tuổi có trẻ tuổi. Nhưng nếu tôi không lầm, tất cả đều là dân thường người Campuchia hay người Campuchia gốc Việt. Vì cứ nhìn quần áo họ đang mặc, dáng dấp hiền lành sợ sệt thì không thể họ là “quân ác ôn” như lời một sĩ quan la hét mắng chửi… được!
Tuy nhiên, để gọi là “nhân đạo”, bọn lính bịt mặt mỗi từ tù bằng một mảnh vải đen. Vì trói quá chặt nên không ai có thể cử động, những người vì quá sợ thì khuỵu xuống như chiếc lá rũ. Gương mặt ai cũng trắng bệch vì hoảng sợ trông thật hết sức đau lòng. Tôi không dám nhìn họ thêm nữa. Lúc này tôi mới cảm nhận được thân phận của con người quá mong manh và cùng khốn.
Một tiểu đội khoảng 12 tên lính dàn hàng ngang đứng trước và cách xa các tử tù khoảng trên dưới 10 mét.
Mọi người nín lặng và hồi hộp đợi chờ. Không thấy ai đọc án lệnh.
Một tiếng la to lệnh cho tiểu đội lính đưa súng lên vai. Vì căng thẳng nên tiếng la làm nhiều người giật nẩy mình.
Tư Cô bỗng nói vào tai tôi:
- Cho bọn này “quê một cục”!
Tôi lặng thinh không trả lời vì không hiểu anh muốn nói gì. Tôi liếc nhanh thấy môi anh mím chặt và gương mặt anh tự dưng trở nên lạnh như tiền.
Bỗng có tiếng la từ xa:
- Dừng lại! Thiếu tá đ…ế…n!
Tôi nhìn Tư Cô để dò hỏi. Tư Cô bảo:
- Thằng cha Dẻo chớ ai!
Bọn lính vốn đã trật tự, nay nghe thiếu tá Dẻo đến càng tỏ ra chỉnh tề hàng ngũ hơn.
Chiếc xe díp (zeep) loại lùn, oai vệ từ ngoài chạy vào. Xe đảo một vòng rồi dừng lại đậu ngay trước hàng cột trói các tử tù. Ông Dẻo bước xuống xe rảo qua một lượt để xem xét các tử tù. Ông ta dùng cây ba-tong (bâton) ngắn chọc chọc vào người của họ với thái độ khinh bỉ. Cũng nên nói thêm. Ông Dẻo như một con cáo già quỷ quyệt, biết “dựa hơi” ai có sức mạnh hơn hắn ta. Vì thế cho nên khi hắn đến thăm cha sở Chân Phúc để lấy lòng –vì vị tỉnh trưởng Chân Phúc là người Công giáo, nên rất kính nể cha sở Chân Phúc- lúc ấy nhìn hắn khúm núm như một con chó phạm tội; còn bây giờ, hắn giương oai chẳng khác nào một con cọp dữ. Thật trái ngược!
Xem xét xong một lượt, ông Dẻo leo lên xe đứng nói với đám đông đại ý các tử tù này là VC bị bắt sống trong cuộc hành quân vừa qua. Ai theo VC cũng sẽ bị chung một số phận v.v… Hắn nói xong, chiếc xe díp lùi qua một bên phía tay phải, gần như đối diện với chỗ tôi và Tư Cô đang đứng, để chứng kiến cuộc hành quyết.
Tên sĩ quan la lớn:
- Bồng súng!
…
- Chuẩn b… ị……ị…!
…
- B…ắn… n… !
Cùng lúc với chữ “bắn”, tôi vừa nghe tiếng lạch cạch của các cây súng, vừa nghe tiếng Tư Cô văng vẳng bên tai những âm thanh mơ hồ như:
- A lu a la hu… (?)…
Chẳng một tiếng súng nổ. Trong khi các tay súng đều đang nghiêng đầu về một bên nghiêm túc ngắm bắn.
Tiếng la rân của tay trung sĩ chỉ huy:
- Bắn! Bắn!... Đ.m. bắn!
Từng tay súng vừa luống cuống lên ‘quy lát” súng lại nghe rôm rốp vừa lắc đầu lia lịa. Tay trung sĩ móc súng ngắn chỉa về phía những người lính tội nghiệp:
- Đ.m. có bắn không?
Nhưng hình như súng của hắn cũng kẹt đạn hay hỏng hóc gì đó, nên hắn cũng vừa loay hoay vừa lắc đầu.
Đến lượt ông Dẻo. Đứng trên xe chẳng hiểu chuyện gì cũng quát to:
- Đ.m. cái gì vậy?
…
- Đ.m. làm loạn phải không?
Nhảy phóc xuống khỏi xe, hắn móc súng ra chạy đến chỉa thẳng vào đầu tay trung sĩ chỉ huy đội hành quyết, bóp cò vài ba lần… rồi rảy rảy cây súng. Quăng súng. Lại tiến đến giật lấy cây súng của một người lính đứng gần chỉa về phía các tử tù. Bóp cò. Không nổ. Quăng súng giật lấy cây khác, lên đạn. Bóp cò. Không nổ. Và cứ như thế cho đến cây súng thứ ba thứ tư, hắn mới chịu lắc đầu. Suy nghĩ trong tích tắc. Hắn ra lệnh.
- Bãi cuộc!… Giải tất cả về trại giam!
Nét sửng sốt hiện lên từng khuôn mặt của mọi người hiện diện, nhất là của mọi người lính. Tất cả giải tán trong im lặng và trật tự.
Tôi ngạc nhiên quá sức tưởng tượng. Nhìn sang thấy Tư Cô vẫn đứng thư thái, khuôn mặt thản nhiên như chẳng có chuyện gì xảy ra, tôi hỏi anh:
- Chuyện gì vậy anh Tư?... Anh có biết tại sao không?... Hay là anh đã làm gì…?
- Đã bảo, cho bọn này “quê một cục” mà! Thôi đi về!
Trên đường về tôi nghĩ chắc Tư Cô ít nhiều có nhúng tay vào việc vừa rồi. Nhưng vì tôi ghét ông Dẻo và bọn lính của ông ta, nên cũng có chút hả dạ.
Tôi không thể hiểu nổi tại sao Tư Cô có thể làm được chuyện động trời như vậy.
Tôi càng khâm phục Tư Cô biết bao về những tài năng mà anh có được.
Về nhà. Buổi chiều tôi nghe sự việc được đồn đãi um sùm lên khắp Long Thạnh, nhất là tin tức rằng có vài binh sĩ tử nạn do thử lại súng. Điều đó cho hay, súng chỉ bị hỏng hóc ở bãi bắn thôi, nhưng khi ra khỏi đó thì mọi việc trở lại bình thường.
(còn tiếp phần cuối của kỳ 39)
(1) Một sào Bắc bộ = 360 m2; 1 sào Trung bộ = 497 m2; 1 sào Nam bộ = 1000 m2. Sào Nam bộ còn gọi là công. Càng vào Nam, sản địa càng phong nhiêu, lòng người càng hào phóng, thoáng đãng và rộng rãi, nên ngay cả cách tính địa thổ cũng dư dả hào phóng.