TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO - QUỶ XƯNG TỘI - KỲ 49 (phần 5b) 23-12-2018 16:45:13 GMT +7
TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO
QUỶ XƯNG TỘI Kỳ 49
(tiếp)
MA VĂN LIÊU
(phần 5b của kỳ 49)
Tôi ăn một bữa cơm đạm bạc cùng với thầy Tám và người đàn bà cùng khổ anh nhận làm mẹ nuôi –cô gái nhỏ 11 tuổi bị bỏ rơi được anh nhận làm cháu gái chỉ có thể ăn riêng trên giường kê trong buồng vì khó đi đứng-. Dù mâm cơm chỉ có tô canh rau hái quanh nhà nấu với vài con bung bung chang chang (1) và dĩa cá hủng hỉnh (2) kho mặn, nhưng tôi ăn không muốn thôi. Dễ hiểu thôi! Ăn chực thì ngon. Buổi trưa hai đứa ngồi nói chuyện tiếp với bình trà lài thơm phức. Tôi khơi chuyện trước:
- Thầy đi lính làm sao với những vết roi như rắn bâu ấy trên lưng luôn hành hạ…?
- Thật khó cho tôi lúc đầu. Nhưng quen dần, cùng với đời sống quân ngũ đầy gian khổ hiểm nguy, tôi đôi lúc tạm quên.
- Vì quá tò mò, nên tôi hỏi vậy thôi, bây giờ xin thầy trở lại thứ tự thời gian của câu chuyện.
Thầy Tám cười, kể tiếp:
- Từ khi tôi lên ở với thầy Tư, thầy Hai Từ Bảo nuôi chúng tôi bằng cơm chùa mỗi ngày 2 bữa ăn cơm với các loại rau kho mặn như đậu đũa, cà vó (cà chua), dưa leo (dưa chuột), bầu, bí, mướp, khổ qua… kho; một chú tiểu cần mẫn mang đến đúng giờ. Tuy nhiên tôi đâu đã được ở yên! Một phần do 6 vết roi trên lưng hành hạ dữ dội, phần khác do hoảng sợ liên miên vì luôn bị côn trùng và thú dữ đe dọa. Ban đầu thầy Tư và tôi chịu những âm thanh như tiếng thú dữ gầm gừ, rống hú, cắn sủa, tru tréo… quanh mình suốt ngày đêm gây giật mình, lo lắng, hoảng loạn; sau đó cứ nghe những tiếng bước chân rình rập… có đêm đang ngủ, hai thầy trò hoảng sợ ngồi dậy dáo dác vì tiếng ác thú từ trên cao phủ chụp lấy, tiếng cắn xé, nhai nuốt ngấu nghiến… Khi đã quen đi với những đòn hư ấy thì tiếp đến, những đòn thực… khởi đầu là rết, bò cạp, ong vò vẻ, sâu lông, bọ, vắt, chuột… bò, nhảy, chui rúc, bay quanh, rơi, đậu, bám… vào nơi ở, nhảy vào quần áo, rớt vào chén cơm đang bưng trên tay; kế tiếp là rắn độc to nhỏ đủ cỡ tấn công vào bọng cây nơi chúng tôi đang trú; sau đó chó vằn chó vện hung dữ, mèo rừng dữ tợn, thú dữ đủ loại lãng vãng rình mò… Nói chung tinh thần của hai chúng tôi bị uy hiếp liên tục bởi sự sợ hãi. May sao thầy Tư rất mạnh mẽ đức tin, nên thầy là chỗ dựa kiên vững cho tôi. Hễ gặp nguy biến, cả hai thầy trò quỳ gối cầu nguyện –thầy Tám cười bẽn lẽn-, chẳng biết cầu nguyện ra làm sao chỉ biết kêu những tiếng bập bẹ chẳng đâu vào đâu như “amen”, “Chúa ơi!”, “Mẹ ơi”, “Maria”…
Thầy Tám bỗng ngưng kể, cười ngất một hồi với những hồi tưởng ấy, sau đó nói tiếp:
- Chính thầy Tư làm cho đức tin tôi ngày một vững mạnh. Thầy Tư nói: “Đó là những trò hề của bọn tiểu nhân, chẳng thể giết chết chúng ta đâu! Còn chúng bây! Chúng bây đang làm cho đức tin chúng tao thêm kiên cố mà thôi!”. Thầy Tư quả quyết rằng: “Ai không chịu thử thách, sao có thể gọi người ấy có đức tin?” .
Tôi thầm công nhận điều ấy: bởi “không thử lửa, sao rõ vàng ròng”!
Thầy Tám hồi tưởng những gì học được ở thầy Tư:
- Những lúc quá lo sợ, thầy Tư an ủi: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức em ơi! Đừng bao giờ em nản lòng nghe không! Đời này ngắn lắm! Cái gì cũng đều tạm bợ lắm lắm và chuyện gì cũng đều là hư ảo, giả tạo, mộng mị mà thôi… em ạ! Khi vừa chết xong, mọi người đều trắng tay xơ xác, trần trụi rỗng không như ngày mới chào đời… vậy thì thử hỏi không mộng không hư là gì? Lúc ấy Chúa mới ban cho ta những thứ vĩnh cửu.
Tôi hỏi thầy Tám:
- Thầy Tư có bao giờ tả Chúa sơ sơ cho thầy nghe không?
- Thầy Tư tả đại khái như thế này: “Chúa không mang hình hài gì như loài người nghĩ, tưởng... Người là Nguồn, là Gốc, nơi mọi thụ tạo xuất ra để rồi sau đó phải quay trở về để ráp lại đúng chỗ đúng khớp một cách vừa vặn. Ai quay trở về mà không ráp vào được cho khớp hợp, người đó hư mất, đớn đau vì tuyệt vọng và gọi là bị hủy diệt.
Vì ruộng đang mùa trổ bông, thầy Tám bước ra ngoài ruộng sát bên hông nhà, bứt một bông lúa rồi trở vào giơ bông lúa trước mặt tôi và giải thích:
- Nói làm sao cho huynh hiểu? Thôi thì tạm ví dụ thế này! Chúng ta sinh ra và bước vào cuộc đời này giống như các hạt lúa bung ra khỏi gié (nhánh) lúa này. Các hạt lúa sẽ dần dần to phình ra như huynh thấy đây. Vậy nên bây giờ huynh không thể nhét các hạt lúa trở lại cho đúng cho gọn cho khớp… vào gié lúa như cũ, thì việc chúng ta sau khi chết, quay trở về lại với Chúa Nguyên Nguồn cũng không thể…
Tôi gật đầu ra hiệu mình đã hiểu. Nhưng vì say nói, thầy Tám cứ thuyết minh thêm:
- Hài nhi khi lọt lòng mẹ xong, không thể nào đưa trở lại khoang bụng của mẹ được như cũ. Vậy việc chúng ta quay trở vào lại với Chúa Nguyên Nguồn sau khi chết, là việc vô cùng khó… đúng không?
Tôi gật đầu. Thầy Tám nói:
- Ừ! Nhất nữa lúc chào đời ai cũng tốt giống nhau. Qua năm tháng, cái tôi phình to bởi nào là tật xấu, thói hư, tham vọng, địa vị, tiền của, ghét ganh, thù hận vân vân. Vì “Nhân chi sơ, tỉnh bổn thiện, tính tương cận, tập tương viễn” (3). Làm sao trở về lại được đúng khớp mà chúng ta đã từ đó (trong lòng Chúa) bước ra?
Tôi bộc phát:
- Ừ! Phải! Cho nên Chúa mới dạy: “…nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời” (Mt 18,1). Thánh Augustinô thưa với Chúa: "Lạy Chúa! Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con sẽ bồn chồn mãi cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa”. Chí lý! Bây giờ tôi mới hiểu những lời ấy anh bạn ạ!
- Thầy Tư cho tôi biết Thiên Chúa là như thế. Huynh hiểu rồi đó! Nhỏ đó mà Lớn đó. Gié lúa “nhỏ mà lớn”, bụng mẹ “nhỏ mà lớn” đúng không? Tóm lại: Thiên Chúa “Nhỏ mà Lớn”.
Tôi buột miệng nói thêm:
- Không về được với Chúa Nguyên Nguồn tức là đớn đau, khao khát, tuyệt vọng và tức tối… Ấy chính là nóng nảy, bức xúc tựa lửa đốt nóng hơn lửa hỏa lò; “sa hỏa ngục”, “hư mất” v.v… là thế đó chứ còn gì nữa!
- Người càng giàu: giàu tiền của, giàu danh tiếng, giàu chức cao quyền trọng, giàu ham muốn, giàu thèm khát, giàu giận dữ oán thù, giàu tư lợi và ích kỷ… càng không thể vào Nước Trời như Chúa ví “…con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời…” (Mt 19,24) là thế!
Chúng tôi còn nói thêm nhiều về vấn đề này nữa. Nhưng viết thì hạn chế hơn nói, nên không tiện kể hết.
…
Chiều đến, trước khi ăn tối, thầy Tám kể tiếp:
- Một hôm chú tiểu mang cơm đến báo cho tôi biết thầy Hai Từ Bảo gọi tôi về gặp ông. Khi tôi đến, thầy Hai ngập ngừng rất lâu mới ngỏ ý muốn tôi kể hết mọi việc liên quan đến việc tôi “theo Chúa”. Nghe tôi kể xong, thầy Hai tư lự và suy nghĩ rất nhiều. Bỗng thầy Hai Từ Bảo hỏi tôi: “Thầy có thể “theo Chúa” như con được không?”. Tôi giật nảy mình… Nhưng sau khi quan sát kỹ càng nét mặt, giọng nói của ông, tôi thấy ông không có ẩn ý gì, liền thưa: “Thưa được! Thưa thầy rất được!”. Tôi chợt nhớ liền nói thêm: “Chẳng những được, mà mọi người còn có bổn phận phải “theo Chúa” nữa thầy ơi!”. Thầy Hai vui mừng hỏi thêm: “Tất cả mọi người trong chùa này đều có thể “theo Chúa” phải không con?”. Tôi khoái trá gật đầu lia lịa xác quyết mạnh mẽ. Thầy Hai hỏi tôi: “Bây giờ trước hết, thầy, các thầy và các huynh đệ của con, tất cả phải làm gì?”. Tôi thưa: “Con phải về hỏi thầy Tư ạ! Vì con không biết…”. Dợm chạy đi, nhưng tôi sợ thầy Hai đổi ý, liền thưa thêm: “Thưa! Tạm thời xin thầy và mọi người hãy thưa liền với Chúa: Xin cho chúng con theo Chúa!”. Thầy Hai gật đầu. Tôi chạy thật nhanh. Nghe thuật lại, thầy Tư mừng rỡ vô cùng và nói ngay: “Chúa luôn gây bất ngờ!... Thật vậy! Bất kỳ ai mềm mỏng với Chúa, Chúa đều ôm họ vào lòng. Bây giờ anh em mình có bổn phận phải giúp họ”. Ngay đêm hôm đó, thầy Hai dắt một số thầy lớn tuổi đại diện đến với thầy Tư để được chỉ dẫn.
Tôi bồn chồn hỏi:
- Rồi thầy Tư làm gì?
Thầy Tám Thuần Phát nói:
- Hay lắm! Thầy Tư diễn giảng rất đơn sơ dễ hiểu cho các thầy nghe về Thiên Chúa, để thầy Hai Từ Bảo và các sư về lặp lại cho những người còn lại ở chùa. Việc rửa tội cho họ lại càng đơn sơ: thầy Tư dạy mọi người hãy dâng lòng ước ao lên Chúa, thế là được rửa tội, thế là “theo Chúa”… sau này hãy ráng đi tìm gặp được cha T. thì cha tính tiếp cho. Vậy là cả 14 người trong chùa BS đều trở nên Kitô hữu qua phép rửa tội bởi lòng ước ao –tức rửa tội bằng lửa- một cách bất ngờ; chuyện xảy ra dễ dàng, chớp nhoáng đến không thể ngờ! Tôi sẽ kể trở lại tiếp theo chuyện này sau, huynh yên tâm! Đừng nóng lòng!
Tôi cảm thấy vui trong lòng vì nghĩ “chuyến đi chơi núi năm nào là chuyến đi định mệnh”, phải chăng là sự an bài của Chúa? Thầy Tám kể tiếp:
- Hai hôm sau thầy Tư mất. Khi tôi đi đâu đó về thì thầy ấy đã về với Chúa giống như ngủ vậy. Gương mặt và dáng điệu của thầy Tư thản nhiên, tươi tỉnh như đã vừa làm xong một việc có ích.
Tôi nhớ ngay và nhắc lại:
- Thầy Tư từng nói mình “trở về cuộc sống còn là vì thầy Tám và những người ở chùa BS”. Nhưng tại sao thầy và các thầy ở chùa BS không chôn cất thầy Tư cho tử tế, mà lấp đất vào bọng cây?
Thầy Tám trả lời ngay:
- Vì trước tiên, đó là ý nguyện của thầy Tư. Kế tiếp vì một lý do tôi sẽ kể huynh nghe sau này.
Tôi nóng nảy:
- Lại xảy ra chuyện nữa! Chuyện gì vậy?
- Chuyện khá dài! Nhưng –có tiếng gọi của người mẹ nuôi báo tin bữa cơm chiều đã dọn xong; thầy Tám nhìn đồng hồ và nói- chúng ta cứ ăn chiều đã! Rồi tôi sẽ kể tiếp chuyện về những người ở chùa BS cho huynh nghe.
Thầy Tám vào trong buồng ẵm bế cô cháu gái ra ngồi ăn cơm chiều chung với mọi người như cô bé muốn, vì cô bé thấy nhà có khách đông vui.
Quan sát thấy cả người mẹ nuôi lẫn cô cháu gái nuôi đều biết làm dấu thánh giá và đọc kinh Lạy Cha cách thuần thục trước bữa ăn, tôi hỏi:
- Thưa dì! Dì và cháu Nga theo Chúa từ năm nào?
Người mẹ nuôi đáp:
- Mới chỉ hơn một năm nay thôi!
Tôi hỏi hai người lẫn thầy Tám:
- Cả ba người đi dự thánh lễ mỗi chúa nhật thế nào? Ở đâu? Và…
Thầy Tám đoán được ý tôi muốn biết liền tóm tắt:
- Khi tôi dạy cho hai người về Chúa xong, tôi liền tìm đến nhà thờ ở núi Sam cách thị xã Châu Đốc 5 cây số, Nơi này không có linh mục, nên các ông Biện, Giáp vui mừng trình báo cho cha phó nhà thờ Châu Đốc cứ hai tuần đến dâng thánh lễ một lần. Cha phó nhận và lo liệu cho ba mẹ con chúng tôi rất chu đáo. Từ đó đến nay, mỗi 2 tuần một lần, tôi đạp xe chỡ mẹ tôi đi nhà thờ núi Sam để tham dự thánh lễ, bé Nga giữ nhà và đọc kinh ở nhà.
Tôi chọc ghẹo thầy Tám:
- Không lập gia đình, bỗng dưng thầy có gia đình với cả một… hạnh phúc, đúng không?
Cả ba người cùng cười vui đón nhận lời khen ấy. Bé Nga, tuy đã 11 tuổi nhưng vì bệnh tật nên thân hình nhỏ nhắn hơn so với độ tuổi, trả lời những câu hỏi mà tôi đặt ra một cách chững chạc, có cả một “lập trường” rõ rệt và vững chãi khiến tôi hiểu thêm: thầy Tám thông đạo và dạy đạo cẩn tắc cho hai mẹ con nuôi. Điều này chứng tỏ anh ta đang sống đức tin có thể còn hơn cả tôi, kẻ đường hoàng là một đại chủng sinh nhưng đức tin chưa chắc đã đạt đến trình độ như thế. Tôi từng biết đức tin không có mối liên quan tỷ lệ nào với kiến thức, tri thức, gien giống, chức tước, địa vị, thành phần, thành tích… càng không dính dáng gì với tiền của, tài năng, sức khỏe, sắc đẹp v.v… nhưng lại rất có liên quan tỷ lệ với lòng bác ái. Vì đi theo Chúa là làm theo Lời Chúa. Chúa dạy bác ái nên làm theo Lời Chúa là sống bác ái. Đi theo Chúa đúng như vậy gọi là có đức tin. Kết luận: ai người Công giáo càng bác ái càng có đức tin. Thế nên bác ái tỷ lệ thuận với đức tin: ai không có bác ái người đó không có đức tin. Không ai có thể đóng giả mình có đức tin, vì giả như siêng năng đọc kinh, đi lễ, làm công quả, giữ chức cao, tham gia hội đoàn ca đoàn, xin lễ béo, tài trợ cho công ích, khuyên răn, giảng Lời Chúa, khéo léo nơi hội trường hay yến tiệc v.v… mà không có bác ái thì vẫn là người Công giáo không có đức tin. Nói cho gọn: bác ái là đức tin, đức tin là bác ái. Nguyên lý này cho tôi hiểu câu Lời Chúa: ”…Kẻ đứng chót hết thành người đứng đầu, người đứng đầu thành kẻ chót hết” (4). Sự kỳ diệu của Công giáo, sự thần kỳ bàn tay Thiên Chúa là thế!
Tôi len lén nhìn ngắm 3 người và thầm suy:
- Nếu mỗi người Công giáo như một cây đèn dầu thì đức tin là ngọn lửa, còn bác ái là dầu; thiếu dầu sẽ không có ngọn lửa ra sao thì thiếu bác ái cũng không có đức tin như vậy! Ôi! Nhiều người Công giáo xênh xang nhưng lại là những cây đèn không có lửa. Đừng nói là giáo dân! Nhiều tu sĩ, giáo sĩ là những cây đèn lộng lẫy hoành tráng không lửa, vậy mà còn có thái độ huênh hoang ngạo mạn lúc nào cũng “ra điều giảng dạy” Nhiều cha sở không lo dầu cho mình và cho giáo dân, ngày đêm chỉ sơn phết trang hoàng vẻ ngoài cây đèn của nhau… Tôi liếc nhìn thầy Tám do thấy ra ngọn lửa đức tin đang rực cháy nơi cây đèn của anh. Tôi cảm thấy ganh với anh ta quá đỗi!
(còn tiếp phần 5 kỳ 49)
(1) Bung bung, chang chang: 2 sinh vật thuộc họ sò hến sống ở sông nước vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
(2) Cá hủng hỉnh: là tên gọi chung cho các loại cá nhỏ xúc được bên bờ kênh, bên lạch nướic. Ở miền Tây Nam Bộ lúc ấy cá nhiều đến nỗi những nhà nghèo trước bữa ăn, chỉ cần lấy rổ lội xuống bờ sông, bờ kênh hay rạch… cầm rổ xúc một lúc, sẽ có một mớ cá con thuộc nhiều loại… kho ăn được một bữa cơm.
(3) “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện, tánh tương cận, tập tương viễn” (Tam tự kinh) nghĩa là: Người thuở đầu, tánh vốn lành, tánh nhau gần, thói nhau xa.
(4) Phúc âm Lc 13,22-30 kể: Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người:
- Thưa Thầy! Những người được cứu thoát thì ít, có phải không?
Người bảo họ:
- Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì Ta nói cho anh em biết, có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!”, chủ nhà sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!”. Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”. Nhưng chủ nhà sẽ đáp lại: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”. Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Abraham, Isaac và Giacob cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ Đông, Tây, Nam, Bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Và kìa! Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.