TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO - QUỶ XƯNG TỘI Kỳ 49 (phần 5a) 06-11-2018 15:12:25 GMT +7
TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO
QUỶ XƯNG TỘI
Kỳ 49 (tiếp)
MA VĂN LIÊU
(Phần 5a của kỳ 49)
Sau khi sắp xếp công việc xong, tôi đến và ở chơi với thầy Tám Thuần Phát một ngày và một đêm trong ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong đồng vắng mênh mông bên bờ rạch nho nhỏ. Thầy Tám Thuần Phát kể lại mọi việc một cách thứ tự theo dòng thời gian. Tôi say sưa lắng nghe giống như theo dõi một cuốn phim và định bụng về nhà sẽ thuật lại cho Má tôi và cha T. nghe vì hai người rất quan tâm đến số phận của thầy Tư nhất là thầy Tám.
Thầy Tám kể:
- Sau khi cha T. và huynh ra về, thầy Tư dạy tôi, tuy ông nói ít, nhưng tôi hiểu nhiều. Đến bây giờ tôi cũng vẫn còn nhớ như in những gì thầy Tư dạy. Đó là “đích thực có Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta chỉ có thể “thấy” rõ sau khi chúng ta chết đi… Người là Đấng vô cùng sáng láng và đẹp đẽ đến nỗi trí khôn loài người không thể hình dung, cũng không thể chịu nổi khi nghĩ đến” –Tôi nhớ lại: cho nên trước đây mỗi lần thầy Tư định tả về Thiên Chúa, ông ngất xỉu ngay khi vừa bắt đầu hồi tưởng. Má tôi đã từng suy đoán đúng như vậy- “Chúng ta và mọi sự đều phát xuất từ Người. Chúng ta quá sức nhỏ nhoi và bất xứng; bất xứng đến độ giống như chúng ta đều “khốn nạn” nếu không được Người yêu thương; chúng ta vô cùng vụng dại và thô bẩn đến nỗi có thể ví von rằng: mọi sự tôn thờ Người của chúng ta, đều là bất xứng nếu không được Người thứ tha và ghé mắt đến… Mọi loài được Người sinh ra đều bắt buộc phải tôn thờ yêu kính Thiên Chúa. Ai tôn thờ thứ gì khác ngoài Thiên Chúa… đều có tội. Lúc còn đang sống trên trần gian, chúng ta không thấy được điều này, nhưng khi chết rồi chúng ta mới thấy được; thật khốn khổ! Thấy được thì coi như đã muộn! Người ta khôn hay dại là ở chỗ đó!”. Thầy Tư nhấn mạnh điều này: “Thiên Chúa dạy chúng ta qua nhiều bậc đại thánh và còn đích thân Người trong Ngôi Hai xuống trần để dạy đường trở về với Người… Thiên Chúa dạy dỗ khuyên răn chớ không ép buộc, lúc nào chúng ta cũng còn nguyên sự tự do; vì nếu còn có sự tự do thì thưởng, phạt mới còn có ý nghĩa. Nhân vì dùng sai sự tự do của mình mà thế giới mới có nhiều kẻ xấu hơn người tốt. Số phận của mỗi người được định đoạt bởi cách sử dụng tự do Chúa ban… Số phận Hai Ông Bà Nguyên Tổ -bị đuổi khỏi vườn Địa đàng cũng chỉ vì Hai Ông Bà đã sử dụng sai sự tự do-; đó thật là một bài học cho chúng ta”.
Thầy Tám hỏi tôi:
- Huynh thấy “sợ” sự tự do chưa? –thầy Tám vừa cười khì khì vừa nheo nheo đuôi mắt để ghẹo tôi-.
Tôi chưa biết đối đáp thế nào thì anh nói tiếp:
- Tự do chưa là trái cấm, Ý thức tự do tức là “biết mình có tự do”, đó mới thực sự là trái cấm Hai Ông Bà Nguyên Tổ xưa đã “ăn”. –Đưa tay chỉ con chó vàng đang nằm ngoài sân, thầy Tám nói tiếp- Tôi không buộc giây cầm giữ con chó. Con chó có tự do “ở, hoặc bỏ tôi mà đi mất”, nhưng vì nó không “biết mình có tự do đi hay ở” nên con chó cứ quẩn quanh chân chủ dẫu lắm lúc bị đối xử rất phủ phàng… Khi Hai Ông Bà Nguyên Tổ ăn trái cấm “biết mình có tự do” vâng lời Chúa hay không, tức “biết lành biết dữ”… từ đó sinh ra tội… Nói rằng ăn trái cấm nên bị Thiên Chúa phạt đến đời con đời cháu… chúng ta, là nói cho dễ hiểu! Đúng ra nên nói: “ý thức mình có tự do” vâng lời Thiên Chúa hay không… khiến con người biết vâng lời Chúa là làm lành, bất tuân là làm dữ tức là phạm tội; tội thì bị ác quả… thế là từ đó chúng ta đổ hết tội cho Hai Ông Bà Nguyên Tổ vì ăn trái cấm mà truyền lưu tội nguyên tổ cho con cháu muôn ngàn đời. Nói vậy chẳng khác nào nói Thiên Chúa độc ác và thù dài hận dai!
Tôi ngỡ ngàng: Thì ra “trái cấm” hay “trái biết lành biết dữ” ở Vườn Địa đàng xưa là “ý thức mình có tự do”. Giả như loài người không biết mình có tự do thì loài người chẳng có tự do! Biết mình có tự do thì mới tự do thật. Không biết thì không có. Loài chó chúng ta nuôi trong nhà là một thí dụ. Vả lại, nếu không ý thức mình có tự do, loài người sẽ sống vô tư và hồn nhiên như loài gia súc, không phải chịu trách nhiệm gì về hành vi của mình, thế là chẳng có tội lỗi; nhưng nếu không có tội lỗi thì cũng sẽ chẳng có hình phạt, không có hình phạt cũng sẽ chẳng có phần thưởng. Tôi nghĩ: Lạy Chúa! Mọi sự trong trí tôi đang bắt đầu sáng ra.
Thầy Tám không cần biết tôi nghĩ gì, cứ thủng thẳng nói tiếp:
- Vâng nghe Thiên Chúa chính là sử dụng tự do đúng đắn. Ai không vâng nghe lời Thiên Chúa, người ấy sử dụng tự do cách sai quấy và tất nhiên lãnh hậu quả, Thiên Chúa không cần phải đoán phạt ai! Vì vậy, Người vẫn cứ luôn tỏ mình ra là một người Cha nhân hậu, xót thương, khó bất bình, dễ tha thứ. Ai quan niệm “Chúa phạt”, “Chúa nghiêm xử”, “Chúa thẳng tay trừng trị”, “Chúa báo thù” vân vân… người đó xúc phạm lòng yêu thương vô bờ và lòng nhân hậu bao la của Chúa.
Tôi hỏi:
- Thầy Tư dạy cho thầy tất cả những điều này, đúng không?... Sao ổng ấy giỏi đến như vậy? Tôi học suốt 8 năm tiểu chủng viện, 2 năm triết, 2 năm đi thử và 2 năm thần cũng vừa xong đây, thế mà những điều vừa rồi nghe thật mới mẻ làm sao!
Thầy Tám gật đầu:
- Có lẽ ai từ cõi chết trở về đều có tầm hiểu biết trỗi vượt như thế. Tôi biết có người sống dậy sau khi chết, đã á khẩu luôn (2), không nói được một lời nào nữa cho đến khi chết trở lại; người ta suy đoán: có lẽ do những người đó đã thấy gì đó ở thế giới bên kia vượt quá trí óc loài người nên “hồn phi phách tán” đến nỗi không thốt nên lời!... Thầy Tư bảo tôi rằng: “Vì Chúa thương tôi đặc biệt nên thầy Tư được trở về từ cõi chết tắm gội trong ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô qua phép Rửa tội để được vào gần Chúa hơn trong Nước Người… đồng thời vừa để cứu tôi, cứu cả những người trong chùa BS.
- Tại sao lại cứu cả những người trong chùa BS? –Tôi trố mắt trước điều mà có lần đã thắc mắc khi nghe thầy Tư nói trước đây-
Thầy Tám gật đầu:
- Thế mới nói ý định Chúa luôn lạ lùng đối với chúng ta!
Thầy Tám ngừng kể lắng tai nghe ngóng tiếng gì đó từ trong buồng của cô cháu gái nhỏ vọng ra… Anh chạy vội vào trong ấy một lúc.
…
Xong việc, thầy Tám bước ra. Thấy tôi nằm võng dây bố giăng giữa hai cột nhà bằng tre, anh cũng không ngồi trên ghế mà ngồi bệt xuống nền đất láng bóng, vấn điếu thuốc rê châm lửa rít vài hơi dài rồi kể tiếp:
- Tôi còn nhớ như in.
…
- Xế chiều hôm đó sau khi chịu phép Rửa tội xong, tôi rón rén trở về chùa BS. Vừa bước vào tôi đã cảm nhận một điều gì đó không ổn sắp xảy ra… Vì đi vào bằng cửa hậu của gian nhà bếp trổ lên nhà trên, nên khi vừa bước qua ngạch cửa, tôi thấy ngay thầy Hai Từ Bảo tức sư trụ trì chùa BS đang ngồi trên bộ ngựa (3) với thầy Lù –“thầy Lù” là biệt danh không bởi vì sống đời tu hành, mà bởi vì tài cao phép cả; thầy Lù là sư phụ về võ nghệ lẫn bùa ngải của nhiều bậc cao tăng kỳ sĩ nức tiếng trên núi này, hiện tôi đang theo học với ông và được ông thương nhiều nhất trong số các đệ tử-. Ai ai cũng biết rất khó gặp mặt thầy Lù, vì ông không bao giờ dễ dàng cho phép mình xuất hiện; vậy thì chuyện gì làm cho vị sư phụ khó tính khó nết này chịu xuất hiện dễ như thế? Lại còn xuất hiện ngay ở một nơi mà ông chẳng hề ưa thích tức chùa BS? Chắc phải có chuyện lớn! Tôi linh cảm chuyện lớn đó là chuyện chẳng lành cho tôi… Thấy hai vị sư phụ đáng kính đang ngồi xếp bằng trên bộ ngựa từ ở đằng xa, lại quay lưng về phía tôi, tôi vội né tránh; nhưng khi tôi chưa kịp lách mình vào sau lưng chiếc tủ gỗ cạnh cửa, thầy Lù đã quát to, giọng vang rền: “Thằng kia! Vô đây mầy!”. Tôi kinh hãi riu ríu đến trước mặt hai sư phụ. Thoạt tiên thầy Lù mắng chửi tôi như tát nước… Những lời mắng chửi ấy ban đầu tuy nhẹ, nhưng đã nghe có mòi như ông đã biết hết chuyện tôi vừa theo Chúa… dần dần càng nói, ông càng huỵch toẹt ra tôi đã được học quá nhiều bùa ngải và đã thề hứa cả đời để theo Tam thập Tà Thất thập Xú, Mười Hai Chư vị Ma Hán, nay tôi đạp đổ tất cả chỉ trong nháy mắt, giao hồn hết cho kẻ thù mà không hỏi ý ông thầy lấy một tiếng, thật là tội đại tặc phản đồ v.v… Trong lúc thầy Lù nói liên miên để trút cơn thịnh nộ khủng khiếp lên tôi thì thầy Hai Từ Bảo chỉ ngồi im không nhúc nhích cũng không hó hé lấy một tiếng. Lúc này tôi chợt hiểu ra một điều: đó là từ lâu vì non kém tôi đã xem thường khả năng thân cận, tiếp xúc với quỷ dữ, điều động tà ma và khiển cử âm binh của sư phụ quá đặc biệt như thầy Lù… cứ xem: ông thầy biết hết mọi hành vi lẫn những ý nghĩ nhỏ nhặt giấu kín của tôi thì đủ hiểu.
Cắt lời thầy Tám, tôi hỏi ngay:
- Nghĩa là… có phải ông ta sai âm binh luôn giám sát thầy và đánh thầy một trận sống chết khi vừa đoán biết thầy có ý định xin nhận phép Rửa tội… đúng không?
- Đích xác! Kể cả những tiếng hú rợn người lúc ban đầu như để cảnh báo tôi… Tôi không thể tả được đôi mắt giận dữ của thầy… giận dữ gì mà hai con mắt trở nên như hai đốm lửa đỏ rực thấy mà phát hoảng. Ông thầy nói: “Mầy đã phản bội lời thề! Uổng công tao dạy dỗ và coi mầy như con đẻ. Tại sao mầy làm thế?”. Tôi lấy lại bình tĩnh dần dần, tuy nhiên tôi am hiểu tâm lý và tinh tường lễ nghĩa rằng: khi người lớn giận dữ, phận nhỏ làm con làm trò không nên trả lời ngay, đối đáp thẳng dù đúng đến đâu... vì khi đã thương, người nhỏ càng dại người lớn càng thương, lúc đã ghét, người nhỏ càng khôn người lớn càng ghét. Mắng chửi tôi thậm tệ cho “đã nư” một lúc thật lâu, ông kết thúc bằng án lệnh ngắn gọn: “Dẹp tất cả những gì mầy vừa làm thì tha, bất tuân thì chết”. Thầy Lù đứng lên nói: “Ba ngày nữa tao gặp lại mày ở đây”. Ông giận dữ ra về không chào thầy Hai Từ Bảo lấy một tiếng.
Ngưng một lúc thầy Tám kể tiếp:
- Khi thầy Lù đã đi xa, thầy Hai Từ Bảo tỏ ý muốn tôi thuật lại hết những gì tôi đã làm, khiến thầy Lù giận dữ. Tôi không giấu bất cứ điều gì nhất là việc mình đã chịu phép Rửa tội và theo Chúa; sẵn tiện tôi cũng nhấn mạnh việc từ nay không còn là người của Cửa Phật nữa. Nghe xong thầy Hai Từ Bảo không tỏ ra bất cứ thái độ gì là giận hờn như tôi nghĩ, mà chỉ ngồi im như bức tượng rất lâu, rồi từ tốn nói: “Tất cả đều là nhân duyên, ai ngăn được nhân duyên chớ? Từ nay con hãy liệu lấy thân!”… Biết mình không còn là người của nhà chùa BS nữa, tôi lặng lẽ thu dọn quần áo, rồi kín đáo từ giã một mình thầy Hai trụ trì bằng cách quỳ lạy 3 lạy: nhất bái tạ tội, nhị bái tạ ân, tam bái xin phép, rồi âm thầm rút lui để đến tạm thời tá túc chỗ thầy Tư.
Tôi thắc mắc:
- Tại sao sư trụ trì hòa hoãn với thầy, trong khi chẳng hòa hoãn chút nào với thầy Tư, đuổi thầy Tư ra khỏi chùa, bỏ mặc một con người đáng thương phải dở sống dở chết, lây lất giữa nơi hiểm nguy…?
- Đừng tưởng sư sãi không sợ ma sợ quỷ! Khi chứng kiến thầy Tư có nhiều biểu hiện lạ, mọi người trong chùa, với trí óc non nớt, đều lầm tưởng đó là hiện tượng “quỷ nhập tràng”; họ đều tin là không thể chung sống với thầy Tư được nữa!
Tôi miễn cưỡng chấp nhận lời giải thích.
Thầy Tám kể tiếp:
- Thầy Tư an ủi tôi và dạy rằng tôi đang đi đúng đường; bởi sự thường, bước sang cõi chết người ta mới tỉnh ngộ, thấy rõ điều gì mình đã làm là đúng, điều gì mình đã làm là sai… lại còn hiểu thêm rằng khi biết được đúng sai thì mọi sự coi như đã quá muộn! Bởi cái chết giải thoát người ta khỏi mọi vướng víu, chi phối, ảnh hưởng từ mọi hướng; sự thong dong giống như sự im lặng tuyệt đối khiến trí óc sáng suốt, từ đó nhận ra tất cả những gì mình đã làm trong quá khứ; sự bừng tỉnh sáng suốt này giống như đang đêm mưa dồn gió giũ, trời tối mịt mù, bỗng sấm nổ lóe lên một ánh chớp soi rõ mọi cảnh vật. Ai khi đang sống mà sáng suốt, người đó có ơn huệ lạ lùng Chúa ân ban. Theo Chúa là sáng suốt. Không theo Chúa, dẫu hoàng đế, vẫn là u mê. Hơn kém nhau chỉ vậy. Đạo nào cũng tốt, cũng giãi ánh sáng chân lý; nhưng Công giáo là đạo giãi ánh sáng rực rỡ như ánh sáng của mặt trời chính ngọ…
Thầy Tám vấn điếu thuốc khác rồi kể tiếp:
- Thầy Tư đoán biết tôi sẽ rất khổ với thầy Lù, nên chỉ cách: “Đừng bao giờ rời chuỗi tràng hạt, vì chuỗi tràng hạt củng cố đức tin; đức tin lại là vũ khí duy nhất dư sức trấn áp tất cả mọi thứ ma vương quỷ đế; ma tà quỷ độc luôn nhắm lúc chúng ta yếu đức tin, chao đảo niềm tin vào Chúa mà công phá và ám hãm”. Thật vậy! Ba ngày sau, một chú tiểu đi tìm và kêu tôi về chùa BS gặp thầy Lù.
Tôi ngứa miệng nói:
- Vì ông ta hẹn 3 ngày…
Thầy Tám Thuần Phát gật đầu kể tiếp:
- Khi tôi trở về chùa thì thấy thầy Lù đã chống cây gậy phép ngồi giữa chính điện với dáng vẻ oai nghi đường bệ như một quan tòa chờ đưa phạm nhân ra chịu án. Chùa BS có 14 tu sĩ các cấp; tất cả đều có mặt dự khán.
Tôi trách thầy Tám:
- Mắc gì thầy phải trở lại để chịu xét xử? Thầy đã là con cái của Chúa, ai ngoài Chúa có quyền xét xử thầy chứ?
- Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng lòng kính trọng sư phụ, ước muốn giải quyết mọi chuyện cho rõ ràng và dứt khoát để thảnh thơi đi theo Chúa, đồng thời tôi được thầy Tư dạy rằng: đức tin là vũ khí cực mạnh... tất cả đã khiến tôi bạo dạn quyết tâm trở về gặp thầy Lù. Vừa thấy tôi thầy Lù nóng nảy dọng gậy phép xuống nền nhà quát hỏi: “Nói đi! Mầy quyết định theo ai?”. Tôi trả lời: “Thưa sư phụ! Xin cho con được theo Chúa!”. Vừa nghe xong mặt ông đỏ bừng, đôi mắt lại bừng lên như lửa cháy, răng nghiến ken két, tay chỉ vào mặt tôi mắng: “Quân phản đồ!”. Tôi bình tĩnh thưa: “Thưa sư phụ! Con nay được biết theo Chúa là con đường đúng nhất!... nên…”. Tôi chưa nói xong thầy Lù phóng cây gậy phép thẳng vào mặt tôi; lẽ thường, một khi sư phụ xuống tay thì đệ tử chỉ “có nước” chết; nhìn thấy cây gậy phép bay vào mặt, trong nháy mắt, tôi chỉ kịp nghiêng nhẹ đầu sang một bên, cây gậy phép bằng gỗ lim bay trượt, băng băng ra khỏi chánh điện, đâm thẳng vào chiếc trống to nằm trên giá đỡ ngoài hành lang; cây gậy phép được phóng với sức lực mạnh đến nỗi đã đâm thủng trổ xuyên từ hông trống bên này sang hông trống bên kia. Lúc đó tôi nghĩ mình sẽ không thể nào thoát khỏi cái chết. Tôi không còn gì để bám víu, đành đưa 2 tay chụp chuỗi tràng hạt đang đeo trước ngực, nắm chặt lấy cây thánh giá nhỏ của chuỗi tràng hạt ấy như bám vào niềm cứu thoát cuối cùng. May sao thầy Hai Từ Bảo và vài ba vị sư lớn tuổi khác chạy đến đứng chắn giữa thầy Lù và tôi. Thầy Lù đành xuôi tay nhưng gầm lên: “Nếu chịu nổi 7 roi bùa, mầy muốn theo ai thì theo!”. Rút cây roi bùa từ trong ngực áo ra –đây là một thứ roi dùng để đánh phạt các âm hồn dưới quyền điều khiển của thầy Lù-; thấy tôi có vẻ đồng ý, thầy Hai và các vị sư lớn tuổi dạt ra hai bên cho tôi chịu đòn. Tôi bị buộc phải cởi áo ra phơi lưng trần và đứng cong cúi người xuống, tuy nhiên tay tôi không rời cây thánh giá. Thầy Lù chậm rãi quất từng roi lên lưng trần của tôi, cứ trước khi quất một roi, ông niệm thần chú; đánh xong một roi ông dừng lại một lúc để xem sự hiệu nghiệm của roi đến đâu, đồng thời cũng để xem tôi có đổi ý kiến hay không, đó là theo tôi suy đoán; phần tôi, mỗi roi quất xuống lưng, tôi nghe đau nhói và tê buốt cả người như có móng vuốt của con vật gì đó xâu xé. Khi ngọn roi thứ 6 vừa quất xong, vị sư phụ bỗng ngã xấp, úp mặt xuống nền gạch bất tỉnh, dù chẳng ai làm gì ông cả. Chờ đợi một lúc, mọi người xúm lại đỡ ông dậy đem vào hậu điện; còn thầy Hai thì mặc áo vào cho tôi và cùng với tất cả các vị tăng lữ trong chùa đồng loạt khuyên tôi nhân cơ hội này nên trốn đi trước khi ông thầy tỉnh dậy.
Nói đến đây, thầy Tám cởi chiếc áo bà ba đen sờn cũ bạc màu đang mặc ra:
- Đây! Huynh hãy xem! Người ta theo Chúa dễ còn tôi thì… Cũng chỉ vì tôi vướng lời thề với ma với quỷ nên mới ra nông nỗi!
Một lần nữa được nhìn kỹ lưng thầy Tám, tôi đếm thấy 6 vết roi chồng chéo nhau nằm vắt ngang lưng, có vết roi chạy dài ra tận sườn; nói chung, 6 vết roi đã phủ kín lưng thầy Tám. Một điều không sao có thể hiểu nổi: đó là 6 vết roi nổi phồng to bằng điếu thuốc lá, lại còn luôn nhúc nhích động đậy như những con rắn còn đang sống… Ai xem thấy, tôi tin chắc sẽ kinh hãi.
Tôi cảm thấy đau xót, hỏi thầy Tám:
- Tại sao những vết roi lâu ngày không tan, lại còn như những con rắn sống quấn lấy thầy? Thầy đau đớn lắm phải không?
- Lúc đầu 6 vết roi luôn tươm máu ngày đêm; một thời gian sau chúng trở nên thối rữa và có vòi rúc rỉa; một thời gian sau nữa chúng khô lại cho đến nay huynh thấy đó; 6 con rắn quỷ này không lúc nào thôi hành hạ tôi, khi thì nhức nhối, khi thì nhột nhạt, lúc như bị rắn rết bâu bám cắn xé, lúc khác nhức nhối, và nhiều lúc tê buốt không có thứ thuốc nào chữa khỏi. Nay tôi đã dần quen.
- Tại sao ông thầy Lù, mới đánh được 6 roi đã ngã ra bất tỉnh? Thầy Tư đã nói thế nào về tất cả những chuyện này?
- Thầy Tư bảo: “Giao du với ma quỷ chỉ có tổn hại, bất lợi và rủi ro. Ai kiên trì theo Chúa sẽ được Chúa che chở”. Thầy Tư có giải thích: “Roi thứ 7 là roi “lấy sinh mạng”, Chúa không cho phép ma quỷ lấy đi sinh mạng của bất kỳ ai; đã không đánh được roi thứ 7 mà còn bị đuổi đi; khi rút đi chúng luôn gây vật vã hay bất tỉnh”.
Tôi chợt rùng mình khi thoáng nhớ lại mọi chuyện cũ. Sợ quá tôi lảng sang chuyện khác:
- Tôi cứ tưởng nhà chùa đứng về phe thầy Lù…?
- Không! Không phải nhà chùa nào cũng chứa chấp tà công yêu thuật, chùa BS càng không.
- Vậy tại sao thầy đang tu lại được theo học tà thuật với thầy Lù? –tôi vốn thắc mắc chuyện này từ lâu nay mới có dịp hỏi-
Thầy Tám cởi mở:
- Tôi là đứa trẻ bị bỏ rơi khi vừa chào đời; người ta lượm được và mang đến cho thầy Lù. Thầy Lù nuôi tôi lớn khôn và trao tôi cho bạn là thầy Hai Từ Bảo để học chữ và rồi được thầy Hai thương cho ở luôn trong chùa như một tu sĩ.
Tôi càng thắc mắc hơn:
- Vậy thì người mẹ nào đang ở với thầy… kia?
- Đó là người đàn bà ăn xin tôi nhận làm mẹ cách đây không lâu… -thầy Tám hơi ngập ngừng, nhưng rồi kể luôn-. Cô “cháu gái” 11 tuổi kia cũng là người ăn xin vất vưởng ở một bến đò, tôi cũng rước về nuôi.
Tôi nhìn thầy Tám với lòng khâm phục; đã khâm phục nhiều đức tính nơi anh, bây giờ lại khâm phục đức bác ái nữa. Tôi hỏi:
- Thầy làm ruộng làm rẫy để sống và để nuôi họ đang lúc phải chịu nhiều đau đớn không nguôi…?
Thầy Tám gật đầu rồi quay lại câu chuyện chính:
- Sự kiện hôm ấy đã gieo vào lòng mọi người trong chùa BS một ấn tượng mạnh và nhiều mối suy nghĩ. Đúng ra họ là những người dân lành rất thiện tâm, muốn tu hành nên tự bỏ tiền lập ra chùa, dưới danh nghĩa một nhánh của Bửu Sơn Kỳ Hương giáo do thầy Hai chủ trì. Thầy Tư nói Chúa ghé mắt đến những tâm hồn thiện chí này từ lâu và muốn gọi họ về với Người. Chúa không cần thứ gì khác ở con người mà chỉ cần thiện chí. Tôi trở lên núi định bụng cùng tu với thầy Tư. Nghe tôi kể mọi chuyện, thầy Tư khuyên: “Thiên Chúa bắt đầu hành động trên em rồi đó! Cố gắng đi em ạ! Hãy là một dụng cụ dễ dùng trong tay Người! Hân hạnh lắm em ơi!”. Thầy Tư nói như một tiên tri, vì những điều sẽ xảy tới cho tôi cũng quá là kinh khủng!
Mặt trời đã đứng bóng, chúng tôi dừng câu chuyện để ăn trưa.
(Vì không dự đoán đúng, nên phần 5 của kỳ 49 còn tiếp)
(1) Á khẩu: câm tạm thời.
(2) Bộ ngựa là một hoặc hai tấm ván gỗ mun đen dày và nặng đặt trên bộ chân gỗ để làm đồ gia dụng đa dụng: ngồi chơi, tiếp khách, giường ngủ, có khi còn là nơi ăn uống…
(3) Bửu Sơn Kỳ Hương là một giáo phái có ảnh hưởng lớn đến lịch sử và chính trị tại Nam Kỳ (Việt Nam) từ giữa thế kỷ 19.. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (còn được gọi là đạo Lành) được khai sáng năm 1849 bởi một người tục danh Đoàn Minh Huyên (1807-1856), đạo hiệu là Giác Linh, quê ở Tòng Sơn, Cái Tàu Thượng, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Sau này, khi ông đến tu tại chùa Tây An (núi Sam, Châu Đốc) được tín đồ gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An.