TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO - QUỶ XƯNG TỘI Kỳ 49 (phần 3) 01-11-2018 13:10:53 GMT +7
TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO
QUỶ XƯNG TỘI
Kỳ 49
MA VĂN LIÊU
(Phần 3 của kỳ 49)
Khi chúng tôi ngồi đó chưa biết phải làm gì; bởi vì, ngồi mà chờ đợi thầy Tư như vậy kể cũng mông lung; ngược lại, đứng lên đi về thì coi như chuyến đi thăm thầy Tư mà không gặp được ông ta chẳng còn ý nghĩa gì, đàng khác, liệu có mời được cha T. đi với tôi thêm một lần nữa vào dịp khác hay không… vả lại, cứ “suy bụng ta ra bụng người” tôi nghĩ: cha T. cũng như tôi, thấy rằng: con rắn vừa bò xuống đúng hướng chúng tôi phải ra về, giờ đây nếu ra về, ngộ nhỡ đang đi xuống chúng tôi gặp lại nó thì số phận hai anh em sẽ ra sao?… Cho nên 2 anh em chẳng ai bảo ai, cứ ngồi im như thế mà chẳng biết tính sao.
…
Lại có tiếng động của cành cây bị rung chuyển.
Chúng tôi thót tim. Cả hai dáo dác nhìn quanh.
Nhưng không!
Không phải một con rắn nữa mà là một người đang di chuyển trên các nhánh cây; người đó chuyền từ cành cây nầy sang cành cây khác nhanh nhẹn và khéo léo như người rừng trong phim Tarzan đang nhắm hướng chúng tôi thoăn thoắt đu nhảy… tới.
Hai anh em chưa kịp định thần thì người ấy đã nhảy “phịch” xuống đất gần chúng tôi một khoảng cách chừng bảy tám mét. Đó là một thanh niên trạc tuổi tôi –hơn hai mươi tuổi một tý- đầu cạo trọc, gương mặt có vẻ thông minh sáng sủa nhất là có vẻ hiền lành lương thiện ra dáng một vị sư, tuy cách ăn mặc lại như một võ sư võ sĩ gì đó với quần áo luyện võ màu đen, lưng thắt đai cũng màu đen, chân không mang giày dép. Người ấy có vẻ người sống ở đây, nên tự tin và thoải mái lên tiếng chào chúng tôi, trước khi chúng tôi kịp mở miệng:
- Chào hai huynh! (1)
Chẳng màng xem chúng tôi có đáp lại lời chào hay không, người thanh niên trẻ tuổi khá đẹp trai ấy nói tiếp với giọng nói sang sảng, phong thái khí phách nhưng không kiêu mãn, cũng không tạo khoảng cách chủ khách:
- Trời đất! Hai huynh từ đâu mới tới đây nên không biết đây là đâu… đúng không!
Đứng dạng chân chống nạnh cách rất tự nhiên, chàng trai nói tiếp:
- Như chúng tôi đây đều có võ nghệ, ở ngay chùa này –chỉ tay về ngôi chùa BS mái đỏ- mà còn kiêng dè, chẳng ai liều mạng lui tới nơi này. –Cười khịt một tiếng như để chế nhạo và thương xót-. Thôi! Đứng lên đi! Mời “nhị vị anh hùng” rút nhanh cho tôi nhờ!
Dường như không nhịn được cười trước hai gã mặt cứ thộn ra vì ngớ ngẩn, cho nên vừa nói dứt câu, chàng trai cười rộ lên làm chúng tôi cũng buồn cười lây cho sự dại khờ của mình.
Vừa quay đi chàng trai vừa khoác tay ra hiệu gọi chúng tôi đi theo.
Chúng tôi đi như chạy… theo người thanh niên trẻ tốt bụng ấy mà không hề hỏi xem anh ta là ai… đủ biết anh ta có tài khiển người khác làm theo chỉ bằng vài câu nói không cần phải nghiêm trọng… của mình
Khi đã đến một nơi khác thoáng đãng hơn, người thanh niên dừng chân nói tiếp:
- Vì mới đây thôi! Nơi đó xuất hiện một cặp rắn dữ. Chúng thường nằm phơi nắng trên tảng đá hai huynh đệ vừa ngồi… -nói tới đây lại nheo nheo một mắt với ý chọc ghẹo chúng tôi- để tự nộp mạng…
Chàng ta lại cười ầm…
Nhưng nói có Chúa, chúng tôi không hề thấy hờn giận tức ghét gì cái anh chàng này tý nào mặc dù nãy giờ chúng tôi có nói được lời gì đâu! Chỉ mình anh ta nói thôi! Cha T. và tôi thỉnh thoảng còn nhìn nhau, miệng “ú ớ”… Bây giờ thì cha T. mới cất được tiếng nói, anh nói với người thanh niên có khí chất hào sảng kia:
- Hèn chi! Chúng tôi cũng vừa mới gặp một con rắn đen khổng lồ. Tim của hai chúng tôi vừa mới đập trở lại bình thường đây!
Cha T thuật lại mọi chi tiết. Người thanh niên thích thú lắng tai nghe và hỏi han rất kỹ, sau đó nói thêm:
- Hên cho hai huynh!
Chàng ta quay lại nhìn về hướng đó với vẻ… cung kính. Bỗng hỏi:
- Trước khi đến đây sao hai huynh không hỏi thăm dân ở đây cho kỹ? Sao không nhờ người ta chỉ đường đi của nhà chùa? Dân ở đây muốn lên núi đều bắt buộc phải đi theo con đường nhà chùa, chớ có ai dám trèo leo… “vô lễ” như hai huynh đâu! Không nghe biệt danh Núi Ông Cấm à!
Người thanh niên tóm tắt thêm rằng chính vì địa thế quá hiểm trở, chính vì ít người lui tới, chính vì sản vật quá phong nhiêu và chính vì khí hậu ôn thuần tuyệt vời… nên các loài cầm thú rất đa dạng chủng loại, được bảo vệ, được tha hồ tự do, sống khỏe, tồn tại, phát triển đến mức chúng trở nên bá chủ nơi này; điều ấy khiến sản sinh nhiều quái thú rất dễ sợ; lính tráng với võ khí “trang bị tận răng” mà còn không dám mạo hiểm lên đây; còn người ở trên núi này hả? Nếu không phải những bậc kỳ nhân dị sĩ, các bậc lão sư thâm năng cố lực, các thầy bùa thầy ngãi cao phép… thì cũng phải là những tên tướng cướp cùng đường, những tay hảo hán coi trời bằng vung… tệ lắm cũng là những hạng người như chúng tôi, tức là một nhóm các sư sãi ai cũng nuôi ý chí bỏ đời thật sự bằng chí quyết tu sao cho thành Phật… Có như vậy mới sống nổi ở đây…
Lúc này chúng tôi mới nhận ra hết mọi điều. Tôi vừa rùng mình vì lâu nay mình nhởn nhơ ở một nơi không nên làm như thế… nhưng bỗng cảm thấy mừng vì con rắn khổng lồ vừa rồi không phải là biểu tượng của ma quỷ như cha T. lo xa, và như vậy có nghĩa tôi cũng chưa hẳn đã sa vào “mưu ma chước quỷ” gì.
Khi đã cảm thấy thật bình tĩnh, cha T. tự giới thiệu ngắn gọn:
- Chúng tôi là những người tu bên Công giáo từ LX. lên núi để đi tìm thăm một người.
Tôi nhắc lại chuyện cũ:
- Dưới chân núi rất ít người, thậm chí hôm nay bỗng dưng chúng tôi không gặp được ai tại chính nơi vẫn thường gửi xe; chúng tôi đành lủi đại xe vào căn nhà vắng người không khóa cửa (2). Vả lại trước Tết năm bảy hôm, người dưới núi vẫn không cảnh báo chúng tôi điều gì khi thấy chúng tôi xồng xộc leo lên leo xuống… núi.
Người thanh niên tự giới thiệu:
- Tôi cũng là người tu, đang tu ở chùa BS –chỉ tay về ngôi chùa mái đỏ-. Hai huynh đi thăm ai ở núi này?
Với tất cả sự dè dặt có thể, tôi kể mọi chuyện từ đầu đến cuối và tả luôn nhân dạng thầy Tư; nhưng giấu tiệt những gì liên quan đến việc thầy Tư muốn vào đạo, việc hôm nay cha T. trong tư thế sẵn sàng rửa tội cho ông.
Vị tu sĩ rất ngạc nhiên và thỉnh thoảng lại kêu lên:
- Cơ duyên! Ôi đúng là cơ duyên thiên hộ!...
Có lẽ thấy chúng tôi vô hại hay sao đó, vị tu sĩ trẻ ngập ngừng giây lát rồi cởi mở:
- Tôi cũng tu ở chùa BS với thầy Tư; ông ấy tên là Đạo Tâm. Đúng là ông ấy có nhiều đặc dị so với mọi người trong chùa, ví dụ sống bằng gì thì tôi không biết, nhưng nhất định không phải do ăn cơm uống nước, vì ổng coi rẻ việc ăn uống; kế đến, ổng có tài chịu nhịn, chịu thua, chịu thiệt trước bất kỳ ai; kế tiếp, ông này tuy mắc bệnh lao phổi thật, nhưng vẫn cứ “sống nhăn” cho đến hôm nay là đã gần bảy mươi tuổi; rồi đang sống bỗng ổng lăn ra chết như ta đi ngủ, vài hôm lại sống dậy; sống dậy cũng đã là kỳ quái lắm rồi, nhưng dường như chưa đủ, thử hỏi sức lực ở đâu ra mà tự “phá banh” cái quan tài, đi ra khỏe re làm tụi tôi sợ hết vía, cả “bọn” kéo nhau chạy hết ra sân; nay thì sống như không khác gì “quỷ nhập tràng”…
Kể đến đây vị tu sĩ bỗng hạ giọng nói khẽ khàng như ngại sợ ai đó lén nghe được:
- Chuyện sống dậy như thế tưởng cũng đã quá đủ khi cả chùa một phen “ruột gan lộn tùng phèo” rồi. Không đâu! Thầy Tư còn gây thêm một vụ lớn, lạ… tầm cỡ… bom nguyên tử nổ giữa chánh điện lận ông nội! Đó là sống dậy xong, thầy ấy “chê” luôn… không thèm tụng kinh niệm Phật gì ráo! Thế là càng củng cố thêm lên cho án quyết “quỷ nhập tràng” của Hoà thượng trụ trì. Bị đuổi ra khỏi chùa, bị xa lánh và bị mọi người mong sớm làm mồi cho thú dữ… thầy Tư nhẫn nhịn, thinh lặng và dật dờ sống như một bóng ma… như hai huynh thấy.
Như đoán được câu hỏi, vị tu sĩ trẻ trả lời chúng tôi:
- Tôi cũng không thể làm ngược với mọi người; có điều thấy một người như vậy thì thương, nên ngày có ngày không, ngày nào tiện thì lén gói một nắm cơm vào lá chuối đem cho thầy ấy, gặp mặt thì trao tận tay, không thì để vào một hốc cây đã hẹn.
Vị tu sĩ trẻ kể tiếp với giọng nói sang sảng trở lại:
- Ba ngày Tết vừa qua, không gặp được thầy Tư, cũng chẳng thấy ổng lấy cơm trong hốc cây; tôi đi tìm thì thấy thầy ấy nằm liệt ở chỗ rắn dữ thường lui tới. May mắn! Ổng nằm trong hốc đá thấp hẹp và hiểm hóc, vì nếu chỉ cần nằm ngoài hốc đá thôi thì bọn rắn “mần tiệc” Tết ổng rồi! Tôi cõng ổng về giấu ở đây…
Vị tu sĩ trẻ nắm tay cha T. và khoác vai tôi đi đến chỗ thầy Tư.
Chỉ một đoạn đường ngắn chừng non một trăm mét, nhưng vì leo lên nhiều dốc, nên có vẻ khá xa. Khi vị tu sĩ trẻ dừng chân, chúng tôi thấy một tán cổ thụ xum xuê cành lá, tươi tốt lạ thường; đi vòng qua bên kia của gốc cây quá là to, chúng tôi nhìn thấy thầy Tư đang nằm, mắt nhắm chặt… phía bên trong bọng cây. Vị tu sĩ trẻ lên tiếng:
- Thầy Tư ơi có khách!
Mở mắt ra vừa nhìn thấy tôi, thầy Tư ngồi dậy mừng rỡ nở một nụ cười thật tươi. Định đứng lên để đón tiếp, nhưng có vẻ như thầy không còn sức để làm việc đó. Tôi đỡ thầy ngồi lại và vui mừng nói:
- Con tìm thầy từ sáng, đến giờ mới gặp được! Mừng làm sao! Thầy ơi! Thầy có bị làm sao không?
Thầy Tư lịch sự chào từng người.
Sực nhớ, tôi giới thiệu cha T. cho thầy Tư. Nhưng vì mừng quá nên tôi nói toạt:
- Thưa thầy! Đây là linh mục T., bạn của con.
Thầy Tư nhìn cha T. bằng một ánh mắt long lanh vui mừng dường như không thể tả. Hai người chào nhau cách thân thiện như đã quen nhau từ lâu.
Đang đứng cách đó vài mét để quan sát động tĩnh, vừa nghe tôi giới thiệu anh T. là linh mục, vị tu sĩ trẻ xáp lại gần ngay lập tức, ngạc nhiên kêu lên với tôi:
- Ô! Huynh nói sao? –Chỉ vào cha T.- Huynh này là linh mục à? Ông cha đạo bên Công giáo sao?
Cứ xem cái cách ngạc nhiên thú vị thì biết vị tu sĩ trẻ chưa từng gặp linh mục. Dầu vậy, anh ta vẫn tỏ ra không có gì là bất lợi cho những dự định của chúng tôi đối với thầy Tư.
Cha T. thì khỏi nói! Chớp mắt đã quên hết mọi điều không được tốt lắm vừa qua; máu me “bang giao tầm quốc tế”, tính “xởi lởi cởi cho không”, kiểu ăn nói bán mạng… của anh bạn tôi giờ đã trở lại đầy đủ… Cha T. lập tức làm cho chàng tu sĩ trẻ tuổi đầy hào khí và phóng khoáng kiểu dân “miền Tây núi Cấm” chỉ có nước “từ khoái chí khoái” mà thôi.
Nếu không có tiếng kêu kỳ lạ cất lên nghe rờn rợn từ xa vọng tới thì chàng tu sĩ trẻ còn “đối khẩu đối thiệt” với cha T. không biết đến bao giờ mới thôi. Chàng tu sĩ trẻ dễ mến lập tức phóng người đu lên một cành cây rồi phóng đi nhanh chóng như lúc mới đến.
Cha T. quan sát, hỏi han thầy Tư để thẩm định tinh thần, trí năng, lòng ước muốn, sự hiểu biết đạo, hiểu biết Chúa, lý do và mục đích muốn trở thành Kitô hữu… để tin chắc rằng không cử hành bí tích thánh tẩy cách bừa bãi và vô ích. Nhưng thầy Tư càng trả lời, tôi càng có cảm tưởng người hỏi phải là thầy Tư, vì những điều ông trả lời, tôi –nói lén mà nghe, có lẽ cả cha T. nữa cũng nên- đều cảm thấy mới, lạ và đáng ngạc nhiên. Ví dụ khi cha T. hỏi thầy Tư:
- Thầy có thật lòng ước muốn trở thành Kitô hữu không?
- Thưa cha! Con trở về từ cõi chết chỉ để làm việc ấy.
- Thầy biết Công giáo là đạo gì?
- Thưa đạo của tình yêu thương.
- Vào đạo Công giáo, làm Kitô hữu để làm gì?
- Để sống và quảng bá yêu thương như ý Chúa muốn.
- Nhờ đâu thầy biết những điều đó?
- Thưa nhờ bước vào cõi chết.
- Tất cả những ai bước vào cõi chết đều hiểu được điều đó sao?
- Thưa cha! Con không biết. Chỉ biết một điều, khi bước vào đời sau, không ai không hối tiếc; tất cả đều hối hận chỉ khác nhiều hoặc ít mà thôi; thánh nhân “hối tiếc” sao mình không thánh hơn, kẻ đạo đức “hối tiếc” sao mình không làm thánh, kẻ vô đạo “hối tiếc” sao mình không có đạo…
…
Tôi kể lại sẽ không sao đầy đủ, linh hoạt và thú vị cho bằng ai được trực tiếp tham dự cuộc trao đổi này. Cha T. rất giỏi pha trò. Trong suốt cuộc trao đổi giữa anh và thầy Tư diễn ra bằng hỏi đáp nghe rất vui, rất thú vị. Tôi thật không muốn kết thúc dù nắng trưa đã ngả màu báo hiệu giờ cha T. phải có mặt tại nhiệm sở lúc 16g.
Cha T. hỏi một câu rất “xuất thần”:
- Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu có thể không cần phép rửa, vậy tại sao Người bắt buộc và chỉ cho phép một mình thầy trở về để chịu phép rửa?
- Thưa cha! Vì con còn cần lắm cho một người. Người đó là thầy Tám Thuần Phát, người vừa đưa cha và chú đến đây. Cũng có thể không phải chỉ thầy Tám Thuần Phát, mà nhiều người trong chùa BS.
- Nghĩa là Chúa cũng thương thầy Tám Thuần Phát và những người trong chùa BS dù họ chẳng hề màng biết Chúa?
- Thưa cha! Chúa thương hết mọi người không trừ ai. Thương vô cùng là khác! Tại chúng ta vô tình thôi! Chúa để ý riêng từng người chứ không chung chung, nhưng lại luôn tôn trọng sự tự do của mỗi người.
- Rất có thể thầy biết hơn cả chúng tôi là những người đương đạo? Tại sao vậy?
- Thưa cha! Biết thì dễ, cảm được tình Chúa mới khó và ít người đạt được. Muốn cảm phải có ân huệ của Người ban. Ân huệ lại chỉ đến cho những ai ước ao khao khát mãnh liệt.
Cha T. vừa chuẩn bị nước lấy ra từ trong túi xách Air France (3) vừa tranh thủ hỏi thêm:
- Nhận bí tích Rửa tội xong, thầy sẽ chết trở lại đúng không?…Thầy không sợ à?
Thầy Tư vẫn với vẻ mặt hồn nhiên, nụ cười bẽn lẽn, trả lời:
- Thưa nếu Chúa muốn con sống, con sống tiếp. Mọi sự xin tùy Người.
Chợt thầy Tư nhìn cha T. và tôi vài giây rồi hỏi:
- Đã vào được chốn ấy (4) rồi, liệu có ai còn muốn trở về trần lụy này nữa?
Nụ cười bẽn lẽn cố hữu trên môi thầy Tư, bỗng biến thành nụ cười thông minh hóm hỉnh.
(còn tiếp theo phần 4 của kỳ 49)
(1) Huynh: (Hán ngữ) nghĩa là anh.
(2) Vùng này ít xảy ra trộm cắp.
(3) Túi xách nhỏ gọn, bình dân… bằng simil là thời trang của giới giáo sĩ, tu sĩ Công giáo thời bấy giờ.
(4) Cha T. lẫn tôi đều hiểu “chốn ấy” là thiên đàng.