TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO - QUỶ XƯNG TỘI Kỳ 49 (phần 2) 29-04-2018 11:19:36 GMT +7
TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO
QUỶ XƯNG TỘI
Kỳ 49
(Phần 2 của kỳ 49)
Tôi hỏi thầy Tư vì không kiềm chế được thắc mắc:
- Thưa thầy, chẳng lẽ chỉ vì sự khác biệt đến mức tương phản giữa hai thế giới mà số phận của mỗi người bị định đoạt theo hướng tương phản… sao?
Thầy Tư trừng mắt tỏ vẻ xác quyết:
- Còn gì nữa? Chính là như vậy! Tôi không nói khác. Chú sống lành bên này, sẽ được bù đắp ở bên kia; vì sống lành là chịu thiệt mà! Phải không?
Thầy Tư ngưng nói một chút để chờ xem tôi có phản ứng gì hay không. Nín lặng một lúc thầy nói tiếp:
- Chú sống ác sống dữ bên này, sẽ bị “lột da” ở bên kia; vì sống ác là đàn áp, đè bẹp, hiếp đáp người khác cách này cách khác!... –thầy Tư ngưng nói, nhìn chòng chọc vào mắt tôi như thách đố; thầy cười mỉa mai rồi nói tiếp- Sự “báo thù trả đũa” của Trời Đất khủng khiếp đến như thế này: là cho dù hà hiếp người khác nhỏ nhặt đến đâu… sẽ bị “báo thù trả đũa” đến đó, không quên sót dung thứ dù một chút xíu kín ẩn. Sự công bình đến chi li tận triệt, nhiệm nhặt đến tàn nhẫn… đừng mong được châm chế cho qua dẫu một cọng tóc… Chẳng có ai đứng ra làm sự phân xử ấy, mà là tự xảy ra như guồng máy; liệu ai bênh đỡ chúng ta lúc đó?
Đã định giữ im lặng và chỉ lắng nghe, nhưng tôi lại ngứa miệng:
- Thưa… làm sao thầy biết được tất cả những điều ấy?
Hỏi xong tôi sợ thầy Tư giận vì tỏ ý nghi ngờ; nhưng thầy Tư cười nhẹ nhàng trả lời:
- Chết xong ý nghĩ của chúng ta không bị bộ óc hữu hình giam nhốt nữa, mà bung ra như hoa nở; điều ấy làm chúng ta tự nhiên thấu hiểu không cần ai dạy, nhiều điều trước đây không thể hiểu bây giờ được thấu đáo tận gốc; đàng khác chính tôi kinh nghiệm: lúc còn sống có những lần tôi nói hiếp một chú tiểu mà chẳng ai biết, khi chết, tôi thấy lại được điều đó, thấy cả cảnh chú tiểu khổ sở như thế nào, thấy lại được sự bắt nạt rất ư tiểu nhân của mình… tôi cũng phải trả giá cho bằng hết chuyện cỏn con thầm kín ấy cho tới tận cùng mới được buông tha.
Tôi hỏi thêm:
- Thưa thầy! Thế nào là “thấy” sau khi chết? Vì mình không còn đôi mắt để nhìn…
- Chú cứ nghĩ khi mình ngủ nằm chiêm bao ra sao, sau khi chết chúng ta cũng thấy như vậy; khác ở chỗ thấy tỏ tường minh bạch sáng rõ trong bằng ý thức sáng suốt và nhận định tỉnh táo; giống ở chỗ thấy mà không còn làm gì được.
Tôi lại hỏi:
- Thưa thầy! Thầy thấy điều gì trước nhất sau khi linh hồn thoát ra khỏi xác?
- Tôi thấy ánh sáng chói lòa rực rỡ, và trí khôn cho tôi biết đó là ông Trời, là Đức… Chúa. Tôi không thấy ngay Phật tổ mà tôi vẫn theo khi còn sống, phải sau đó rất lâu tôi mới thấy Ngài và biết Ngài là loài thụ tạo như tôi, chỉ khác: Ngài là một trong số những bậc đại thánh. Chỉ có Đức… Chúa –tôi nhắc thầy Tư đọc cho đúng là Thiên Chúa- là tất cả điều mà tôi thấy đầu tiên sau khi hồn vía ra khỏi xác.
Tôi bồn chồn nóng nảy hỏi:
- Thiên Chúa ra sao?... Thưa thầy?
Thầy Tư im lặng không trả lời ngay nhưng có vẻ như đắn đo; một lúc sau đó thầy trả lời:
- Thiên Chúa thì… -thầy hươ một tay, rồi hai tay như muốn diễn tả, nhưng ấp úng mãi không nói được- thì… thì… vô cùng… vô cùng…
Chưa nói xong, sắc mặt thầy Tư bỗng biến đổi, mắt nhìn lên, trợn trừng… rồi đang ngồi thì thình lình ngã vật ra nằm ngửa trên tảng đá; ngã mạnh đến nỗi đầu thầy va xuống đá cứng nghe “bụp” một tiếng, rồi nằm ngay đơ bất động.
Tôi rất hoảng sợ; phản ứng lúc ấy chỉ là lay chân, lắc tay thầy vừa kêu: “Thầy ơi! Thầy Tư ơi!” liên hồi; nhưng thầy Tư vẫn nằm im như chết.
Tôi nghĩ có lẽ thầy Tư chết trở lại cũng nên; nghĩ vậy nên tôi cuống cuồng vừa muốn rút lui êm thắm cho yên chuyện vừa cảm thấy rút lui là bất nhẫn…Thật phân vân vô cùng!
Tôi cứ ngồi im trong sợ hãi như thế chừng năm mười phút; khi thấy đã hơi bình tĩnh trở lại, tôi đứng lên đi tìm nước; đi loanh quanh tìm, nhưng chưa thấy nước thì tôi đã đến gần ngôi chùa BS mái đỏ thắm nơi thầy Tư trước đây đã từng ở -theo lời thầy Tư kể-; tôi liều mon men bước vào xin nước… Không khó! Tôi trở lại chỗ thầy Tư nằm với một tô nước mưa mát lạnh.
Nhưng vui làm sao! Khi tôi trở lại thì thầy Tư nhúc nhích, động đậy nhẹ; cử động thêm nhiều lần nữa rồi ông hé đôi mắt, sau đó mắt mở dần ra.
Vừa kêu rối rít tôi vừa chờ cho thầy Tư tỉnh hẳn, tôi đỡ ông dậy và cho ông uống một ngụm nước. Thầy Tư uống hết gần nửa tô nước cách ngon lành.
Sau khi thấy thầy Tư đã trở lại bình thường, tôi rụt rè hỏi:
- Vừa rồi… thầy chỉ chết giấc thôi… phải không?... Hay là… hay là thầy lại chết thật vậy… thưa Thầy?
Thầy Tư tròn xoe mắt, nhìn tôi cũng với vẻ hồn nhiên như em bé, miệng vẫn cười kiểu bẽn lẽn, ngơ ngác hỏi lại:
- Chú nói sao?...
Tôi kể lại mọi việc vừa xảy ra… nhưng càng kể, tôi càng tin thầy Tư chỉ chết giấc mà không ý thức được điều gì; vì vậy thay vì đề cập đến chuyện đó, tôi im lặng để thầy nghỉ ngơi. Cả hai ngồi nhìn xuống cánh đồng, dòng sông và làng mạc trải dài thật xa dưới chân núi.
Sau vài mươi phút nghỉ ngơi trong thinh lặng; thấy ông đã bình thường hẳn, tôi hỏi nhỏ:
- Thưa thầy! Hồi nãy thầy mới nói Thiên Chúa vô cùng… vô cùng… Thưa thầy! Vô cùng gì ạ?
Thầy Tư quay ngang nhìn tôi bằng cái nhìn kỳ lạ rất khó hiểu. Bất chấp ra sao, tôi cứ hỏi tiếp:
- Chắc Thiên Chúa đẹp lắm phải không? Thưa thầy!
Thầy lại nhìn tôi cũng bằng ánh mắt kỳ lạ rất khó hiểu, nụ cười hồn nhiên trên môi chợt tắt nhưng hoàn toàn không có vẻ gì giận, ghét… trái lại vẫn vô tư như trẻ thơ. Đắn đo một lúc thầy lại hươ một tay, hươ cả hai tay… trả lời:
- Thiên Chúa thật là vô cùng…vô cùng…
Vừa nói tới đó gương mặt vốn tái nhợt của thầy Tư bỗng lại biến sắc thành ửng đỏ, thầy hơi ngước nhìn lên trong tích tắc rồi trợn trừng đôi mắt, lại ngã vật ra một lần nữa xuống tảng đá, trông rất đau đớn xót xa.
Tôi bớt hốt hoảng. Không biết làm gì hơn, tôi đành ngồi bóp tay bóp chân cho thầy Tư, bụng nghĩ người đã qua một cái chết vì bệnh nặng, có sống lại chắc chỉ sống dật dờ qua ngày đoạn tháng rồi chết lại. Tuy nhiên trí tôi bỗng đặt nghi vấn: ngộ nhỡ lần này thầy Tư chết luôn thì sao? Tôi buông thầy ra và từ từ đứng lên. Nhìn đồng hồ cũng thấy đã quá 2 giờ trưa, tôi do dự nửa ở lại nửa ra về. Sau một hồi suy nghĩ, tôi chọn giải pháp nán lại tới 3 giờ.
Gần đến 3 giờ chiều, thầy Tư cựa mình và tỉnh lại dần, mặt tươi rói với nụ cười bẽn lẽn trên môi. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Thưa… thầy có thấy mệt không?
Thầy Tư lắc đầu. Tôi hỏi tiếp:
- Thầy cứ chết đi sống lại hoài như thế này… nhắm có mệt lắm không? Phải làm sao đi...! Cứ thế này con thấy không được! –Nghĩ đến một người chú họ đang sống một mình, tôi nảy ra ý định- Con đưa thầy về sống chung với chú họ của con, thầy thấy sao?
Thầy Tư lắc đầu vẫn với nụ cười bẽn lẽn:
- Mạng sống tôi giờ đây là của Chúa. Đã là như vậy rồi, tôi lại còn không thiết sống ở cõi này nữa chú ơi! –Thầy Tư nhìn tôi cười thật hiền- Tôi rất biết ơn lòng tốt của chú, vì thương mà muốn lo cho tôi; nhưng chú nghĩ coi, đã thấy được cuộc sống tốt đẹp bên kia thế giới rồi, thử hỏi có ai còn muốn trở về sống ở thế giới bên này nữa hở chú?
Có lẽ lúc đó trông tôi rất buồn cười nên thầy Tư đập nhẹ vào tay tôi cách thân mật rồi cười vui:
- Chú đừng bận tâm chút xíu nào về tình trạng của tôi, bởi tôi rất mong một cơn chết giấc nào đó sẽ đưa tôi lại về với Chúa; nghĩa là tôi mong được chết lại lắm lắm, miễn là tôi được vô đạo.
Tôi sực nhớ, liền nắm tay thầy Tư và hứa sau Tết tôi sẽ đưa một linh mục lên tận đây rửa tội cho thầy.
Nghĩ rằng hôm nay tuy trò chuyện không được bao nhiêu, nhưng tôi cảm nhận được không ít điều hay lạ và quý giá. Xin phép thầy Tư, tôi đi xuống núi và ra về.
…
Mấy ngày Tết, đối với riêng tôi lúc ấy, trôi qua thật rề rà, chậm chạp và vô nghĩa.
Thật vậy! Không chờ nổi cho xong “ba ngày tư ngày tết”, mới mồng 3 tôi đã xông đến nhà xứ của họ đạo cha T, đang làm cha phó;
T. là một người bạn thân thiết nhưng lớn hơn tôi 5 tuổi thuộc lớp đàn anh vừa mới chịu chức linh mục non 10 tháng nay. Vừa gặp anh tôi trút hết toàn bộ câu chuyện về thầy Tư. Với ai không biết nhưng với T. bạn tôi, một “anh chàng” nhiệt tình như lửa cháy, đầu óc “cấp tiến” (1), ăn nói văng mạng, khôi hài, thẳng đưột và nhanh lẹ… tôi đã không khó rủ rê lôi kéo mà ngược lại, anh còn thúc hối tôi phải đi ngay kẻo “hối hận thì đã muộn”. Chúng tôi hẹn nhau ngay hôm sau cùng đi.
Sáng hôm sau. Trời còn tối om vì mới 4g30 sáng mồng 4 Tết, cha phó T. đã cùng với chiếc xe Goebel cũ mèm –xe gắn máy có từ thời Đức quốc xã- ầm ầm như xe tăng lao vào nhà tôi.
Hai anh em tận dụng vừa ăn sáng vừa -dè ý dè tứ- thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho Má tôi nghe. Thật ngạc nhiên! Má tôi không la mắng tội giấu giếm của tôi gì hết, ngược lại Má tôi còn tỏ ra rất cảm động; do đó, một mặt thúc giục chúng tôi đi cho nhanh, một mặt lẹ tay gói ghém chút đỉnh thức ăn gửi thầy Tư.
Trong câu chuyện, khi nghe tôi kể thầy Tư bị ngã vật ra chết giấc hai lần, Má tôi thương cảm đến không cầm được nước mắt. Má tôi hỏi:
- Có khi nào vì đã được nhìn thấy Thánh Nhan Chúa cao sang đẹp đẽ quá sức suy tưởng của con người, nên bây giờ mỗi khi nghĩ đến chịu không nổi phải chết giấc… hay không?
Cha T. bảo tôi kể lại lần nữa từng chi tiết. Tôi kể xong, T. nói với Má tôi:
- Bác nghĩ vậy là đúng rồi! –Quay sang tôi T. cự- Chuyện đến như vậy tại sao hôm nay mày mới kể tao (2) nghe?
Tôi đính chính:
- Em thấy chuyện đó quá chi tiết.
T. rầy tôi lần nữa:
- Mầy ngu quá! –T. kêu lên với Má tôi- Thôi! Đúng người này thấy Chúa rồi Bác ơi! Đã được nhìn thấy Thánh Nhan Chúa nên mới như vậy!... Còn gì nữa!
Đến đây tôi mới thấy mình thật sự là ngu. Nếu tôi thông minh lanh lợi thì đến lần thứ hai khi thầy Tư ngã ra chết giấc; tôi sẽ biết ngay
Cha T. nêu ý kiến với Má tôi:
- Bác thấy con có nên thử lần nữa hay không?
Má tôi đồng ý nhưng khuyên nên dự trù sao cho thầy Tư ngã vật ra cách nào được êm ái.
Ăn sáng xong hai chúng tôi lên đường lúc hơn 5g, mỗi người một xe để cha T. tiện cho việc trở về họ đạo trước 4g chiều; đến nơi vừa đúng 8g,
Khi đưa cha T. đến nơi thầy Tư tạm trú, chúng tôi không thấy ông có mặt ở đó. Để cha T. ngồi nghỉ trên tảng đá quen thuộc, tôi táo tác đi tìm ông.
Núi Cấm nổi danh nơi “rừng thiêng nước độc”, chốn “thâm sơn cùng cốc”, nơi “u mê ám chướng” quả không oan! Tôi chỉ đi xa một quãng độ vài chục mét bán kính, đã thấy rờn rợn trong lòng nên vội quay trở lại để đổi hướng khác, tuyệt nhiên không dám đi xa hơn.
Quần tới quần lui có đến non nửa giờ, vừa đi vừa kêu vừa réo vang động vẫn không thấy tăm hơi gì của thầy Tư, tôi quay trở lại ngồi nghỉ với cha T. để trò chuyện, để thử chờ đợi cầu may và để nghĩ ra cách gì đó…
Đang trò chuyện bỗng nghe có tiếng động khá lớn của cây cối bị xô ngã và bẻ gãy; chúng tôi cứ tưởng thầy Tư xuất hiện, nào ngờ, một con rắn màu đen mun khổng lồ so với những con rắn chúng tôi được nhìn thấy trước nay, thân hình nó to ước lượng bằng đùi của một người đàn ông; con rắn trườn ra từ lùm cây rậm rạp bên phải cách chúng tôi khoảng hơn mười mét… đang bò, thấy chúng tôi, nó ngóc đầu lên cao thở phì phì vừa nhìn chúng tôi vừa thè lưỡi như để thăm dò… ngó nghiêng ngó thẳng, mổ tới thụt lui một lúc, nó quay đầu bò sang đám cây rậm rạp khác bên trái về phía dốc núi. Con rắn đi khuất đã lâu, mà mùi hôi tanh khủng khiếp của nó vẫn còn phảng phất khắp nơi.
Quá kinh hãi cha T. nói:
- Có mầy tao mới dám đến đây. Một mình thôi thì tao xin vái. Ở đây hãi hùng quá! Mọi người đã từng nói thế mà!
Tôi còn sợ hơn cả cha T. nữa. Anh lại rên rỉ tiếp:
- Ôi! Nếu nó “đợp” hai thằng mình thì cũng dễ ợt, vì có thằng nào nhấc chân lên nổi mà chạy trốn đâu, phải không?
Tôi nói với giọng còn run:
- Vậy mà người ta nỡ bỏ mặc thầy Tư sống một mình như thế này. Càng nghĩ em càng thấy thương ổng anh T. ơi!
Cha T. bỗng nhìn tôi một cách khác lạ, hỏi:
- Suốt từ khởi đầu tiếp xúc ông ấy đến giờ, có khi nào mầy nghĩ… tất cả chỉ là “mưu ma chước quỷ” không?
Suy nghĩ một lúc, hồi tưởng lại theo thứ tự diễn tiến từng sự việc, tôi khẳng định với cha T.
- Không! Linh tính mách bảo em tất cả đều là sự thật.
Nói chưa dứt câu, lòng tôi tự dưng hơi chao đảo. Tôi dáo dác nhìn quanh rồi nói thêm:
- Nhưng… hôm nay mời được anh cùng đến đây để chứng kiến, em tin nếu có điều gì thâm u khuất lấp thế nào cũng bị anh phát giác ra cho mà coi!
Cha T. chẳng những đã không bị “phổng mũi” trước lời nịnh nọt không còn tác dụng của tôi mà ngược lại, còn nhìn quanh cách lấm lét:
- Mầy không biết là anh mầy đang “run như run cầy sấy thấy nước sôi” (3) đây hay sao?
Tưởng anh nói đùa, tôi cũng ráng đùa lại để tự trấn áp nỗi sợ đủ thứ:
- Trời đất! Anh mà sợ hả? Cái gì có thể làm cho anh sợ chứ?
Tôi tưởng anh sẽ cười như mọi khi, nào ngờ anh nói khe khẽ:
- Trong Thánh Kinh, con rắn là hình ảnh của ma quỷ…
Cha T. nói đến đó thì im bặt. Một cơn lạnh toát, nổi lên rần rần từ dưới sóng lưng của tôi, chạy dài lên tận đỉnh đầu.
(còn tiếp phần 3 của kỳ 49) (1) Cấp tiến: có tư tưởng chính trị, xã hội… tiến bộ vượt hẳn mọi người.
(2) Bọn trẻ lớp dưới chúng tôi thích cái kiểu ăn nói “mầy–tao mi-tớ” vừa tức cười vừa thân tình của cha T. Có lẽ chỉ vì cái bụng tốt của anh.
(3) Bài thơ tuyệt tác “Ave Maria” của thi sĩ Hàn Mạc Tử, trong đó có câu “Maria, linh hồn tôi ớn lạnh, run như run thần tử thấy long nhan”… đã được bọn chủng sinh chúng tôi đổi thành câu: “run như run cầy sấy thấy nước sôi” để chọc ghẹo anh nào vừa đọc vừa run khi bị cha giáo khảo bài. (“Run như cầy sấy” cũng là thành ngữ sẵn có trong dân gian).