TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO - QUỶ XƯNG TỘI Kỳ 49 (phần 1) 22-04-2018 12:26:29 GMT +7
TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO
QUỶ XƯNG TỘI
MA VĂN LIÊU
Kỳ 49
Phần đầu của kỳ 49
Có những điều thường xảy ra, đáng ghê sợ và đáng quan tâm, nhưng người ta cứ bình thản; mỗi lần chứng kiến nó thì sợ hãi nghĩ đến số phận mình mai đây cũng vậy; nhưng chỉ sợ hãi thoáng qua rồi quên ngay, và cuối cùng thì mọi chuyện đâu cũng lại vào đó. Tôi muốn nói đến cái chết, hay muốn đề cập thân phận nay còn mai mất của con người. Rõ là ai cũng sợ chết khi thấy nó! Nhưng sợ thì sợ, cuộc sống có sức quyến rũ mạnh mẽ đến nỗi, vẫn cứ coi cuộc sống trên đời là trên hết đến nỗi không còn có gì khác quan trọng bằng, vẫn cứ đầu tư toàn bộ tim óc, khả năng và sức lực vào đó. Đang khi chết chấm dứt tất cả; nhà cửa, đất đai, sản nghiệp, chức tước, danh tiếng, cha mẹ, vợ (chồng) con, người thân, bạn hữu… tất cả đều trở nên vô nghĩa. Vì thương thân phận bọt bèo và vì thương tính tình hời hợt nông nổi của con cái trước sự bọt bèo ấy nên Chúa mới nhắc đi nhắc lại bằng nhiều dụ ngôn và lời khuyên như: “Các con hãy sẵn sàng vì chính giờ phút các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”(Mt 24,14). Nhưng rồi… có mấy ai tỉnh thức?
Dịp Xuân năm thần học II (xin kể lại chuyện cũ) trong kỳ nghỉ Tết 12 ngày, tôi có một chuyến đi chơi rất bổ ích vì trong chuyến đi đó tôi học được nhiều bài học vô cùng quý giá. Tôi đang ở quê chờ đón Tết.
Trước Tết 7 ngày, 5 anh em, trong đó có tôi, gồm 2 đại chủng sinh và 3 tiểu chủng sinh đệ nhị cấp (tức từ lớp 10 đến lớp 12 hiện nay) trong cùng họ đạo rủ nhau, lén lút giấu gia đình và mọi người xung quanh, tổ chức đi chơi núi Cấm (1). Đây là ngọn núi ít người dám nghĩ đến nói chi là lui tới. Vì sống trong thời kỳ giặc giã khắp nơi, không thể biết nơi nào bình yên, nơi nào nguy hiểm… nên chúng tôi dự định cứ 2 người chở nhau trên một chiết xe Honda, tất cả “ù chạy” cho lẹ đến nơi rồi quay ngay về và nhất là tất cả đều “nhất trí” khi đến chân núi, chỉ được phép đứng bên dưới nhìn lên mà thôi, miễn sao làm dịu được trí tò mò.
Đi từ 5 giờ trời còn mờ tối đến khoảng 8 giờ sáng chúng tôi đã đến nơi.
Tuy nhiên có sự thay đổi theo hướng tốt hơn lúc đầu dự định. Người địa phương chỉ dẫn rằng có thể leo trèo thỏa thích chỉ ở một triền núi phía Đông nơi thường có người lên xuống làm ăn sinh sống.
Suốt buổi sáng say sưa với bao là mới lạ, đến trưa khi đã thấm mệt và đói bụng, chúng tôi bàn nhau đi tìm một tảng đá bằng phẳng vừa có bóng mát để ngồi ăn trưa và ngắm cảnh. Chỉ một lúc sau, chúng tôi đã tìm được một nơi lý tưởng đúng như ý muốn: chẳng phải là một tảng đá lớn bằng phẳng sạch sẽ, mà cả một khoảng sân được một cây cổ thụ che mát. Tất cả háo hức giở thức ăn thức uống bày ra để ăn. Khi mới vừa ăn được vài miếng thì một anh phát hiện ở một góc cuối sân còn có một hốc đá hơi âm u; nhìn vào hốc đá chúng tôi thấy một đôi mắt to và đen đang thao láo nhìn chúng tôi. Phản ứng tự nhiên đứa nào cũng sợ, bởi chúng tôi đã từng nghe quá nhiều huyền thoại kỳ bí trên núi Cấm, nào là núi Cấm là nơi của những “ma y thần tướng”, nào là núi Cấm là thiên đàng của những “dị nhân cao thủ” kể cả những hạng “đầu trộm đuôi cướp” khét tiếng tìm về đây để “mai danh ẩn tích”, nào là núi Cấm đầy dẫy những mãnh long ác thú to lớn phi thường và cực kỳ hung dữ, nào là núi Cấm là nơi tích chứa đầy những câu chuyện linh thiêng huyền bí đáng kinh sợ.
Tuy không đứng lên bỏ chạy, nhưng lòng đứa nào cũng cảm thấy thấp thỏm sợ sệt và lo âu, chỉ muốn rời khỏi chỗ này cho nhanh. 5 anh em miệng vừa nhai mắt vừa lấm lét liếc nhìn về hốc đá với tư thế luôn sẵn sàng phóng chạy. Tuy nhiên ăn gần xong mà thấy đôi mắt vẫn nhìn thao láo về chúng tôi, không có vẻ gì đe dọa.
Tôi suy nghĩ. Đôi mắt hiền lành mà không hề có chút dữ dằn; đôi mắt chỉ nhìn mà không tỏ vẻ gây hấn, xua đuổi; đôi mắt như có vẻ như muốn làm quen.
Sau khi thận trọng suy tính, ném miếng bánh đang ăn dở, tôi đứng lên tiến lại gần hốc đá. Khỏi phải nói! Các bạn đồng loạt nắm tay tôi kéo lại can ngăn; nhưng tự tin nên tôi cứ tiến tới.
Khi đến gần hốc đá tôi thấy một người đàn ông ngồi trong bóng tối của hốc đá nhìn tôi cách thân thiện. Ông ta mặc áo nâu, gầy gò hốc hác. Khi còn cách ông ta khoảng 5, 10 bước, tôi đứng lại dò xét. Thấy yên tâm tôi bèn ngồi xuống, miệng lí nhí:
- Chúng con kính chào thầy!
Tôi nhác thấy gương mặt ông ta tươi tỉnh hẳn lên, cười một cách ngây thơ và đáp lại:
- Chào… mấy… chú!
Tôi thấy vững dạ. Các bạn cũng thế nên tất cả mò đến đứng ở sau lưng tôi. Tôi nói tiếp:
- Chúng con vô tình quá! Không biết có thầy ở đây. Chúng con có làm phiền lòng thầy điều gì không ạ? Thầy cho phép chúng con ăn xong rồi đi… được không ạ?
Người đàn ông lớn tuổi bằng tuổi cha tôi nếu Người còn sống, gật đầu:
- Đâu có gì… phiền. Mấy chú đến đây… làm tôi vui… lắm! Cứ… cứ… ở lại đây…
Tiếng nói có vẻ rất khó khăn nặng nhọc trái ngược hẳn với cung cách vui tươi, hồn nhiên và hiền lành. Một anh bạn tiểu chủng sinh nói:
- Dạ! Bây giờ thầy có đuổi chúng con cũng không đi nữa!...
Tiếp theo đó là những lời nói khôi hài có phần nghiêng về chọc ghẹo khiếm nhã, có lẽ thấy không có việc gì phải sợ, nên các bạn làm như thế, phát xuất từ nền giáo dục “chỉ mình là đúng là hay” ở các chủng viện… Tôi cố vừa nín nhịn vừa “đỡ gạt” những câu nói đùa không đúng chỗ, cho tới khi nghe được câu:
- … hay để chúng con xuống núi mua vài xị “ba-xi-đế” (2) lên lai rai với thầy…
Tôi bật đứng dậy quyết liệt phản đối ngay lập tức:
- Không được đâu! Không được như thế đâu các anh em! Chẳng lẽ chúng ta được giáo dục như thế sao? Không biết ai là ai nữa thì cũng nên kính trọng người lớn tuổi hơn mình chứ!
Họ giận tôi ra mặt và kéo nhau đi ra xa để mặc tôi ngồi nói chuyện với người đàn ông.
Chúng tôi giận nhau nên chuyến đi chơi không còn vui vẻ hứng thú nữa; Chương trình kết thúc sớm. Khoảng 14 giờ30 trưa mọi người xuống núi và ra về trong không khí ảm đạm.
…
Về nhà tôi cứ ray rức nhớ hoài ánh mắt của người đàn ông; ánh mắt ấy có một sức hút lạ kỳ; hình như ánh mắt ấy dù rất hiền dịu, rất đơn sơ chân chất nhưng tha thiết ước muốn thổ lộ điều gì. Vì thế ngay sáng hôm sau tôi một mình một xe lặng lẽ quay trở lại núi Cấm, dù đường đi xấu và chẳng ngắn ngủi, lại đi đơn độc ai mà biết được chắc chắn đều cho tôi là đứa liều.
Lên núi tôi tìm ngay đến hốc đá. Người đàn ông gặp tôi cũng bằng ánh mắt như trước. Tôi tặng ông 2 đòn bánh tét nhân chuối do chính tay Má tôi làm; ông mừng rỡ và cám ơn một cách chân tình.
Tôi nói rõ lý do quay lại gặp ông, ông cười nói:
- Tôi biết trong số người hôm qua, chú là người có tâm có đạo. Tôi hết sức muốn nói chuyện nhiều với chú, khi thấy chú ra về, tôi rất thất vọng ngỡ rằng chúng ta không còn có thể gặp nhau nữa. Nhưng thật là bất ngờ! Hôm nay tự nhiên chú quay lại. Chúng ta nằm trong cơ duyên trời định rồi chú ơi!
Ông bảo tôi gọi ông bằng anh Tư cho thân mật. Nhưng một lúc sau tôi không làm theo ý muốn của ông được nữa, mà gọi ông bằng thầy Tư, rồi xưng bằng con, vì xét về tuổi tác lẫn đức độ, ông đáng để làm cha hay làm thầy của tôi. Ông kể:
- Tôi là một vị sư, phát nguyện đi tu từ thuở nhỏ. –Ông lặng thinh một lúc rồi tiếp-
- Cách đây hơn một tháng, tôi chết vì mắc bệnh lao phổi, trong ngôi chùa BS…
Nói đến đó thầy Tư đứng lên rời hốc đá dẫn tôi ra triền núi chỉ ngôi chùa mái ngói đỏ thắm nằm cách chỗ hai thầy trò đứng không xa. Đưa tôi trở vào gần hốc đá, thầy Tư kể tiếp:
- Hai ngày sau, lúc giữa đêm khuya thanh vắng, nghe tiếng tôi cục cựa trong quan tài, mọi người bỏ chạy. Cũng may áo quan bằng ván gòn (3) vừa mỏng vừa mềm nên tôi tự phá tung rồi đi ra. Mọi người càng hoảng vía, cứ núp ở xa nhìn. Họ đều cho tôi là quỷ nhập tràng (4) Họ cho người xích tôi lại ở lùm cây xa xa kia; nhưng tôi tự giải thoát và về đây sống.. .
Tôi hỏi:
- Nghĩa là thầy vẫn chưa chết thật?
Thầy Tư lắc đầu:
- Tôi đã chết thật, đã chết gần 3 ngày. Đó chính là chuyện tôi sắp nói với chú.
Tôi chỉ thắc mắc sao thầy Tư lại chọn tôi để tâm sự mà không chọn ai khác. Nhưng thôi! Tôi nghĩ chuyện ấy cứ gác lại sau này rồi cũng sẽ rõ. Thầy Tư kể tiếp:
- Dần dần mọi người để yên cho tôi sống như một bóng ma, nhưng nuôi tôi mỗi ngày 2 lần cơm chùa và một ấm nước để tôi sống lây lất chờ ngày chết lại lần nữa.
Tôi nhìn thầy Tư với ánh mắt cảm thông; đáp lại, thầy nhìn tôi với ánh mắt vẫn cứ hồn nhiên hiền lành như trẻ nhỏ, giống như trong lòng thầy không vương vấn nỗi đau khổ hay oán hận gì khi bị người cùng tu nhẫn tâm đối xử như thế. Tôi chợt hiểu thầy Tư không cần ở tôi sự thương cảm, mà thầy cần cái gì khác hơn. Thầy Tư bỗng hỏi:
- Các chú là người theo đạo Chúa?
Tôi gật đầu đáp:
- Thưa đúng ạ!
Thầy Tư nói:
- Vì hôm qua khi một chú trượt chân, tôi nghe kêu “Chúa ơi!”… Vậy tôi hỏi…
Tôi không đợi thầy Tư hỏi xong, đáp ngay
- Chúng con đều là đi tu bên Công giáo.
Thầy Tư càng lộ vẻ mừng rỡ hơn và có vẻ như đang khóc. Thầy kêu lên lần nữa:
- Đúng là cơ duyên tiền định thật rồi! Chúng ta nằm trong cơ duyên trời định rồi chú ơi!
Nhưng thầy Tư tỏ vẻ lo lắng ngay sau đó, nên hỏi:
- Chú có thể giúp tôi một chuyện được không?
Tôi hăng hái hỏi chuyện gì và hứa nếu trong khả năng có thể, tôi sẽ hết lòng. Thầy Tư nói:
- Giúp tôi theo đạo Chúa. Tôi phải bỏ đạo Phật mà theo ngay đạo Chúa. Vì tôi đã thấy rõ tất cả mọi sự việc khi vừa chết.
Tôi đã từng nghe thầy Hiền bạn tôi thuật lại những gì Bác Bảy kể về chuyện sau khi chết, nhưng tôi cũng chưa thỏa mãn lắm nên muốn nghe tiếp qua thầy Tư. Tôi hỏi ngay:
- Thầy có thể kể cho con nghe được không? Còn chuyện giúp thầy theo Chúa thì con có thể làm được, nhưng phải mất một thời gian học giáo lý, rồi thầy cũng phải chuyển nơi ở cho gần nhà thờ…
Tôi còn đang loay hoay với mớ điều kiện không dễ đối với hoàn cảnh thầy Tư thì thầy Tư ngắt lời:
- Tôi chỉ cần được theo đạo. Theo đạo xong tôi sẽ chết trở lại ngay vì tôi biết cơ thể mình không thể tồn tại lâu trên đời này.
Tôi ái ngại nhìn thầy Tư rồi suy tính: sẽ nhờ đến cha Luca; hoặc tôi sẽ nhờ người bạn đàn anh mới nhận chức linh mục… Sau khi suy xét, thấy có thể được, tôi gật đầu đồng ý và cam kết với thầy Tư ngay chiều nay về đến nhà tôi sẽ xúc tiến ngay việc hệ trọng này. Thầy Tư còn dặn thêm:
- Miễn sao tôi theo đạo, còn việc sau đó xin chú cứ để tôi lo. Thật ra tôi từ cõi chết trở về chỉ để làm cho được việc này.
Sau khi thỏa thuận xong mọi việc, thầy Tư bắt đầu kể chuyện.
- Tôi mắc bệnh lao phổi sau một thời gian dài thì tôi chết vào khoảng 3 giờ trưa. Khi đang bị cơn bệnh hành hạ đau đớn thì cái chết thật là sự giải thoát dịu êm không thể tả. Tôi bị sốt cao liên tục, và chính cơn sốt cuối cùng đã nhẹ nhàng đưa tôi về bên kia thế giới. Tôi chết nhẹ nhàng đến độ không hề hay biết mình chết, vì trong cơn mê sảng, sự sống sự chết như nhau thôi, chỉ khác bỗng nhiên tôi thấy mình nhẹ lâng dễ chịu, khoan khoái như đã hết bệnh tự lúc nào. Tôi hiểu thêm một điều, đó là khi người ta quá đau khổ bên này thế giới, họ sẽ có một cái chết rất dễ chịu, vì họ được giải thoát khỏi ngục tù; còn khi người ta quá sung sướng no đủ ấm êm bên này thế giới, cái chết trở nên đau đớn lắm lắm! Từ đó tôi thấy được những vị hoàng đế, vương tôn công tử, tướng lãnh, kẻ phú hào, người đầy quyền thế, người luôn có bộ hạ “tiền hô hậu ũng” sẽ có cái chết rất khổ đau và sẽ cảm thấy rất cô đơn trơ trọi đáng sợ sau khi chết. Vậy nếu ai nghèo khó, khổ đau, cô độc, bất hạnh… nhất ở đời này cái chết là sự vô cùng êm dịu, sự giải thoát nhẹ nhàng và sung sướng tuyệt vời.
Tôi buột miệng nói, nhưng là nói theo trí óc nông cạn và ngu muội của mình:
- Vì luật nhân quả!
Thầy Tư miễn cưỡng gật đầu, nhưng sau đó đính chính:
- Nói chính xác: vì thế giới bên kia hoàn toàn khác với thế giới bên này như trắng khác với đen. –thầy Tư mỉm cười- Vì vậy nhà chùa và các sư đối xử với tôi ra sao, tôi chỉ cười trong lòng mà chẳng hề oán giận. Vì lẽ: đời này nào có nghĩa chi đâu!?
Tôi xin thầy Tư cho tôi ghi chép vào sổ tay những gì cảm thấy hay vì sợ rằng không thể nhớ. Thầy Tư gật đầu. .
- Nói thuyết nhân quả là nói cho dễ hiểu! Nhưng để mọi người dễ bị đánh động hơn phải nói đó là vì 2 cuộc sống: bên này và bên kia thế giới quá khác biệt đến tương phản, cho nên mọi thứ đều tương khắc. Nếu chết đang khi “có” quá nhiều –có tiền, có của, có chức, có nhiều vợ, có nhiều con nhiều cháu, có quá nhiều bạn hữu người thân, có nhà cửa sang trọng, có bổng lộc và quyền uy thế giá…-, khi chết sang bên kia thế giới lập tức trở nên trắng tay. Vậy chẳng phải đau đớn lắm sao? Nếu chết đang khi “là” quá nhiều –là ông này bà kia, là vua, quan, tướng lãnh, là ông bà chủ, là dân biểu nghị sĩ, là tiến sĩ bác học, là hòa thượng, đại đức, ông cha bà phước ông thánh ông thần…- khi chết sang bên kia thế giới tức khắc mình trần như nhau, không còn là gì nữa cả! Sạch sẽ như một tội nhân run rẩy trước tòa án. Vậy chẳng phải là ô nhục, bẽ bàng, mắc cỡ lắm sao! Tất cả chỉ vì hai thế giới khác biệt nhau hoàn toàn, thế giới bên này như đêm, thế giới bên kia như ngày. Những gì khuất lấp, giấu giếm ở thế giới bên này, vừa sang thế giới bên kia bị lộ tẩy, phơi bày, vạch trần; mọi giả bộ, mọi kiểu cách, đóng kịch đều hạ màn.
Tôi nghĩ mình đang gặp đúng chân sư rồi đây. Vị chân sư này thấy và chứng kiến tận mắt mà nói lại chứ không phải học qua người này nghe qua người kia, rồi “nói thánh nói tướng”. Tôi mừng lắm và tự nhủ: cứ im lặng để thầy Tư tuôn ra những gì mà thầy muốn. Thầy Tư nói tiếp:
- Những gì con người “có” ở đời là giả dối, những cái con người “là” trong cuộc sống đều là ảo tưởng. Càng “có” nhiều, càng “là” nhiều, khi chết xong, càng cảm thấy trơ trẽn, buồn cười, thất vọng và xấu hổ vì bỗng dưng trong phút chốc trở nên quá trần truồng, và sự trần truồng ấy ghê sợ ở chỗ trần truồng tận xương tận tủy.
(còn tiếp kỳ 49) (1) Núi Cấm còn được gọi là Núi Ông Cấm hay Thiên Cấm Sơn, Thiên Cấm Sơn; tên Khmer: Pnom ta piel hay Pnom po piêl; là một ngọn núi tại địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Việt Nam. Núi Cấm có độ cao 705m, chiếm chu vi 28.600m, là một ngọn núi cao nhất trong Thất Sơn và cao nhất tỉnh.
(2) Ba-xi-đế là kiểu nói miền Tây Nam bộ chỉ rượu trắng.
(3) Ở miền Tây cây Gòn là loại cây cho trái to và thuông dài như con thoi dệt vải, to bằng bắp tay người lớn, bên trong chứa bông gòn trắng nuốt, người ta dùng làm gối nằm, thân gòn mau to nhưng nhẹ và mau mục nát. Nhà nghèo mới dùng quan tài bằng gỗ gòn là thứ gỗ bỏ đi. Làm củi còn bị chê.
(4) Quỷ nhập tràng là hiện tượng một xác chết bỗng sống lại bằng một cuộc sống khác rất ghê rợn ví dụ không còn tình cảm, xé xác gia súc ăn đồ lòng v.v…