TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO - QUỶ XƯNG TỘI Kỳ 44 14-02-2018 09:19:33 GMT +7
TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO
QUỶ XƯNG TỘI
Kỳ 44
(Phần cuối của kỳ 44)
LTS-Vì là tiểu thuyết, nên những gì dưới đây không cần phải tin.
…
Tiếng ông già nói tiếp, tuy khẽ khàng nhưng rất rõ:
- Bác về thăm con như đã hẹn với nhau. Bác vẫn bình thường chỉ là ở thế giới khác thôi!
Mình đã vào được sâu hơn, đứng dưới đất ở hàng hiên mà lòng vẫn còn sợ lắm; tuy nhiên mình hơi bình tĩnh hơn trước.
Hiền nhận xét thêm: Con người tự nhiên không chịu nổi cái gì thuộc về siêu nhiên vô hình... Ông già lặng thinh. Vì run sợ nên mình hỏi mà tự nghe giọng mình nó lạc…lạc… làm sao!:
- Bác đang ở đâu? Thiên đàng hay luyện ngục?
Ông già lặng thinh như có điều gì đó không tiện nói. Mình đoán mò:
- Bác đang ở luyện ngục phải hôn?
Hỏi đến đây gai ốc ở sống lưng cứ từng cơn, từng cơn rợn lên dồn dập. Mình cắn chặt hai hàm răng trấn áp nỗi sợ để không bỏ chạy lần nữa… nhưng do nghĩ đây là cơ hội hiếm có, chỉ lần duy nhất này mà thô nên mình ráni. Mình gạn hỏi thêm:
- Ủa sao con hỏi mà bác không trả lời? Khó nói lắm hả?
Không có tiếng trả lời. Mình nghĩ: Ông già đã im lặng như thế thì chính là xác nhận rồi còn gì!
Mình bỗng cảm thấy cám cảnh cho ông già, vì trước khi chết, ông đã chịu quá nhiều đau đớn thể xác do bệnh tật, đau đớn linh hồn do bị vợ con và người than bỏ rơi trong đơn côi thui thủi… lẽ ra bây giờ đừng nên chịu đau khổ thêm ở luyện ngục nữa! Không biết nói lời gì để an ủi ông già, mình đành nói lảng tránh qua chuyện khác.
Còn tôi thì vẫn đang miên man suy nghĩ về chuyện thiên đàng luyện ngục:
- Phải rồi Hiền ạ! Nếu đã ở thiên đàng thì phải toát ra một thứ ánh sáng rực rỡ gì đó chứ đâu tối mù… rồi còn đứng im thù lù một góc như nhát ma người ta…! Phải không?...
Hiền gật đầu lia lịa. Đột nhiên thay đổi giọng kể.
Thì đó! Liêu biết không! Bỗng dưng mình nghe có một thứ tiếng động rất kỳ dị! Tiếng ấy hiện giờ tuy đã hơn 1 năm qua, vậy mà mình vẫn còn nhớ như in. Tiếng động ấy giống như tiếng một thanh kiếm dài mài liếc rất mạnh tay trên tảng đá sần sùi to lớn; nhưng tiếng ấy lại còn vừa nghe giông giống tiếng xé một mảnh lụa dài… Tiếng động kỳ dị khiến mình giật thót cả tim gan và lòng bỗng cảm thấy rất sợ. Nhưng liền sau sự sợ hãi khủng khiếp ấy là sự bình yên trở lại, mình bởi sợ dần đi vì phát hiện gian nhà nhỏ u ám lạnh lẽo của ông già bỗng sáng trưng lên như ta bật đèn nê-ông, -Hiền cười- dù nhà ông già chẳng có lấy một bóng đèn điện (1). Liêu thử nghĩ xem cái gì vậy? Hiền im lặng chờ tôi suy nghĩ.
Hiền lại đổi tư thế và kể tiếp khi thấy tôi tỏ ra bất lực.
Mình hỏi ông già liền:
- Bác Bảy ơi! Có chuyện gì vậy? Hồi nãy tối bây giờ bỗng dưng sáng choang…?
Giọng ông già đang rầu rĩ đổi thành vừa vui, vừa thật so với giọng hồi còn sống, ông già lại còn nói to hơn, dõng dạc hơn và thân mật hơn hồi đầu đến giờ; tắt một điều là ông già đổi giọng nói khác trước đây mấy phút… hoàn toàn:
- Bác vừa đánh đuổi bọn “giới linh” (2). Từ nãy giờ chúng quấy phá con đó!
- Ủa! “Giới linh” là cái gì?
- Là những người chết oan khuất, chết tức tưởi vì chưa đến giờ Chúa định… ví dụ những người tự tử, tai nạn vô ưng… họ chưa được Chúa phán xét, số phận đời đời của họ chưa được định đoạt nên cứ phải đi rong ruổi lang thang khắp chốn, rồi làm chuyện này chuyện nọ mà người đời ưa gọi là “ma”, “hồn ma”… với mong muốn được mọi người nhớ đến họ.
Mình quá đỗi ngạc nhiên. Không đợi ông già nói thêm, mình hỏi ngay:
- Ủa! Có cả những linh hồn như vậy nữa sao? Những linh hồn ấy vừa mới quấy phá con… vậy thì trong lúc đó Bác đang ở đâu và làm gì?
- Bác vừa đánh đuổi họ đi rồi! Con yên tâm đừng sợ nữa! Bác từ thiên đàng về với con đây!
Không hỏi thêm ba cái vụ lung tung ấy nữa, vì từ lâu trong trí mình có sẵn hàng trăm thắc mắc nên bây giờ mình cứ để mặc chúng tuôn ra, bụng cứ nơm nớp sợ ông già đi mất:
- Thiên đàng ra sao thưa Bác?
- Thiên đàng là tình trạng đứa con đi lạc tìm lại được cha mẹ yêu thương mình.
- Luyện ngục ra sao?
- Luyện ngục là nơi “hy vọng - chắc chắn” (3), nên dù khổ đau mấy người ta cũng chịu được!
- Hỏa ngục thì sao?
- Đó là nơi không còn một chúg hy vọng nào, ngược lại chứa toàn sự tuyệt vọng (4),cho nên đau khổ lại càng đau khổ hơn… một tình trạng cuồng điên đi tới mãi.
Lúc đó mình thấy hiểu rõ và hiểu cạn, nên không hỏi gì thêm. –Hiền cười bẽn lẽn- Mình quả vội vàng hấp tấp! Bây giờ lại thấy tiếc! Giá như hỏi cho kỹ cho rõ có hay hơn không!... Giọng ông già rất thân thương ngọt ngào hơn cả trước kia làm cho mình không còn sợ hãi gì nữa! Mình hỏi tiếp:
- Chết ra sao? Bác có thể nói sơ cho con biết được không?
- Thế giới vật chất là ngục tù, đau khổ phần hồn hay phần xác cũng là ngục tù, thậm chí nếu có hạnh phúc, những thứ hạnh phúc trần gian sơ sài bèo bọt ấy cũng chỉ là một thứ ngục tù khác mà thôi. Còn chết là được ra tù, được phóng thích, được đi vào thế giới tự do, về nhà, tất cả ví như từ trong khoan hầm chât chội, u tối, ngột ngạt và bức bách… bỗng được vuột thoát, bay ra bầu trời lồng lộng ánh sáng, không khí trong lành của sự sống.
Mình hỏi:
- Vậy chết là sướng chớ đâu là ghê rợn!
Ông già giải thích:
- Vì hình ảnh của sự chết là hủy diệt, tiêu vong, không còn tồn tại, chia lìa… nên ai cũng hiểu lầm và sợ hãi. Tuy nhiên với kẻ ác thì chết đúng là đi xuống, nhưng đối với người lành chết là đi lên, đã chẳng những sống tiếp mà còn thăng hoa.
Ông già nói năng lưu loát như một tay có ăn có học. Khác trước như trời vực! Dân ở thiên đàng về có khác! Mình hỏi tiếp:
- Bác có bị phán xét không? Phán xét ra sao?
- Bác có chịu phán xét. Phán xét là thức dậy, là mở mắt tỉnh dậy khỏi giấc ngủ mê muội của vật chất để tự thấy ra mọi tư tưởng, lời nói và hành vi tốt xấu của mình từ thuở tuổi khôn cho đến khi chết. Tất cả được phơi bày minh bạch; thậm chí dù chỉ một lời nói ức hiếp người khác, cũng sẽ phải trả giá đến cùng. Phán xét tương tự như một tấm màn chiếu phim trắng khổng lồ (5), bất kỳ một lỗi dù rất nhỏ nào cũng đều được phóng lớn và chiếu lại trên tấm màn ấy không sai không sót một chi tiết.
- Chúa ra sao hở Bác?
Ông già hơi ngập ngừng… rồi trả lời bằng một giọng xúc động:
- Không thể tả Chúa được con ơi! Nhưng không phải chết xong mới thấy được Người, mà có thể thấy được Chúa ngay ở trần gian khi con còn đang sống. Đó là mỗi khi lòng con yêu thương, quảng đại, nhân ái, thứ tha… cho người khác, lòng con xúc động và bồi hồi yêu thương. Chúa là lòng yêu thương đó đấy con ạ!
Mình bỗng nhìn thấy Chúa ngay sau lời ông già vừa nói:
- A! Vì vậy mà Chúa mới lập đạo yêu thương là đạo Công giáo mình…
Ông già nói tiếp theo:
- Chỉ bác ái yêu thương là đủ một đạo; có đức tin hay không có đức tin, thiên đàng hỏa ngục, ơn cứu độ, ân sủng v.v… thảy đều nằm ở chỗ có bác ái hay không…
Mình nghe giọng ông già trầm hẳn:
- Rất tiếc hồi còn sống, không ai dạy Bác điều đó, Bác đã không xem bác ái yêu thương là điều cốt yếu trong việc giữ đạo, cho nên trên thiên đàng, bác chỉ là một người rất nhỏ. May mà Bác chịu nhiều đau khổ và biết quên điều ác vợ Bác gây cho
Mình bạo dạn hỏi:
- Vậy ai không sống bác ái yêu thương đều xuống hỏa ngục hết phải vậy không?
Ông già nói:
- Chúa là lòng yêu thương, thiên đàng là nơi yêu thương, ai không có lòng yêu thương bác ái làm sao vào chốn đó được?
Nói đến đây Hiền vung tay đấm vào không khí với vẻ bực tức: Coi như mình đã nắm rõ được vấn đề. Đạo là đường dẫn ta đến Chúa. Toàn bộ đạo Công giáo là yêu thương. Toàn bộ đức tin Công giáo là bác ái yêu thương. Chu mẹ! Học đến thần học mới biết điều “cốt tử” ấy; lại biết do người chết dạy!.
Tôi an ủi Hiền:
- Dù gì… biết còn hơn không! Tội cho nhiều người không biết! Tôi hơn nữa cho người biết mà không làm!
…
Thầy Hiền bạn tôi còn kể tiếp; qua anh, tôi càng hiểu rõ: đức tin là sống yêu thương như Chúa đã xuống thế giảng dạy. Yêu thương là tất cả, đến nỗi ai đọc kinh ra rả sáng chiều, ai đến nhà thờ siêng năng, ai cúng nhiều tiền cho nhà thờ, hay dù ai có bạt núi lấp biển… không bác ái thì mọi việc trở thành không.
Sau đó không bao lâu, thầy Hiền xuất tu mà không nói lý do -chỉ anh và cha linh hướng của anh biết mà thôi-. Anh lập gia đình sống giản dị và thầm lặng cho đến hôm nay.
Tất cả những dòng trên đây đều được anh xem qua..
(hết phần 44, sẽ tiếp phần 45 vào kỳ tới)
(1) Thời kỳ này điện chưa về đến nông thôn, nhà nhà còn thắp đèn dầu lửa.
(2) “Giới linh” là cách gọi các cô hồn, oan hồn, âm hồn, âm binh… của linh mục nhạc sĩ Gioan Minh (Gioan Nguyễn Văn Minh, chánh xứ Hiển Linh, gp.Tp.HCM). Ở các tôn giáo khác, người ta gọi là cô hồn rồi ân cần lập miếu mạo bên vệ đưiờng hoặc những nơi họ chết… để an ủi họ.
(3) Ở trần gian, mọi hy vọng đều không chắc chắn, ví dụ hy vọng thi đậu, hy vọng trúng số, hy vọng giàu sang, hy vọng sống lâu… bởi vì “đời là phù vân” .
(4) Đang sống, không ai thiếu sư hy vọng; nếu không còn gì để hy vọng, -dù hy vọng–không chắc chắn- người ta sẽ sống như chết.
(5) Ngày xưa để chiếu phim ở ngoài trời cho đám đông, người ta căng một tấm màn rất lớn màu trắng ở đằng xa và trên cao, rồi dùng máy chiếu phim to kềnh chạy sè sè chiếu hình ảnh động đậy lên trên tấm màn ấy.