TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO - QUỶ XƯNG TỘI Kỳ 41 17-12-2017 22:55:58 GMT +7
• TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO
QUỶ XƯNG TỘI
MA VĂN LIÊU
Kỳ 41
Người ta không ai có thể nói ra hết mọi cảm nhận hay suy nghĩ của mình, mà chỉ nói được phần nào. Đơn giản vì có nhiều điều không thể nói ra. Cũng thế, những gì tôi nói đây, không phải là tất cả, chỉ một phần nhỏ; vì có nhiều điều sợ nói ra sẽ gây hại, hoặc nói huỵch toẹt sẽ trở thành người đạp đổ, kẻ phá hoại v.v… Vậy nên tôi chỉ nói những gì có lợi cho mục tiêu đặt ra mà thôi. Còn nhiều điều phải giấu đi.
…
Phải nói những ngày đầu bước vào đại chủng viện khi còn là một “cậu học sinh” vừa xong lớp đệ nhất (lớp 12 bây giờ), tôi ngây thơ không biết gì. Bây giờ nhập trường lần nữa sau hai năm triết học và hai năm giúp xứ đa truân, tôi bỗng nhận ra nhiều điều mới, nhiều điều trước kia không nhận thấy.
Trong số những điều tôi nhận ra có một điều gây nguy hại vô cùng cho chủng sinh và cho cả Giáo hội. Đó là sự kính trọng quá mức của mọi người đặt vào một con người nào đó sẽ làm hư hại họ ngang bằng với sự chà đạp vùi dập xuống tận bùn đen một ai đó.
Vậy mà ở đây, sự kính trọng quá mức cần thiết lại đặt vào những con người còn non nớt. Tôi muốn nói các đại chủng sinh được kính trọng vượt quá giới hạn. Đây là một sơ hở nữa khiến ma quỷ lợi dụng tấn công Giáo hội bằng nhiều đòn trí mạng.
Sự kính trọng này rất có cơ sở và hệ thống.
Trước hết nó được xây dựng trên những câu slogan (1) có tự xa xưa, thử thí dụ một hai câu: “Linh mục là alter Christus”.“Alter Christus” nghĩa là Chúa Kitô khác, tức Chúa Kitô thứ hai; “Linh mục là hiện thân Chúa Kitô” (2) ý nói nhìn thấy linh mục là nhìn thấy Chúa Kitô v.v… Những câu slogan đó cốt đưa linh mục lên đỉnh cao chót vót không còn có thể cao hơn được nữa; gọi linh mục bằng “cha” chưa đủ, phải kính trọng hầu như một cách tuyệt đối. Cơ sở của những câu slogan đó là dụng ý.
Sự kính trọng này được trang bị bằng vũ khí cực “khủng”, đó là “chức thánh” với những lời răn đe “không được động đến người có chức thánh” v.v…Tất cả được xây dựng có bài bản và cơ sở lý luận hoàn hảo, lại nhồi sọ giáo dân liên tục kiểu “cha truyền con nối”. Từ đó, những người được đào tạo để làm linh mục cũng được kính trọng đặc biệt một cách tất nhiên; kính trọng gần như thần thánh hóa người được kính trọng về mọi phương diện. Kính trọng một cách “khơi khơi” không cần suy xét giống như người quê mùa thất học ở Việt Nam dễ dàng gọi một người nào đó bằng “thầy” cách ngon lành chỉ vì lý do nghe ai đó gọi như vậy.
Xin hãy trở lại với các đại chủng sinh xem sự kính trọng bắt đầu được “xây thành đắp lũy” như thế nào.
Trước hết nói về sự kính trọng khởi từ cách xưng hô vô tội vạ.
Khi mới bước vào năm thứ nhất thần học, tôi đã nghe nhiều cách xưng hô lạ lùng giữa các thầy với nhau. Trước tiên tôi nghe mọi người gọi các đại chủng sinh lớp thần học năm thứ tư bằng “các cụ, các cụ sáu, cụ sáu Anh, cụ sáu Thỏa, cụ sáu Hoạch”…(3) mặc dù tuổi đời chỉ hăm sáu, hăm bảy… nếu đã gọi “cụ” hẳn phải xưng bằng “con”. Nội cách xưng hô thôi đã phủ lên họ một hào quang dù họ chẳng khác gì một anh sinh viên ngoài đời, cũng “ăn tục nói phét”, cũng ganh, giận, ghét, thù… với tất cả sự thô lỗ có thể, cũng tranh ăn giành ngủ… thậm chí nhìn theo mút mắt một cô nhà bếp xinh xắn nào đó tình cờ đi qua dưới sân với cặp mắt thèm thuồng đến ngây dại…
Kế tiếp là gọi nhau bằng “thầy” xưng bằng “con” ngay giữa bạn bè cùng lớp và trạc tuổi nhau dù ở ngoài sân banh vừa mới xưng hô với nhau “mày mày”, “tao tao” ỏm tỏi…. Có rất nhiều đại chủng sinh vừa tỏ ra khiêm nhường, vừa tỏ ra kiểu giả bằng cách gọi người bạn cùng lớp bằng “thầy” xưng “con” một cách xảo trá, một trò môi mép giả dị.
Các cha giáo gọi học trò mình bằng “thầy”; trước khi nói gì đó thì mở lời bằng điệp ngữ “kính thưa quý thầy”. Thậm chí vụ này, thầy trưởng nhạc được bầu ra, mỗi lần tập hát cho anh em đều môi mép kịch trường “kính thưa quý thầy… con xin tập bài…”. Ngoài xã hội cứ vậy mà theo, nhất nhất tỏ lộ sự kính trọng. Trong gia đình của một số vùng miền cứ vậy mà bắt chước, các đại chủng sinh còn được chính cha mẹ, anh chị em ruột gọi bằng “thầy” xưng “con” một cách rất nghiêm túc.
Nói về sự kính trọng khởi từ cách ăn mặc và phong cách khác biệt.
Câu nói:“Habitus non facit monachum”(chiếc áo không làm nên thầy tu) không luôn đúng, vì “cậu học sinh” ngày nào vừa mặc chiếc áo dòng đen (soutane) vào bỗng nhiên trở thành người hoàn toàn khác. Tại sao thế? – Thưa tại vì chiếc áo dòng đen do người châu Âu xưa kia thiết kế khéo tạo một phong cách đặc biệt cho người mặc: màu đen mang lại vẻ trang nghiêm siêu thoát, chiều dài chiếc áo tạo dáng bệ vệ, vai ngang và hàng nút đen bóng từ cổ chạy dài xuống đôi giầy đen bóng tạo dáng quý phái của một quý tộc, cổ áo cao hé mở một khoảng cồn trắng tạo vẻ thanh tú. Thiết kế như thế tạo cho đại chủng sinh và linh mục một hình ảnh “đáng kính” qua y phục. Có lần một người bạn cùng lớp bị đàn anh mắng xối xả vì tuổi trẻ ngứa tay ngứa chân, bản năng đã khiến đùa giỡn bằng động tay động chân, để kết thúc, người đàn anh nhắc nhở thêm một câu:
- Phải giữ cái noblesse chứ!
“Noblesse” (nóp-bléts, tiếng Pháp) là tính quý phái. Ý nói phải tỏ ra mình luôn là giới quý tộc, người quý phái…
Nói về sự kính trọng khởi từ cách đối đãi và suy nghĩ.
Các đại chủng sinh được mọi người từ lớn tới nhỏ đối xử rất tử tế, dành cho những biệt đãi.
Mọi người luôn nghĩ các đại chủng sinh là những bậc hơn người, là siêu nhân ở ba phương diện: Kiến thức bao la -cái gì cũng biết-, tư chất thánh thiện đạo đức, ý chí thoát tục, từ bỏ, lánh xa đời phàm. Từ suy nghĩ non nớt ấy đã dẫn đến sự kính trọng rồi dẫn đến cách đối đãi kính nể một phép. Ở nhiều giáo xứ, các đại chủng sinh khi về nghỉ hè, được cha sở xếp cho quỳ riêng một bàn quỳ trên cung thánh trong giờ phụng vụ, tách biệt, cao sa để giáo dân tha hồ ngưỡng vọng; được ngồi “mâm thượng chiếu trên” trong các bữa tiệc và được mọi người gật gù sau mỗi phát ngôn cho dù vẫn còn rất “bừa bộn”.…
Từ sự kính trọng quá mức ấy, các đại chủng sinh luôn tỏ ra kiêu hãnh, xa cách và rất giả hình. Và Giáo hội đã “hở sườn” cho ma quỷ mặc sức chưa tấn công đã chiến thắng dòn dã.
Tôi còn nhớ cha sở Luca từng dạy: Ma quỷ luôn tấn công chúng ta qua 3 mặt. Một là kiêu ngạo, hai là tự lừa dối và ba là tham danh. Đó chính là ba chước mà Họ đã dùng để cám dỗ Chúa trong sa mạc sau 40 ngày chay tịnh. Họ chỉ cần giương bẫy “kính trọng” thôi là người ta sa vào 3 chước đó. Thật vậy giả sử các linh mục có phạm thứ tội gì đi nữa, đều khởi từ 3 mối tội ấy; thậm chí “bảy mối tội đầu” cũng khởi từ 3 cội ấy.
Cha Luca kể một câu chuyện -kèm theo lời căn dặn ấy- giúp tôi nhớ dai.
Cha kể:
Một hôm tôi ngạc nhiên khi thấy ông giáo dân nổi tiếng khó tính, hay lý sự và ngông nghênh nhất họ đạo mời tôi và hai cha phó đến nhà ông ăn giỗ.
Tôi từ chối. Người đàn ông bằng vẻ mặt chân thành thuyết phục:
- Từ bao đời dòng họ con không bao giờ mời những người có chức quyền đạo lẫn đời… đến nhà để tránh tiếng xu nịnh. Đây là lần đầu tiên do kính trọng cha đặc biệt, nên con mời.
….
Đến nhà ông sớm một chút cốt để tiếp xúc thêm với giáo dân, nhưng tôi và hai cha phó hoài công, vì chờ mãi vẫn không thấy có thêm thực khách nào nữa đến dự. Hơi thắc mắc, tôi hỏi:
- Nghĩa là chỉ có ba chúng tôi thôi?
Người đàn ông vừa gật đầu vừa “dạ”, tiếp theo là im bặt không nói gì thêm. Tôi muốn gạn hỏi lý do nhưng thôi, vì nghĩ rằng không có thêm ai nữa biết đâu lại hay, thay vì tìm hiểu chủ nhà qua đám đông thực khách thì tìm hiểu trực tiếp qua chuyện trò.
Khi chiếc đồng hồ cổ trong nhà của ông ta gõ 12 tiếng cùng lúc với chuông nhà thờ ngân vang, người đàn ông mời ba chúng tôi vào gian nhà trong nhập tiệc. Chúng tôi vào bàn ăn trải khăn trắng, trên bàn chỉ đặt có 3 cái chén đá -loại chén bình dân nhất- và 3 đôi đũa tre. Thấy tôi dù có bỡ ngỡ nhưng vẫn thản nhiên tươi tỉnh, hai cha phó cũng cố nén nỗi khó chịu mà giữ ý tứ theo.
Người nhà bưng lên một dĩa cá linh kho (4), một tô cũng cá linh nhưng nấu canh chua.
Biết hai cha phó rất bực mình, tôi làm bộ vui vẻ phá tan bầu khí căng thẳng:
- À!... Một bữa tiệc khác thường! Ngon đây! Thấy cá linh là biết sắp tới mùa nước rồi.
Người đàn ông xá một xá, thưa:
- Kính mời quý cha dùng tiệc!
Sau đó ông đứng khoanh tay ra dáng người hầu bàn. Mặc cho tôi thuyết phục thế nào đi nữa, ông cũng vẫn không chịu ngồi ăn.
Tôi vừa ăn được vài đũa thì hai cha phó cùng đứng lên xin kiếu viện lẽ có việc ở trường trung học. Tôi thừa biết hai cha cảm thấy bị “chơi đau” nhưng vì “vuốt mặt phải nể mũi” nên ra về lịch sự; nếu không có tôi, hai cha phó “mần thịt” người đàn ông lập dị và xấc láo này rồi.
Tôi cố gắng giữ mình cho thật bình tĩnh bằng cách vừa ăn tiếp để tìm hiểu căn nguyên sự việc, vừa xét xem rồi những đòn phép gì sẽ tới. Tôi nói với người đàn ông cốt để thăm dò:
- Ông Tư đừng để bụng! Chỉ tại chúng tôi nghe lầm là “tiệc giỗ”… hóa ra bữa cơm gia đình…
Người đàn ông không có vẻ hề hấn gì, trái lại còn chậm rãi phân bua:
- Thưa cha! Đây là tiệc chứ không phải là bữa cơm gia đình, vì người trong gia đình không ngồi ăn cùng khách mời.
Ông ta nói tiếp theo ngay:
- Ai không biết những gì các cha ăn hằng ngày toàn là “cao lương mỹ vị”. Vậy mời các cha đến cũng để lại cũng ăn “cao lương mỹ vị” liệu như thế có phải là đãi tiệc không?
Tôi rất bất ngờ với lối “lý sự” như thế, nhưng lòng yêu thương giáo dân khiến tôi không bao giờ mất đi sự bình tĩnh. Tôi làm bộ cười sảng khoái:
- Hay à!... Ông Tư nói tiếp đi!
Người đàn ông có vẻ phấn khích, lên giọng nói thêm:
- Vả lại, với những người chuyên nói, chuyên giảng và chuyên sống theo Ê-vang (5) như các cha, hà cớ gì lại không ăn cả… Ê-vang? Và bữa tiệc này chính là bữa tiệc Ê-vang. Hai cha phó…
Người đàn ông nói năng rất gãy gọn bằng một giọng nói đanh thép rõ rạc, xứng tầm một tay lý sự chốn công đường. Biết ông sắp tấn công hai cha phó, tôi cười khì khì chặn lại, lái liền sang hướng khác:
- Thế nào là tiệc Ê-vang? À… tiệc Phúc âm?
Mặc cho tôi cười kiểu gì thì cười, người đàn ông vẫn vẻ mặt trang nghiêm để tôi thấy rằng ông không có ý gì là đùa giỡn, trêu cợt hay “chơi một vố”. Ông đường hoàng xá một cái rồi thưa:
- Kính thưa cha! Có 3 đặc tính để được gọi là tiệc Phúc âm: Một là tiệc không lấy thức ăn làm trọng như Chúa phán: “Người ta sống không nguyên bởi bánh…”(6). Hai là tiệc không ồn ào, vì ồn ào khiến người ta sống trong ảo tưởng, lừa dối và trí trá. Ba là tiệc không đông người vì đông người tất ghế trên ghế dưới, mâm thượng mâm hạ… mọi người sẽ đắm chìm trong danh vọng.
Nghe đến đây tôi không cười được nữa, mà thấy cần phải để tâm học hỏi, học hỏi ở chính giáo dân của mình, một giáo dân mà mọi người có ý hơi dè bỉu mỗi khi nhắc đến. Tôi tiếc cho hai cha phó không bình tĩnh ở lại để học một bài học hiếm.
Kể đến đây cha Luca kết luận:
- Người đàn ông kia muốn cảnh báo giới nhà tu về 3 mưu chước ma quỷ dùng để cám dỗ Chúa. Giáo sĩ tu sĩ hằng ngày rơi vào 3 cạm bẫy của Họ: một là ham ăn ngon và ham tiền; hai là tự lừa dối mình và lừa dối giáo dân, ba là kiêu ngạo và ham danh vọng.
Tiếp theo chuyện trên, cha Luca còn kể tôi nghe tiếp cuộc đối thoại giữa cha và ông Lực Lượng trong một lần Ông ta đến để “xưng tội”.
…
Ông ta bảo:
- Ông nên nhớ, Chúng ta không bao giờ đưa cạm bẫy từ đâu đâu đến để gài bắt con người. Mọi cạm bẫy đều nằm sẵn trong con người.
Tôi gật đầu chân nhận, rồi hỏi:
- “Cạm bẫy nằm sẵn” nào… nguy hiểm nhất?
Ông Lực Lượng trừng mắt:
- Ông hỏi để làm gì? –bỗng Ông ta dịu giọng- Nhưng mà… có nói ra cho con người biết, cũng chẳng ăn nhằm gì! Vì tính chủ quan lại chính là một cạm bẫy khác khiến con người cứ hết mắc bẫy này đến mắc bẫy khác. Cạm bẫy lớn nhất là thích danh vọng.
Xét mình thật nhanh, tôi tự tin phản bác:
- Ông nói sai rồi! Ít ra là với tôi. Vì còn nhiều người không thích danh vọng.
Ông Lực Lượng cười ha hả:
- Chúng ta sai hay ông sai? Chỉ là nhiều hay ít, để lộ hoặc che giấu… con người, chém chết ai cũng thích danh vọng. Ông xét mình kỹ chưa? Chúng ta gặt hái biết bao linh hồn chỉ bằng “cạm bẫy nằm sẵn” này, nhất là những người tu như ông… mệnh danh là tu hành, nhưng chỉ sống có độc thân mà thôi, ngoài ra chẳng có gì khác với giáo dân, với mọi người.
Tôi vặn hỏi:
- Sao lại… như thế…?
Ông Lực Lượng kêu lên:
- Á à! Vậy mới nói!
Nói xong, Ông ta cười khoái chí trước sự ngờ nghệch của tôi, Ông Lực Lượng bồi thêm:
- Này! Thôi thì đã lỡ “ngố” tôi cho ông “ngố” luôn: Kế hoạch của Chúng ta là làm cho linh mục ngày càng che khuất Chúa đi.
Cha Luca nói với tôi:
- Thực ra cha không ngố, nhưng cha ngỡ ngàng quá thể trước sự tiết lộ này. Một phần bởi vì cha thấy quá đúng!
Bài học từ chuyện kể của cha Luca đã cho tôi nhận thấy tôi và các bạn luôn tự làm mồi cho ma quỷ. Thay vì học hỏi và luyện tập để hãm dẹp lòng ham thích danh vọng thì chúng tôi ngày đêm đang tu bổ cho bản năng ấy. Từ đó, khi ra làm linh mục, chúng tôi sẽ lấy bản thân mình che khuất Chúa là Đấng lẽ ra chúng tôi phải trưng bày. Thánh Gioan Tẩy Giả nói: “Người phải lớn lên, tôi phải nhỏ dần đi…” (Ga 3,30) thì chúng tôi làm ngược lại.
Ôi! Giá như ai đi tu cũng biết rằng tu là từ bỏ, trong đó có từ bỏ lòng thèm khát sự kính trọng.
(1) Slogan là khẩu hiệu thương mại, nguyên nghĩa cổ là tiếng hô trước khi xung trận của những chiến binh Scotland. Ngày nay trong thương mại, slogan được hiểu như là khẩu hiệu thương mại của một công ty. Slogan thường được coi là một phần tài sản vô hình của công ty dù rằng nó chỉ là một câu nói.
(2) Hiện thân: danh từ Phật giáo chỉ Phật hiện làm thân một con người.
(3) Ngày xưa để lên đến chức linh mục, có 4 nấc tức 4 năm: Học hết năm thần học thứ I được lãnh chức cắt tóc, chức 1 & 2; học hết năm thần học thứ II được lãnh chức 3 & 4; học hết năm thần học thứ III được lãnh chức 5 & 6 (chức 5 còn gọi là chức phụ phó tế và chức 6 còn gọi là chức phó tế); học hết năm thần học thứ IV được lãnh chức linh mục..
(4) Cá linh; loại cá rẻ tiền của người nghèo ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
(5) Ê-vang: Evanggelium= Phúc âm. Các cố Tây phiên âm cho giáo dân dễ đọc.
(6) Mt 4,1-11