TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO- QUỶ XƯNG TỘI Kỳ 31 20-05-2017 18:30:34 GMT +7
·TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO
QUỶ XƯNG TỘI
MA VĂN LIÊU
Kỳ 31
Khoảng ba giờ trưa, đang đi thăm nhà một số giáo dân vừa bị trúng đạn pháo kích sáng nay, một số em Thiếu nhi Thánh thể ngành Thiếu chạy hộc tốc đến gặp tôi. Vừa thở hổn hển các em ấy vừa báo tin:
- Thưa thầy, có cha đến!
Tôi ngạc nhiên.
Nhưng gạn hỏi mãi các em cũng chẳng cho biết thêm được điều gì khác ngoại trừ “ông cha đó già như cha sở Chân Phúc”.
Tôi vội thu xếp mọi việc và trở về nhà xứ; vừa đi bộ, vừa thầm đoán xem ai mà lại là linh mục, đã vậy còn lớn tuổi… linh mục lớn tuổi nào mà dám đến đây, trừ duy nhất cha sở Chân Phúc. Nhớ lại một lần vào lễ Giáng sinh, cha sở Chân Phúc cử cha phó trẻ, tức linh mục hiệu trưởng trung học, đến đây để dâng thánh lễ. Cứ xem cái dáng vẻ cập rập, bồn chồn, âu lo… cứ để ý thấy ngài chỉ giảng vài ba câu qua quýt, dâng thánh lễ vội vàng, lễ xong chỉ uống một vài ngụm nước chứ không kịp ăn uống chút gì, lật đật ra xe bao (xe thuê trọn gói) trở về thị xã Chân Phúc ngay lập tức sau đó… thì ai cũng dư biết ngài sợ cái giáo họ bất hạnh này, nơi luôn phải hứng chịu pháo kích liên lỉ, đến mức nào! Bởi vậy từ khi tôi đến đây, không hề có ai viếng thăm tôi mà chi. Nay bỗng nhiên có một người lớn tuổi không ngại đường xa khó đi, người đó lại là một linh mục không ngại mất giờ mất việc, thậm chí không sợ cả hiểm nguy rình rập từng giờ từng phút… đến với chúng tôi.
Vừa đi vừa suy nghĩ miên man, tôi đã về đến nơi lúc nào không biết.
Vừa vào sân nhà thờ, tôi “hết hồn” khi thấy cha sở Luca, dáng vẫn cao gầy, đang được một số giáo dân của tôi vây quanh. Chắc những người giáo dân nghèo khó và chất phác ấy còn mừng hơn cả tôi nữa vì bỗng chốc có được một vị khách quý chiếu cố đến thăm họ giữa một hoàn cảnh bi đát như thế này.
Tôi bắt tay cha mà nước mắt cứ trào ra không sao kiềm giữ lại được. Tôi vô cùng xúc động bởi nhiều lý do, không thể diễn tả hết nhiều lý do ấy được trong một lúc.
Tôi và số giáo dân hiện diện, vì mừng rỡ tột bậc, cố tìm ra mọi cách tốt nhất để đón tiếp cha sở Luca; nhưng càng cố gắng, càng luýnh quýnh đến tức cười. Thật thế, ước chừng cha sở đặt chân đến đây có cả gần một tiếng đồng hồ qua, vậy mà bây giờ mấy ông biện mới đánh trống ầm vang và liên hồi để chào đón cha, hoặc có ý báo tin cho toàn họ đạo kẻ xa người gần để cùng nhau mừng vui và hãnh diện cũng nên. Chẳng bao lâu sau, giáo dân kéo đến đông nghịt đầy nhà đầy sân, các ông các cậu thì đứng ngồi vây chung quanh cha, các bà các cô thì lăng xăng người đi chợ, kẻ về nhà bắt gà làm thịt, người khác lo chuẩn bị bếp núc để làm tiệc, người thì quét dọn nhà cửa, có người còn chu đáo lo đi gánh nước từ con sông biên giới gần đó về đổ cho đầy hết các lu hũ trong nhà dưới, trẻ em dự phần bằng cách quấn quýt, chạy nhảy, cười đùa nô nức khắp nơi.
Ngay chiều hôm đó chúng tôi được cha Luca giải tội, dâng thánh lễ, đặc biệt hơn, còn cử hành bí tích xức dầu cho những người xấu xố đang hấp hối vì trúng đạn pháo kích mới sáng nay.
Khuya rồi mà giáo dân vẫn còn nấn ná ở khu nhà thờ, không ai muốn về.
…
Những ngày cha Luca lưu lại ở đây coi như là những ngày hội của cả giáo họ, tôi cảm thấy vui và ấm cúng biết bao! Cha và tôi, cả hai không thể chuyện vãn vào lúc đêm về như những khi ở giáo xứ An Biên, vì chiều tối nào, giáo dân cũng tập họp chung quanh rồi ở lại mãi bên cha cho đến tận khuya, vì cha luôn vui vẻ hiền lành chứ không nghiêm nghị như các linh mục thời bấy giờ, vì cha cởi mở chứ không thận trọng giữ ý như các giáo sĩ tu sĩ thường thấy.
Tôi kể cha nghe đủ mọi chuyện, đưa cha đi xem từng ngõ ngách của giáo họ Thạnh Lộc. Tôi nghĩ, riêng đối với cha Luca, chỉ cần một lần đến đây thôi, cha sẽ biết tất cả những gì tôi trải qua; quả thật, cha tỏ ra rất thông cảm cho hoàn cảnh của tôi ở đây; cha nói rằng dù tôi mới chỉ đi giúp xứ, tức đi thử (*) thôi mà đã gặp gấp nhiều lần gian khổ hơn một số đông linh mục.
Thảm hại làm sao! Cha vừa mới nêu nhận xét vào ngày hôm trước, thì ngay ngày hôm sau đã xảy ra chuyện.
Đó là chuyện một em huynh trưởng trong xứ đoàn Thiếu nhi Thánh thể Thạnh Lộc tên Mai Lan, tuổi 16. Cha Mai Lan mất sớm, em hiện ở với mẹ là người có đạo và với một ông dượng ghẻ người ngoại đạo; ông dượng ghẻ này lại đang là phó xã trưởng xã Thạnh Lộc. Dượng ghẻ có tà tâm nên luôn tìm mọi cách để chiếm đoạt em cho bằng được. Vì kháng cự kịch liệt mà em luôn bị dượng ghẻ trút giận bằng mọi cách hiểm độc và phi lý có thể.
Chuyện không dừng ở đó. Mai Lan rất nhiệt tình trong sinh hoạt Thiếu nhi Thánh Thể, nên ông dượng ghẻ đâm ra thù ghét nhà thờ, thù ghét Thiếu nhi Thánh thể, nhưng người mà ông thù ghét nhất là tôi - Mai Lan nhiều lần tỏ cho tôi biết như thế - Rất nhiều lần mượn rượu, ông dượng ghẻ của Mai Lan đã đến đứng trước nhà thờ và chửi tôi bằng những lời lẽ rất tục tĩu, chứa biết bao là sự vu khống nhơ bẩn. Do ông ta đang giữ chức vụ phó xã trưởng, nên chẳng ai trong họ đạo – toàn là dân hồi hương từ Campuchia - dám lên tiếng phản đối hay khuyên can; thấy vậy tôi cũng cứ một mực nhịn thua không dám tỏ thái độ gì.
Hôm đó là ngày thứ ba kể từ khi cha sở Luca đến thăm, đang giờ nghỉ trưa, bỗng ông Đức, dượng ghẻ của Mai Lan xuất hiện. Ông đến trước nhà thờ lớn tiếng chủi tôi như những lần trước; tuy nhiên, lần này, có lẽ ông ta uống nhiều rượu hơn lại còn mang theo một khẩu súng ngắn, cho nên sau một hồi chửi bới không thấy đã tức, ông ta rút súng xông vào nhà xứ tìm tôi.
Thời buổi loạn lạc này mạng sống của người dân ở vùng biên giới rất bị coi rẻ; kẻ có súng là kẻ có quyền trên tất cả; vả lại giáo dân là những người dân địa phương mà còn sợ hãi huống chi tôi là kẻ từ xa đến tạm ngụ trong mảnh đất quá dữ dằn này; đồng thời ở vùng biên giới giặc giã, cướp bóc và hỗn loạn như thế này những người có quyền, nhiều khi chỉ vì một cơn nóng giận, có thể dễ dàng bắn chết một người dân, xong đâu đó chỉ cần chụp lên nạn nhân một cái mũ gì đó là êm chuyện… Có lẽ biết hết những điều đó nên cha Luca bảo tôi:
- Thầy lánh mặt mau lên!
Tôi nhanh chân chạy vào nấp dưới chân cây thánh giá to cạnh bàn thờ, tai vẫn tiếp tục lắng nghe, trí vẫn lượng định trù tính xem sẽ phải chạy đi đâu tiếp theo nếu ông ta xông vào tận nơi đây. Đã vậy tôi lại còn hơi lo lắng cho cha Luca. Nhưng rồi chợt nghĩ, hình như cha không tỏ vẻ gì là lo sợ. Và thế là tôi tạm yên tâm.
Thông thường giọng nói ông dượng ghẻ của Mai Lan đã rất to và ồm oàm xứng với tướng mạo cao to vạm vỡ như đức hộ pháp của ông, giờ đây giọng nói khiếp khủng ấy lại đang luôn la hét thô tục, tru tréo ghê rợn và kèm theo cả nghiến răng, kêu tên tôi để rủa xả:
- Đ.m. thằng thầy đâu rồi? Đ.m. mày trốn hả! Đ.m. hôm nay mày tận số rồi! Tao bắn nát đầu mày cho coi!...
Miệng thì la hét vang dậy cả một vùng, tay thì lên đạn khẩu súng ngắn rôm rốp nghe phát rợn người. Chưa hết, ông ta lại còn bắn hai ba phát súng chỉ thiên cho tôi thêm hoảng sợ. Tôi biết lúc này giáo dân của tôi chỉ có nước trà trộn vào đám động tụ tập trước cửa nhà thờ, hồi hộp đứng nhìn thôi, chứ chẳng có ai dám đứng ra lên tiếng bênh vực tôi đâu.
Nhưng không gian bỗng im bặt.
…
Khoảng năm ba phút sau tôi nghe tiếng cha sở Luca gọi:
- Thầy ơi!... Thầy ơi!... Ra phòng khách uống nước!
Nghe cha sở Luca gọi, tôi mừng rỡ, cảm thấy vững tâm nên liền rời cung thánh và ra ngoài phòng khách với cha. Cha Luca nói với tôi:
- Ông ta về nãy giờ rồi!
Thở ra một hơi dài tỏ vẻ thật buồn, cha Luca hỏi:
- Chuyện này xảy ra nhiều lần rồi! Có phải vậy không con?
Tôi vẫn còn run, thưa:
- Dạ phải! Nhưng mấy lần trước ông ta chỉ đứng ngoài nhà thờ chửi con đã rồi ra về. Lần này không ngờ lại dữ dằn đến như thế!
Đám đông tan dần. Giáo dân lục tục kéo đến xì xào ngoài sân. Các bà các cô đứng tụm vào nhau khóc vì chua xót cho tôi. Các ông biện chưa hết sợ hãi, nhờ lẩn trong đám đông người ngoại đạo hiếu kỳ ngoài hàng rào dâm bụt của nhà thờ mà chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc, bây giờ thì thào kể tôi nghe:
- Lạ lắm thầy ơi! Khi thằng cha Đức xông vô nhà thờ, gặp ngay cha Luca. Lạ lùng làm sao! Cha Luca chỉ đứng im nhìn thẳng vào chả, tự nhiên chả đứng sựng lại, câm họng rồi từ từ rút êm.
Giáo dân lẫn tôi, không ai hiểu nổi tại sao cha sở Luca chỉ nhìn thôi mà có thể khống chế ông Đức đang hung hăng như một con thú điên. Thử nghĩ, ông ta là phó xã trưởng lâu năm, rất có thế lực và luôn “coi trời bằng vung” ở vùng đất “chợ Đầu Hổ” lừng danh này, ông ta có bao giờ biết sợ ai. Người thì đoán thế này, kẻ thì suy thế khác. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng cha Luca, một con người dám đối thoại trực tiếp với ma, tranh cãi thẳng thắn với quỷ, hẳn đức độ và tâm khí của cha, khi cần, có thể làm cho người khác nao núng.
Việc tiếp theo là làm cách gì đó để đừng xảy ra sự việc tương tự. Mọi người bàn tán rất hăng, giải pháp được nhiều người nói tới là khuyên Mai Lan nên ra khỏi Thiếu nhi Thánh thể, không được sinh hoạt trong đoàn thể này nữa.
Vừa nghe kể giải pháp này, cha sở Luca nghiêm sắc mặt bác bỏ ngay lập tức. Cha cho rằng giải quyết như vậy là bất nhân, là loại trừ nhau, là thiếu bác ái một cách sơ đẳng.
…
Lúc còn riêng mình cha với tôi, tôi hỏi cha:
- Thưa cha, cha đã làm gì khiến ông Đức dừng lại?
Cha sở Luca trả lời:
- Cha không làm gì. Lúc đó cha suy nghĩ, nếu gặp một con trâu điên, cha cũng sẽ bỏ chạy như mọi người, nhưng với một con người thì khác. Ta có thể thuyết phục bằng cách nào đó.
Tôi tò mò:
- Xin cha dạy con đi! Cha đã dùng cách nào để thuyết phục ông ta?
Cha sở Luca đáp:
- Bằng cả tấm lòng hiền lành, cha nhìn ông ta.
Nghe cha sở Luca nói, tôi cảm thấy thất vọng, vì tôi không tin lắm vào điều đó.
Như đọc được từ ánh mắt tôi sự nghi nan, cha Luca nói thêm:
- Khi làm điều sai, dù thế nào thì tận đáy lòng người ta vẫn còn đó nỗi rụt rè nhát sợ. Sự hiền dịu của ta lúc ấy điểm vào trúng phần nhân tính còn sót lại ấy.
Cha Luca im lặng chốc lát rồi giải thích:
- Cha đã học được cách này ở Chúa Giêsu khi Người hiền lành nhìn môn đồ Phêrô sau khi ông này chối Chúa lần thứ ba (*). - Ngập ngừng giây lát cha lại nói tiếp - Cũng chẳng phải cha tự mình có thể rút ra bài học ấy, nhưng Ông Lực Lượng đã vô tình hé mở cho cha trong một lần nói chuyện. Ông ta nói: “… chính cái nhìn hiền lành của ông Chúa mà Chúng ta không giữ được cái tay Phêrô về phía Chúng ta…"
Đến đây thì tôi bị thuyết phục hoàn toàn, tôi sửng sốt vì cái bí quyết giản đơn mà linh nghiệm ấy.
…
Tôi suy nghĩ về điều đó nhiều đến nỗi cứ chập chờn suốt đêm.
Sáng ra, khi các ông biện và một số giáo dân nhiệt thành tụ họp trước cửa nhà thờ sau thánh lễ để tiêp tục bàn bạc giải pháp sao cho ông phó xã trưởng không còn đến nhà thờ bức bách tôi nữa. Tôi khuyên họ:
- Xin quý ông bà yên tâm! Cha sở Luca đã truyền cho tôi cách để giữ mình. Tôi sẽ làm theo cách đó.
Họ xin tôi nói cho họ nghe. Tôi kể hết tất cả.
Mọi người, giống như tôi lúc đầu, không tiếp thu nổi bài học, nhưng vì thấy tôi vui vẻ và tin tưởng, nên họ đành xuôi theo cho tôi vui lòng.
Tuy nhiên, tôi không phải dùng đến bí quyết quý giá và linh diệu ấy dù chỉ một lần, vì ông Đức, phó xã trưởng, tức dượng ghẻ của Mai Lan, đã không bao giờ đến nhà thờ uy hiếp tôi nữa cho đến ngày tôi rời khỏi giáo họ Thạnh Lộc.
Trên đường đời về sau này, những khi tôi bị oan khuất, bị hiếp đáp, bị trù dập, bị đối xử tàn độc bất công… tôi đều đối phó bằng sự hiền lành - dĩ nhiên tôi không đủ lực để dùng cái nhìn hiền lành mà tức thời thu phục nhân tâm được giống như cha Luca, mà chỉ nín nhịn trong âm thầm - nhưng mỗi lần hiền lành nhịn nhục là một lần tôi vừa gặt hái thành công mỹ mãn, vừa thấy mình lớn thêm lên, còn những người hãm hại bức bách tôi đều trở nên không còn có thể làm gì được nữa, chỉ còn biết trở nên tốt hơn mà thôi.
…
Cha sở Luca ra về. Ngài đã để lại cho tôi một bài học vô giá.