Cơm tối xong tôi vào phòng cha. Như thường lệ, cha con bắc ghế ngồi bên nhau hàn huyên như một người cha và một người con chia nhau tâm sự.
Tôi kể cha nghe một câu chuyện mà tôi cho là khó hiểu để xin cha giải thích hoặc cho vài ý kiến để đối phó. Tôi kể:
- Ở Long Thạnh có một giáo phái rất lạ. Cái lạ trước nhất là mỗi tháng tín đồ tụ họp nhau lại vào đêm trăng rằm ở một đền thờ là ngôi nhà bát giác, che chắn bít bùng kín mít như một kho lương thực. Cái lạ tiếp theo là tại đó họ quây quần xung quanh một bàn thờ tròn lớn bằng xi-măng ở giữa phủ nhung đỏ, trên bàn thờ đặt một tô sành rất lớn chứa đầy máu tươi của khi thì bò, khi thì trâu, dê hay heo hoặc gà, vịt. Điều lạ nữa là họ thờ một vị thần tướng mạo mặt mũi trông rất dữ tợn và hung ác, ăn mặc như các mãnh tướng trong các tuồng cổ, một tay cầm kích, một tay cầm hình nhân một con người đang oằn oại đau đớn. Vị mãnh tướng đứng nghênh ngang trông rất uy dũng tên là Đức Thượng Thiên Hoằng Vĩ, họ cho là còn cao hơn Đức Chúa Giêsu của ta. Một điểm lạ khác, theo con dò hỏi, giáo lý của họ là diệt kẻ ác và điều ác bằng sự thịnh nộ, độc dữ và quyết liệt nhất; tín đồ nào diệt được nhiều người ác và nhiều sự ác sẽ được thăng thiên sau khi chết.
Cha sở Luca hỏi:
- Giáo phái này tên gì và có đông tín đồ không?
- Thưa cha, giáo phái đó tên là Tam Không, chủ trương “không người ác, không điều ác và không ý nghĩ ác”. Giáo phái có khoảng vài ngàn tín đồ chỉ tính riêng tại Long Thạnh, ở nơi khác có không và có bao nhiêu tín đồ thì con không được biết, nhưng hầu hết tín đồ người nào cũng có vẻ gì đó đằng đằng xác tín, khích khí sùng đạo… cứ xem họ uống máu sống một cách tự nhiên, ngon lành, không biết sợ… thì hiểu ngay họ không đùa khi theo đạo.
Tôi xin phép kể thêm về một số điểm đặc biệt của giáo phái này cho cha Luca rõ trước khi đi hỏi ý kiến của cha:
- Về mặt tổ chức, họ có nhiều điểm giống Công giáo, ví dụ thứ nhất họ có một vị Cao Pháp sư đứng đầu gọi là Pháp chủ Tối cao với quyền bính tuyệt đối như đức giáo hoàng bên ta. Ví dụ thứ hai là bên dưới vị Cao Pháp sư là cả một hệ thống gồm cấp đạo sư, cấp đạo sĩ và cấp học sĩ so như giáo sĩ và tu sĩ của ta, giới này không khác gì giới quý tộc, hưởng rất nhiều quyền lợi, ngày này qua ngày khác cứ ở không chẳng hề lao động, sản xuất… mà vẫn cứ được hưởng thụ đầy tràn, đã vậy lại còn được “ăn trên ngồi trốc”, được các tín đồ cung phụng hết chỗ nói, “phán” ra điều gì mọi tín đồ đều phải răm rắp vâng nghe… chính bởi vì thế mà giới quý tộc này -để bảo vệ quyền lợi quá to lớn của mình- đâm ra bảo vệ đạo giáo một cách điên cuồng đến không ngại đổ máu. Bên dưới giới này là tín đồ. Ví dụ thứ ba là ngoài những Đại lễ Trăng Rằm mỗi tháng một lần, họ còn tụ họp riêng từng nhóm gọi là Hộ lề mỗi tuần một lần, Khẩu lề mỗi ngày một lần, để trông nom, củng cố và giám sát tín đồ thật chặt chẽ. Ví dụ thứ tư là việc dâng cúng tuy không bị luật lệ bắt buộc, nhưng phương pháp khuyến khích, hô hào, cổ võ, tuyên truyền, xách động, khuyên nhủ… rất khôn ngoan khéo léo đã khiến tín đồ ồ ạt dâng cúng hàng bao nhiêu đất ruộng, đất vườn, nhà cửa, tài sản, tiền bạc… không chút tiếc xót. Ví dụ thứ năm là họ truyền đạo bằng phương thức rất thông minh, tức chung nhất và có hệ thống, họ dùng sự kín ẩn để gợi tính tò mò. Nói chung, giáo phái này tổ chức rất chặt chẽ, khôn ngoan và quy củ, chứng tỏ người sáng lập hẳn phải là người từ ở trong đạo Công giáo bước ra.
Tôi bước vào chuyện chính, tức xin lời dạy của cha Luca:
- Lần họp mặt tất cả các tôn giáo vùng Long Thạnh tại một ngôi chùa lớn, trong giờ họp và ăn trưa, con được ngồi cạnh một vị đạo sư trẻ của Tam Không giáo, diện mạo nghiêm trang và quyết đoán. Ông ta kết bạn và sau đó lui tới thăm con nhiều lần. Ông ta thay mặt các đạo sư cao cấp mời con đến thăm viếng và tham dự các nghi lễ của Tam Không giáo. Con có đến dự đôi ba lần, con quan sát, tìm hiểu và đã vừa trình bày cha rõ như trên. Họ rất quý con, tuy vậy cho đến nay con vẫn chưa được diện kiến vị Pháp chủ Tối cao của Tam Không giáo, và hình như họ đang cố gắng chiêu mộ con vào đạo của họ. Con xin cha cho con lời khuyên nên tiếp tục mối bang giao với họ hay nên cắt đứt.
Cha Luca từ đầu đã rất chăm chú lắng nghe mọi điều tôi nói. Ngài hỏi:
- Con có cảm giác thế nào mỗi khi đến tham dự nghi lễ của họ?
Tôi suy nghĩ một lúc rồi thưa:
- Thưa cha, con cảm thấy rờn rợn và có điều gì làm con hơi sợ hãi.
Cha Luca nói:
- Nghi lễ thờ phượng và tế tự là nơi phản chiếu tình trạng đức tin, tinh thần, giáo lý, lẫn văn hóa của một tôn giáo. Nếu nghi lễ của họ gây cho con một cảm giác như vậy, thì việc đầu tiên con không nên tham dự các nghi lễ của họ nữa, dù chỉ dự khán bàng quan.
Không đợi tôi hỏi, ngài nói tiếp:
- Còn mối bang giao, nếu thấy không cần thiết, con nên nhạt dần rồi cắt đứt. Nhất thiết đừng cho họ nuôi hy vọng sẽ thuyết phục con theo đạo.
Tôi hứa sẽ vâng theo lời khuyên của cha. Cha Luca kể chuyện.
…
Lần kia Ông Lực Lượng vào xưng tội, Ông nói:
- Chúng ta có thể tự biến mình thành những thiên thần chói lọi ánh sáng để lừa dối nhân loại huống hồ gì thành lập một vài tôn giáo, núp trong giáo sĩ, nhà tu đức, chuyên gia thần học, hoặc đưa ra những giáo thuyết xuất chúng, vẽ ra những lý tưởng mới lạ và hấp dẫn.
Vừa nghe xong tôi bắt giật mình ngạc nhiên, vì trí tôi lâu nay vẫn đơn sơ nghĩ rằng ma quỷ chỉ làm những chuyện xấu xa, đưa ra những cám dỗ nhãn tiền, nấp trong những kẻ thủ ác và độc hiểm… chớ đâu ngờ rằng ma quỷ có thể hóa trang thành những thiên thần sáng chói. Nếu đã cải trang thành những thiên thần sáng chói còn được, thì thử hỏi ma quỷ làm gì không dám ở trong giám mục, linh mục, tu sĩ, người thánh thiện đạo đức, kẻ danh giá đạo mạo… nào đó! Tôi kêu lên:
- Chết cha! Như vậy Các Ông đã gây hỗn loạn trên trái đất này hết rồi! Còn có gì đáng tin nữa hay nói đúng ra phải tỉnh táo sao đây để dò cho ra những gì của Các Ông và những gì không do Các Ông!
Ông Lực Lượng vừa xoa xoa cằm khoái chí vừa cười cười một cách nham hiểm:
- Chớ ông muốn Chúng ta phải như thế nào? Khờ khạo như loài người các ông ư? Không! Gây hỗn loạn, tạo “giả lộng thành chân”, gây hoang mang, ảo tưởng, nghi ngờ… là việc của Chúng ta. Loài người các ông sẽ ngày càng cực kỳ hoang mang, ngờ vực, lẫn lộn và nhầm lẫn. Sao Chúng ta có thể ngồi yên để cho loài người các ông thế chỗ của Chúng ta ở trên thiên đàng chứ? Chúng ta cố hết sức để một ngày nào đó nhân loại các người sẽ không còn đức tin nữa, Hãy nhớ lại Ông Chúa Giêsu đã nói: “Khi Con Người đến, liệu có tìm được đức tin trênmặt đất này hay không?”(*)
Tôi nhớ trong Phúc âm có câu đó, cho nên tôi chỉ biết thở dài, không còn biết nói thêm gì nữa.
Ông Lực Lượng thấy tôi sợ hãi nên nói thêm:
- Chúng ta long trọng báo trước cho các người…
Nói tới đây Ông ta thở dài và lắc đầu làm ra vẻ chán nản vì thương xót dòng giống loài người:
- … Và cho dù có báo trước thế nào đi nữa, nhưng vì loài người các ông là thứ động vật đần độn mà lại hay tự phụ, nên lời cảnh báo có nghiêm trọng mấy cũng sẽ chẳng ăn thua gì đâu!... Chúng ta báo trước rằng Chúng ta sẽ còn làm nhiều điều gây hỗn loạn, gây hoang mang, gây vọng tưởng, gây ngờ vực và gây lầm lẫn… đến nỗi trí óc non nớt của các người không thể tưởng tượng ra nổi. Chúng ta đùa giỡn các người như ông chủ đùa giỡn với chó con khờ dại.
Từ ngày nói chuyện với Ông Lực Lượng, dù vẫn xác tín loài người là loài duy nhất được Chúa yêu thương tạo dựng giống hình ảnh Chúa và được Chúa đích thân xuống thế cứu chuộc v.v… nhưng tôi không còn cái tính tự phụ rằng loài người thông minh, khôn ngoan, thông suốt nữa. Cho nên khi Ông Lực Lượng tỏ vẻ miệt thị loài người, tôi cũng không thấy nổi giận trong lòng như lúc đầu mới trò chuyện với Ông ta… Tuy nhiên tôi cũng trả đũa lại Ông ta:
- Triết gia Seneca nói: “Errare humanum est; perseverare diabolicum”: Loài người hay sai lầm, quỷ dữ hay cố chấp”. Chúng tôi ngu xuẩn thì đã nói, nhưng chúng tôi là loài hiền lành, khiêm tốn. Vì sao? Vì chúng tôi biết sửa sai sau đó, nghĩa là nếu phát hiện mình đi sai đường, chúng tôi biết quay đầu lại, đó là điều khiến Chúa thương chúng tôi. Còn Các Ông, đã sai thì sai luôn, đã đi lầm đường thì cứ lầm cho đến lúc phải diệt vong. Thưa Ông! Đằng nào tốt?
Tôi trưng ngạn ngữ Latin, Lạy Chúa! Ông Lực Lượng cũng không chịu thua, xổ liền một tràng:
- Kịch tác gia Titus MacciusPlautus cũng nói: “Homo homini lupus est”, con người là chó sói của con người. Hai con chó đang quấn quít với nhau vui vẻ, thử ai ném xuống một cục xương, lập tức chúng sẽ quay ra hung hãn đối đầu, cắn xé nhau không thương xót để giành giật cục xương. Con người các ông không hề khác chút xíu nào! Quyền lợi, danh vọng, địa vị, lợi lộc, tiền bạc thậm chí cả phụ nữ… như những cục xương, có thể khiến các người nổ ra chiến tranh, chém giết hàng loạt, trừ khử và tru diệt lẫn nhau tàn nhẫn đến không còn chút tình người bằng mọi cách. Các ông có hơn gì những con chó!
Tôi bắt đầu bí. Ông ta không để tôi thua trong bình an:
- “Homines quod volunt credunt”. Julius Caesar, lãnh tụ quân sự và chính trị của người Rôma còn bảo như thế, nghĩa là con người tin điều gì họ muốn. Để phá cho hư nát cả nhân loại, Chúng ta tận dụng khai thác hai điểm này, ông nghe cho rõ! Một là Đạo Công giáo do Ông Chúa Giêsu đem xuống, là đạo đúng, đạo thật. Nhưng được bao nhiêu người nhận biết và đi theo? Đó! Nhân loại các người còn lập ra hàng trăm thứ đạo khác cho lẫn lộn thật giả. Sự ngu muội đó đã đánh đồng đạo Chúa với các thứ đạo lôm côm khác, khiến nhân loại lùng nhùng biết đâu mà phân tỏ. Hai là ngay giữa lòng Công giáo, chính người của các ông còn dựng lên hàng trăm điều buộc giáo dân phải tin, phải giữ, trong khi Ông Chúa Giêsu bảo: “Ách của Ta êm ái, gánh của Ta nhẹ nhàng”(**). Chế ra đủ thứ lỉnh kỉnh phụ thuộc như thế vừa là vô tình chống lại Ông Chúa, vừa làm cho đạo thật vốn rất giản đơn nhẹ nhàng ngày càng trở nên tù mù, rối rắm như tà đạo khiến nhiều kẻ cho rằnng đạo chỉ là một mớ mê tín dị đoan, là á phiện ru ngủ nhân tâm.
Tôi hỏi như tuyệt vọng:
- Chúa ơi! Các Ông đang dùng chính những người trong đạo để phá đạo, phải vậy không?
Ông Lực Lượng phá lên cười:
- Phải! Cứ đi nói cho giám mục của ông nghe, xem ông ấy có làm được gì không.
Không còn biết nói gì nữa, tôi âm ư trong miệng bài hát: “Này con là Đá, trên viên đá này Cha xây Giáo Hội muôn đời kiên trung. Này con là Đá: Sa-tan sức hùng, mưu ma vẫy vùng không hề chuyển rung”.
Ông Lực Lượng nhìn tôi với vẻ tức giận một lát rồi bỏ đi.
…
Bước ra khỏi câu chuyện, cha sở kết luận:
- Ngày xưa người ta thường nói: “Đạo nào cũng tốt, vì đạo nào cũng dạy con người làm lành, lánh dữ”. Ngày nay không thể nói như thế được! Lý do ngày càng có nhiều thứ đạo kỳ quái với giáo thuyết kinh dị như đạo Klu Klux Klan ở Mỹ chuyên đóng đinh người da đen trên thập giá; giáo phái Đa Thê ở Texas Mỹ, giáo phái Aum ở Nhật, giáopháiScientology, giáopháiSatan ở Ý gồm các hệ phái “Kẻ dữ của quỷ Satan”, “Các trẻ em của Satan”, “Giáo Hội của Satan Torino”, “Huynh đoàn Lucifer”, “Hội Satan”, “Các con cái của Satan”, “Ierudole của thần Ishtar”, đạo thờ Thần Chết, Tam Ðiểm, Mormon… và còn nhiều nữa không thể kể hết.
Tôi lắng nghe không bỏ sót chi tiết nào, lòng thầm khâm phục cha sở. Cha không cho tôi suy nghĩ thêm, cảnh báo ngay rằng:
- Nhưng vậy đã nói! Ngay trong những tôn giáo lớn thuộc loại vạn niên đại thụ như Công giáo, Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo… vẫn chứa chấp tà giáo bên trong. Đó là những lý thuyết sai lạc được phủ lên bằng những từ ngữ rất kêu, những lối sống hưởng thụ, ích kỷ được khoác lên bằng những chiêu bài rất bóng bẩy, hãm hại nhau bằng vỏ bọc bác ái v.v… Đó chính là những tà đạo nằm trong chính đạo.
Ngài vỗ nhẹ vào vai tôi bảo:
- Ma quỷ thì luôn rình rập chực chờ, còn chúng ta thì vô tư sơ hở. Cái gì cảm thấy không có lợi con cứ tránh đi để khỏi mất giờ, tốn công, đã vậy còn hàm ẩn nhiều nguy cơ nữa.
Tôi về Long Thạnh, cắt đứt dần mối quan hệ với Tam Không giáo.