TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO- QUỶ XƯNG TỘI Kỳ 28 06-03-2017 07:21:28 GMT +7
· TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO.
QUỶ XƯNG TỘI
MA VĂN LIÊU
Kỳ 28
Về đến giáo xứ An Biên, bước vào nhà xứ mới hay cha sở Luca đang bệnh nặng, tuy nhiên đã qua cơn nguy kịch, tôi vào thăm thấy ngài cũng đã tỉnh táo hơn lời người ta thuật lại.
Thấy tôi về thăm, cha mừng rỡ ra mặt như được gặp lại người thân trong gia đình. Tôi bắt ghế ngồi ngay cạnh giường cha và lặng im không dám hỏi han gì sợ làm cha mệt.
Sau bữa ăn trưa, tôi quyết định ở lại với cha một đêm túc trực bên cạnh cha với những người giáo dân tốt bụng trong họ đạo, để xem có thể an ủi hay giúp cha được gì.
Buổi chiều cha có thể ngồi dậy được và giọng nói bắt đầu khá liên tục do sức khỏe dần hồi phục ngày một tốt hơn. Cha bảo sẽ kể tiếp cho tôi nghe một câu chuyện.
Và đúng như thế, sau bữa ăn tối, cha bắt đầu kể.
Trong thời gian Ông Lực Lượng còn đang xưng tội, bẵng đi một thời gian có đến gần ba tháng không thấy Ông ấy tới lui, tôi nghĩ sẽ không gặp Ông ấy nữa thì xảy ra một câu chuyện. Câu chuyện tôi sắp kể gần như là một trang tâm sự giữa hai người cùng đi tu, một người đi trước nói với một người đi sau.
Lúc đó có một phụ nữ ở Sài gòn về đây nói để lập nghiệp và sinh sống. Đó là một người đàn bà tuổi chừng trên dưới bốn mươi trông duyên dáng, thông minh và sắc sảo. Bà ta đến trình diện với tôi và nói ý định của mình vì chồng bà đi lính chẳng may tử trận đã vài năm qua, vì không con cái nên thấy không tiện ở lại nhà chồng, do đó muốn về giáo xứ này để nương náu cho cuộc đời còn lại.
Sau lần trình diện ấy, bà ta cứ đến thăm tôi ngày càng nhiều, mỗi lần đều đi với quà cáp, nếu không quà cáp thì săn sóc cho tôi từng ly từng tý, càng ngày càng chăm sóc cho tôi cả những chuyện vặt vãnh.
Vì thông minh, nên bà ta biết cách khen tôi đủ điều, đúng cách và đánh trúng tâm lý của tôi dù tôi rất cảnh giác trước những lời khen. Vì sắc sảo nên bà ta biết cách đọc được những ước muốn, những niềm vui, nỗi buồn, tâm trạng nói chung… của tôi qua những lời tôi nói, những việc tôi làm, qua những biến cố xảy ra trong họ đạo, từ đó có cách an ủi, trấn an, góp ý, lẫn khuyên can v.v… Vì duyên dáng cho nên bà ta chinh phục cảm tình tôi không biết từ lúc nào, khiến lúc nào tôi cũng nghĩ đến bà ta… cho đến một ngày kia tôi cảm thấy cần biết bao đến sự hiện diện của bà ta bên cạnh mình!
Ngưng kể một lúc để thở. Cha nói tiếp.
Gần như một quy luật, hễ khi nào Ông Lực Lượng không đến xưng tội, thì y như rằng, sẽ có một chuyện gì đó xảy ra cho tôi.
Cha sở Luaca gật gù với nhận xét trên, uống ngụm nước rồi kể tiếp.
Cảnh giác hết sức, nghiêm nhặt hết sức, cầu nguyện và lo việc bổn phận hết mình vậy mà tôi vẫn ở mấp mé bờ vực của sự sa ngã.
Khi người đàn bà thấy rằng, tôi có cảm tình với bà ta, tôi cần bà ta và tôi có nhu cầu không thể thiếu bà ta thì bà ta bắt đầu tiến thêm một bước nữa. Đó là bà ta lui tới vào những giờ “ngặt nghèo” như buổi trưa, buổi tối vắng người, đôi lúc giả làm người đi xưng tội để được đến bên tôi… những lúc ấy ăn mặc thật gợi cảm nhưng luôn tỏ vẻ trang nghiêm vô tôi.
Đến lúc này giáo dân bắt đầu xì xầm bàn tán. Cũng có lúc có những giáo dân đạo đức nói những lời ngụ ý cảnh báo… nhưng tôi để ngoài tai và tự biện minh rằng mình chưa phạm lỗi gì.
Một đêm mưa gió, đang giữa khuya, bà ta đến đập cửa. Mở cửa nhà xứ ra tôi bàng hoàng nhìn thấy bà ta đứng ở hàng hiên khép nép run rẩy trong một lớp quần áo rất mỏng, vì ướt sũng nên lụa mỏng cứ dán sát vào da thịt. Bà ta bảo đi công việc trên đường về bị mưa đột ngột không chuẩn bị.
Tôi đưa bà ta vào phòng, lấy khăn cho bà ta lau, và đưa một cái áo sơ-mi trắng của tôi cho bà ta mặc. Bà ta cởi áo ngay trước mặt tôi.
Lúc này trong phòng chỉ còn một chiếc đèn dầu leo lét, ngoài trời mưa to đến độ không ai có thể nghe tiếng gì ngoài tiếng mưa sầm sập, tiếng gió thổi thật mạnh, và tiếng sấm chớp. Khi tôi chỉ còn cách sự sa ngã trong gang tấc, thì bỗng một tia chớp dọi sáng xuyên qua màn lưới cửa sổ mở, tôi thấy bà ta bỗng khác lạ, khác hơn hình dáng thật trong những lúc bình thường ban ngày, tiếp theo là tiếng sét nổ to đùng một cách thất thường, tất cả như đánh thức tôi và làm cho tôi đột nhiên tỉnh ngộ.
Tôi trao bà ta cây dù đen thường dùng và hối thúc bà ta ra về ngay giữa mưa to gió lớn và đêm khuya. Lúc đó thì bà ta không còn ngần ngại gì nữa, ôm chầm lấy tôi, quấn chặt lấy tôi với những lời van xin, nhưng lúc này là lúc tôi cương quyết hơn hết, nên bà ta phải ngậm ngùi ra về.
Với tang vật là chiếc áo sơ-mi trắng và cây dù đen, tôi bị tai tiếng một thời gian rất lâu sau đó, nhưng rồi từ từ người ta mới hiểu lại cho tôi.
Cha sở ngưng kể, thở dốc vì mệt. Tôi lắng nghe với tất cả sự chân thành và thông cảm. Cha bảo:
- Thầy ạ! Bất cứ điều gì cũng có thể xảy đến cho con người chúng ta. Cho nên tốt nhất chúng ta đừng bao giờ mất cảnh giác và ngạo mạn tự cho mình là vững mạnh, hoàn hảo và lớn tiếng lên án kẻ khác.
Tôi trở về lại giáo xứ Long Thạnh, trên đường đi nghiệm ngẫm những gì cha sở Luca tâm sự. Tôi nghĩ ra một điều, thì ra tất cả loài người chúng ta đều yếu ớt, đều mỏng dòn, dễ vỡ, không ai có thể tự cho mình là mạnh mẽ. Cứ như cha Luca, tôi luôn cho ngài sừng sững như cổ thụ, vậy mà cũng vẫn có những lúc yếu đuối… thì tôi là ai đây? Tôi nghĩ ra: muốn thắng cơn cám dỗ như cha Luca, hẳn phải có ơn Chúa; muốn có ơn Chúa, phải thành tâm cầu nguyện, khiêm nhường và tỉnh thức.
…
Tôi không phải đợi lâu mới tới lượt mình.
Một phụ nữ người Việt có đạo sống ở Campuchia, lấy chồng là một sĩ quan hàm thiếu tá người Campuchia có được một con nhỏ, không biết lý do gì, trốn về Việt Nam và trôi dạt đến ở trong đất thuộc giáo họ Long Thạnh.
Người phụ nữ quá đẹp, nhưng nổi bật là khuôn mặt u uất với đôi mắt đen thăm thẳm. Khi vừa gặp tôi nàng đã nhìn tôi không rời, nhìn với cái cách như đã quen nhau từ hồi nào. Tôi thì không thấy quen, nhưng cái nhìn “nuốt chửng” của nàng đã làm tôi bối rối và có chút xao xuyến.
Thế rồi nàng không bỏ một buổi đọc kinh sáng chiều nào do tôi tổ chức ở nhà thờ, chăm chỉ như một giáo dân đạo hạnh. Sau những giờ kinh, nàng thường lưu lại, nấn ná và tìm cách để tôi hỏi chuyện. Vì khuôn viên nhà thờ nhỏ hẹp, đi ra đi vô không sao tránh khỏi gặp nhau, nên tôi với nàng sớm quen nhau và dần dần trao đổi với nhau nhiều chuyện. Tôi không bị ai cản trở, đã vậy còn có lợi thế là hầu hết giáo dân đều muốn tôi an ủi, chia sẻ, khuyên nhủ người thiếu phụ kia để đừng trở về Campuchia “sống trong tội” với người chồng “mọi rợ” kia nữa để còn lo cho con cái sau này giữ đạo. Với “sứ mạng thiêng liêng cao cả” coi như của mọi người trao cho như thế, tha hồ tôi và nàng nói chuyện với nhau đến bao lâu tùy thích.
Khác với cha Luca bị người đàn bà kia tấn công rất có bài bản và cấp tập, tôi không hoàn toàn bị tấn công mà còn vui vẻ cầu mong cho mình được “bị tấn công” khi thấy rằng tình cảm của mình bắt đầu chớm nở với người thiếu phụ tên Mỵ Lan này. Lúc này tôi mới hai mươi ba tuổi, nàng hơn tôi năm tuổi, vì thế nàng tỏ ra rất khôn khéo sành sõi như một người đàn bà đứng tuổi, nàng có thể đoán biết suy nghĩ của tôi và thường biết tôi sắp nói điều gì, vậy mà tôi lại không thấy mình như một cậu học trò nhỏ bé trước cô giáo lão luyện về cuộc đời, cũng không thấy mình là một cậu em lẽo đẽo theo sau một bà chị sành sỏi. Không! Nàng khôn khéo đến độ làm tôi thú vị trước sự sành đời, đồng thời lúc nào cũng vẫn thấy mình như một anh hùng trước một mỹ nhân yếu đuối.
Đâu có lâu lắc gì! Tình yêu nảy nở nhanh gọn và dễ dàng. Và lúc này trong tình yêu, nàng mới thật là “gia sư nhũ mẫu” của tôi. Những gì tôi chập chững bước, nàng dìu tôi đi vững chãi, cả những khái niệm về tình yêu cũng trở nên rõ hơn khi được nàng giảng nghĩa.
Nếu đừng có biến cố này, có lẽ đời tôi sẽ khác so với bây giờ biết bao!
Vào buổi trưa chúa nhật giữa tháng, khi cùng với nàng chuyện vãn, bỗng từ ngoài cổng nhà thờ bước vào là hai người đàn ông da ngăm đen, tóc quăn và có vẻ ngoài hung hãn dữ tợn. Sau khi chào hỏi tôi cách miễn cưỡng, một người đàn ông nói với nàng bằng tiếng Campuchia, người kia nói bằng tiếng Việt:
- Nhắm thử xem bà có trốn khỏi chúng tôi được không bà thiếu tá?
Cứ người này nói một câu tiếng Campuchia thì người kia nói một câu tiếng Việt:
- Bây giờ yêu cầu bà theo chúng tôi về nước, ở đó ông thiếu tá sẽ nói chuyện với bà.
Trái với tôi tưởng, sắc mặt của nàng vẫn lạnh băng. Ngồi im mươi giây, nàng trả lời:
- Các anh đi về đi! Nói với ông ấy tôi không bao giờ về đó nữa. Có chết, tôi sẽ chết ở Việt Nam quê tôi.
Hai người đàn ông trao đổi với nhau một hồi bằng tiếng Campuchia, rồi ra đi. Trước khi ra đi còn hăm dọa:
- Bà là vợ của cấp trên chúng tôi, nhưng nếu ông thiếu tá ra lệnh chúng tôi phải làm gì thì chúng tôi tuân hành không nương nể đâu đó!
Khi hai người đàn ông đi khỏi, nàng cũng vẫn gương mặt u uất, mắt đen thăm thẳm như đáy đại dương chứ không lộ vẻ xúc động nhất là không hề tỏ ra sợ hãi. Nàng bảo:
- Em đoán đúng! Sẽ có lúc họ tìm ra em ở nơi này.
Im lặng vài giây bỗng nàng hỏi tôi:
- Anh có muốn cùng em đi thật xa không?
Nàng vẫn gọi tôi là “thầy”, nhưng lúc này đã đổi từ “thầy” ra “anh”. Tôi không màng chuyện đó, mà chỉ nghĩ là dứt khoác không thể đi với nàng được, vì tôi chưa có một ý nghĩ gì ngoài chút tình yêu vô vọng với nàng. Tôi im lặng giả vờ còn đang suy nghĩ.
Không đợi tôi trả lời, nàng nói:
- Thôi! Từ từ tính. Chẳng gỉ phải lo!
Nàng đứng dậy chào:
- Xin phép thầy em về.
Chúng tôi vẫn gặp nhau, nhưng trong khi tôi lo lắng hồi hộp cho số phận của nàng thì nàng vẫn lạnh như một tảng băng, chuyện trò rỉ rả như không có chuyện gì xảy ra. Một hôm nàng nói với tôi nhiều câu nghe kỳ lạ, nhưng có câu này nàng nhắc tới nhắc lui làm tôi nhớ mãi:
-Dù em ra sao và ở phương trời nào, em vẫn nhớ đến thầy. Còn thầy thì sao?
-…
Một buổi sáng chúa nhật, có đông người đến nhà thờ đọc kinh và tham dự nghi thức phụng vụ Lời Chúa, vì nhà thờ nhỏ hơn so với số giáo dân đông đảo và siêng năng, nên số người phải đứng ngoài nhà thờ khá đông, khiến cho sân nhà thờ càng trở nên chật chội và bất tiện. Giờ đọc kinh đã xong, khi mọi người từ trong nhà thờ kéo nhau ra về, tôi bỗng nghe hai tiếng súng nổ chát chúa. Tiếng mọi người la lối hoảng loạn:
- Chúa ơi… có giết người!
- Chết người rồi!
- Bắt tụi nó! Chạy theo bắt tụi nó!
Tôi hốt hoảng chạy ra tiền đình nhà thờ. Chưa tới nơi đã có tiếng các bà thảng thốt:
- Mỵ Lan bị bắn rồi!
- Họ bắn chết Mỵ Lan rồi!
Khi tôi ra đến nơi thì thấy nàng nằm sấp, máu đỏ thắm từ cổ chảy ra thành dòng. Mỵ Lan bất động trong y phục áo sơ-mi trắng quần đen, trông thật hiền lành, thanh thoát đến tội nghiệp.
Tôi sững sờ trong lúc mọi người cố gắng đưa nàng đến bệnh viện nhỏ trong thị trấn để may ra còn cứu vớt được gì. Nhưng nàng đã ra đi vĩnh viễn.
Mọi người đồn đại nhau rằng thấy hai người mặc quân phục, họ đoán là lính ông thiếu tá Dẻo, một tiểu đoàn trưởng ăn chơi và khát máu, ra tay thanh toán Mỵ Lan do nguyên cớ gì đó bí ẩn. Chỉ có mình tôi là biết rõ sự việc: chồng nàng, tay thiếu tá người Campuchia, đã sai đàn em vượt biên giới đến giết nàng do nàng không chịu trở về Campuchia để quay lại sống với hắn ta.
Mỵ Lan chết thật đau thương làm tôi nhớ mãi. Cuộc tình chớm nở rồi nhanh chóng tiêu tan. Tuy nhiên ở một góc độ khác mà xét, nếu Mỵ Lan còn sống, liệu tôi có thoát ra khỏi sự cám dỗ mà cha sở Luca đã thoát ra một cách anh dũng không? Tôi là một tay mơ, mới lớn, non nớt, háo thắng, lãng mạn và ướt át, nếu không có sự kiện đau lòng kia chắc tôi đại bại và mất trắng trong cơn cám dỗ ngọt ngào kia.
Ngẫm nghĩ lại, không có tuổi nào, không có chức vụ nào, không có bậc nào và chắc chắn không có ai trong loài người không luôn bị nguy cơ của những cơn cám dỗ rình rập, không bị những cơn cám dỗ công khai thì bị những cơn cám dỗ thầm kín tấn công, và cũng chẳng ai dám tự hào mình đủ mạnh để chiến thắng nếu không có ơn Chúa trợ lực.
Tôi tự rút cho mình một bài học: từ nay không nhanh mồm lẹ miệng khuyên người này, nhủ người khác, chỉ khi nào ai xin ý kiến tôi mới dám thận trọng thử đưa ra lời đề nghị.