TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO- QUỶ XƯNG TỘI Kỳ 27 17-02-2017 20:52:35 GMT +7
TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO.
QUỶ XƯNG TỘI
MA VĂN LIÊU
Kỳ 27
Đang nghỉ trưa sau một buổi dạy học căng thẳng, tôi nghe có tiếng thanh niên gọi: “Thầy ơi! Thầy ơi!” dồn dập. Bước ra hiên gác trọ nhìn xuống phố, tôi thấy có hai thanh niên trẻ tuổi mặc đồng phục học sinh trung học, đi xe gắn máy nhìn lên gọi.
Xuống nhà dưới mở cửa, tôi đón phong thư, mở ra đọc. Cha sở gọi tôi về Chân Phúc gấp. Hai học sinh thấy tôi đọc xong, xin phép rút lui. Tôi ngẫm không thể hỏi thêm được thông tin gì ở hai người thừa phái trẻ tuổi có vẻ ngu ngơ này nữa, tôi cho họ đi.
Trở lên gác, tôi ngồi suy nghĩ nhanh, rồi quyết định phải đi về gặp cha sở mới biết chuyện gì, có hồi hộp mà ngồi nán lại cũng bằng thừa.
Tôi báo tin cho cô mụ Bảy, chủ nhà bảo sanh tôi đang trọ. Nhanh chóng ra bến xe thuê một xe Honda ôm, tức tốc hướng về Chân Phúc.
6g chiều tôi có mặt tại nhà xứ giáo xứ Chân Phúc. Đón tôi lại cũng bằng một phong thư nữa, nhưng lần này thì loại phong thư to kềnh, trang trọng và dầy cộm. Vì cha sở Chân Phúc là cậu ruột của tôi, nên tôi hỏi:
- Thưa cậu, đây là thư gì và do ai gửi?
Cha sở Chân Phúc lắc đầu:
- Tôi có xem, mà chung quy chẳng hiểu gì. Con cứ mở ra, xem có hiểu gì không.
Cậu tôi giải thích trong lúc tôi vừa mở phong thư đã được tháo niêm chì ra rồi, chứng tỏ cha sở hay cha phó đã có “nghiên cứu”.
- Tôi có bàn với cha Hiệu trưởng rằng, tuy không hiểu mô-tê gì, nhưng có vẻ chuyện chi đó rất quan trọng, vả lại không nguy hại, nên cứ cử con đi xem sao vì người ta điền đích danh con trong hết mọi thứ giấy tờ chứa trong đó.
Cha sở cười. Tôi xem toàn bộ và hiểu ra chút ít. Đây là một khóa học kéo dài 4 năm, mỗi năm chỉ học vào 3 tháng hè, do Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo Dục Mỹ mở tại Binh Thơi thành phố Cần Thơ, dành cho mỗi trường Trung học Đệ nhị cấp Công lập của Khu Học chánh IV một giáo sư được chọn theo một số tiêu chuẩn… để đào tạo thành hiệu trưởng kiêm giám đốc Trung học cho hệ giáo dục mới. Tôi trình bày sơ cho cha sở cậu tôi. Đúng lúc đó cha phó kiêm Hiệu trưởng Trung học từ bên trong nhà xứ đi ra, cha bảo:
- Cậu hay thế! Ở tận chốn khỉ ho cò gáy mà cũng được người ta mời đích danh để đi học. Làm sao hay thế? Trong khi người ta tuyển chọn toàn các trường công lập, trường mình là tư thục, đàng khác cậu có về đây dạy được ngày nào đâu!
Tôi trả lời gượng gạo:
- Con thật là không làm gì cả và cũng không thể hiểu nổi. Chỉ còn nước đi đến nơi mới biết rõ thực hư.
Tôi xem lại ngày nhập học và phát hiện:
- Thưa cậu, thưa cha, đã trễ hạn nhập học những 2 ngày rồi!
…
Sáng hôm sau tôi lên đường đến Cần Thơ.
Vừa bước vào cổng trường, xuất trình giấy tờ cho nhân viên gác cổng xong, tiếng người oang oang trên loa phóng thanh chào tôi, một học viên mới đến. Tôi được dẫn đi nhận phòng và nhận mọi thứ lỉnh kỉnh trang bị cho việc học tập, tôi ngỡ ngàng bước vào giảng đường rộng nơi mọi ngươi đang chăm chú dạy và học, để bắt đầu khóa học. Tôi đếm được 66 học viên, phần lớn đứng tuổi, là những giáo sư (1) công lập mái đầu hầu hết đã hói hoặc đã hoa râm, chỉ lác đác vài người trẻ, tôi là người trẻ tuổi nhất. Phần lớn là nam giáo sư, chỉ có 8 giáo sư nữ đa số đẹp và quý phái. Nói chung vừa nhìn vào đã thấy tất cả đều thuộc thành phần được ưu tuyển.
Chương trình sinh hoạt trong một ngày rất sít sao và nặng nề. 5g sáng thức, thể dục, điểm tâm. 7g học đến 12g ăn trưa. 13g học đến 18g tắm rửa và ăn tối. 20g học đến 22g ngủ. Các giảng viên toàn những người danh tiếng trên Sài Gòn, hoặc nhân viên các phái bộ, hoặc từ tổ chức UNESCO các nước gửi qua. Tuy cách tổ chức làm ta cảm thấy rất tự do, nhưng nội dung học quá nặng khiến sự tự do, thoải mái và được tôn trọng hầu như không còn ý nghĩa gì nữa. Thứ bảy và chúa nhật được nghỉ và “xả trại” hoàn toàn, đi đâu tùy ý, nếu ai về nhà hoặc đi xa… sẽ được hoàn lại tiền lộ phí. Mỗi tháng mỗi người được lĩnh lương vì công tham gia khóa học. Tôi dần quen với nếp sinh hoạt, vì mới tạm ngưng học hơn một năm qua để đi giúp xứ, sức lại trẻ, lại vừa độc thân và sống nghiêm túc nên học rất suôn sẻ, dễ chịu và mỗi ngày càng thêm tiến bộ ở mọi lĩnh vực, còn các anh, các chú, các bác khác học cùng khóa ai nấy tỏ vẻ ngán ngẩm vì lẽ bận bịu vợ con, gia đình, trách nhiệm, nên trí óc họ không còn dễ tập trung hay linh hoạt trong việc tiếp thu, hầu hết họ học có vẻ thật khổ sở.
Khóa I kết thúc sau 3 tháng. Tôi về kể cho cha sở Chân Phúc và cha phó kiêm Hiệu trưởng vanh vách mọi điều, ai nấy đều mừng rỡ cho tôi vì đã may mắn, bất ngờ nhận được một suất học quá ích lợi. Những kiến thức sau ba tháng đầy ắp giống như đã học một chương trình những ba năm, dường như cái gì cũng được người ta nhồi nhét vào đầu. Trở về giáo xứ Long Thạnh, tôi tha hồ áp dụng ngay những điều mình vừa học. Thật là thú vị!
Một buổi sáng sau đó khoảng trên dưới một tuần, đang loay hoay chuẩn bị ăn sáng, nghe tiếng xe, nhìn ra cổng, tôi giật thót mình khi người ngồi sau xe Honda SS 72 màu đỏ bước xuống là ông “mặt dẹp”.
Thoáng một cái ông đã vào tận nơi tôi đang ngồi trên ngôi nhà sàn cao.
- Chào ông thầy! Đi học về khỏe chứ?
Tôi nghĩ ngay: Lạy Chúa! Ông ta biết hết mọi chuyện tôi làm rồi còn gì! Tôi vừa cười vừa giả bộ:
- Chú nói ai? Tôi có đi học gì đâu?
Ông ta “hừ” một tiếng rồi nhìn ra ngoài sân tỏ vẻ như đang nói chuyện nghiêm chỉnh chứ không đùa. Sau một vài hơi thuốc, ông ta nói tiếp:
- Có biết ai lo cho… được đi học kh…ô…ng? - Ông cao giọng vào cuối câu như một ông chủ điền hách dịch hỏi xách mé tá điền của mình.
Tôi bỗng đoán ông ta đang muốn xía vô để kể công… gì đây, nên hỏi cho rõ:
- Thưa ai lo ạ?
Ông ta gằn giọng:
- Tổ chức lo chứ còn ai nữa…! Có tiền cũng không vào được khóa học đó đâu…!
Tôi tức anh ách vì tuy vào đầu khóa học, tôi không hiểu ất giáp, không đoán ra tại sao mình được chọn đi học, nhưng sau khi một hôm phát hiện trong số bạn học có một sư huynh Lasan, vị này nói cho tôi biết là hệ giáo dục mới nhắm đến hệ thống trường công lập, chỉ chọn hai trường tư thục Công giáo làm thí điểm, sư huynh và tôi là hai nhân tố được chọn làm thí điểm ấy… lúc đó tôi mới biết chẳng có gì là ưu tuyển trong việc được vào học khóa học này… Nay nghe ông “mặt dẹp” kể công, tôi thấy không đúng sự thật. Tôi nói:
- Khóa học ấy chỉ là thí nghiệm. Mọi chuyện còn dò dẫm và nghiên cứu. Không có gì là ghê gớm hết chú ơi!
Ông “mặt dẹp” đã không tức giận, còn tỏ ra khá điềm tĩnh:
- Hừ! Chuyện gì rõ sẽ rõ. Tôi không đùa. Ông thầy sẽ đỗ đạt hiển vinh trong khóa học này. Tất cả mọi sự đều lo vun quén cho ông thầy, ông thầy chớ phủi ơn!
Tôi cũng mất hứng, hay đúng ra mất hết can đảm để cãi thêm, nhưng suy nghĩ nhanh: chuyện này phải gặp cha Luca để cha tìm cách can thiệp chứ tôi không muốn dính dáng gì đến Ông Lực Lượng một chút nào, cũng chẳng muốn nhờ ơn ai ngoại trừ nhờ ơn Chúa như cha Luca đã từng dạy và đã từng nêu tấm gương quá rõ ràng rằng chỉ nhờ vào duy nhất ơn của Chúa, thế nên chẳng ai làm gì được cha.
Tôi lặng thinh không nói thêm một câu nào nữa.
Ông “mặt dẹp” cầm nón phớt đứng lên từ giã:
- Tôi nói vậy thôi chứ đã làm gì đâu!
Từ trên nhà sàn xuống, khi chân chạm tới đất, ông “mặt dẹp” ngoái đầu lên nói thêm một câu làm tôi cảm thấy càng thêm nặng nề và căng thẳng:
- Nhưng “ăn trái” phải nhớ “kẻ trồng cây”... Vậy th…ô…i…!
…
Lần về thăm cha Luca tiếp theo sau, tôi kể hết cho cha nghe.
Nghe xong cha kể lại cho tôi nghe một câu chuyện.
Vào năm đó giặc giã nổi lên dữ dội, chiến tranh ngày càng khốc liệt, có chuyện tôi phải về tòa giám mục. Trên con đường lúc trở về lại An Biên, đến bến phà Châu Long thì trời đã chạng vạng tối, lính tráng xung công hết số phà, đò, ghe ở bến phà để vận chuyển xác người chết và thương binh, tôi bắt buộc phải cùng vài người nữa thuê một chiếc xuồng (2) để sang con sông Hậu rất rộng. Xuồng thì nhỏ, chở năm người đã khá chòng chành lại phải băng qua một con sông có nhiều sóng dữ vào lúc trời nhá nhem tối. Tình thế thật nguy hiểm, nhưng phải đi vì không còn cách nào khác.
Khi ra giữa sông, mọi người thất kinh vì gió và sóng ngày càng nhiều, với một chiếc dầm (3) nho nhỏ, gió ngược làm cho ta có cảm tưởng gần như chiếc xuồng không nhích tới trước được bao nhiêu. Thế là sóng từng cơn làm chao đảo, trồi hụp chiếc xuồng, mười phần tôi thấy hết tám phần là hứa hẹn sẽ bị nhấn chìm xuống sông sâu. Tôi bắt đầu cởi giày, lột áo dòng ra chuẩn bị sẽ phải bơi vào bờ, nhưng nhìn vào bờ… ôi còn ở xa thăm thẳm và mịt mờ. Tôi liệu sức, chắc không thể bơi vào nổi nếu chẳng may xuồng bị sóng dữ nhấn chìm. Tôi chỉ còn nghĩ đến cái chết trong khi miệng cầu xin liên hồi.
Đúng vào lúc chiếc xuồng sắp chìm, đúng vào lúc mọi người la lên hoảng loạn thì chiếc xuồng bỗng dưng nhẹ tênh lướt tới như có ai kéo đi trượt êm trên mặt nước.
Nhìn ra phía trước tôi càng ngạc nhiên khi thấy mờ mờ một bóng người mặc áo choàng trắng đang lom khom đi trước kéo chiếc xuồng trườn theo sau, bóng người như đi trên mặt nước. Mọi người há hốc đến im phăng phắt. Chỉ trong phút chốc, chiếc xuồng đã tiến vào còn cách bờ chỉ chừng trăm mét, bóng trắng biến mất.
Lúc này mấy người đàn bà mới buộc miệng thét lên:
- Ma! Ma!
Vài người khác lại thét to vì vui:
- Ma kéo xuồng! Ma kéo xuồng!
Xuồng cặp bến dễ dàng và an toàn. Lên bờ ai nấy hoàn hồn nhưng càng lúc càng bàng hoàng như vừa mới bước ra khỏi cơn ác mộng vì không biết hương hồn của những người lính chết trận hay ma đã dắt thuyền vào bờ. Mọi người tụ tập bàn tán rất hăng. Khách trên bờ nhìn chiếc xuồng lắc đầu:
- Mấy ông mấy bà gan quá! Xuồng nhỏ xíu vầy mà dám qua sông lớn!
…
Vài hôm sau Ông Lực Lượng vào xưng tội, Ông nói chính ông đã cứu chúng tôi thoát chết.
Trong lúc còn bán tín bán nghi, tôi nói vài lời cám ơn Ông. Không bỏ lỡ cơ hội, Ông ra cho tôi một số yêu cầu phải làm.
Tuy nhiên tôi không dễ dàng bị thuyết phục vì trí tôi cảm thấy có vấn đề.
Câu chuyện nhùng nhằng khá lâu rồi cũng thôi.
Cha Luca kết luận:
- Đôi khi ân nghĩa cũng là một thứ bẫy đáng ngại mà ma quỷ dùng để bẫy ta con ạ!
Cha khuyên tôi một lời khuyên, nhưng lời khuyên ấy có sức mang lại bình an cho tâm hồn:
- Việc gì con cũng cứ ưu tiên và đặc biệt cám ơn Chúa. Thế là an tâm!
(1) Ngày xưa giáo viên trung học được gọi là giáo sư.
(2) Xuồng là vật dụng dùng để lưu thông thuộc hàng nhỏ nhất trên sông, chở được 5 đến 6 người
(3) Dầm là một loại mái chèo nhưng nhỏ gọn và cầm tay dùng để bơi xuồng