Về thăm cha sở Luca ở An Biên lần này, cha giữ tôi ngủ lại một đêm để kể thêm chuyện.
Có lẽ cha định kể cho tôi chuyện gì đó về ông Lực Lượng, nhưng khi nghe tôi tả về nơi tôi đang giúp xứ là một vùng đất đầy sự mê tín lẫn lộn với lối sống thực dụng, có nghĩa là người ta tin vào thế giới “tâm linh” qua bùa ngải hòa trộn với lối chụp giựt để tranh sống, quả xứ Thạnh Lộc này còn có tên là chợ Đầu Hổ thật xứng danh; tương truyền sở dĩ Thạnh Lộc còn có tên chợ Đầu Hổ là do thị trấn này lấy tên tướng cướp Đầu Hổ để đặt cho cứ địa của hắn -lâu ngày biến thành chợ- nơi hắn quay về trú ẩn sau mỗi lần sang Miên (1) cướp bóc. Tướng cướp Đầu Hổ đã chết từ lâu, để lại ngôi chợ và một vùng lãnh địa cực kỳ hỗn độn về mọi mặt, tôi xin kể sau, còn bây giờ, tôi để tâm nghe cha sở Luca kể chuyện. Cha nói:
Thầy đừng nghĩ bùa ngải là sự bịa đặt. Không! Đó là thể hiện bàn tay của ma quỷ cách cụ thể nhất.
Một hôm ông Lực Lượng vào xưng tội, khi thấy tôi nói về con người sau khi chết, ông ấy bảo:
- Loài người sau khi chết, có một số lượng rất đông làm âm binh (3) cho Chúng ta. Đó là những hạng người chết oan, tự tử, bị xử tử hình, thậm chí cả những người đang sống nhưng tin vào quyền lực Chúng ta hơn tin vào quyền lực của Ông Chúa, sợ quyền lực của Chúng ta hơn sợ quyền uy của Chúa, nhất là những người đang sống nhưng ngả theo Chúng ta… họ chịu sự sai khiến của Chúng ta.
Nói đến đây ông Lực Lượng khoác tay một cái.
Lạy Chúa! Tôi bỗng rợn cả người khi thấy trước mặt và chung quanh tôi lố nhố người là người, nhưng tất thảy tôi đều không rõ nhân dạng, mặt mày, chỉ thấy hình nhân, kèm theo là tiếng xôn xao cực kỳ khó chịu dù không rõ là tiếng nói chuyện hay tiếng cãi cọ, chỉ là tiếng ồn ào xạo xự thế nào ấy.
Thấy tôi toát đẫm mồ hôi vì sợ hãi, ông Lực Lượng khẽ phất tay, mọi sự trở lại im lặng như cũ. Ông ta nói liền:
- Đó là đám cộng sự đắc lực cho Chúng ta, sai đâu làm đấy, sai gì làm nấy. Cứ mỗi lần có một người hấp hối, tùy theo Chúng ta muốn, bọn này sẽ tới vây chung quanh nhiều hay ít và để làm gì ư? Để lôi kéo người đó về phe với Chúng ta sau khi họ chết.
Tôi hỏi:
- Còn nếu chúng tôi vây quanh cầu nguyện cho người hấp hối để gọi là “giữ linh hồn”?
Ông Lực Lượng liền đáp ngay:
- Chúng ta rất ghét cái trò đó! Thường thì gặp những trường hợp đó Chúng ta mười mươi chịu thất bại, vì lẽ người hấp hối chỉ cần một thoáng ăn năn sám hối, Ông Chúa tha thứ ngay. Thế là Chúng ta mất toi. Sự nhân từ độ lượng quá lớn của Ông Chúa là vũ khí cực mạnh chống lại Chúng ta và để lôi kéo nhiều người rời khỏi tay Chúng ta.
Tôi hỏi:
- Như vậy người hấp hối chỉ cần một thoáng giục lòng trở về với Chúa là thoát khỏi tay Các Ông ngay ạ?
- Đúng như vậy! Nhưng đừng vội mừng! Số người hấp hối bị mê man vì mù quáng, vì cố chấp, vì quen tật, hoặc có khi vì bệnh nặng đến không còn khả năng nhận thức v.v… không phải là ít! Cần phải dọn lòng từ trước. Khổ nỗi lúc khỏe mạnh ít ai nghĩ đến cái chết!
Tôi hỏi:
- Các ông còn sử dụng đám âm binh vào việc gì nữa?
Ông Lực Lượng đáp:
- Chúng ta còn sử dụng vào nhiều việc khác, nhất là việc làm lung lạc đức tin của con người vào Ông Chúa cụ thể qua việc chơi với bùa ngải, bói toán, lên đồng, pháp thuật, cám dỗ, xúi bẩy, tạo điều kiện…
Tôi tò mò hỏi:
- Ông vừa nói cả những người còn đang sống vẫn có thể là âm binh cho Các ông. Vậy đó là những hạng người nào?
- Đó là những thầy bùa, thầy ngải, thầy pháp, đồng bóng, những người thâm nham hiểm độc, những người tin Chúng ta, theo Chúng ta, sợ Chúng ta hơn là nhớ tới Ông Chúa, hoặc những người nửa tin theo Ông Chúa nửa tin theo Chúng ta. Nói tóm, những ai ngả theo Chúng ta qua sử dụng bùa ngải, phép thuật, giao du với giới phù thủy, thầy bùa, bói toán, bốc phệ… Vì ai tin cậy Chúng ta thì tất nhiên Chúng ta đến với người đó, chứ sao nữa!
Tôi hỏi:
- Âm binh thường trú ngụ ở đâu nhất?
Ông Lực Lượng đáp không ngần ngại:
- Ở nơi các thầy bùa, thầy ngải, thầy pháp, thầy cúng, đồng cốt, hoặc những nơi cúng bái, những chùa chiền không chịu chuyên tu, nơi các miếu mộ cô hồn, nơi cúng kiến nhập nhằng, nơi những người bệnh nặng hấp hối, nơi những người tin và cầu vọng vào Chúng ta… chứ không phải ở nghĩa địa, ở nhà xác, ở bãi tha ma, nơi hoang vắng như loài người các ông vẫn tưởng.
Cha sở còn nói nhiều về cuộc đối thoại này, nhưng tôi thấy đã đủ sợ, nên sau câu chuyện, tôi suy nghĩ miên man về vùng đất tôi đang ở, hiện đầy dẫy thầy bùa, thầy ngải, thầy pháp, thầy cúng, ông đồng bà bóng, những người luyện âm binh từ Campuchia xuống, những thuật sĩ Lỗ ban kỳ nhân dị sĩ... Tôi kể cho cha sở nghe những chuyện tôi vừa chứng kiến trong mới có hơn vài tháng ở giáo họ Thạnh Lộc. Tôi kể cha sở nghe cảm tưởng của tôi, thấy hình như vùng đất này tuy nằm ở bìa đất nước, nhưng địa thế rất tốt để trở thành nơi tụ hội mọi thứ chuyện trên đời. Đây tôi xin điểm qua.
Trước hết nói về chủng tộc, ở đây có nhiều chủng người: người Kinh chiếm đa số, người Hoa Lan -là chủng người Hoa lai Miên- cũng khá nhiều, người Miên, người Chàm kha khá, người Hoa thiểu số nhưng rất mạnh, người Ấn thuần chủng và người Ấn lai chuyên buôn bán vải vóc lụa là.
Kế tiếp, nói đến đời sống kinh tế ở đây có người cực giàu cũng có người cùng khổ không đủ cơm ăn áo mặc.
Nói đến nghề nghiệp người ta làm đủ mọi nghề, có những nghề lương thiện lẫn những nghề quá sức bất lương, không thiếu những tay du thủ du thực, hành khất lẫn trộm đạo.
Nói đến thành phần thôi thì đủ mặt: dân chúng, các cấp chính quyền đông đến độ làm thành một giới, binh lính, thanh niên trốn quân dịch, người buôn lậu, kẻ tu hành, đạo sĩ lẫn người ăn cướp, thầy giáo hay những công an chìm, và những người sống hai ba mặt, dân vượt ngục, đào binh… có đủ, gái điếm và cư sĩ sống sát vách nhau.
Nếu kể đến tình hình an ninh trật tự thì chỉ cần kể ra vụ này, có một tiểu đoàn lính địa phương quân do một tay thiếu tá hung hãn khét tiếng biệt danh là “ông Dẻo” làm tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn này ít lâu lại kéo qua Campuchia cướp, phá, hãm hiếp và tàn sát thường dân Campuchia để sau đó khi họ trở về, cả vùng Thạnh Lộc tức chợ Đầu Hổ phải lãnh chịu những trận pháo kích trả đũa kinh hoàng.
Nói đến đời sống tôn giáo, nơi đây có lẽ là nơi có nhiều loại tôn giáo nhất: Công giáo, Tin Lành, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Khổng giáo, Lão giáo, đạo Ông Bà, Bà La môn, Bà Hai giáo, Ấn giáo, Hồi giáo v.v…
Vùng đất này ví như như một nồi “tả-pín-lù” về mọi phương diện, cho nên tôi tin chắc thế giới tâm linh cũng vô cùng phức tạp, tôi kể và nêu nhận xét này cho cha sở nghe, ngài gật đầu đồng ý.
Tôi còn kể cha nghe
- Một hôm vào buổi sáng chúa nhật, con đang cho các em lớp giáo lý trẻ em sinh hoạt thiếu nhi, có một cô gái người Hoa Lan đứng ngoài hàng rào nhà thờ gọi một em thiếu nhi ra, nói gì đó và nhờ em đó mang vào cho con một ly nước đá giải khát đặt trên bàn trong lớp học. Em bé ấy ra vòng tay “Thưa thầy, có chị kia biếu thầy một ly sôđa hột gà để thầy giải khát ạ”. Con nhìn ra thấy cô gái cúi đầu chào. Sau giờ sinh hoạt khô khốc cả cổ họng, con định quay vào lớp uống ly nước, nhưng không được vì ly nước bị bể làm đôi từ trên xuống, nước trong ly đổ hết ra bàn. Con nghĩ có lẽ ly nước bị một con mèo nhà ai làm đổ và vỡ đôi. Con không còn nhớ tới ly nước ấy nữa vì coi như chuyện ngẫu nhiên. Sau đó không lâu, một cô gái Hoa Lan đến thú thật với con rằng, do cô đã yêu thầm trộm nhớ con, nên chính cô là tác giả của ly nước trong đó chứa bùa yêu dùng để bắt con đến với cô ta. Những tưởng sau khi uống xong, con sẽ đi tìm cô ta. Nhưng con đã không bị “trúng bùa”, khiến cô ấy rất ngạc nhiên và khiếp sợ, thầy bùa giải thích với cô ấy rằng, âm binh của ông ta không thể nào thâm nhập được con, vì con đã được bảo vệ rất tốt. Cô ấy trình bày xong mọi lẽ thì xin học giáo lý để gia nhập đạo vì lý do “Chúa của đạo Công giáo quá mạnh!”.
Nghe tôi kể xong, cha sở căn dặn thêm rằng, ở giữa xứ sở đầy dẫy những nguy hiểm hồn xác, tôi phải cố gắng giữ sao cho thật kiên vững đức tin vào Chúa, đừng bao giờ lo sợ vì Chúa luôn bảo vệ ai tin tưởng và đặt hết lòng trông cậy nơi Người. Cha nhắc lại câu trước đây đã nói: “Đức trọng quỷ thần kinh”, đức ở đây vừa là nhân đức, vừa là đức tin; phải rèn luyện nhân đức cho nhiều và đức tin phải luôn thật vững chắc, như thế ma quỷ mới kiêng dè.
(1)Miên hay Cao Miên là cách gọi người và nước Campuchia của dân vùng biên giới ở đây.
(2)Âm binh theo quan niệm của dân chúng là những linh hồn còn lê la vất vưởng, được các thầy bùa thu phục làm người phục dịch cho họ sai khiến trong những việc xấu như hại người, gây bất hòa, gây bệnh hoạn, giết chóc v.v…