1g30 khuya giữa cơn mưa bão trên đường phố Alabama (Mỹ) vắng vẻ, một bà lão da đen mặc cho những ngọn roi mưa quất liên hồi vào mặt, cứ cố hết sức vẫy vẫy cánh tay đen đủi nhỏ bé đang tê cóng để gọi những chiếc xe vùn vụt chạy ngang qua xin đi nhờ.
Đã nhiều chiếc xe chạy vút qua không dừng lại, có vẻ như họ giả lơ không nhìn thấy một bà già da đen già nua xấu xí… Bà lão nuôi hy vọng mong manh vẫn cứ vẫy tiếp...
Bất ngờ! Một chiếc xe bỗng dừng lại; sau tay lái là một chàng trai da trắng; chàng trai vui vẻ mời bà lão lên xe mặc kệ cho cuộc xung đột sắc tộc: người da trắng kỳ thị người da đen lúc này (1960-1970) đang hồi đỉnh điểm.
Khi đến nơi, bà lão lắp bắp cám ơn và xin được ghi lại địa chỉ của chàng trai…
Bảy ngày sau, nghe tiếng gõ cửa nhà mình, chàng trai tốt bụng mở cửa và ngạc nhiên khi thấy một chiếc ti-vi to đùng đặt ngay ở cửa ra vào với một lá thư đính kèm; thư viết: “Cám ơn cháu vì đã cho bà đi nhờ xe vào đêm mưa bão ấy. Cơn mưa không những đã làm ướt sũng quần áo mà còn làm lạnh buốt trái tim và tinh thần của bà nữa. Nhưng ngay lúc đó cháu xuất hiện như một thiên thần. Nhờ có cháu, bà đã được gặp người chồng tội nghiệp của bà trước khi ông ấy tắt thở. Một lần nữa bà cám ơn cháu đã không nề hà khi giúp đỡ bà”.
Cuối thư là dòng chữ: “Chân thành – Quả phụ Nat King Cole” (*)
Chuyện trên gợi vài ý: - “quân tử bất phân”, tiểu nhân kỳ thị – bất phân (không kỳ thị) là tiền đề của bác ái – Chúa Kitô: sáng chói gương bất phân.
Phải! Óc kỳ thị là óc chia rẽ do trí đần độn tâm hẹp hòi của hạng tiểu nhân, cụ thể khi vừa nói đến ai, những kẻ này liền hỏi Nam hay Bắc, da trắng hay da màu v.v…. Bậc quân tử “vô tư bất biệt” (sic) không phân ai với ai, họ đối xử vô tư với hết mọi người theo kiểu: “Thiên vô tư phủ, địa vô tư tải, nhật nguyệt vô tư chiếu” (trời vô tư che, đất vô tư chở, trời trăng vô tư soi) bởi họ trí quang lòng quảng (sáng & rộng).
Có bất phân mới có bác ái. Chỉ yêu người thân, thuộc và người dễ mến thôi, ấy vẫn còn kỳ thị; vì bác ái “tỏa kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần” (bẻ bén nhọn, xóa phân biệt, hòa cùng sáng, chung cùng bụi).
Chúa Kitô nêu đức bất phân: đến với người Samaria (kẻ nghịch của Do Thái), gần với giới thu thuế (tay sai cho Roma nước đô hộ), và gái điếm (hạnh kiểm xấu), thương người lớn yêu trẻ con, dạy dân nghèo không bỏ kẻ giàu, chữa bệnh nhân, thu nạp kẻ hèn mọn làm môn sinh... Chúa là đạo, kẻ bất phân có đạo trong lòng.
(*) Nat King Cole (Nathaniel Adams Coles1919-1965) một nam danh ca da đen lừng danh người Mỹ thập niên 1945-1965; giọng ca ngọt hơn mật của ông “hái hết trái tim phụ nữ” Mỹ da đen da trắng thời đó khiến ông “dính” nhiều trận đòn thù của quý ông… chồng có máu ghen Hoạn Thư.
NK
Ngày xửa ngày xưa có một cây táo to.
Một cậu bé rất thích đến chơi với cây táo mỗi ngày. Nó leo lên ngọn cây hái táo ăn, ngủ trưa trong bóng râm. Nó yêu cây táo và cây cũng rất yêu nó.
Thời gian trôi qua, cậu bé đã lớn và không còn đến chơi với cây táo mỗi ngày. Một ngày nọ, cậu bé trở lại chỗ cây táo với vẻ mặt buồn rầu, cây táo reo to.
- Hãy đến chơi với ta.
Cậu bé ngày xưa nói:
- Cháu không còn là trẻ con, cháu chẳng thích chơi quanh gốc cây nữa. Cháu chỉ thích đồ chơi thôi và cháu đang cần tiền để mua chúng.
Cây táo nói:
- Ta rất tiếc là không có tiền, nhưng cậu có thể hái tất cả táo của ta và đem bán. Rồi cậu sẽ có tiền.
Cậu bé rất mừng. Nó lặt tất cả táo trên cây và sung sướng bỏ đi, cây táo lại buồn bã vì cậu bé chẳng quay lại nữa.
Một hôm, cậu bé –giờ đã là một chàng trai– chàng trai trở lại và cây táo vui lắm:
- Hãy đến chơi với ta đi!
Chàng trai trẻ lại phụng phịu:
- Cháu không có thời gian để chơi. Cháu còn phải làm việc nuôi sống gia đình. Gia đình cháu đang cần một mái nhà để trú ngụ. Bác có giúp gì được cháu không?
Cây táo già lại nhanh nhảu nói:
- Ta xin lỗi, ta không có nhà. Nhưng cậu có thể chặt cành của ta để dựng nhà.
Và chàng trai chặt hết cành cây. Cây táo mừng lắm nhưng cậu bé vẫn chẳng quay lại. Cây táo lại cảm thấy cô đơn và buồn bã.
Một ngày hè nóng nực, chàng trai –bây giờ đã là người cao tuổi– quay lại và cây táo vô cùng vui sướng.
- Hãy đến chơi với ta.
Người đàn ông nói:
- Cháu đang buồn vì cảm thấy mình già đi. Cháu muốn đi chèo thuyền thư giãn một mình. Bác có thể cho cháu một cái thuyền không?
Cây táo già khọm lại cũng cứ cái tính nhanh nhảu:
- Hãy dùng thân cây của ta để đóng thuyền. Rồi cậu chèo ra xa thật xa và sẽ thấy thanh thản.
Chàng trai năm xưa chặt thân cây làm thuyền. Ông chèo thuyền đi.
Nhiều năm sau, ông lão “chàng trai năm xưa” quay lại.
Vừa trông thấy bóng ông lão “cậu bé ngày xưa, chàng trai năm nào”, cây táo cũng cứ cái tật nhanh nhảu nói liền:
- Xin lỗi, con trai của ta. Nhưng ta chẳng còn gì cho con nữa. Không còn táo.
- Con có còn răng nữa đâu mà ăn.
- Ta cũng chẳng còn cành cho con leo trèo.
- Con đã quá già rồi.
- Ta thật sự chẳng giúp gì cho con được nữa. Cái duy nhất ta còn lại là bộ rễ đang chết dần chết mòn của ta –cây táo nói trong nước mắt.
- Ôi! Con cũng chẳng cần gì nhiều, chỉ cần một chỗ ngồi nghỉ. Con đã quá mệt mỏi sau những năm đã qua.
- A, thế thì cái gốc cây già cỗi này là một nơi rất tốt cho con ngồi dựa vào và nghỉ ngơi đấy! Hãy đến đây với ta.
Ông lão “cậu bé năm xưa, chàng trai năm nào” ngồi phịch xuống trên gốc cây. Cây táo mừng rơi nước mắt.
Đây là câu chuyện của tất cả chúng ta. Cây táo chính là hình ảnh của cha mẹ chúng ta. Khi chúng ta còn trẻ, ta thích chơi với cha mẹ. Khi lớn lên, chúng ta bỏ các ngài mà đi và chỉ quay trở về khi chúng ta cần cha mẹ giúp đỡ. Nhưng bất kể lúc nào… cha mẹ vẫn cứ luôn sẵn sàng chờ đón, mời chào và nâng đỡ chúng ta để chúng ta được hạnh phúc.
Vấn nạn: Mọi người Công giáo đều được rỗi linh hồn? Vì họ đều đã được cứu độ? (Một giáo dân).
Trao đổi
Rất chắc chắn họ đều nhận được ơn cứu độ. Nhưng không chắc tất cả họ đều được rỗi linh hồn.
Được biết và được tin Chúa Kitô, ấy là được Chúa gọi và ban ơn cứu độ qua việc được rửa tội.
Tin rồi thực hành Lời Chúa dạy là đáp trả ơn gọi thì mới được rỗi linh hồn tức vâng nghe lời Chúa: yêu thương mọi người
Vậy ơn cứu độ có 2 chiều: chiều nhận và chiều đáp trả.