Trong kho tàng kinh nguyện của người Công Giáo Việt Nam, không biết tự bao giờ đã lưu truyền một bản tuyên xưng và hướng dẫn đời sống đức tin, được các tín hữu đọc vào mỗi Chúa Nhật cũng như những ngày lễ trọng, lễ cả trong năm, đó chính là: Kinh Nghĩa Đức Tin, hay còn gọi là Kinh Ngày Chúa Nhật Hôm Nay. Tình cờ một hôm, tôi tìm lại kinh này trong cuốn “Mục lục”: Thiên Chúa Thánh Giáo - Nhựt Khoá[1] mới tái bản, không biết do ai in lại, nơi Kinh Nghĩa Đức Tin, trang 42, có câu: “chúng tôi hiệp nhau kính lạy thờ phượng Chúa, không khen cảm tạ ơn Chúa...”. Đang khi đó, nguyên văn là khong khen. Chứng tỏ người in lại sách này không hiểu nghĩa từ khong khen là gì. Để hiểu chữ này, thiết nghĩ chúng ta nên tìm hiểu các chữ khen, khong, ngợi và những từ ghép của chúng.
1.Nghĩa của khen, khong, ngợi.
1.1. KHONG là chữ Nôm啌, có 3 nghĩa: (1) đt. Khen, dùng lời ca ngợi cái hay cái đẹp của người: “Từ nay quốc mạch lâu xa, Kẻ khong thịnh trị người ca thái bằng (Thiên Nam Ngữ Lục[2]). “Xem thôi kẻ vịnh người khong, Hoa trôi nét bút ngọc ròng lời tao” (Ngọc Kiều Lê[3]). (2) dt. Cái khoen: Khong sắt. “Khong bẹt” (từ lóng chỉ cái khóa vòng bạc, cũng như nói “khánh vọt” chỉ cái khánh bằng vàng): “Thế ‘khánh vọt’ với ‘khong bẹt’ đâu?” (Bỉ vỏ)[4]. (3) tt. Ốm (gầy), nhỏ. Theo nghĩa này phát sinh các từ: khong khảytt. Dong dảy, nhỏ thó: Bộ khong khảy; khong khỏngtt. Dong dỏng, ốm và hơi cao: Khong khỏng cao.
1.2.KHENđt. có 6 chữ Nôm: , 𠳦 ,𠸦,,,, chỉ có một nghĩa là “Đánh giá tốt”[5], “ca ngợi”[6], “tán dương, ca tụng, dùng lời ca ngợi cái hay cái đẹp của người”[7], hay “nói lời tâng đỡ vì tài năng, vì công nghiệp; lấy làm hay giỏi”[8]. Ví dụ: Đáng khen, khá khen; “Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo” (Hồ Xuân Hương, Đèo Ba Dội); “Cam sành chê đắng chê hôi, Hồng rim chê lạt, cháo bồi khen ngon” (Ca dao); “Khen phò mã tốt áo” (Thành ngữ).
1.3.NGỢI (đt.) có 3 chữ Nôm:𠿿, 𡃛, 𡅷. Có 2 nghĩa: (1) Nghĩa hẹp: Khen, dùng lời ca ngợi cái hay cái đẹp của người: “Mấy vần thơ cũ ngợi hoàng hoa” (Trần Trùng Quang, Tiễn Nguyễn Biểu đi sứ), “Chép vào sử kí thơ xanh ngợi rằng” (Việt Sử Diễn Âm[9], c. 1045).(2) Nghĩa rộng: Ngâm vịnh, tức là gợi, kể ra bằng lời văn, câu thơ: “Đã thiên ngợi nhớ, lại chương ngâm sầu” (Phan Trần[10]). “Khi khóe hạnh, khi nét ngài, Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa” (Kiều, c. 1213-1214).
2. Từ ghép của khen, khong, ngợi.
Các từ điển xưa[11] cho thấy các từ đơn khen, khong, ngợi được kể là những từ thuần Việt, đều có cùng một nghĩa với chữ khen, tức là “dùng lời ca ngợi cái hay cái đẹp của người”. Ba từ này có thể kết hợp thành 6 từ ghép như sau: khen khong, khen ngợi, khong khen, khong ngợi, ngợi khen, ngợi khong.
Sau đây, chúng tôi xin dài dòng trích dẫn từ các bản văn thơ và kinh nguyện cổ xưa để thấy việc sử dụng các từ ghép này trước khi nêu ra những nhận xét về chúng.
2.1. Khen khong:
“Vua thường nghĩ ngợi khen khong gái mầu” (TNNL, c. 6596).
2.2. Khen ngợi:
“Con hiền cha mẹ an tâm. Một nhà khen ngợi, nghìn năm bia truyền” (Gia Huấn Ca).
“Một đội ơn cùng khen ngợi Chúa con mà thôi” (Sách kinh địa phận Hải Phòng-Bùi Chu-Thái Bình (viết tắt: SKBC), Kinh Cám ơn tắt, tr. 49).
“Thượng hoàng nghĩ ngợi khong khen, Chàng này cả dậy ắt nên thân người” (TNNL, c. 5549-5550).
“Ra vào vừa được sáu đông, Huệ hoàng nắc nỏm có lòng khong khen” (TNNL, c. 5629-5630).
“Vua cùng chư tướng hội binh, Khong khen Quốc Tuấn nên danh tướng tài” (TNNL, c. 6539-6540).
“Khá khong khen Khâm Từ có đức, Làm mẫu nghi tiếng nức sáu cung” (Thiên Nam Minh Giám[12], Thuận Hoá, 1994, c. 409-410).
“Đệ trình ông xiết khong khen, Giá này lầu hạc đình liên cũng nhường” (Hoa Tiên[13], c. 331-332).
“Nước duềnh Hán Việt đòng rửa sạch, Khúc nhạc từ réo rắt khong khen” (Chinh Phụ Ngâm Khúc[14] , c. 381-382).
“Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi, Thơm dường bao cho miệng lưỡi khong khen.” (Hàn Mặc Tử, Ave Maria).
“Hoa vươn lên cho mầm sống bao phen, Người đi ở, đều khong khen cảm tạ” (P. Tình, Những đóa hoa trại Cognin).
“Ta đây khác cõi nói tiếng riêng, Nghe lời giảng khong khen Thiên Chúa” (Sách kinh Giáo phận Quy Nhơn, Kinh Tán Tụng Ngôi Cao Thiên Chúa, tr. 297).
“Cho ngày sau chủ chăn và đoàn chiên được hiệp vầy cùng nhau trên đất phước mà tán tụng khong khen Chúa đời đời. Amen” (Nhựt khóa, Tân Định, Sài Gòn 1965, Kinh nguyện cho hàng linh mục, tr. 213-214).
“Xin làm cho tôi đặng về quê thật ở đó đặng hiệp vầy cùng các thánh Thiên Thần đặng hiệp làm một cùng vua Đavít mà tán tạ khong khen danh Chúa đời đời chẳng cùng. Amen” (Nhựt khóa, Tân Định, Sài Gòn 1965 (viết tắt: NKTĐ), Lãnh Thánh Thể kinh kì - Kì tứ hậu, tr. 277):
“đặng sum vầy cùng nhau ở trên thiên đàng mà tán tạ khong khen danh Chúa, lại đặng hưởng phước cùng nhau đời đời chẳng cùng. Amen”. (NKTĐ, Lãnh Thánh Thể kinh kì - Kì ngũ hậu tr. 285).
“thì đặng cả lòng trông cậy ngày sau sẽ thấy Chúa tôi tỏ tường, sẽ ngồi một bàn cùng các thánh thiên đàng, hưởng một phước cảm tạ khong khen một Chúa Ba Ngôi đời đời chẳng cùng. Amen” (NKTĐ, Lãnh Thánh Thể tiền kinh, tr. 237):
2.4. Khong ngợi:
“Vũ tạ múa may tiên dưới động, Thơ ca khong ngợi khách trên đời” (Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập[15], 63b, tr.261).
2.5. Ngợi khen:
“Trọng trả lời kiên cường khẳng khái. Giặc chém rồi cũng phải ngợi khen” (Đại Việt Sử Lược Diễn Ca[16], c. 2309-2310).
“Làm nên trọng chức cao quyền. Trong ngoài ai chẳng ngợi khen bậc hiền” (Gia Huấn Ca).
“Đã nên có nghĩa có nhân. Trước sau trọn vẹn, xa gần ngợi khen” (Kiều, c. 2909-2910).
“Lạy Chúa, xin hãy mở miệng lưỡi con ra thì con sẽ cao rao những lời ngợi khen Chúa” (SKBC, Kinh Sấp Mình, tr. 13).
“cùng thờ lạy kính mến ngợi khen và hát mừng sự mầu nhiệm Rất Thánh này đời đời chẳng cùng. Amen” (SKBC, Kinh Mình Thánh, tr. 67).
“cho đến khi con đã lên thiên đàng ngợi khen hát mừng những sự thương xót Đức Bà đời đời. Amen” (SKBC, Kinh viếng Đức Bà Maria, tr. 69).
“Xin làm cho từ Bắc chí Nam cực vang dội một tiếng: Ngợi khen Trái tim Chúa vì đã mua chuộc ơn cứu rỗi cho chúng con” (SKBC, Kinh Dâng loài người cho RTTT ĐCG, tr. 109).
“Tôi kính nhớ ngợi khen Đức Mẹ, Đã hưởng phần vui vẻ lạ thay” (SKBC, Kinh Văn Côi thập ngũ sự thi ca, tr. 135.136).
“Chúng con cám ơn Đức Chúa Giêsu cực tốt cực lành, cực vui cực sáng, mà thờ phượng ngợi khen Đức Chúa Giêsu” (SKBC, Kinh cầu Tên Rất Thánh ĐCG, tr. 196).
“Trái tim Đức Chúa Giêsu rất đáng ngợi khen mọi đàng” (SKBC, Kinh cầu Trái Tim Cực Thánh ĐCG, tr. 196).
“Đức Nữ rất đáng kính chuộng. Đức Nữ rất đáng ngợi khen” (SKBC, Kinh cầu Đức Bà, tr. 214).
“Cho ngày sau được lên thiên đàng mà hưởng phúc trọng ấy, cùng tạ ơn ngợi khen và mến đức Chúa Giêsu đời đời chẳng cùng. Amen” (SKBC, Kinh kính Tên Cực Trọng ĐCG, tr. 237).
2.6. Ngợi khong:
“Lại còn chép để dòng dòng, Bốn câu vịnh sử ngợi khong nên lời” (Việt Sử Diễn Âm[17], c. 1085-1086).
“Dưới trên kính trọng, trong ngoài ngợi khong” (Song Tinh Bất Dạ[18], c. 2048).
“Lầu cao một tiệc quỳnh dao. Xiết nào nghênh kính, xiết nào ngợi khong” (Lưu Nữ Tướng[19], c. 1109-1110).
2.Nhận xét về các từ ghép của khen, khong, ngợi.
3.1.Khen khong, khen ngợi, khong khen, khong ngợi, ngợi khen, ngợi khong là những từ ghép đẳng lập[20]. Cả 3 thành tố: khong, khen và ngợi có vai trò bình đẳng và có ý nghĩa tương tự nhau, do đó đã xảy ra trường hợp bấp bênh về trật tự của các thành tố này (tương tự trường hợp bảo đảm - đảm bảo, đơn giản - giản đơn, tranh đấu - đấu tranh).
Vì không hiểu nghĩa chữ khong nên có người[21] coi từ khong khen là từ láy, tức là loại từ ghép mà các thành tố trực tiếp kết hợp lại với nhau chủ yếu là theo quan hệ ngữ âm (hoặc thanh điệu, hoặc phụ âm đầu, âm giữa hay âm cuối vần) mà thôi. Ngày nay, trong khi những từ khen khong, ngợi khong, khong khen, khong ngợi đã trở thành từ cổ[22], thì hai từ khen ngợi và ngợi khen vẫn còn được sử dụng rộng rãi. Để lý giải hiện tượng này, theo chúng tôi đó là do hiện tượng mất nghĩa của chữ khong. Khi tra một số tự điển lớn[23] hiện nay, chúng tôi đã không thấy có mục từ này nữa.
Theo PGS Vương Lộc[24] để giải thích hiện tượng mất nghĩa ở một yếu tố trong từ ghép cần dựa vào sự so sánh các tiếng địa phương với nhau để tìm cách giải đáp. Ví dụ, ở ngôn ngữ toàn dân thì cộ trong xe cộ, núc trong bếp núc, chằm trong chằm vá, trưa trong ruộng trưa, rú trong rừng rú, vv... đều đã mất nghĩa. Nhưng ở các địa phương cộ còn có nghĩa là một thứ xe không bánh do trâu bò kéo (Đô Lương); núc còn có nghĩa là ông đầu râu (Huế); chằm còn có nghĩa là may (Nghệ An, Huế); trưa còn có nghĩa là đám ruộng mạ (Nghệ An), rú còn có nghĩa là núi (Nghệ An). Do đó có thể nghĩ rằng từ ghép láy nghĩa chính là loại từ được cấu tạo bằng cách kết hợp hai yếu tố gần nghĩa thuộc hai tiếng địa phương khác nhau để tạo ra một đơn vị có khả năng hiểu được trên một địa bàn rộng lớn hơn. Tách riêng ra từng yếu tố thì tất nhiên sẽ có vùng hiểu, nhưng cũng có vùng không hiểu.
Trường hợp các từ ghép với yếu tố khong mà chúng ta đang xét ở đây, cũng theo PGS Vương Lộc[25], chữ khong có nguồn gốc từ tiếng Tày-Nùng khoong: có nghĩa là khen. Vì có nguồn gốc từ vùng đông bắc Bắc bộ Việt Nam[26], yếu tố khong không có tầm quan trọng phổ biến về mặt ý nghĩa như yếu tố khen hay ngợi trong ngôn ngữ toàn dân, do đó yếu tố khong bị mờ nghĩa dần, đưa đến mất nghĩa hoàn toàn như hiện nay.
3.2. Việc mượn hẳn một từ trong ngôn ngữ khác, đem kết hợp với một yếu tố có sẵn của mình để tạo ra từ mới trong tiếng Việt không phải là hiếm. Ví dụ: Mượn từ garde (canh giữ, bảo vệ) trong tiếng Pháp, kết hợp với từ canh, chúng ta có từ canh gác. Nếu Hán Việt được mượn chủ yếu trong từ vựng khoa học, thì tiếng Tày (Thái, Nùng...) lại được mượn chủ yếu trong ngôn ngữ nói, đời thường mà nhiều người nghiễm nhiên coi đó là từ thuần Việt. Nhân đây chúng tôi cũng muốn nêu thêm một vài từ khá quen thuộc, thỉnh thoảng ta hay gặp, mà nhiều người cho rằng đây là dấu vết của tiếng Tày-Nùng trong tiếng Việt[27]: Bản làng, hú gọi, thuộc làu, chó má, mặt nạ. Chúng tôi tra nơi quyển Từ Điển Tày-Nùng - Việt[28] thấy ghi:
Bản: Làng, xóm: tọn mà bản: dọn về làng.
Hú: Gọi (to), gào: hú te mà: gọi nó về.
Làu: Thuộc lòng: toọc làu: đọc thuộc lòng.
Ma: Chó: ma đăm: chó mực.
Nả: Mặt: nả đáo: mặt hồng hào.
3.3.Nói đến chữ khen chúng tôi không thể không nhắc đến cách dùng chữ này trong hai bản văn bất hủ của Cụ Phạm Trạch Thiện[29] là Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi Ca và Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chương là hai ca vãn hát dâng hoa đã được phổ biến rộng rãi trong khắp các cộng đoàn họ đạo từ Bắc chí Nam, được nhiều nhà nghiên cứu trân trọng tham khảo và được nhiều nhạc sĩ Công Giáo hưởng ứng mô phỏng, sáng tác, như một đề cương mang tính giáo khoa mẫu mực:
- Trong Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi Ca, thay vì dùng 5 chữ khen, tác giả đã dùng 2 chữ khong khen, ngợi hát, 2 chữ ngợi khen và 1 chữ tạ khen rất linh hoạt và tinh tế:
Con kính nhớ ngợi khen Ðức Mẹ,
Ðã hưởng phần vui vẻ lạ thay...
Vui vì Chúa vào đền thờ cả
Thánh Simi kính tạ khen Người,...
Con cám mến ngợi khen kính nhớ,
Sự Ðức Bà mừng rỡ Con mình...
Ba phần tóm lại mười lăm chục
Cảm nhớ khong khen công cứu thục,...
Mười lăm sự ngắm về lần hạt,
Chúng con xin ngợi hát khong khen.
- Trong Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chương, thay vì dùng 6 chữ khen, tác giả đã dùng những chữ khong khen, ngợi khen, ngợi mừng và sánh khen xen lẫn với nhau:
Trên trời dưới đất cầm quyền,
mọi loài đáng phải khong khen bội phần. (c. 19-20)
Đẹp lòng Đức Mẹ thương yêu
Vốn hằng chầu chực xin điều ngợi khen. (c. 23-24)
Bảy hoa mượn chỉ nghĩa mầu,
Hình dong ơn phúc kính tâu ngợi mừng. (c. 79-80)
Còn muôn phúc cả ơn riêng,
Trăm hoa khôn khá sánh khen được nào. (c. 83-84)
Đội ơn Đức Mẹ nhân từ
Đã cho con mọn ngây thơ ngợi mừng. (c. 103-104)
Đời này được sự bằng yên,
Đời sau lại được ngợi khen hát mừng. (c. 111-112)
Bên cạnh những từ ghép khen khong, khen ngợi, khong khen, khong ngợi, ngợi khen, ngợi khong còn có những từ đồng nghĩa như ca ngợi, ngợi ca, ca tụng, tụng ca, ca khen, khen khao, chúc tụng, tán tụng, tán dương, biểu dương, xiển dương... là những từ ghép song tiết nhịp đôi rất dễ đọc, đã được các thế hệ Công Giáo tiền bối sử dụng trong các bài thơ, khúc hát, ca vịnh, ca vãn hay kinh nguyện theo cách vừa linh hoạt trong ngữ nghĩa, vừa tinh tế trong sắc thái biểu cảm đã góp phần gìn giữ và phong phú hoá vốn từ của dân tộc.
4. Kết luận.
Ngẫm lại việc nhiều người ngày nay đã không hiểu nghĩa chữ khong khen nên đã sửa thành không khen trong Kinh Nghĩa Đức Tin khi in lại sách kinh hoặc đưa lên trên các trang mạng, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi chạnh nhớ lời than thở của Nhà thơ Lê Đình Bảng[30]: “Vâng, cái vốn hiếm quý ấy đã và đang rơi rớt, nhạt nhoà, thậm chí sẽ bị khâm liệm chôn vùi trước nhịp đời đô thị công nghiệp hoá và một khi lớp người gác cửa quá khứ qua đi, không ai kế thừa, chẳng ai quan tâm, đầu tư, lưu giữ”. Than ôi!
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
[1]THIÊN CHÚA THÁNH GIÁO - NHỰT KHÓA, Imprimerie de la Mission, 289 Đường Hai Bà Trưng, Tân Định - Saigon, 1965, 354 trang, khổ: 70x90 mm.
[2]THIÊN NAM NGỮ LỤC (viết tắt: TNNL) xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XVII, là một bản sử ca trường thiên, một tác phẩm văn vần dài nhất trong kho tàng văn học viết bằng chữ Nôm còn lại đến ngày nay, bao gồm 8.136 câu thơ lục bát, 31 bài thơ chữ Hán và 2 bài thơ Nôm. Nguyễn Lương Ngọc và Đinh Gia Khánh phiên âm chú thích giới thiệu. Nxb Văn Hoá, Hà Nội 1958. http://sachbaovn.vn/doc-truc-tuyen/sach/Thien-Nam-Ngu-Luc-MTkwRDRC
[3] NGỌC KIỀU LÊ TÂN TRUYỆN (玉嬌梨新傳) truyện thơ Nôm lục bát, gồm 2926 câu do Lý Văn Phức (1785-1849) chuyển thể từ tiểu thuyết trường thiên Ngọc Kiều Lê (玉嬌梨), còn có tên là Song mỹ kỳ duyên (雙美奇緣) của Trương Vân (張昀), người Trung Quốc đầu đời Thanh. Nội dung chính gồm 20 hồi kể về chuyện tình giữa các cô gái Hồng Ngọc, Mộng Lê với chàng thư sinh Tô Hữu Bạch. Tuy có người vẫn chưa biết mặt nhau nhưng cảm vì tài năng mà đem lòng yêu mến, trải bao sóng gió nào nhận lầm nhau, lưu lạc, lừa đảo rồi ép duyên nhưng cuối cùng họ vẫn đoàn viên hạnh phúc.
[4] Nguyên Hồng, BỈ VỎ, Nxb Hội Nhà văn, 1999, tr.70.
[5] Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, Nxb. Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 1999.
[6] Lm. Antôn Trần Văn Kiệm, GIÚP ĐỌC NÔM VÀ HÁN VIỆT, Nxb. Đà Nẵng, 2004.
[7] Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, TỰ ĐIỂN VIỆT NAM, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1970.
[8] Huình Tịnh Paulus Của, ĐẠI NAM QUỐC ÂM TỰ VỊ, Rey, Curiol & Cie, Sài Gòn, 1895. Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1974.
[9]VIỆT SỬ DIỄN ÂM hay DIỄN CA LỊCH SỬ VIỆT NAM, ra đời vào khoảng niên hiệu Cảnh Lịch nhà Mạc (1548-1553), Nguyễn Tá Nhí sưu tầm, giới thiệu, biên dịch. Nxb. Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội 1997, 249tr.
[10]PHAN TRẦN (潘陳, họ Phan và họ Trần) là một truyện thơ Việt Nam bằng chữ Nôm, dài 954 câu lục bát, không rõ tác giả là ai, và có lẽ ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XIX.
[11] x. Alexandre de Rhodes, TỪ ĐIỂN ANNAM - LUSITAN - LATINH (TỪ ĐIỂN VIỆT - BỒ - LA), Roma, 1651. Phiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 199 , tr.365; Ex Opere Ill. et Rev. Taberd constans Necnon AB Ill. et Rev. J.S., TỪ ĐIỂN ANNAM - LATINH (DICTIONARIUM ANAMITICO - LATINUM), Theurel, Serampore Mashman, Ấn Độ, 1838. Nxb. Ninh Phú, in lần thứ 2, 1877, tr.234; Huình Tịnh Paulus Của, Sđd, tr.484, 500, 716; J. F. M. Génibrel, DICTIONNAIRE ANNAMITE FRANÇAISE, Mission à Tân Định, Sài Gòn, 1898, tr.366; Lm. Eugène Gouin, MEP, DICTIONNAIRE VIETNAMIEN CHINOIS FRANÇAIS, D’Extrême Orient, Sài Gòn, 1957, tr. 655, 671, 934.
[12]THIÊN NAM MINH GIÁM (天南明監) còn gọi là Gương sáng trời Nam, tập diễn ca lịch sử Việt Nam, ra đời khoảng nửa đầu thế kỷ 17, gồm 936 câu thơ Nôm song thất lục bát, kể từ thời Hồng Bàng đến Lê Trung Hưng. Tác giả khuyết danh là tôn thất họ Trịnh, được chúa sai làm. Sách viết theo quan điểm chính thống, phần về Lê-Trịnh thì thiên vị, tán dương quá đáng, nhưng thấm đậm tinh thần dân tộc, đề cao anh hùng giữ nước, danh nhân văn hoá, phê phán bọn quyền gian tội phạm xâm lược. Tự sự, miêu tả, khắc hoạ chân dung thì hùng hồn, gợi cảm. Là tác phẩm đầu tiên dùng thể thơ này để diễn ca lịch sử.
[13] Truyện HOA TIÊN (花箋) hay Hoa Tiên Ký Diễn Âm (花箋記演音), Hoa Tiên Nhuận Chính (花箋潤正): Truyện thơ Nôm lục bát do Nguyễn Huy Tự (1743-1790) chuyển thể từ ca bản (歌本) (còn gọi là xướng bản 唱本 bản dùng để hát) có nhan đề Hoa tiên ký (花箋記) hay Tĩnh Tịnh Trai đệ bát tài tử Hoa tiên ký (靜淨齋第八才子花箋記) của Trung Quốc, đã được người đời Thanh là Tĩnh Tịnh Trai (靜淨齋) bình chú. Truyện kể về cuộc tình duyên trắc trở giữa hai nhân vật chính: Lương Sinh và Dương Dao Tiên, vì hai bên viết lời thề nguyền gắn bó với nhau trên hai tờ giấy hoa tiên nên truyện mới có tên là Hoa tiên.
[14]CHINH PHỤ NGÂM KHÚC (征婦吟曲) nguyên tác văn vần chữ Hán của Đặng Trần Côn, ra đời trong khoảng năm 1741 giai đoạn sơ kỳ Cảnh Hưng; bản dịch chữ Nôm có người cho là của Đoàn Thị Điểm (1705-1748), có người cho là của Phan Huy Ích (1751-1822).
[15]HỒNG ĐỨC QUỐC ÂM THI TẬP (洪德國音詩集)tuyển tập thơ chữ Nôm của Vua Lê Thánh Tông và triều thần, sáng tác khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), được thời sau sưu tập.
[16]ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC DIỄN CA, Lịch sử Việt-Nam với 8512 câu thơ của Hồ Đắc Duy và Nguyễn Bá Triệu.
[17]VIỆT SỬ DIỄN ÂM mới được phát hiện và xuất bản năm 1997 tại Hà Nội. Tác phẩm gồm 2.334 câu thơ. Trong đó có 2.318 câu theo thể lục bát, 18 câu thất ngôn xen vào ở phần cuối. Chưa rõ tác giả là ai, nhưng lời thơ cho thấy tác giả đã sống và viết tác phẩm này vào khoảng giữa thế kỷ XVI, dưới thời nhà Mạc. Nội dung tác phẩm kể lại lịch sử Việt Nam qua các triều đại từ sơ thủy cho đến thời nhà Mạc.
[18]SONG TINH BẤT DẠ là tác phẩm diễn Nôm từ truyện Định tình nhân (những người có tình gắn bó) của một tác giả khuyết danh, người Trung Quốc thời Minh - Thanh được Nguyễn Hữu Hào viết trong những năm làm trấn thủ Quảng Bình (1704-1713).
[19]TRUYỆN LƯU NỮ TƯỚNG của Ngọc Cang Lại và Như Sơn Hồ, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1965, 243 trang.
[20]Từ ghép đẳng lập (hay còn gọi là từ ghép láy nghĩa) là loại từ ghép trong đó các thành tố trực tiếp có vai trò bình đẳng với nhau và có ý nghĩa láy nhau: (1) Hoặc vì các thành tố đồng nghĩa với nhau: hư vô, bạn hữu, bụng dạ, máu huyết,tư duy, thổ địa, tiện lợi, cốt nhục, đợi chờ, máu mủ, xinh đẹp; (2) Hoặc vì các thành tố gần nghĩa với nhau: thanh danh, vĩnh viễn, thương nhớ, nhà cửa, áo quần, ăn uống, đi đứng. (3) Hoặc vì các thành tố trái nghĩa với nhau: thị phi, thành bại, đầu đuôi, sống chết, già trẻ, gần xa, trong ngoài.
[21] Bùi Duy Dương, Nghiên cứu sinh Khoa Ngôn ngữ học, ĐH KHXH&NV, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, Luận văn “Từ láy trong Thiên Nam Ngữ Lục”, tr.3.6. Trong loạt bài “Từ Điển Việt-Bồ-La giúp hiểu rõ ý nghĩa một số kinh đọc Chúa Nhật và lễ trọng” Sr. Minh Thùy (OP) có giải thích: “‘khong khen’ với nghĩa là ‘khen’ dưới dạng từ láy, trong đó yếu tố ‘khong’ là yếu tố không có nghĩa” (http://www.conggiaovietnam.net).
[22] Từ cổ là những từ đã từng tồn tại trước đây trong những văn bản nói và viết, nhưng hiện nay không còn trong ngôn ngữ toàn dân nữa.
[23] Đã tra: Viện Từ Điển Học và Bách Khoa Thư Việt Nam, TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA VIỆT NAM, 4 tập , Viện KHXH, Hà nội, 1996-2005; Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, Nxb. Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 1999; Nguyễn Lân, TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ VIỆT NAM, Nxb. TP.HCM, TP.HCM, 2000; Ngôn Ngữ Việt Nam, Đăng Khoa & ntg, TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, Nxb. Từ Điển Bách Khoa, Hà Nội, 2013.
[24] Trích dẫn từ Vương Lộc, trong bản luận văn “Tiếng địa phương Nam Đàn”, Nguyễn Tài Cẩn, NGỮ PHÁP TIẾNG VIỆT, Nxb ĐH và THCN, Hà Nội 1981, tr. 93.
[25] Vương Lộc, TỪ ĐIỂN TỪ CỔ, in lần thứ II, Nxb Đà Nẵng và Trung Tâm Từ Điển Học, Hà Nội - Đà Nẵng, 2002.
[26] Người Tày Nùng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái với địa bàn cư trú chủ yếu là vùng Lưỡng Quảng và một phần vùng đông nam Vân Nam thuộc Trung Quốc và vùng đông bắc Bắc bộ Việt Nam.
[27]LỊCH SỬ VIỆT NAM, Tập 1, Viện Khoa Học Xã Hội, TP HCM, 2009.
[28] Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo, Hoàng Chí, TỪ ĐIỂN TÀY-NÙNG - VIỆT, Nxb Từ Điển Bách Khoa, Hà Nội 2006.
[29]Phạm Trạch Thiện (1818-1903), người làng Cốc Thành (giáo xứ Cổ Ra, giáo phận Bùi Chu), huyện Nam Trực (Đại An), tỉnh Nam Định. Người đương thời gọi ông bằng cái tên rất dân gian mà trọng thị là “Cụ Cử Thiện”. Ông là tác giả của các tác phẩm Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chương (Vãn Dâng Hoa Đức Bà), Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi Ca (Vãn Đức Bà Mân Côi) và Thánh Mẫu Thi Kinh (Vãn Kinh Cầu Đức Bà).
[30] Lê Đình Bảng, Đi Tìm Bản Văn - Cung Điệu Dâng Hoa, thuyết trình tại buổi hội thảo của Uỷ Ban Thánh Nhạc Việt Nam, ngày 07/10/1996.