Trong bữa ăn trưa đãi khách tại nhà xứ, cha phó hỏi một trong hai vị khách là nữ tu đã hơn 40 năm sống ở nước ngoài nay về nước có công tác:
- Ở bên đó, khuynh hướng hát thánh ca hiện nay ra sao thưa quý Dì?
Dì Tuyết lớn tuổi hơn quay sang bảo với dì đi cùng “…dì Lan trả lời thì chính xác hơn”, dì Lan trả lời:
- Thưa hai cha! Khuynh hướng mới là cả cộng đoàn cùng hát chung một vài câu ngăn ngắn. Nhưng về bài hát thì con không rành lắm!
Cha sở hỏi:
- Thỉnh thoảng có hát Bình ca không?
Dì Tuyết gật đầu, còn dì Lan thì trả lời:
- Thưa có chứ! Lễ lớn như Giáng sinh, Phục sinh… hát vài bài Bình ca bằng tiếng Latin thời danh và quen thuộc như Adeste… Victimae…
Cha phó hỏi:
- Về Việt Nam quý Dì thấy thánh ca ở đây thế nào?
Dì Lan vui vẻ đáp:
- Thưa… cũng… vui… lắm! Ơ… ơ…
Cha sở hỏi:
- Thôi rồi! Ở chỗ quý Dì không có người Việt cho nên không quen nghe thánh ca Việt Nam. Bây giờ về đây mới thấy vui. –Quay sang cha phó- Thấy vui là hỏng rồi!
Dì Lan trả lời tránh né nhưng dì Tuyết thì trả lời thẳng thừng:
- Về một họ đạo ở quê, con nghe hát thánh ca mà điếc cả tai. Hỏi mấy người quen họ nói ở đây hát vậy đó! Cha sở bị lãng tai (điếc), hát sao cha nghe thấy mới được. Có lẽ lâu dần Chúa nghe cũng quen tai!
Dì Tuyết nhận xét:
-Họ hát với đàn và trống điện tử đinh tai nhức óc đến nỗi không còn nghe ca đoàn hát gì nữa… vậy thì làm sao cầu nguyện?
Dì Tuyết nói xong lắc đầu tỏ vẻ không hiểu nổi. Cha phó nói:
-Bên đó có chơi đàn organ điện tử trong nhà thờ không thưa quý Dì?
Dì Lan trả lời:
- Thưa không. Thứ đàn đó theo con nghĩ, họ dùng để đi picnic, chơi bum...
Càng nói, hai Dì càng thật lòng hơn, không giữ ý nữa.
Dì Lan hỏi cha sở:
- Sáng nay trong nhà thờ, con nghe trong khi nói gì đó về thánh nhạc… cha có nhắc đến chữ “chân nhạc”. “Chân nhạc” là gì thưa cha?
Cha sở kể lể:
-Vì có liên quan đến vấn đề thánh nhạc, nên tôi nói qua chút xíu vậy mà. Chân nhạc là Thánh ca Phụng vụ.
Dì Tuyết hỏi ngay:
- Thánh ca Phụng vụ... là thánh ca hát trong phụng vụ… ?
Cha sở trả lời:
-Thánh ca Phụng vụ là thánh ca hát bản văn phụng vụ… khác với thánh ca hát những nội dung khác do chính nhạc sĩ sáng tác.
-Đó là chân nhạc? –dì Tuyết hỏi-
Cha sở gật đầu xác nhận:
-Đúng! Nhưng vì hát đúng nguyên văn bản văn phụng vụ nên phải phổ nhạc theo quy luật riêng.
Dì Lan hỏi:
-Thưa cha! Ở đây đã hát chưa?
Cha sở cười:
-Chưa! Nhưng đang chuẩn bị.
Dì Tuyết hỏi:
-Nhưng vì sao gọi là “chân nhạc”?
Cha sở giải thích:
-Vì muốn phổ nhạc cho bản văn phụng vụ buộc phải mô phỏng cách làm của Bình ca.
Dì Lan ngoài bốn mươi nhưng dáng dấp còn trẻ đẹp, còn sôi nổi nên quan tâm ngay đến khía cạnh cộng đồng, hỏi:
-Như vậy hát lên nghe có hay không? Có hợp với tai người thời nay không?
Cha sở gật đầu:
-Có! Nếu đã theo đúng quy chuẩn nghệ thuật là đi vào lòng người. Còn nói “chân nhạc” hàm ý một là bản văn nguyên si, đó là cái thật thứ nhất; hai là âm nhạc quần chúng: giản dị, chân sáng, dễ hát, dễ thuộc, ít tốn giờ tập hát, đó là cái thật thứ hai; không chú trọng nhịp điệu và hòa âm rườm rà, đó là cái “chân” thật thứ ba; bài thánh ca ngắn gọn nhưng súc tích, đó là cái thật thứ tư.
Dì Lan dần dần bị thuyết phục trong khi dì Tuyết còn chưa nắm bắt hết vấn đề. Dì Lan nói với dì Tuyết:
-Chúng ta hát Thánh ca Phụng vụ hằng ngày ở bên đó mà mãi vẫn không biết, cho đến khi hôm nay về đây mới tỏ tường.
Dì Lan nhận định:
-Trong cuộc sống, chúng ta còn lơ đểnh với nhiều chuyện quan trọng lắm! Mà có khi những việc quan trọng ấy ở ngay bên cạnh chúng ta chứ chẳng phải ở đâu cho xa, thưa hai cha.