(VTC News) - Tôi đã không tin vào mắt mình khi tận mắt trong cuốn hộ khẩu kia, bà Sông sinh năm 1923, tức là năm nay, bà Sông đã 87 tuổi.
Con đường về xã Sử Pán xuyên qua bãi đá cổ Sapa, đã rải nhựa phẳng phiu. Khu nhà của đại gia đình, con cháu bà Hạng Thị Sông nằm cách đường liên xã không xa, rải rác trên lưng chừng núi, thuộc bản Vạn Sử. Hỏi nhà bà Hạng Thị Sông thì ai cũng lắc đầu “chư pâu” (không biết), nhưng khi nhắc: “Bà Sông yêu chàng trai 36 tuổi”, thì ai cũng biết.
Trong số cả chục người con của bà Hạng Thị Sông, thì có anh Vàng A Đỏ là người thành đạt nhất, hiện là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Sử Pán, do đó, tôi tìm vào nhà anh Đỏ.
Theo anh Vàng A Đỏ, thì người mẹ của anh có số phận vô cùng bất hạnh. Cả đời bà, cho đến tận bây giờ, vẫn long đong với
công cuộc tìm kiếm hạnh phúc. Đã mấy lần, bà tìm được hạnh phúc cho mình, dù là rổ rá cạp lại, nhưng rồi hạnh phúc đó lại tuột mất. Anh Vàng là người hiểu biết, nên rất thương bà.
Theo lời anh Đỏ, bà Sông quê ở xã Sa Pả, cùng quê với Giàng A Linh. Năm 15 tuổi, lấy ông Giàng A Thào, cũng ở xã Sa Pả. Bà Sông và ông Thào có với nhau được 3 người con là Giàng Thị Sáy, Giàng Thị Máy, Giàng A Chống.
Tuy nhiên, khi người con thứ ba mới lọt lòng, thì ông Thào chết vì bạo bệnh, mà không rõ bệnh gì.
Chồng đầu chết được vài năm, bà Sông đi tiếp bước nữa với ông Vàng A Páo, ở xã San Sả Hồ. Bà Sông sinh cho ông Páo được hai người con là Mã Thị Chá và Vàng Thị Si. Khi hai người con còn rất nhỏ, ông Páo cũng ra đi mãi mãi.
Chuyện hai người con bà Sông mang họ khác nhau, liên quan đến một thiên tình sử cực kỳ lãng mạn và đau buồn. Trước khi lấy ông Páo, bà Sông yêu say đắm ông Mã A Sử, ở bản Cát Cát. Tuy nhiên, cuộc tình của hai người đã bị gia đình ông Sử ngăn cản quyết liệt. Ông Sử đã phải gạt nước mắt lên xe hoa với người phụ nữ do bố mẹ cưới cho, còn bà Sông ngậm đắng nuốt cay với cái thai đã rất lớn trong bụng.
Đang lúc buồn đau, tính nhai nắm lá ngón cho xong đời, thì gặp ông Vàng A Páo. Ông Páo đã lấy bà Sông về làm vợ và chấp nhận thai nhi trong bụng. Vì quá yêu ông Sử, nên bà Sông đề nghị giữ nguyên họ Mã cho con và ông Páo cũng đồng ý.
Ông Páo chết, 4 năm sau, vào năm 1956, bà Sông lấy ông Vàng A Phổng ở xã Sử Pán, đẻ thêm được 3 người con nữa. Theo ông Đỏ, hiện 3 người con của bà Sông là Máy, Chống, Sáy đã chết vì tuổi già.
Tôi hỏi:
- Bà Sông có bao nhiêu con cháu?
Ông Đỏ ngồi bấm ngón tay, ngón chân, tuy nhiên, bấm hết các đốt mà vẫn chưa hết đàn con cháu của bà Sông.
Ngồi trò chuyện với ông Đỏ, tôi nhẩm đi tính lại, thấy có người con của bà Sông đã 70 tuổi. Chẳng lẽ, bà đẻ con năm lên… 10! Đem điều này ra thắc mắc, ông Đỏ bảo:
- Không phải nó 80 tuổi đâu, gần 90 tuổi rồi đấy!
Nói rồi, ông Đỏ trèo lên gác, lục tìm một lúc thì mang xuống cho tôi xem chiếc sổ hộ khẩu. Tôi đã không tin vào mắt mình khi tận mắt trong cuốn hộ khẩu kia, bà Sông sinh năm 1923, tức là năm nay, bà Sông đã 87 tuổi.
Với tuổi chừng đó, bà Sông đã có đến cả trăm con, cháu, dâu, rể và một đàn chắt mấy chục đứa. Ông Đỏ kể rằng, lẽ ra, năm ngoái bà Sông đã có chút, nếu như đứa chắt của bà không bị sảy thai.
Chắt của bà Sông là Vàng Thị Giả, năm nay 20 tuổi. Giả lấy chồng năm 17 tuổi và mang bầu năm 18 tuổi. Tuy nhiên, Giả đã bị sảy thai và hiện tại vẫn chưa mang bầu lại.
Ông Đỏ bảo:
- Những đứa chắt của nó với bố mình thì mình nắm được, chứ chắt của nó với chồng trước thì ở xa lắm, mình không biết đâu. Có lẽ chắt của nó lấy chồng lấy vợ sinh chút rồi cũng nên!.
Trước mặt đông đảo con, cháu, chắt của bà Hạng Thị Sông, tôi hỏi anh Đỏ:
- Anh có biết chuyện bà Sông yêu một chàng trai mới 36 tuổi không?
Anh Đỏ bảo:
- Biết chứ, mình biết lâu rồi mà!
- Thế anh không ngăn cản sao?
- Mình cũng bảo với nó là thằng kia trẻ, nó già thế, thằng kia không lấy đâu, nhưng nói nó không nghe, thì mình cũng chịu thôi, không nói nữa.
Người tìm xuống tận Sapa để “chia loan rẽ nguyệt” chính là chị Dính và chị Xóa, con đẻ của bà Sông, em của ông Đỏ. Chị Dính và chị Xóa sau khi mắng người tình của mẹ mình một hồi thì hỏi thật Linh:
- Anh có yêu mẹ tôi thật lòng không?
Linh trả lời:
- Tôi yêu bà Sông thật lòng.
Hai chị chẳng nói được gì nữa, quày quả bỏ về.
Tôi lại hỏi ông Đỏ và chị Dính, chị Xóa rằng, nếu bà Sông đòi đưa Giàng A Linh về nhà ở cùng, tổ chức cưới hỏi, gia đình có đồng ý không? Điều đặc biệt là mọi người đều đồng ý cả. Anh Đỏ bảo:
- Nếu hai người thích nhau thật lòng, thì mình cũng đồng ý thôi. Đã thích nhau, yêu nhau thì kệ thôi, không giữ được đâu!
Rời xứ sở Mường Tiên, xứ sở của rất nhiều huyền thoại tình yêu, khi sân quần giữa thị trấn Sapa đã vang lên những tiếng khèn, kèn môi dìu dặt, réo rắt. Các chàng trai Mông ôm khèn, nhảy lò cò như dẫm phải than bỏng. Tiếng khèn rằng: “Tôi là con chim chưa có tổ/ Cây rừng nhiều/ Mà tôi là con khướu chưa có cành đậu/ Từ rất xa/ Gió mách tôi ở đây có em…”.
Dù chuyện tình của bà Sông và Linh, có thể không đi đến một cái kết như cuộc sống thường tình, dù chuyện tình này không trở thành một huyền thoại mới ở xứ sở tình yêu, nhưng tôi tin rằng, câu chuyện tình này sẽ để lại nhiều suy ngẫm. (Phạm Ngọc Dương)
Trong thời gian thực hiện loạt phóng sự về câu chuyện tình độc nhất vô nhị
Khi những dòng đầu tiên lên báo, tòa soạn đã nhận được cả ngàn phản hồi, thắc mắc. Phần lớn độc giả cho rằng, cuộc tình này thuần túy là chuyện tình cảm, cảm xúc, chứ không thể có “chuyện kia”. Ngay cả các nhà khoa học cũng cho rằng, mối tình của cặp tình nhân Hạng Thị Sông và Giàng A Linh chỉ là “tình chay” mà thôi.
Trước rất đông người, tôi đặt câu hỏi với bà Sông và Linh:
- Thế hai người thuê trọ cùng phòng, cùng ở với nhau, có làm gì nhau không?
Tôi đề nghị Giàng A Mai, người phiên dịch câu chuyện này dịch đúng nghĩa đen của tiếng Mông. Cả bà Sông và Linh đều bụm miệng cười ỏn ẻn, mặt đỏ gay.
Lát sau, mới thỏ thẻ:
- Có chứ, có làm việc chứ, làm việc với nhau bình thường mà.
Tôi đã hỏi đi hỏi lại câu này và cả hai người đều trả lời vui vẻ, thẳng thắn. Những người chứng kiến câu chuyện đều hiểu rằng cặp tình nhân này vẫn mặn nồng lắm.
Trước đó, tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Lịch, chủ nhà trọ thường xuyên cho “đôi chim cu gáy” này thuê. Khi hỏi về chuyện đôi tình nhân kỳ lạ, bà Lịch cũng cười tủm tỉm bảo:
- Hai người vẫn yêu nhau bình thường đấy…
Bà Lý Lẩu Mẩy, người Dao, từng có gần chục năm trời đi bán hàng rong, thậm chí đêm cũng ngủ cùng bà Sông, thì khẳng định bà Sông và Linh yêu nhau thật lòng và thời gian yêu nhau đã hơn 6 năm rồi. Tình yêu của hai người này gồm cả tình cảm và thể xác.
Theo bà Mẩy, bà Sông là người chăm chút người tình bé nhỏ rất chu đáo. Đêm lạnh, bà đun nước nóng rửa mặt mũi, lau người, và nấu lá thuốc để Linh ngâm chân cho khỏe. Những đêm Linh không xuống Sapa, bà Mẩy thấy bà Sông cứ trằn trọc khó ngủ. Bà Sông phải đắp chiếc áo của Linh lên mặt hít hà một hồi lâu mới chìm được vào giấc ngủ.
Tôi hỏi vui bà Sông:
- Thế hai người yêu nhau nồng say thế này, bà mang bầu, sinh em bé thì sao?
Bà Sông bảo:
- Bà già rồi mà, không đẻ được nữa đâu.
Tôi lại hỏi:
- Nhưng nếu đẻ được, bà có thích đẻ con với Linh không?
Bà Sông lắc đầu quầy quậy:
- Không đẻ nữa đâu, cứ sống thế này thích hơn.
Chị Nguyễn Thanh Vân, nhà ở tổ 7, đường Fansipan xen vào câu chuyện giữa chúng tôi. Chị Vân bảo rằng, chị đã chứng kiến mối tình của bà Sông và Linh lâu lắm rồi. Chị thường xuyên nhìn thấy cảnh hai người tay trong tay rất tình tứ. Chị Vân khẳng định:
- Hai người này là những kẻ si tình, yêu nhau thật lòng mới bền chặt, gắn bó với nhau như vậy. Mối tình của họ khiến cho mình thật ngưỡng mộ.
Để tìm hiểu thêm về Giàng A Linh, tôi đã về xã Sa Pả, nơi Linh sinh ra và hiện vẫn đang sống ở đó.
Đại gia đình của Linh sống trên sườn ngọn núi La Pán cao chót vót. Ngọn núi đã bị cạo trọc, chẳng thấy có cây cối gì. Những ngôi nhà của người Mông đen xì, rải rác khuất sau những tảng đá xám đen xếp lô xô.
Khi tôi đến nhà, nhà khóa cửa, chẳng có ai. Tôi ngồi trên tảng đá, chờ đến trưa thì thấy bà Má A Chỉnh lững thững cuốc bộ về nhà. Bà Chỉnh không biết tiếng Kinh, tôi phải nhờ Giàng A La, cháu nội bà và gọi Linh bằng chú phiên dịch giúp.
Tôi hỏi bà Chỉnh:
- Bà có biết chuyện Linh yêu bà già 80 tuổi không?
Bà Chỉnh bảo:
- Biết chứ, biết lâu rồi mà.
- Thế bà có đồng ý cho hai người lấy nhau không?
Bà Chỉnh lắc đầu quầy quậy:
- Bà không đồng ý đâu. Nó già lắm, về nhà chả làm ăn được, lấy về mà nuôi nó à. Ta chỉ cho lấy thằng trẻ, không cho lấy thằng già. Thằng nào 25 tuổi thì ta mới cho lấy.
Theo bà Chỉnh, nhiều lần Linh đã nói với bà chuyện này, nhưng bà nhất quyết không đồng ý. Mấy lần giận con, bà nhốt Linh ở nhà. Bà bảo:
- Hôm kia nó về nhà, bà khuyên ngăn nó không được, bà nhốt trong nhà. Nhưng nó ở nhà được có hai ngày, lại tìm xuống thị trấn gặp cái thằng già kia rồi.
Theo bà Chỉnh, Linh là đứa con cực kỳ hiền lành, ngoan ngoãn. Bà không hiểu vì sao Linh nhất định không yêu hai người vợ do bà cưới cho, khiến hai người vợ đó bỏ đi cả. Bà cũng không hiểu vì sao Linh lại đi yêu một người già như thế.
Khi tôi ngồi trò chuyện với bà Chỉnh, chị Vàng Thị Dẩu, con dâu trưởng của bà Chỉnh xen vào:
- Thằng Linh bị trúng bùa mê thuốc lú rồi. Mình đã cậy nhờ đến nhiều thầy cúng, mà vẫn chẳng ăn thua gì. Hai anh trai Lềnh và Só của Linh vừa khuyên can, vừa mắng chửi, nhưng Linh vẫn chẳng nghe. Anh Lềnh chồng mình đã đi tìm mấy cô dẫn về nhưng Linh nó không thích, cứ thích cái thằng già kia thôi. Giờ chịu, không bảo được nữa rồi.
Tôi hỏi bà Chỉnh:
- Linh có bị tâm thần không?
Bà Chỉnh lắc đầu quầy quậy:
- Nó không bị tâm thần đâu. Nó khôn và tốt bụng lắm. Kiếm được đồng tiền nào, nó cũng dúi cho mẹ. Hôm nào ở nhà, nó đi chợ, nấu nướng cho mẹ ăn, dọn ổ cho mẹ ngủ.
Tôi lại hỏi:
- Linh có hay say rượu, phá phách, nói càn không?
Bà Chỉnh lắc đầu:
- Linh không nghiện rượu đâu. Có rượu thì nó uống, không có thì thôi. Nó hiền lành lắm, chả cãi lại mẹ bao giờ cả. Ở nhà, mình thương nó nhất.
Để chứng minh con trai mình không bị tâm thần, bà Chỉnh dẫn tôi lên gác ngôi nhà. Trên gác, đầy ắp những bao lúa, bao ngô. Bà Chỉnh kể, Linh làm việc rất chăm chỉ và giỏi giang. Bà già rồi, không làm được gì nữa, do Linh làm hết. Một tay Linh cày ruộng, trồng lúa, trồng ngô, gặt hái. Bản Sa Pả của xã Sa Pả này khắp nơi chỉ toàn núi đá, ruộng ít, nhà nào cũng đói ăn mỗi năm 4-5 tháng, nhưng mẹ con bà Chỉnh thì chẳng đói kém bao giờ.
Chuyện cục vàng khối và nước mắt của chàng 36, nàng 80
(VTC News) - Nghe bà Sông bày tỏ nỗi lo khi chết đi, không biết ai sẽ chăm sóc cho người tình, Giàng A Linh im lặng, chẳng nói gì. Từ khóe mắt của chàng trai bị người đời rủa là tâm thần (theo lẽ thường, có tâm thần mới đi yêu bà già!), những giọt nước mắt chảy ra.
Thất vọng vì cuộc sống gia đình, với hai lần lấy vợ rồi lại chia tay, Giàng A Linh đã theo đám bạn vào bãi vàng So Cho ở khu vực Cầu 31 trên đường đi Lào Cai để đào đãi vàng. Đây là bãi vàng nhỏ, song trữ lượng tập trung nên ối người phất lên nhanh chóng.
Một lần, khi đang lắc máng, Linh tròn mắt khi thấy một cục vàng to tướng, lên màu vàng chóe nằm chềnh ềnh giữa máng. Linh hét lên sung sướng, nhiều người cũng được tận mắt cục vàng đó.
Người phiên dịch cuộc trò chuyện của chúng tôi là Giàng A Mai, từng đi đào đãi vàng ở mỏ vàng này, cũng khẳng định rằng Linh đã đào được cục vàng thô khá lớn.
Sau khi trúng cục vàng, nghĩ rằng đã thoải mái tiền tiêu, Linh không tiếp tục công việc này nữa mà bỏ về luôn. Người Mông là thế, họ không tham lam, cuộc sống cứ hồn nhiên như cây cỏ, không nghĩ nhiều cho ngày mai.
Linh đem cục vàng xuống Lào Cai bán cho một hiệu vàng. Đặt lên bàn cân, thấy nó nặng 2 lạng 9 chỉ 3 phân (?!). Tuy nhiên, không biết rõ giá trị cục vàng thô này thế nào, nên Linh chỉ bán được vài chục triệu đồng.
Sau này, lôi chuyện Linh trúng cục vàng ra hỏi, bà Má A Chỉnh, mẹ đẻ Linh cũng khẳng định rằng, 6 năm trước, Linh đã đào được cục vàng, bán được mấy chục triệu. Linh đã chia cho mẹ một nửa số tiền, mua mấy con trâu, số còn lại Linh đem đi tiêu xài.
Bà Mã Thị Ngà, người Kinh, gốc Ninh Bình, chủ quán cơm và rượu ở chợ Sapa cũng xác nhận chuyện Linh đào được cục vàng, vì chính miệng Linh kể với bà. Trúng cục vàng, Linh có rất nhiều tiền, nên ngày nào cũng từ xã Sa Pả xuống thị trấn Sapa uống rượu. Phần lớn thời gian Linh ăn nhậu trong quán bà Ngà.
Vì Linh và bà Sông đều thường xuyên uống rượu, ăn cơm ở quán bà Ngà, nên hai người đã quen nhau và mối tình đặc biệt này đã bắt nguồn từ đây.
Theo lời Linh, bà Sông và cả bà Ngà, lúc đầu, Linh chỉ có tình thương với bà Sông mà thôi. Qua những bữa uống rượu cùng nhau, nghe bà Sông kể về thân phận mình, Linh đã rất thương cảm. Bà Sông đã nhiều lần lấy chồng, song người chết bệnh, người chết nghiện, thân già vẫn phải bán hàng rong kiếm sống.
Mỗi khi từ Sa Pả xuống thị trấn Sapa uống rượu, Linh đều đi tìm bà Sông, rồi hai người chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhau. Họ coi nhau như nơi trút bầu tâm sự. Khi chia tay, Linh đều cho tiền bà Sông để bà có tiền ăn, tiền thuê nhà trọ qua đêm.
Bà Ngà bảo:
- Trong khi xã hội thì cứ đồn đại Linh yêu bà Sông vì bà Sông có cả hũ vàng, nhưng ngược lại, Linh mới là người có vàng. Do vậy, nếu bảo Linh yêu bà Sông để lợi dụng thì càng không đúng.
Giàng A Linh kể, không biết có phải do uống rượu nhiều không, nhưng cách đây chừng 4 năm, một ngày, khi đang trên đường từ Sapa về nhà, đột nhiên anh thấy trời đất như quay cuồng trước mặt, rồi ngã vật ra đất, lên cơn co giật. Từ đó đến nay, cứ chừng 2-3 tháng, lại có một lần Linh ngã lăn ra đất co giật, sùi cả bọt mép. Điều này cũng được gia đình Linh, một số người ở chợ Sapa chứng nhận.
Dù chưa có cơ quan y tế nào xác định tình trạng bệnh tật của Giàng A Linh, song có thể đoán anh bị bệnh động kinh. Tuy nhiên, sau cơn co giật, anh lại tỉnh táo, vui vẻ, hoạt bát như người bình thường.
Đang là người nuôi nấng, chăm sóc người đàn bà lang thang Hạng Thị Sông, đến một ngày Linh hết tiền, lại mắc bệnh, bà Sông lại trở thành người chăm sóc Giàng A Linh. Bà Lịch, chủ nhà trọ kể:
- Những lần thằng Linh ốm, bà Sông đun nước thuốc, rửa chân, lau mặt mũi cho nó. Hôm nào bà Sông ốm, thằng Linh lại làm vậy. Chiều nhau lắm!
Tôi hỏi bà Sông:
- Linh yêu bà trước hay sau khi mắc bệnh động kinh?
Bà Sông bảo:
- Hồi chưa mắc bệnh Linh đã thích bà rồi, giờ mắc bệnh, ốm yếu hơn, Linh vẫn thích bà như trước, không thay lòng đổi dạ đâu.
Nghe bà Sông nói vậy, Linh cũng tủm tỉm cười xác nhận.
Tôi lại tiếp tục hỏi bà Sông:
- Vậy giờ Linh mắc bệnh thế này, bà có bỏ Linh không?
Bà Sông suy nghĩ một lát, tự dưng nước mắt chảy ra. Bà lấy vạt áo lau nước mắt rồi bảo:
- Bà già rồi, không sống được lâu nữa, chắc sẽ chết trước Linh thôi. Bà lo lắng và thương Linh lắm. Nhỡ bà chết đi mà chưa chữa khỏi được bệnh cho Linh thì không biết ai sẽ chăm sóc cho Linh nữa.
Nhắc đến chuyện bệnh tật của Linh, bà Sông đã khóc.
Nghe bà Sông nói thế, Giàng A Linh im lặng, chẳng nói gì. Từ khóe mắt của chàng trai bị người đời rủa là tâm thần (theo lẽ thường, có tâm thần mới đi yêu bà già!), những giọt nước mắt chảy ra. Khi ấy, hàng chục người đứng xung quanh nghe câu chuyện cũng lặng im và xúc động.
Trong lòng tôi, nhiều cảm xúc khác nhau cũng ập về. Tôi có những người bạn ở ngay giữa thủ đô văn minh hoa lệ, cuộc sống vương giả, họ đều trên dưới 80 tuổi, song vẫn lấy những cô vợ mới trên dưới 20 tuổi đầu, trông như ông cháu. Họ say sưa kể về cuộc tình của mình rất ly kỳ, đáng trân trọng, rất đích thực và xã hội cũng coi đó là chuyện bình thường. Tôi còn quen một ông chủ tịch một tập đoàn Đông y, mà mọi người trong tập đoàn đó gọi vui là “tập đoàn dê”, vì từ ông to đến ông bé đều có vài vợ trẻ. Họ cũng gọi đó là tình yêu, không cần quan tâm những người phụ nữ trẻ đẹp kia chấp nhận làm lẽ vì lý do gì.
Tôi chợt nhớ đến mối tình của Chí Phèo và Thị Nở, của một kẻ gàn, và một nàng dở. Chỉ một bát cháo hành, mà giữa họ, đã có một tình yêu không những đặc biệt, mà còn tuyệt đẹp. Đã có biết bao áng văn vẫn chưa ca ngợi hết được vẻ đẹp đến thánh thiện của mối tình giữa kẻ gàn và kẻ dở ấy.
Với quan niệm về chuẩn mực đạo đức hiện thời, chắc chuyện tình yêu của bà Hạng Thị Sông và Giàng A Linh kia nhiều người cho là bất bình thường. Nhưng tôi tin rằng, không phải vì cái sự bất bình thường đó mà nó không là một thứ, một dạng của tình yêu.
Ngoài việc độc giả phản hồi qua mạng, nhiều độc giả còn gặp trực tiếp tác giả để hỏi rằng: “Việc này có thật hay không? Bà già 80 tuổi thì còn cái gì nữa mà quan hệ được”. Câu hỏi về chuyện quan hệ tình dục của bà già 80 tuổi đến nhiều nhất từ những độc giả từ 50 tuổi trở lên. Tác giả bài viết không biết trả lời thế nào ngoài việc bật máy ghi âm, sổ ghi chép, mở máy ghi hình cho họ xem.
Các chuyên gia tâm lý, các nhà khoa học cũng tranh cãi trên mặt báo, mỗi người nói một kiểu, dù họ chưa tận mắt, tận tai cuộc tình này bao giờ, chỉ thu thập thông tin qua những bài báo, rồi suy luận theo logic khoa học.
Đỉnh điểm là chuyện một tác giả, đã từng viết về chuyện tình này trên báo, nay đột nhiên tiếp tục đăng báo phản lại những chuyện mình đã viết, bác bỏ mối tình này, và coi đó là một mối tình vụ lợi, của những kẻ tâm thần.
Để có cái nhìn khách quan hơn nữa về mối tình này, để độc giả hiểu hơn nữa về câu chuyện tình không những kỳ lạ nhất Việt Nam và thế giới này, tác giả đã trở lại Sapa vào những ngày mây mù, buốt giá.
Suốt đêm nằm trên tàu gần như thức trắng, quay quắt với những câu hỏi: Đây có phải là một mối tình thực sự hay không? Giàng A Linh có lợi dụng bà Hạng Thị Sông để có tiền uống rượu hay không? Đây có phải là hai kẻ tâm thần? Họ có quan hệ chăn gối bình thường như vợ chồng hay không? (Chẳng lẽ lại đi chụp ảnh quay video trộm cảnh đôi tình nhân ân ái, chứng minh cho người đời thấy rõ, để lại bị mắng vì nhòm trộm)…
Thật bất ngờ, khi từ đầu đường xó chợ, chỗ mấy anh xe ôm co ro trong giá lạnh, bên lò sưởi trong các khách sạn, bên những quán đồ nướng túm năm tụm ba, chỗ bà hàng thịt, chị hàng rau… đâu đâu cũng thấy bàn tán chuyện bà Hạng Thị Sông 80 tuổi và mối tình với chàng trai mới 36 tuổi đầu. Họ in những trang báo mạng để truyền tay nhau đọc.
Chị Khuyên, quản lý khách sạn Khuyên Ngọc ở đường Thạch Sơn kể:
- Mấy ngày nay, du khách chưa hỏi thuê phòng đã hỏi về chuyện tình của bà lão 80 và chàng trai 36 tuổi. Họ còn in cả những trang báo, in hình đôi tình nhân này để tìm gặp.
Dù cuộc tình của bà Hạng Thị Sông với Giàng A Linh đã được cả nước biết đến, hàng trăm diễn đàn mở ra để bình phẩm, khen ngợi, chửi bới, nguyền rủa… song cuộc sống của bà Hạng Thị Sông và Giàng A Linh vẫn vậy, chả có thay đổi gì. Họ không biết chữ, chẳng biết báo chí là gì, càng không biết mạng Internet là cái gì, nên những thứ xa xỉ của cuộc sống văn minh đó chẳng thể ảnh hưởng gì đến họ.
Chị Khuyên nói thêm:
- Tôi biết chuyện tình của hai người này lâu lắm rồi. Nếu họ biết chữ, có tri thức, thì chắc họ đã kiện ra tòa rồi, sao lại ác miệng rủa họ bị tâm thần, rồi bảo thằng Linh lợi dụng bà già để có tiền uống rượu cơ chứ. Chúng tôi ai cũng biết Linh là đứa hiền lành, chịu khó, rất tốt bụng là đằng khác!
Thị trấn Sapa nhỏ bằng lòng bàn tay, nên tôi tìm thấy ngay “đôi chim cu gáy” Hạng Thị Sông và Giàng A Linh. Hai người vừa ăn sáng xong ở chợ Sapa. Gặp tôi, như gặp lại người cũ, người từng ngồi hàng giờ uống rượu cùng giữa chợ, Giàng A Linh bắt tay lắc lấy lắc để. Bà Sông thì cứ nắm chặt tay tôi hỏi:
- Cháu có khỏe không? Lâu lắm mới thấy lên thăm bà.
Biết có nhà báo, cả khu chợ túm năm tụm ba quanh chúng tôi. Ai cũng cười nói vui vẻ, bàn tán xôn xao, rôm rả, cười vang cả khu chợ. Điều đặc biệt, tôi không nhận thấy những nụ cười trêu ghẹo, khinh bỉ, mà là những nụ cười vui, thậm chí trân trọng chuyện tình này. Tất cả những người bán hàng trong chợ Sapa đều khẳng định đây là một mối tình, bởi vì, họ đã có 6 năm trời chứng kiến đôi uyên ương này cùng say bên chén rượu và tay trong tay liêu xiêu về nhà trọ qua đêm.
Để có được sự khách quan và sự chính xác trong cuộc trao đổi giữa tôi với cặp tình nhân đặc biệt này cũng như với hàng chục người chứng kiến cuộc tình, “người rừng” Trần Ngọc Lâm (nhân vật trong loạt bài của tác giả về bãi đá cổ trong rừng Hoàng Liên Sơn tương tự bãi đá cổ Sapa - pv) đã tìm cho tôi một người phiên dịch chuyên nghiệp. Ông Lâm là người sống nhiều năm với người Mông, nên ông biết rằng, nếu không giỏi cả tiếng Mông lẫn tiếng Kinh, sẽ dễ có sự nhầm lẫn. Ví dụ, người Mông nói thích một ai đó, thì có thể chỉ là quý, chứ chưa chắc đã là yêu.
Người phiên dịch cho tôi là Giàng A Mai, là một người Mông, nhưng nói tiếng Kinh như người Kinh, do đó, sẽ phiên dịch rất chính xác.
Máy ghi âm đã bật sẵn. “Người rừng” Trần Ngọc Lâm làm nhiệm vụ chụp ảnh. Cuộc trò chuyện diễn ra từ sáng sớm đến quá trưa, đã khiến tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Xen lẫn trong câu chuyện là những nụ cười, những giọt nước mắt. Cuộc tình đặc biệt này, đã để lại cho tôi bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Hình như, có một cái gì đó còn trên cả tình yêu thông thường trong câu chuyện tình kỳ lạ nhất thế giới này. (Phạm Ngọc Dương)
Nếu thật đúng là tình yêu thì “không thể hiểu nổi” và cũng “không còn ra thể thống gì!” nữa. Ai không một lần “chạm phải” tình yêu thật sự người ấy sẽ không hình dung ra tình yêu đúng nghĩa như thế nào. NN (Nguyên Nguyên, người giữ mục này) được diễm phúc nhiều lần “chạm phải” tình yêu đích thực; có lần suốt 11 năm, người chị họ lớn hơn NN trên 10 tuổi (sống trôi dạt từ nhỏ), đêm đêm ngồi khóc thút thít trên sàn nhà phía cuối chân giường NN đang ngủ vì quá yêu em họ mà không thể tỏ tình, mỗi lần giật mình thức giấc, NN lặng người nghĩ ngợi sao không thể hiểu tình yêu là “cái thứ gì” mà hành hạ người ta “ghê gớm” đến thế!
Nhưng tình yêu giữa con người với nhau chẳng là gì so với tình yêu Chúa đối với con người –nghe ra rả hoài đâm chai mòn đến không còn hiểu gì nữa về tình yêu của Chúa (?)- Tình yêu ấy đã hành hạ Chúa đến tận cùng. Tình yêu ấy đã hành hạ Chúa đến nỗi Người không chịu nổi, phải bỏ ngai trời cao sang hạ thân giáng thế xuống cõi trần hèn nhơ để ở với con người (Emmanuel) rồi phải gánh chịu muôn vàn khổ nhục, chịu cả cái chết rất thê thảm… tạm dừng giây lát những kiểu nói xưa nay có tính mỹ ngôn định thức như “mầu nhiệm tình yêu”, “chương trình cứu chuộc”, “kế hoạch cứu thế” v.v… để trầm ngâm cảm nghiệm: Chúa yêu ta “không còn thể thống gì”, “không còn hiểu nổi”, “Chúa tương tư con người đến vất va vất vưởng”, “Chúa theo đuổi con người để tỏ tình bất chấp tất cả”… nói thế để may ra ta có thể “chạm phải” tình yêu đích thật của Chúa mà xúc động và yêu đáp lại.
Đàng khác, khi phát hiện có một người nào đó yêu ta cuồng dại, ta bỗng nhận ra họ sao khác lạ, họ sao không còn là chính họ nữa: họ yếu đuối, họ qụy lụy, họ khốn cùng đến gần như đốn hèn có ý thức, họ đáng thương, họ đầy “thân phận”, thậm chí họ chẳng thèm tự trọng và hoàn toàn để mặc cho tình yêu hành hạ xâu xé mình cho đến chết thì thôi.
Chúa yêu ta đơn giản là thế! Chẳng thấy ra nên ta cứ tỉnh bơ suy diễn, suy diễn lung tung.
Vậy hát Thánh ca Phụng vụ là ta hát tình ca vì từng lời lẽ trong ấy đều là những Lời tỏ tình của Chúa.