Ngũ Tử Tư từ lúc lưu vong, xin ăn dọc đường bụng đói lả. Đến đất Phiên Dương thấy một thiếu nữ đang ngồi giặt lụa trên bến Lại Thủy, có đem theo mo cơm đặt bên cạnh.
Tử Tư nói:
- Ta trên bước đường cùng nên mới xin ăn, xin nàng giúp cho!
Thiếu nữ ngước lên nhìn Tử Tư rồi nói:
- Thiếp trông ngài không phải là người thường, đâu dám vì chuyện nhỏ mọn mà không cho ăn?
Người con gái mở gói cơm đưa cho Ngũ Viên (tức Ngũ Tử Tư) và Thắng (Thắng là đứa bé con Thái tử Kiến). Thái tử Kiến bị vua cha muốn giết bỏ, nên trốn tránh qua Trịnh, sau phản Trịnh bị giết ở Trịnh. Tử Tư phải mang Thắng theo). Ngũ Viên và Thắng cùng ăn. Ngũ Viên biết thiếu nữ nghèo khổ, lại ở nơi vắng vẻ, nên không dám ăn hết, để lại cho nàng một phần. Thiếu nữ nói:
- Hai người còn đi xa, hãy dùng hết đi.
Ngũ Viên và Thắng ăn hết cơm. Lúc sắp đi, Ngũ Viên nói:
- Tôi không bao giờ quên ơn nàng. Tôi là người chạy trốn. Nếu gặp người khác xin đừng tiết lộ.
Thiếu nữ than:
- Ba chục năm nay ta chưa hề tiếp chuyện với người đàn ông nào. Giờ vì miếng ăn thành ra thất tiết! Thôi, các ngươi đi đi!
Ngũ Tử Tư đi được mấy bước, ngoảnh mặt thấy cô gái giặt lụa ấy đã ôm lấy cục đá nhảy xuống sông mà trầm mình.
Ngũ Viên bi thương quá đỗi, cắn ngón tay chảy máu, viết hai mươi chữ trên đá: "Nhĩ hoàn sa, ngã hành khất. Ngã phúc bảo, nhỉ thân nịch. Thập niên chi hậu, thiên kim báo đáp" (Nàng giặt lụa, ta ăn xin. Ta bụng no, nàng chết chìm. Hẹn mười năm nữa ngàn vàng báo đền).
Tử Tư lấp đất hòn đá lại rồi dắt Thắng vào nước Ngô.
CHUYỆN NAY
Sống trên đời, ai cũng có những lúc vinh, những lúc nhục (niềm vinh nỗi nhục, gọi tắt là vinh nhục). Chúa Kitô xuống thế làm người để cứu rỗi chúng ta chỉ trong 33 năm mà cũng vinh nhục như mọi người; đã vậy xem ra vinh chỉ vài lần còn nhục thì chất cao như núi và nhục đến… kinh hãi! .
Có 4 loại vinh nhục:
1. Vinh nhục do nhân duyên hay số phận được định sẵn (như giàu nghèo, sang hèn, sướng khổ, may rủi, chủ tớ…).
2. Vinh nhục do nhân quả (tự mình gây ra như sống thiện gặp lành, sống ác gặp dữ, chân gặt chân giả gặt giả…).
3. Vinh nhục do tình huống không ngờ cũng chẳng muốn (lỡ làm lỡ nói, nhầm lẫn, vạ lây, sơ hở, vô ý, trùng hợp, hoàn cảnh trớ trêu, liên lụy, quýt làm cam chịu v.v…).
4. Vinh nhục do chủ quan (ngộ nhận, hiểu sai do quan niệm hoặc do tập tục xã hội…)
Nỗi nhục của cô gái trong câu chuyện trên thuộc loại thứ 4 (quan niệm sai). Ban Biên tập chúng ta có đủ cả 4 niềm vinh nỗi nhục kể trên trong suốt quá trình hình thành Thánh Nhạc Ngày Nay, không cần phải xem xét, chúng ta thấy nỗi nhục nhiều hơn niềm vinh.
Tuy nhiên, BBT không bận tâm bất kỳ loại vinh nhục nào. Đó là nhờ học được ở Đạo đức kinh:
“Vinh hay nhục thì lòng cũng sinh ra rối loạn, sợ vạ lớn thì sinh ra rối loạn. Là vì vinh thì được tôn, nhục thì bị hèn; được thì lòng rối loạn (mừng rỡ mà!); mất thì lòng rối loạn (rầu rĩ mà!); cho nên mới bảo là vinh, nhục sinh ra rối loạn. Vậy phải làm sao? Chúng ta sở dĩ sợ vạ lớn là vì chúng ta có cái thân. Nếu chúng ta quên cái thân mình đi, thì còn sợ gì lòng rối loạn nữa?!
Cho nên người nào coi trọng sự hy sinh thân mình cho thiên hạ, thì có thể tin cậy vào kẻ đó được”.
Được khen tụng không mừng vì đó là vay nợ (do phải rán sống cho đúng với tiếng khen); bị chê chửi không nản (dù cũng có buồn chút ít) vì người chê chửi vay nợ mình (nếu mình không xấu như họ chê, họ tất mắc lỗi với mình). Có những lúc bị giận oan, ghét oan, bị mắng oan, bị nói xấu oan (nhục lắm) nhưng BBT tự thấy lòng chẳng mảy may rối loạn (dù có xao xuyến chút ít và mau qua). Nhờ thế nên công việc cứ vậy mà tiến tới.