Thấy Luân Biển đường đột, Tề Hằng Công bực đáp:
- Sách thánh hiền.
Luân Biển lại hỏi:
- Thánh hiền hiện còn sống không?
- Thánh hiền chết lâu rồi.
Luân Biển nói toạt:
- Thánh hiền chết từ lâu, vậy sách này là cặn bã của cổ nhân để lại.
Tề Hằng Công sôi máu:
- Tôi đọc sách, một tay thợ quèn như anh biết gì mà chõ mõm vào; lại còn cho là cặn bã… Hôm nay anh nói không xong tôi sẽ giết anh.
Luân Biển thản nhiên:
- Ngài đừng giận! Tôi dựa kinh nghiệm đẽo bánh xe mà nói; đẽo mộng nhỏ hơn lỗ mộng ắt bánh xe xộc xệch; đẽo to lắp không vào; phải đẽo mộng vừa khít lỗ mộng bánh xe mới chắc chắn. Đầu hiểu thông, tay làm nhuyễn, lại còn lột tả được. Còn những lời thánh hiền… không thể lột tả rõ, vậy chẳng phải là cặn bã của cổ nhân sao?
Tề Hằng Công nghe thấy cũng phải, không bắt tội Luân Biển được.
Chuyện trên gợi mấy ý: - hiểu thông thấu luôn đi với làm thành thạo, gọi tắt là thông thạo - nói điều gì mình không thông thạo khiến điều đó trở nên giống như vô giá trị – phải thông thạo Lời Chúa mới lột tả được.
Không thể thông thiếu thạo hoặc thạo thiếu thông. Thiếu một vế kể như không có tất cả.
Khi không thông thạo mà nói (lột tả) là nói đại. Nói đại khiến người nghe không làm được hoặc làm sai. Thấy sai nhiều thì cải cách; không thông thạo, nhân loại có cải cách mãi vẫn không tốt lên, có tiến (vỏ) mà không hóa (ruột), lắm đường nhiều đạo đông tín đồ mà cái ác ngày càng ác hơn.
Thông sinh thạo, thạo lại thông thêm; người thông Lời Chúa không thể ở yên, hễ thạo lại càng thông thống… đúng Chúa dạy:"Nước Trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội vùi xuống, vui mừng trở về bán hết những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy”(Mt 13,44).Thông là thấy rõ, thạo là đầu tư (đánh đổi). Càng thấy rõ (thông) càng cả gan đầu tư lớn (thạo),cả gan đến “để kẻ chết chôn kẻ chết”, không “ngó lại sau lưng” (Lc 9,59-62).
NK
Mỗi khi định nổi cáu với người khác, tôi đều bắt mình ngồi xuống, nghĩ và viết ra một bảng liệt kê ưu điểm của người đó.Haley(Dịch từ MhPaker)
Rất lâu trước đây, một ủy viên chấp hành khá cao tuổi của một công ty dầu lửa đã có một quyết định sai lầm khiến công ty thiệt hại hơn 2 triệu USD. John D. Rockefeller lúc đó là người đứng đầu tập đoàn.
Vào cái ngày đen tối mà tin tức khủng khiếp trên được lan truyền ra, hầu hết các nhân viên và ủy viên của công ty đều lo lắng và muốn tránh mặt Rockefeller, không ai muốn bị liên lụy gì.
Chỉ trừ có một người, đó chính là người ủy viên đưa ra quyết định sai lầm kia. Ông ta là Edward T. Bedford. Người đứng đầu tập đoàn, Rockefeller ngay hôm ấy hẹn gặp Bedford. Ông tới rất đúng giờ và sẵn sàng nghe một "bài diễn thuyết" nghiệt ngã từ người chủ của mình.
Khi Bedford bước vào phòng Rockefeller, ông vua dầu lửa đang ngồi bên bàn, bận rộn viết bằng bút chì lên một tờ giấy. Bedford đứng yên lặng, không muốn phá ngang. Sau vài phút, Rockefeller ngẩng lên.
- A, anh đấy hả, Bedford? - Rockefeller nói rất bình tĩnh - Tôi nghĩ là anh đã nghe tin những tổn thất của công ty chúng ta rồi chứ?
Bedford đáp rằng ông đã biết rồi.
- Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này.
Rockefeller nói:
- Và trước khi nói chuyện với anh, tôi đã ghi ra đây vài dòng.
Sau này, Bedford kể lại cuộc nói chuyện của ông với Rockefeller như sau:
"Tôi thấy rõ dòng đầu tiên của tờ giấy mà ông chủ đã viết: 'Những ưu điểm của Bedford'. Sau đó là một loạt những đức tính của tôi, kèm theo đó là miêu tả vắn tắt về những việc mà tôi đã làm cho công ty trước đây. Chi tiết hơn còn có cả những số tiền mà tôi kiếm được, nó nhiều gấp 3 lần so với tổn thất lần này”.
Tôi không bao giờ quên bài học ấy. Trong nhiều năm sau, bất kỳ khi nào tôi định nổi cáu với người khác, tôi đều bắt mình phải ngồi xuống, nghĩ và viết ra một bảng liệt kê những ưu điểm của người đó, dài hết sức có thể. Khi tôi viết xong thì đó cũng là lúc tôi thấy bớt cáu giận. Tôi không biết thói quen này đã giúp tôi bao nhiêu lần tránh được những sai phạm mà tôi có thể mắc phải, đó là việc nổi cáu một cách mù quáng với người khác.
Tôi biết ơn ông chủ tôi vì thói quen này, và bây giờ tôi muốn các bạn biết tới nó.
Vấn nạn:
Nếu thương loài người, hẳn Chúa không để siêu bão cướp đi 5.200 sinh mạng người vô tội Philippin chưa kể người Việt Nam vừa qua một cách phi lý; hoặc lỡ xảy ra như vậy thì Người có cách nào cứu giúp… vì ngay như loài người với nhau, thấy Trung quốc cứu trợ chỉ bằng 100.000 đôla ít ỏi, các nước đã la ầm lên án khiến “anh chàng” vội cứu trợ thêm. (Một giáo dân).
Trao đổi
Chúa là Ông Trời. Xin đọc mấy dòng dưới đây của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ, khảo luận & bình dịch viên quyển Đạo Đức kinh của Lão Tử.
“Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm (1); thánh thần bất nhân, coi trăm họ như chó rơm. Luật thiên nhiên không có tình thương của con người, cứ thản nhiên, vô tâm với vạn vật, mùa xuân tươi tốt, mùa đông điêu tàn...” (Lão Tử, Đạo đức kinh)
1. “Thiên địa bất nhân” (Trời đất bất nhân)
Trời đất đối với vạn vật chí công vô tư, không hề có sự thiên tư, thiên vị. Vạn vật trong trời đất này đều được chi phối bằng những định luật vĩnh cửu, chính vì vậy mới trường tồn. Mùa xuân vạn vật sinh sôi, hoa cỏ đua tươi, khí hậu đầm ấm, lúc ấy không phải là trời đất có lòng thương hơn; mùa đông khi sương sa tuyết phủ, lá rụng hoa rơi, mưa phùn gió bấc, lúc ấy không phải là trời đất mang dạ oán hờn, mà chính là vì chu kỳ biến dịch đã tạo nên những hình thái như vậy.
Trời đất cưu mang, sinh trưởng, che chở vạn vật như vậy, không phải bằng lòng nhân tầm thường của nhân thế, mà bằng một lòng nhân siêu việt. Vì siêu việt nên người ta lại cho là trời đất bất nhân.
Trang tử trong thiên Đại tông sư, đã dùng Hứa Do mà bình về Đạo như sau: “Thầy ta hỡi, Thầy ta hỡi (Đạo), Thầy sắp đặt vạn vật mà không cho thế là làm nghĩa; rưới ân trạch khắp muôn đời mà không cho thế là nhân; có từ trước đời thượng cổ, mà không cho thế là già! Che chở trời đất, chạm trổ hình hài, mà không cho thế là khéo. Ta hoạt động trong Ngài vậy!”
Cũng vì có lòng nhân siêu việt như vậy, nên không thương loài nào, hơn loài nào vị loài nào hơn loài nào. Trong Xung Hư chân kinh có câu chuyện:
Điền thị nước Tề nhà có giỗ tổ, mời thực khách có thời ngàn người. Có một người khách đem biếu cá vàng và ngỗng trời. Điền thị trông thấy, liền nói:
- Trời đối với con người thật là hậu hĩ. Chẳng những đã sinh ra lúa gạo, lại còn sinh ra chim, cá cho con người dùng.
Các thực khách đều đồng thanh hưởng ứng. Duy có con ông Bào thị, mới mười hai tuổi, tiến ra và nói với Điền thị rằng:
- Điều ông vừa nói đó không đúng. Trời đất muôn vật và ta đều là các loài như nhau, chẳng có hơn kém. Các loài khôn, các loài mạnh, ăn thịt các loài ngu, các loài yếu, chứ chẳng phải loài này vì loài kia mà sinh ra. Người bắt loài vật mà ăn thịt, chứ đâu phải trời vốn vì người mà sinh vật. Cũng như muỗi, mòng hút máu người, hổ lang ăn thịt, nhưng không phải là trời đã vì muỗi mòng mà sinh ra người, vì hổ lang mà sinh ra thịt (2)
2. “Thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu” (thánh nhân bất nhân, coi bá tính như chó rơm).
Thánh nhân theo gương đất trời, cũng sống vượt lên trên lòng nhân tầm thường của chúng nhân, không thương kẻ này mà bỏ kẻ kia, không trọng đây khinh đó, nhưng sống thuận theo thời gian, hoàn cảnh, hòa mình cùng muôn vật.
Những trưng dẫn trên chỉ nhằm gợi ý, tuy người ngoài Công giáo cũng được ơn soi sáng; nhưng tất cả mọi hiểu biết trên đời đều phải đặt bên dưới Phúc âm.
(1) Sô cẩu: hình con chó làm bằng cỏ khô hay rơm rạ, chó rơm. Xưa, người ta bện cỏ, rơm thành chó, để dùng khi tế lễ; trước khi dùng đến, người ta quí báu chắt chiu; khi lễ xong rồi, người ta đem vứt bỏ. (Xem Nam hoa kinh, chương 14, D.)