- Thiên hạ lúc mới loạn, các anh hùng hào kiệt cùng gào, cùng thét. Người trong thiên hạ đều như sương đùn, mây họp, lửa bốc, gió tuôn… cá mè một lứa. Trong lúc ấy chỉ lo có một điều là làm sao cho mất nhà Tần mà thôi.
Bây giờ Hán Sở tranh nhau, khiến cho những kẻ vô tội dưới gầm trời, óc gan lầy đất, cha con phơi sương ở giữa ruộng đồng, không sao kể siết!...
Sở cất quân từ Bàng Thành, vừa đánh vừa đuổi, đến mã Huỳnh Dương… oai danh lừng lẫy thiên hạ. Thế mà quân lại bị khốn ở Kinh Sách, bức bách ở Tây Sơn. Đã ba năm rồi không sao tiến được nữa.
Còn vua Hán thì đem vài mươi vạn quân, giữ Cung Lạc, nhờ cái thế hiểm trở của núi sông. Nhưng một ngày đánh mấy trận, không lấy được tấc công. Thua chạy không ai cứu, bại ở Huỳnh Dương, bị thương ở Thành Cao bèn chạy sang miền Uyển Khí.
Thật là “khỏe cũng khốn, mà khôn cũng khốn”
Trăm họ khổ sở kêu ca, nhong nhóng không nơi nương tựa. Cứ như tôi tính, trừ phi hạng Hiền Thánh trong đời, không sao dẹp yên nổi tai vạ trong đời.
Hiện nay tính mạng hai vua treo cả ở tay ngài. Ngài giúp Hán thì Hán được, mà sang Sở thì Sở được. Tôi xin mở lòng dạ, phơi gan mật, bày kế ngu, chỉ sợ ngài không biết dùng. Nếu ngài thực biết nghe kế của tôi, thì không gì bằng giúp cả đôi bên mà để họ còn cả! Chia ba thiên hạ ra như ba chân vạc, thế không ai dám động binh trước. Ngài giữ đất cường Tề, gồm đất Yên đất Triệu, chẳng đủ dựng nên cơ nghiệp lớn ư?
Tôi nghe Trời cho mà không lấy sẽ có họa hại, thời đến mà không làm sẽ phải tai ương. Vậy ngài nên nghĩ cho kỹ!
Hàn Tín nói:
- Vua Hán đãi tôi rất hậu, tự đem xe cho tôi đi. Tự cởi áo cho tôi mặc. Tự xẻ cơm cho tôi ăn. Tôi nghe nói: Đi xe người ta thì mang lo cho người ta ăn. Mặc áo người ta thì bận nghĩ vì người ta. Ăn cơm người ta, thì chết về việc người ta. Tôi há tham lợi mà quên nghĩa ư!
Khoái Triệt nói:
- Ngài tự cho là thân với vua Hán, muốn dựng cơ nghiệp muôn đời! Tôi trộm nghĩ, không gì lầm hơn nữa!…
Xưa, khi Thường Sơn Vương cùng Thành An Quân lúc còn áo vải, cùng kết làm bạn sống chết với nhau. Về sau, cãi nhau về chuyện Trương Áp, Trần Thạch mà hai người trở lại thù nhau. Thường Sơn Vương phản Hạng Vương đem đầu Hạng Anh mà trốn sang với Hán Vương, lại nhờ Hán Vương xuống miền Đông giết Thành An Quân ở phía Nam sông Kỳ, đầu một nơi, chân một nẻo. Rút lại làm trò cười cho thiên hạ. Hai người ấy là hai người chơi thân với nhau nhất ở trong đời, vậy mà rốt cuộc đến giết lẫn nhau là vì sao? Hại sinh ra bởi muốn nhiều mà lòng người khó lường được!
Nay ngài muốn giữ trung tín để cầu thân với vua Hán, tất cũng không sao bền hơn tình bè bạn của loại người kia. Còn việc thì nhiều việc còn lớn hơn Trần Thạch và Trương Áp nữa kìa. Vậy, việc ngài tin vua Hán quyết không hại ngài, tôi cho đó là một việc lầm to tát vậy. Đại Phu Văn Chủng và Phạm Lãi làm cho nước Việt mất mà lại còn giúp cho Câu Tiễn được nên nghiệp bá… thế mà rồi kẻ chết, người trốn. “Muông nội đã hết, thì chó săn cũng giết đi mà ăn thịt”. Nói về tình bạn, thì ngài và Hán Vương không được bằng Thường Sơn Vương và Thành An Quân; mà nói về trung tín, thì chẳng qua ngài như Văn Chủng và Phạm Lãi đối với Câu Tiễn là cùng. Cứ xem hai người đó là đủ. Xin ngài nghĩ cho sâu điều đó!
Vả lại tôi nghe nói: “Dũng lược mà át cả chủ thì khốn thân; công lớn mà trùm cả đầu thì mất thưởng”. Nay tôi xin kể những công lược của Đại Vương: Ngài sang qua Tây Hà tóm vua Ngụy, bắt Hạ Thuyết; dẫn quân xuống Vĩnh Hình giết Thành An Quân, tuần đất Triệu, hiếp đất Yên, định đất Tề; sang Nam đánh tan quân Sở hai mươi vạn; qua Đông giết Long Thư, quay về Tây để trả lời… Kể ra thì công ấy trong thiên hạ không hai, mà lược ấy không mấy đời đã có. Nay ngài đem “oai át cả chủ”, cầm cái “công hết lối thưởng” mà về Sở, thì người Sở không tin, về Hán thì người Hán hoảng sợ… Ngài định mang cái đó về đâu? Thế ở địa vị kẻ làm tôi mà cái oai át cả chủ, danh cao nhất thiên hạ… Tôi trộm nghĩ lấy làm nguy cho ngài.
Còn gì rõ ràng được hơn nữa lời can ngăn cuối cùng của Khoái Triệt. Khi nghe Hàn Tín sắp khởi binh kéo đến Thành Cao giúp Hán Vương đánh Sở, Khoái Triệt vội vã vào thăm. Hàn Tín hỏi:
- Tiên sinh lâu nay đi không trở về bởi tôi ngày trước không biết nghe theo lời dạy, nay đến đây thăm tôi, chắc hẳn là có cao ý gì?
- Tôi chịu ơn tri ngộ của ngài không nỡ để ngài lâm vào cái vạ tày đình.
- Cái vạ tày đình như thế nào?
- Ngài đóng quân ở đây, Hán Vương bị vây khốn ở Cổ Lăng, mấy lần cho vời mà ngài kháng cự không chịu về cứu. Lẽ nào ngài không còn nhớ việc ấy? Vì không có cách gì sai khiến cho nổi, bất đắc dĩ Hán Vương mới sai Trương Lương đem hịch văn đến phong cho ngài làm Tam Tề Vương. Chia đất phong cho, đó là lấy lợi mà đấm miệng để ngài đem quân về giúp. Đâu phải vì ngài công to mà đươc hạ thưởng một cách tuyệt vời như thế, thực ra chỉ vì muốn cho ngài phá Sở để đồ thiên hạ cho người ta.
Tôi chắc chắn rằng sau khi bình định, họ sẽ không bao giờ để cho ngài ngất ngưỡng ngồi trên ngôi Vương mà hưởng cái phúc thái bình đâu. Bấy giờ họ sẽ nhớ lại cái thù mà ngài chống mạng bắt bí lúc trước đây, và lại lo rằng ngài có chí đồ vương, họ sẽ quyết kế hại ngài để trừ đi cái bệnh tâm phúc, và mưu cái nghiệp vững bền cho con cháu. Vậy ngay bây giờ, chi bằng thừa lúc hai vua đều mệt mỏi cả, ngài chiếm lấy đất Tề, chia ba thiên hạ mà đứng thành chân vạc mới có thể giữ được vô sự. Chứ nếu lại không nghe lời tôi mà đi phá Sở, sau khi Sở vỡ, ngài sẽ không sao tránh khỏi cái vạ tày đình. Ngài rất nên nghĩ kỹ.
Tín nói:
- Lời nói của tiên sinh thật là suốt lẽ, nhưng lòng Tín này thực không nỡ bội Hán.
Triệt nói:
- Bây giờ không nghe lời tôi, ngày khác bị hại, sao cho khỏi hối!
Thật! Lời Khoái Triệt như tiên tri… Có gì lạ, nó là cái lẽ dĩ nhiên phải như thế. Hàn Tín đâu phải là không thông minh, thế mà chuyện người thì sáng mà chuyện mình thì quáng… chỉ vì đem tình cảm chen ngăn vào lý trí không phải chỗ. Hàn Tín đa cảm, chí thấy lấn được Hán Vương là thỏa lòng, thấy được người ta chiều mình là đắc ý… Trăm lần khôn, một lần ngu… cũng đủ chết.
Về sau, việc Khoái Triệt tiên tri, Tín đã thấy thực hiện rõ ràng không sai một. Thế mà không còn biết thân, cao bay xa chạy… lại còn ngông nghênh tự đắc… chạm thêm vào lòng tự ái của Hán Vương nữa…
Bấy giờ Hán Vương bình định bờ cõi, nhất thốn sơn hà rồi, Hàn Tín không được trọng dụng… ngày tháng ăn không ngồi rồi… cũng như bị giam lỏng ở trại triều. Thế mà khi Hán Vương cho vời hỏi chuyện thì lại giở giọng làm khôn…
Hán Vương hỏi:
- Như trẫm đây, khanh liệu có thể cầm nổi bao nhiêu quân?
Tín nói:
- Bệ hạ bất quá cầm được độ mười vạn quân là cùng.Hán Vương lại hỏi:
- Còn như tướng quân thế nào?
Tín nói:
- Như thần thì càng nhiều bao nhiêu, càng tốt bây nhiêu. Hán Vương cười hỏi nữa:
- Càng nhiều càng tốt, cớ sao lại còn bị trẩm bắt?
Tín nói:
- Bệ hạ không giỏi cầm quân, nhưng giỏi cầm tướng, vì thế mà thần bị bắt. Vả lại, bệ hạ có trời vừa giúp, nên sức người sao thể theo kịp.
Hán Vương tuy cười nói, nhưng lòng không vui, lại càng thêm nghi kỵ… nên cho về nhà riêng dưỡng bệnh, chứ không tính đến việc cất dùng.
Thật cách xử thế của Hàn Tín vụng về không biết chừng nào. Khi mà tâm địa của Hán Vương đã hiện rõ như ban ngày, vậy mà còn khoe tài cậy khôn thì làm sao mà không bị hại cho được.
Đợi đến lúc bị trói đem chém ở lầu chuông, cung Vị Ương, mới tỉnh ngộ:
- Ta hối không nghe lời Khoái Triệt ngày trước, đến nỗi bị bọn đàn bà con nít nó lừa dối…
Hàn Tín chết… Hán Vương xem biểu mừng lắm, nhưng rồi lại nhớ công lao to lớn của Hàn Tín bụng những ngậm ngùi… Thương xót nước mắt dầm dề… Người ta bảo, cái khóc của Hán Vương là giả dối… Không, nó là biểu hiện của một sự tranh chấp mãnh liệt nơi lòng của Hán Vương: cười, là hả được lòng tự ái, mà rơi nước mắt dầm dề là nghĩ đến cái án bội bạc của mình nó cũng đang giày xé tâm can…
“Ân càng thâm thì oán càng sâu” là thế!
Tâm sự Hán Vương là tâm sự chàng Perrichon; tâm sự Hàn Tín là tâm sự chàng Armand vậy.
Đọc xong những dòng trên ai cũng nghĩ nguyên tắc hàng đầu: làm bất cứ viêc gì, nếu để tình cảm xen vào sẽ dễ thất bại.
Tuy nhiên nếu thận trọng suy xét cho thật kỹ, người ta lại thấy không đúng hẳn; bởi vì người biết “vận lý dụng tình” cách khôn khéo chẳng những không thất bại mà còn thành công rực rỡ.
Nương theo dòng suy nghĩ ấy chúng ta lại tiếp tục lạm chuyển sang lãnh vực thánh nhạc bằng kể tiếp chuyện hình thành và hoạt động của nhóm Thánh Nhạc Ngày Nay..
NHỮNG Ý TƯỞNG ĐƯỢC THAI NGHÉN
Kể lại chuyện đời xưa như chuyện Hàn Tín v.v… không để nghe cho vui, nhưng để lưu ý rằng còn rất nhiều uẩn khúc kể ra rất ư “động chạm”, cho nên kể chuyện rồi để đó để kể tiếp chuyện ban Biên tập Thánh Nhạc Ngày Nay thưở ban đầu; làm như thế ngụ ý nếu ý tứ giải bày những uẩn khúc sẽ không sợ làm đau lòng ai; lại cũng chỉ nhắc lại những nguyên tắc xử thế của người xưa như: “ân càng sâu thì oán càng thâm”, “oai át chủ, công hết lối thưởng là chuốc họa vào thân”, “làm người dù ở bậc cao ngất trên thiên hạ, cũng còn nguyên cái chất “sói”(1) trong người”… để ban Biên tập Thánh Nhạc Ngày Nay hiện tại luôn ghi nhớ và phòng bị; không được xem thường.
Suốt gần 20 năm qua kể từ năm 1993 khởi đầu Thánh Nhạc Ngày Nay với cái tên TÀI LIỆU CHUYÊN ĐỀ THÁNH NHẠC rồi CANTÁTE, ban Biên tập dần dần nảy ra và nuôi nấng trong đầu nhiều ý tưởng. Những ý tưởng ấy không do sức mình mà có, nhưng nảy ra từ những mẫu chuyện kể của linh mục nhạc sư Tiến Dũng, nảy ra do quá trình cày cục tìm tòi tài liệu và mày mò viết nên từng trang viết cho tờ “báo”, đặc biệt… đúng như người ta nói, nếu trong viết văn, có 2 loại người: loại người nghĩ ra ý tưởng xong đâu ra đó rồi mới viết, một loại người vừa viết vừa nghĩ ra ý tưởng (có viết mới sinh tư tưởng)… thì trong công việc cũng có 2 loại người: loại người có sáng kiến rồi mới thực hiện, còn loại người thứ hai phải bắt tay làm mới nảy ra sáng kiến… ban Biên tập Thánh Nhạc Ngày Nay thuở xưa ở vào trường hợp thứ hai, cho nên càng làm càng nghĩ ra nhiều ý tưởng.
Nhưng có những ý tưởng (nhỏ) thực hiện ngay được, có những ý tưởng (thường là lớn hơn) phải hoài thai, nghiền ngẫm và chờ đúng thời điểm mới thực hiện được. Sau đây xin nêu vài ý tưởng hơi lớn, có cái đã thực hiện tốt, có cái thực hiện không thành công, có cái thực hiện còn dang dở, cũng có cái chưa thực hiện được.
Ý TƯỞNG TÁI LẬP TRƯỜNG SUỐI NHẠC
Ý tưởng này nảy sinh từ lòng thương kính thầy, linh mục nhạc sư Tiến Dũng. Đó là tái lập trường Suối Nhạc, một công trình năm 1968 do linh mục nhạc sư Tiến Dũng, linh mục Bùi Văn Nho, lmns. Hoàng Kim và lmns Gioan Minh đổng sáng lập, rồi năm 1975 giải tán. Đây là trường dạy thánh nhạc đầu tiên ở Việt Nam.
Tiến hành bằng khởi lập CÁC LỚP NHẠC TÂN ĐỊNH, đặt tại giáo xứ Tân Định năm 1993, cha sở họ đạo Tân Định FX. Phan Văn Thăm làm giám đốc, lmns. Tiến Dũng làm hiệu trưởng, ns. Ngọc Kôn -sáng lập- đóng vai trò chủ nhiệm để tổ chức, nuôi dưỡng và điều hành mọi việc.
Cơ sở là một số phòng ốc làm lớp học và một hội trường làm nơi tổ chức diễn xuất nghệ thuật, tất cả được giáo xứ Tân Định cho mượn (để đạt được điều này thật không dễ dàng, vì ns. Ngọc Kôn phải nổ lực rất lớn để xin và thuyết phục cha sở, 5 cha phó, hội đồng Mục vụ giáo xứ).
Kinh phí hoàn toàn do ns, Ngọc Kôn tự xoay xở và lo liệu (mức học phí 50.000đồng/tháng/người cho bất kỳ môn gì).
Ban giảng huấn gồm có: ns. Phạm Gia Nhiêu (cựu phó giám độc Quốc gia Âm nhạc), ns. Thy Yên, ns. Ngọc Kôn, ns. Tiến Linh, pianist Mai Chi, cô Phạm Thị Lành, ns. Quốc Vinh.
Các môn học: nhạc lý, ký xướng âm, hòa âm, đối âm, đệm đàn phụng vụ, ca trưởng, piano, violon, organ thời trang.
Tuy nhiên hoạt động được 3 năm và vẫn đang hoạt động tốt -từ năm 1993 đến 1995- lại còn có chiều hướng đi lên thì bị biến thành Trung tâm Thánh nhạc Toàn quốc của Ủy ban Thánh nhạc Toàn quốc với rất nhiều uẩn khúc không thể giải bày ngay bây giờ. Chỉ biết hơn 2 năm sau, khi Trung tâm Thánh nhạc Toàn quốc tan rả, linh mục nhạc sư Tiến Dũng ngậm ngùi bày tỏ riêng với ns. Tiến Linh (2 cái bút hiệu tình cờ trùng nhau chữ “Tiến”) và vài người tâm phúc sự tiếc nuối của Ngài khôn nguôi cho CÁC LỚP NHẠC TÂN ĐỊNH (tên tạm đặt cho trường Suối Nhạc).
Ý tưởng trên đã được thực hiện, nhưng chỉ thực hiện được vỏn vẹn có 3 năm rồi gãy đổ. Lỗi không do ban Biên tập Thánh Nhạc Ngày nay thuở xưa.
Ý TƯỞNG BIÊN CHẾ HÓA CÁC DÀN KÈN XỨ ĐẠO TẠI VIỆT NAM
Biên chế hóa là xin các dàn kèn xứ đạo Việt Nam hiện có, bán bớt loại kèn thừa, mua thêm loại kèn còn thiếu, để mọi dàn kèn đều có a/ các loại kèn giống nhau; b/ mỗi loại kèn có số lượng giống nhau… theo một biên chế rất rõ ràng và nghiêm khắc của âm nhạc hòa tấu (ví dụ mọi dàn nhạc giao hưởng trên thế giới đều có chung một biên chế), nhờ đó c/ mọi dàn kèn trong nước đều có thể sử dụng chung một nguồn bài vở; d/ mọi tác phẩm hòa tấu như vậy sẽ đều có kỹ thuật hòa âm và phối khí bậc bác học, do các nhạc sĩ có đẳng cấp soạn. Gọi tắt mọi việc vừa kể là biên chế hóa.
Nền thánh nhạc Việt Nam đến bây giờ vẫn còn đang mang trong mình 1 điều tốt và 1 điều chưa được tốt về nhạc hòa tấu, tức thánh nhạc thuộc thể loại thứ 3 trong 6 thể loại thánh nhạc của Giáo hội Công giáo Rôma.
Điều tốt là: từ lâu (khoảng từ năm 1950) đã có nhiều và đến nay ngày càng có nhiều dàn kèn giáo xứ (fanfare) gồm một đến vài chục tay kèn đồng (2); mục đích để đi rước, tạo bầu khí lễ hội, đón rước, tống tiễn và đưa tang…
Điều chưa được tốt là biên chế quá tùy tiện (dù không hề hiểu biết) khiến mỗi dàn kèn là một biên chế riêng (vì không biết mới mua sắm, nhặt nhạnh, vá víu… loại này loại kia theo kiểu bắt chước nhau, cạnh tranh hơn thua “cho bằng chị bằng em”). Từ biên chế thoải mái, quá tùy tiện, không đồng nhất… ấy khiến các dàn kèn không dùng chung được bài hòa tấu; mặt khác, không có nhạc sĩ -chuyên soạn- viết riêng cho dàn kèn... khiến cho các dàn kèn thiếu bài hoặc bài không đạt chuẩn về mặt nghệ thuật (ví dụ phần lớn các dàn kèn đều tấu giai điệu và nhịp điệu quá nổi trội, phần hòa âm bị chìm ngĩm… thậm chí ngay cả khi ngồi một chỗ trong nhà thờ). Xin “bái gối” để nói một điều gây xúc phạm để mong các dàn kèn lượng thứ: chúng ta đã làm cho nền thánh nhạc VN không được người ngoài kính trọng vì đã hòa tấu những tác phẩm được viết ẩu, quá sai sót, lầm lẫn nghe đến phát sốt vì quá thô vụng.
Linh mục nhạc sư Tiến Dũng gợi ý ns. Ngọc Kôn bắt tay vào mời gọi các dàn kèn đi vào việc chuẩn hóa theo một biên chế do ngài soạn thảo, đồng thời cất công viết cho các dàn kèn ấy những tác phẩm dựa trên các thánh ca VN bất hủ. Lời kêu gọi được ns. Ngọc Kôn hưởng ứng. Nhưng sau khi biến cố CÁC LỚP NHẠC TÂN ĐỊNH bị đổ vỡ, ns. Phan Kim đứng ra làm; nhưng rồi cũng cáo chung rất sớm.
Chuyện không phải dễ! Vì muốn thực hiện được ý tưởng này cần phải có sự đồng thuận của các dàn kèn xứ đạo/ Làm sao để mọi dàn kèn xứ đạo đồng thuận ắt phải có câu trả lời từ giới thẩm quyền.
Ý TƯỞNG DÀN NHẠC HÒA TẤU CÔNG GIÁO
1. Lấy ý tưởng từ dàn nhạc giao hưởng CTM (công thức mới) (3) của linh mục nhạc sư Tiến Dũng.
2. Nghe theo lời khuyên của thầy: một nhạc sĩ thực thụ phải có một cây dương cầm bên mình và một dàn nhạc.
3. Nhiều nhạc công Công giáo xuất thân từ nhạc viện TpHCM không có đất dụng võ, phải lang thang hay phiêu bạt tìm nơi biểu diễn. Cần tận dụng những tài năng ấy vào những việc hữu ích.
4. Những tác phẩm thánh ca Việt Nam bất hủ cần được giới thiệu với dáng vẻ khác tươm tất và hoành tráng hơn.
5. Qua những lần CÁC LỚP NHẠC TÂN ĐỊNH (trường Suối Nhạc) tổ chức diễn xuất nghệ thuật Công giáo, nhận thấy người Công giáo cần một nơi để nâng cao tâm hồn vừa nâng cao trỉnh độ thưởng lãm âm nhạc lên bằng những tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Công giáo trong và ngoài nước… mà chưa có một nơi như vậy.
Những nguyên cớ trên tạo nên ý tưởng và động lực thôi thúc ban Biên tập thành lập một dàn nhạc bán giao hưởng tên Salve Mater (4) với biên chế semi-classique (5).
Tuy nhiên, sau 9 năm (1987-1996) hoạt động, dàn nhạc Salve Mater phải tự giải tán vì không đủ kinh phí để tự sống còn, để tránh người đỡ đầu lúc ấy đặt ra quá nhiều yêu sách và xen vào nhiều việc thuộc lãnh vực chuyên môn để phá hỏng bản chất và hoạt động của dàn nhạc. Sau khi dàn nhạc tự giải tán, người đỡ đầu lôi kéo nhạc công lại để lập nên dàn nhạc lấy danh nghĩa Trung tâm Công giáo (hiên không còn) khiến mọi người lầm tưởng Salve Mater vẫn còn tồn tại.
Khi dàn nhạc Salve Mater tự giải tán, ý tưởng về dàn nhạc hòa tấu Công giáo cũng bị gãy đổ theo vì nhận thức:
1. Xét về văn hóa thưởng thức nhạc hòa tấu, người Công giáo Viện Nam còn quá kém (rút kinh nghiệm nhiều lần đi đó đây biểu diễn).
2. Văn hóa ca đoàn chiếm hết chỗ của sự quan tâm, vì ca đoàn dễ thành lập, dễ tự tồn (cách nào cũng sống được mà không cần kinh phí, ngay cả khi cha sở tỏ nhiều thứ thái độ ghẻ lạnh...), vì nghệ thuật mà các ca đoàn theo đuổi rất quần chúng (dễ tìm bài, bài dễ tập, dễ hát, hát không cần vỗ tay nghĩa là hát hay không ai khen, hát dở không ai cất chức, ca trưởng “tự hữu hằng có đời đời”, ca viên tự phát, có “đất” để “diễn” hoài không phải lo).
3. Người Việt Nam nói chung còn ở giai đoạn “tụ tập thì phải đông và ồn” (cứ xem cách tổ chức đám cưới, văn nghệ, lễ hội… thậm chí tang lễ là dịp khóc than, hay trầm mặc tưởng nhớ… thế mà văn hóa Việt Nam cho phép tổ chức không thua gì một lễ hội với đầy đủ tiêc tùng, cười đùa, biểu diễn văn nghệ, dàn kè Tây, ta, loa phóng thanh ầm vang cả xóm), trong khi nhạc hòa tấu cần sự thinh lặng nhất định để thưởng thức.
(còn tiếp)
(1) “Homo homini lupus est” nghĩa là: người với người là chó sói.
(2) Nhạc cụ để thổi chia 2 loại: bộ gỗ và bộ đồng. Dàn fanfare gồm toàn bộ đồng như tromba (tropette), corno (corn), trombone, tuba... Vì không biết, nên các dàn kèn xứ đạo cho thêm các loại sassofono (saxophone) vào dàn kèn.
(3) Công thức mới là biên chế dàn nhạc giao hưởng, nhưng lmns. Tiến Dũng cho rằng Việt Nam là xứ nghèo, khó có thể có được những nhạc cụ chính thống, cho nên ngài thay bằng những nhạc cụ dễ kiếm ở VN, nhưng không làm thay đổi sắc tiếng của dànnhạc giao hưởng. Đó là guitar điện thay tromba (tropette), sáo gỗ thay piccolo và flauto, sassofono alto thay thay corno, sassofono tenore thay trombone, sassofono baritono thay tuba, trống đình thay cho timpani. Mõ chùa thay woodblock v.v…
(4) Salve Mater nghĩa là Kính chào Mẹ.
(5) Semi-classique, classique-jazz là những từ gọi dàn nhạc bán giao hưởng. Đây là dàn nhạc tuy nhẹ nhưng nặng vì đưa vào biên chế nhiều nhạc cụ tân thời như chitara (guitar), sassofono, organo, piano, dàn trống jazz… khiến chỉ một việc cân chỉnh âm lượng là đủ nhiêu khê vất vả…