Lâu lắm rồi hôm nay gã mới có dịp lên Đàlạt, thăm lại thành phố cũ. Mặc dù thời gian rất hạn hẹp, gã vẫn cố gắng ghé vào mái trường xưa, đi trên những con dốc đã từng mang nhiều dấu ấn kỷ niệm.
Hồi đó, gã có một cái thú không giống ai, đó là ăn vịt lộn trong khi dạo quanh bờ hồ. Chiều xuống, gã cùng với một tên bạn vào một quán cóc ở bên hông nhà thờ Con Gà, mỗi đứa mua bốn trái vịt lộn nóng hổi, vì mới được vớt từ trong nồi ra. Bốn trái vịt lộn ấy nằm gọn trong hai túi áo, tỏa ra hơi nóng, đủ sưởi ấm trước những cơn gió lạnh. Băng qua đường Yersin và đi xuống con dốc của khách sạn Palace, hai đứa bắt đầu ăn vịt lộn. Cầm trái trứng trong tay, đập lên đầu cho vỡ, khẽ bóc vỏ, húp nước trong trái trứng trước, rắc vào một chút muối tiêu, rồi mới ăn trứng sau. Thỉnh thoảng lại điểm thêm đôi ba lá rau răm. Thật là tuyệt vời! Từ nhà Thủy Tạ, qua cầu Ông Đạo, vòng bờ hồ, lên con dốc đồi Cù, về tới nhà thì vừa hết bốn trái trứng vịt lộn.
Chiều nay, từ vườn Bích Câu, mà hiện giờ người ta gọi là Vườn hoa Thành phố, gã đi bộ về khu Hòa Bình. Bất chợt gã nhìn thấy một ông già đang ngồi câu cá. Hình ảnh này khiến gã nhớ tới Khương Tử Nha bên Tàu. Ông là một danh tướng đời nhà Châu, tên chữ là Lữ Vọng. Thuở còn cơ hàn, bị vợ bỏ đi lấy chồng khác, nên ngày ngày ông bèn ngồi câu cá bên sông Vị. Mãi tới năm tám mươi tuổi, ông mới được vua Văn Vương nhà Châu rước về làm Tướng Quốc. Tử Nha điều binh khiển tướng diệt vua Trụ. Nhờ công gầy dựng của ông, mà cơ nghiệp của nhà Châu, tồn tại được hơn tám trăm năm. Vì thế, trong bài “Kẻ Sĩ”, Nguyễn Công Trứ mới viết:
- Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất,
Hiêu hiêu nhiên điếu Vị canh Sằn.
Nhiều lần gã đã nhìn thấy những người ngồi câu cá bên bờ hồ. Già có và trẻ cũng có. Nhưng chưa bao giờ gã thấy một con cá nào đến ăn mồi. Vừa đi, gã vừa thầm nghĩ: Không hiểu trong một ngày, họ câu được mấy con cá. Chi bằng mắc mồi “bác Hồ”, ra chợ mà câu cho chắc ăn. Thứ nào cũng có: to hay nhỏ. Và loại nào cũng có: rô hay lóc. Tuy nhiên, nghĩ đi thì cũng phải nghĩ lại, biết đâu câu cá chỉ là để giải trí, việc chính yếu là họ đang chờ thời như Khương Tử Nha ngày xưa, hay ít nữa là họ đang tập cho mình bài học kiên nhẫn. Chính vì thế, gã xin bàn về đức kiên nhẫn trong lãnh vực nghề nghiệp và trong lãnh vực tình yêu.
Trước hết là trong lãnh vực nghề nghiệp
Kiên nhẫn là bền lòng chịu đựng và theo đuổi. Đây cũng chính là điều kiện cần thiết để gặt hái những thành công trên đường đời, nhất là trong phạm vi nghề nghiệp. Thực vậy, tìm hiểu về những thiên tài trong mọi lãnh vực, từ âm nhạc và hội họa đến văn chương và kiến trúc, gã nhận thấy cái vốn trời ban cho, hay nói cách khác, cái khả năng thiên phú chỉ có một phần, còn chín phần khác là do kiên nhẫn trau dồi, kiên nhẫn tập luyện, kiên nhẫn học hỏi… cuối cùng mới trình làng được những tác phẩm để đời, không bị mai một với thời gian. Chính vì thế, người xưa đã từng nói: “Thành Rôma không phải được dựng lên trong một ngày và Hercule không phải được sinh ra trong một đêm”.
Còn nếu tìm hiểu về những khuôn mặt tài phiệt, những khuôn mặt tỷ phú quốc tế, gã nhận thấy họ không phải là những người được thừa hưởng một gia tài kếch xù, hay lúc nào cũng thành công rực rỡ. Trái lại, rất nhiều người đã xuất thân từ cảnh nghèo hèn cùng khốn, rất nhiều người đã gặp phải những thất bại đắng cay. Họ cũng đã phải cam chịu cảnh xất bất xang bang, ba chìm bảy nổi và chín cái lênh đênh, để rồi sau cùng thành công mới mỉm cười với họ. Chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa cho thiên tài và con đường dẫn tới thành công chính cho sự nghiệp chính là sự kiên nhẫn. Sự kiên nhẫn ở đây được hiểu như thái độ bền lòng chịu đựng, không nản chí khi thất bại, như ca dao đã diễn tả: “Chớ thấy sóng cả mà lo, sóng thời mặc sóng, chèo cho có chừng”.
Ngoài thái độ không thất vọng nản chí, sự kiên nhẫn còn được hiểu như thái độ bền lòng theo đuổi cho đến cùng, như tục ngữ cũng đã xác quyết: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Tamerlan là một vị tướng đánh đâu thua đấy. Đánh lớn thua lớn, đánh nhỏ thua nhỏ và càng đánh lại càng thua. Trong một phiên họp với các sĩ quan chỉ huy để rút ưu khuyết điểm, ông lơ đãng nhìn ra ngoài và thấy một con kiến đang bò lên đỉnh lều. Bò lên gần tới nơi thì bị tụt xuống, bị tụt xuống rồi lại cố bò lên. Cứ thế, cứ thế đến lần thứ năm con kiến mới tới được đỉnh lều. Như “ngộ” ra sự thật, ông tuyên bố với các sĩ quan chỉ huy: “Đánh, đánh mãi cho tới lúc nào thắng mới thôi”. Và rồi cuối cùng đoàn quân của ông đã chiến thắng vinh quang.
Cũng trong chiều hướng ấy, người Tàu thì bảo: “Thiên hạ vô nan sự, hữu chí giả cánh thành”. Thiên hạ không việc gì là khó, có chí thì làm xong. Còn người Tây thì nói: “Hãy tự cứu lấy mình rồi trời sẽ cứu…Thượng đế luôn ở bên cạnh những người kiên nhẫn”. Và như vậy, người kiên nhẫn không sớm thì muộn cũng sẽ gặt hái được những thành công rực rỡ, bởi vì: “Năng nhặt thì chặt bị. Kiến tha lâu cũng đầy tổ”. Không phải sức mạnh, mà là sự kiên nhẫn đã làm nên những công trình to lớn.
Tiếp đến là trong lãnh vực tình yêu
Đang ngồi ngáp vặt vì buồn ngủ, bàn tay lơ đãng mở cuốn sách trên bàn, bỗng mắt gã sáng lên vì một câu viết được gã liệt vào hàng”ranh ngôn”. Câu viết ấy như thế này: Không gì làm vinh dự cho chị đờn bà bằng sự kiên nhẫn của anh đờn ông. Câu “ranh ngôn” này thật hợp với chủ đề, khiến cho gã đã phải bận tâm suy gẫm. Và càng suy gẫm, gã lại càng khám phá ra cái thân phận não nùng và bi đát của anh đờn ông hôm nay. Thực vậy, trong tình yêu anh đờn ông ngày xưa chỉ cần kiên nhẫn một, thì anh đờn ông hôm nay phải kiên nhẫn gấp mười lần. Phải kiên nhẫn từ khi được làm người yêu và nhất là phải kiên nhẫn khi đã mang nhãn hiệu làm chồng, một nhãn hiệu được trình tòa và được tòa chứng thực hẳn hoi.
Trong giai đoạn làm người yêu, anh đờn ông phải biết kiên nhẫn.
Bước thứ nhất: Để được quen biết và khả dĩ có thể đá lông nheo với cô nàng, anh đờn ông phải kiên nhẫn. Một tên bạn đã kể cho gã câu chuyện tình của gã với cô nàng bán thuốc lá ở đầu một con hẻm như sau:
Thấy cô nàng xinh xinh và lại ăn nói có duyên, vi thế mình quyết định phải “cưa đổ” cô nàng cho bằng được. Chiến thuật cưa của mình là kiên nhẫn. Ngày thứ nhất, mình đến mua một điếu thuốc lá lẻ và đưa cho cô nàng tờ năm trăm ngàn mới cáu cạnh. Cô nàng tỏ ra bực bội, lục hết mọi ngăn, mọi xó để tìm tiền thối lại cho mình. Ngày thứ hai, mình cũng đến mua một điếu thuốc lá lẻ và cũng trả cho cô nàng tờ năm trăm ngàn còn thơm phưng phức. Cô nàng còn tỏ ra tức tối hơn nữa, thiếu điều muốn gắt lên với mình. Ngày thứ ba, mình cũng đến mua một điếu thuốc lá lẻ và cũng trao cho cô nàng tờ năm trăm ngàn phẳng phiu chưa bị gấp nếp. Lần này thì cô nàng im lặng, nhìn mình bằng cặp mắt công an hình sự, nhưng vẻ bực bội tức tối đã giảm đi rất nhiều. Ngày thứ tư mình cũng đến mua một điếu thuốc lá lẻ và đang định đặt tờ giấy năm trăm ngàn xuống quầy, thì cô nàng đã nhoẻn miệng cười và nói: Ơ, cái anh năm trăm ngànnày! Thế là cá đã cắn câu. Cô nàng đã chịu đèn. Mình đã cưa đứt được cô nàng với những điếu thuốc lá lẻ và những tờ giấy bạc mới, mệnh giá năm trăm ngàn, được bà hàng xóm thương tình đổi cho. Bây giờ, cô nàng đã là bà xã nhà mình rồi đó. Và hắn kết luận: Nước chảy thì đá cũng phải mòn kia mà. Cho dù cô nàng có trái tim bằng đá thì cũng sẽ mềm nhũn như con chi chi. Cho dù cô nàng có trái tim băng giá mùa đông, thì cũng sẽ trở thành nóng ấm mùa hè. Tuy nhiên, điều khó là mình có đủ kiên nhẫn hay không mà thôi.
Nhiều khi “mặt trong như đã, nhưng ngoài còn e”, khiến cho cô nàng cứ dãy lên đành đạch và lắc đầu quầy quậy: Em chả, em chả! Trong trường hợp này, anh đờn ông lại càng phải kiên trì và gan lì hơn nữa. Bằng không, nếu thất vọng nản chí và bỏ cuộc, thì quả là công cốc: “Dã tràng xe cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”.
Bước thứ hai: Để được lọt vào gia đình cô nàng và làm quen với ông già bà già, anh đờn ông cũng phải kiên nhẫn. Chẳng hạn phải thường xuyên thăm viếng và giúp đỡ những công việc lặt vặt. Thậm chí ở nông thôn, gã thấy có những anh đờn ông khi mùa gặt trở về, chẳng chịu làm công việc ở nhà mình, nhưng lại rất siêng năng làm mọi công việc nặng nhọc ở nhà…người ta. Đúng là: Ăn cơm nhà vác tù và đàng gái. Ngoài ra, lại còn phải kiên nhẫn tỏ ra mình là người tử tế. Có thèm rượu mấy đi nữa, thì khi được mời, cũng vẫn ấp a ấp úng: Dạ, cháu không biết uống.
Bước thứ ba: Để có được một cái hẹn riêng tư với cô nàng, anh đờn ông cũng phải kiên nhẫn. Kiên nhẫn trong việc xin phép với ông già bà già của cô nàng và nhất là kiên nhẫn trong việc chờ đợi. Thực vậy, việc trễ hẹn chỉ là việc thường ngày ở huyện. Chẳng có cô “người yêu bé bỏng” nào mà không trễ hẹn ít nữa là một lần, bởi vì theo quan niệm của họ, sự trễ hẹn này làm tăng thêm giá trị cho bản thân và làm cho đối phương phải day dứt, như ngồi trên đống lửa hay như bị kiến bống đốt cho. Chính vì thế, một ông thi sĩ nào đó đã diễn tả đại khái sự trễ hẹn như sau:
- Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé,
Để lòng sầu, anh dạo gót quanh sân.
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lui dần,
Anh sẽ bảo: Gớm sao mà nhớ thế!
Chỉ ông thi sĩ mới thi vị hóa sự trễ hẹn như thế, chứ còn gã mà ở vào tình trạng này, thì chỉ thêm bực bội mà thôi, thiếu điều muốn đá vào cây cổ thụ bên đường mấy phát cho hạ hỏa: Này thì hứa với hẹn…
Vì thiếu kiên nhẫn, nên nhiều anh đờn ông, dù trên đầu muối đã nhiều hơn tiêu, vẫn cứ phải cam chịu cảnh cô đơn và miễn cưỡng tham gia binh chủng phòng không. Một thằng bạn vừa đến khoe với gã: “Hôm rồi, tớ trễ hẹn với cô nàng những nửa tiếng đồng hồ”. Gã hỏi lại: “Thế cô nàng của cậu có tỏ vẻ hờn dỗi, hay lườm nguýt gì không?” Hắn trả lời: “Không, bởi vì cô nàng còn đến điểm hẹn sau tớ những một tiếng đồng hồ”.
Trong giai đoạn làm chồng, anh đờn ông lại càng phải kiên nhẫn hơn nữa.
Cuộc sống càng văn minh, thì lại càng phát sinh ra nhiều nhu cầu cần thiết. Và để thỏa mãn những nhu cầu cần thiết này, anh chồng lại càng phải kiên nhẫn, nếu muốn cho gia đình mình được trong ấm ngoài êm và được phong làm…gia đình kiểu mẫu, gia đình văn hóa! Tác giả Đào Quang Bắc, trong một bài viết ngăn ngắn trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật, số 28 ra ngày 22.7.2007, đã liệt kê một số những trường hợp đặc biệt mà một anh chồng “ga lăng” phải tỏ ra hết sức kiên nhẫn. Những trường hợp đặc biệt ấy là như thế này:
- Mỗi tháng vài lần, anh chồng phải kiên nhẫn ngồi đến cháy cả yên xe, gạt chân chống xuống, mà đợi chị vợ vào mỹ viện tẩy da, nâng mũi, sửa cằm, cũng như đợi chị vợ chăm sóc “một góc con người” tức là cái tóc, khi uốn, lúc duỗi, khi xả lúc quăn, khi vàng lúc đỏ…
- Mỗi ngày, anh chồng phải kiên nhẫn không biết mỏi mệt để ghi chép các quảng cáo mỹ phẩn làm mịn da, chắc xương, tăng cường sức khỏe, chặn đứng lão hóa mà giữ nét thanh xuân. Cũng như phải sưu tầm những cửa hàng có khuyến mãi, hay bán đại hạ giá, để chị vợ dễ dàng lựa chọn mỗi khi cần tìm mua.
- Mỗi khi cùng đi phố, anh chồng phải kiên nhẫn đợi chờ cả tiếng đồng hồ để chị vợ trang điểm, chọn lựa áo quần. Mặt mũi lúc nào cũng phải tươi rói, không được phàn nàn hay ca cẩm lấy nửa lời.
- Mỗi khi đi “sốp pinh”, anh chồng không phải chỉ sẵn sàng hy sinh cả tháng lương, mà còn phải kiên nhẫn để được lẽo đẽo theo chị vợ vào siêu thị, rồi đẩy xe cho chị vợ lựa chọn và mua hàng. Rồi lại còn phải kiên nhẫn tay xách nách mang cả đống hàng cao lút mặt, mà lên xuống taxi khi đi về nhà.
Tóm lại, trong thầm lặng và kiên nhẫn, anh chồng phải sẵn sàng phục vụ chị vợ ở mọi nơi, trong mọi lúc và bằng mọi hình thức khác nhau.
Để kết luận, gã xin ghi lại hai tư tưởng lớn đã được viết ở trên. Tư tưởng thứ nhất của một tác giả nào đó: “Không gì làm vinh dự cho chị đờn bà cho bằng sự kiên nhẫn của anh đờn ông”. Tư tưởng thứ hai của một thằng bạn nhiều kinh nghiệm: “Nước chảy thì đá cũng phải mòn kia mà. Cho dù cô nàng có trái tim bằng đá thì với sự kiên nhẫn, cũng sẽ mềm nhũn như con chi chi. Cho dù cô nàng có trái tim băng giá mùa đông, thì với sự kiên nhẫn, cũng sẽ trở thành nóng ấm mùa hè. Tuy nhiên, điều khó là mình có đủ kiên nhẫn hay không mà thôi”.