Sống trên đời, chẳng phải lúc nào sự may mắn cũng mỉm cười với chúng ta. Trái lại, rất nhiều khi chúng ta cũng đã thất bại ê chề, cũng đã bị đời đá lên đá xuống, thâm tím mặt mày, toạc đầu xẻ tai, cũng như đã nếm thử tình trạng ba chìm bảy nổi chín lênh đênh. Vì thế, những bước chân thăng trầm và những cảnh lên voi xuống chó, âu cũng chỉ là chuyện bình thường của số kiếp mà thôi.
Tuy nhiên, cuối cùng sự thành công bao giờ cũng được dành cho những người bền lòng chịu đựng, vững tâm theo đuổi, hay nói cách khác những người kiên nhẫn sẽ gặt hái được những thành quả tốt đẹp nhất. Chẳng thế mà người xưa đã có nhiều lời khuyên nhủ: Hữu chí cánh thành, nghĩa là có chí thì nên. Người có chí ắt phải nên, nhà có nền, ắt phải vững. Có công mài sắt, có ngày nên kim. Nước chảy đá mòn.
Nói tới chuyện “nước chảy đá mòn”, gã xin kể lại một sự việc như sau: Số là có một dạo gã bị đau lưng. Lên Saigon, đi khám tại trung tâm Hòa Hảo. Bác sĩ phát hiện ra mỗi bên thận đều có một viên sỏi nhỏ. Gã bèn hỏi: “Vậy phải xử lý những viên sỏi này như thế nào? Nên mổ hay nên bắn?” Ông bác sĩ chẩn đoán liền trả lời: “Vì những viên sỏi này còn nhỏ, nên chẳng cần phải mổ hay bắn chi cả, chỉ cần anh nhớ và thực hiện mấy điều sau đây: Thứ nhất là năng vận động tay chân. Thứ hai là phải dùng thuốc đúng liều lượng đã chỉ định. Thứ ba là hãy sống lạc quan, yêu đời và mỉm cười luôn. Thứ tư là nên uống nhiều nước mỗi ngày, vì nước chảy đá mòn kia mà”.
Và đã xảy ra đúng như vậy. Sau một năm thực hiện bốn lời khuyên trên đây, khi tái khám, thì những viên sỏi nhỏ không còn nữa, đã “mòn” mất tiêu và gã cũng hết bị chứng đau lưng hành hạ. Nhân vì sự ấy, gã xin bàn về sự kiên nhẫn dưới một vài góc độ trong cuộc sống.
Trước hết là về phương diện quốc gia và xã hội
Trong cuốn sách lịch sử, hầu như dân tộc nào cũng có những trang đen tối. Đó là những lúc đất nước bị xâm lăng và chiếm đóng, còn đồng bào của mình thì bị sống dưới ách nô lệ và làm thân trâu ngựa cho bọn thực dân và đế quốc. Thế nhưng, không phải cứ đứng lên phất cờ khởi nghĩa là có ngay sự tự do và nền độc lập. Trái lại, phải kiên trì chiến đấu, phải đổ ra biết bao nhiêu xương máu mới dành được chủ quyền và mới có được những ngày tươi sáng. Mẫu gương cho sự kiên nhẫn đấu tranh vì quyền lợi của quê hương, đó là mẫu gương của ông Gandhi bên Ấn Độ.
Ông vừa là một triết gia, vừa là một nhà hoạt động trong phong trào giải phóng dân tộc Ấn Độ, vừa là một người sáng lập ra hệ thống tư tưởng và sách lược của chủ nghĩa Gandhi. Sau một thời gian sống ở Nam Phi, năm 1915 ông trở về nước và lãnh đạo đảng Quốc Đại, tham gia những cuộc đàm phán, đòi thực dân Anh phải trao trả nền độc lập cho Ấn Độ. Là người yêu nước và có một nếp sống khổ hạnh, ông đã đi khắp nước để tuyên truyền và giải thích về nhiệm vụ đấu tranh dành độc lập bằng chính sách bất bạo động. Bị chính phủ thực dân Anh đàn áp nhiều lần, nhưng ông lại được dân chúng hết lòng yêu thương và kính trọng.
Chủ nghĩa Gandhi là một hệ thống tư tưởng yêu nước, là cương lãnh cho việc đấu tranh giải phóng dân tộc. Một mặt ông kêu gọi sự đoàn kết các giai cấp và các tôn giáo. Một mặt ông kiên trì chống lại sự cai trị của thực dân bằng phương pháp bất bạo động. Phương pháp này bao gồm: Thứ nhất là không phục tùng: chẳng hạn như không tuân thủ những luật lệ do chính phủ ban hành, không đóng thuế cho nhà nước. Thứ hai là không hợp tác: chẳng hạn như không làm việc cho chính phủ, không dùng vải vóc của nước ngoài, đồng thời cố gắng khôi phục lại nghề dệt thủ công trong nước, để tự túc về chuyện may mặc. Chính sách bất bạo động này có một nguồn gốc sâu xa trong quan niệm về “cấm sát sinh”, cũng như trong quan niện về “từ bi hỉ xả” của Ấn Độ giáo và Phật giáo. Cuối cùng, sau nhiều năm tháng miệt mài đấu tranh, ông đã dành lại được sự tự do và nền độc lập cho đất nước Ấn Độ.
Cách đây hai mươi năm, tại nơi gã đang ở cũng đã xảy ra một chuyện “kiên trì đấu tranh” cho phần đất đồng bào đang cắm dùi. Số là bấy giờ là thời còn bao cấp. Mấy ông chính quyền xã hống hách như những ông trời con, phán sao nên vậy. Mấy ông bảo: Cây đay, cây bô là cây…chiến lược, làm cho đất nước này phất lên và trở thành giàu mạnh. Thế là nhà nhà đều phải răm rắp vâng theo, ra sức trồng đay trồng bô. Muốn lấy tơ, đay bô phải được ngâm. Đay bô ngâm đã khiến cho dòng sông nước chảy vừa đen lại vừa thối, chẳng khác gì nước cống rãnh ở thành phố. Nhưng dân chúng cũng vẫn phải cắn răng chịu đựng. Thậm chí mấy “ông kẹ của xã” còn cướp đất của đồng bào để lập nên công trình đay bô. Thế nhưng, công trình đay bô này lại bị chính mấy ông “kẹ” ấy rút ruột. Phân thay vì bón cho cây, thì lại được tuồn ra ngoài chợ đen bán cho bàn dân thiên hạ, nên chỉ trong vòng một thời gian ngắn, công trình bị thua lỗ và sụp đổ.
Khi công trình bị sụp đổ, thay vì trả đất lại cho đồng bào, mấy ông “kẹ” này lại thậm thụt mang bán đi để chia tiền với nhau. Đồng bào vác đơn đi kiện. Đi từ địa phương lên tới trung ương tận Hà Nội, rồi trung ương ngoài Hà Nội lại chuyển về địa phương để “ngâm kíu”. Con kiến mày kiện củ khoai, vỏi vòi voi qua bao nhiêu ngày tháng, tưởng chừng như “dạ tràng xe cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”. Sở dĩ như vậy là vì mấy ông kẹ này đã mua đứt các quan, cũng như các phương tiện truyền thông như báo chí, đài phát thanh và truyền hình từ huyện cho đến tỉnh.
Cuối cùng đành phải áp dụng chính sách bất bạo động, nghĩa là một số ông già bà cả và những gia đình thương binh liệt sĩ, “có công với cách mạng”, kéo nhau lên sở nông nghiệp tỉnh, biểu tình ngồi lì. Lúc bấy giờ địa phương mới chịu nhả đất ra mà trả cho đồng bào.
Tiếp đến là về phương diện bản thân và cá nhân.
Về phương diện này, gã xin bàn tới hai điểm: Điểm thứ nhất, đó là việc sửa đổi bản thân.
Kinh nghiệm cho thấy: Nhân vô thập toàn. Chẳng ai là người hoàn toàn cả. Hay nói cách khác, ai cũng có những sai lỗi khuyết điểm của mình. Thế nhưng, việc sửa đổi một sai lỗi, việc uốn nắn một khuyết điểm lại không phải là chuyện dễ dàng, một sáng một chiều mà từ thằng quỷ nghiễm nhiên trở nên ông thánh. Rất nhiều lần gã đã quyết tâm từ bỏ tật xấu này, khử trừ thói hư kia, nhưng rồi quyết tâm ấy chẳng kéo dài được bao lâu, quá lắm là ba bảy hai mươi mốt ngày, để rồi cuối cùng mèo vẫn hoàn mèo, chó đen vẫn giữ mực, và gã vẫn chứng nào tật ấy mà thôi.
Tamerlan là một vị tướng đánh đâu thua đấy. Đánh lớn thua lớn, đánh nhỏ thua nhỏ và càng đánh lại càng thua. Trong một phiên họp với các sĩ quan chỉ huy để rút ưu khuyết điểm, ông lơ đãng nhìn ra ngoài và thấy một con kiến đang bò lên đỉnh lều. Bò lên gần tới nơi thì bị tụt xuống, bị tụt xuống rồi lại cố bò lên. Cứ thế, cứ thế đến lần thứ năm con kiến mới tới được đỉnh lều. Như “ngộ” ra sự thật, ông tuyên bố với các sĩ quan chỉ huy: Đánh, đánh mãi cho tới lúc nào thắng mới thôi. Và rồi cuối cùng đoàn quân của ông đã chiến thắng vinh quang.
Cũng trong chiều hướng ấy, một người đã sửa mình bằng cách mỗi khi làm một việc tốt thì bỏ một hạt đậu trắng vào trong chiếc lọ, còn mỗi khi làm một việc xấu thì bỏ một hạt đậu đen cũng vào trong chiếc lọ ấy. Ban tối ông đổ ra và đếm. Lúc đầu toàn đậu đen. Rồi sau đó đậu đen giảm dần và đậu trắng tăng lên. Cho tới một ngày trong lọ chỉ còn toàn đậu trắng và ông đã trở nên một con người đạo đức tốt lành.
Người khác đã chừa bỏ được tật nghiện rượu của mình bằng cách trước khi ngồi nhậu thì nhỏ một giọt nến vào chiếc ly uống rượu. Cứ thế ngày này qua ngày khác, sau một thời gian, chiếc ly của ông cũng đầy nến và ông không còn là một kẻ nghiện ngập nữa.
Điểm thứ hai, đó là công việc làm ăn của cá nhân.
Các cụ ta ngày xưa đã từng khuyên nhủ: Năng nhặt thì chặt bị. Kiến tha lâu cũng đầy tổ. Gã từng thấy có những bà mẹ chắt chiu nhặt từng đồng cắc, kiên nhẫn với nghề buôn thúng bán mẹt, buôn tần bán tảo, thế mà cũng nuôi dạy được những người con tốt nghiệp đại học, ra đời với mảnh bằng bác sĩ, kỹ sư. Trong khi đó nhiều người lại muốn “bốc hốt” làm giàu một cách mau chóng, làm giàu bằng bất cứ phương thế nào, kể cả những phương thế bất công và bất chính, nên đã kết thúc đời mình bằng chuyện vô nhà đá, nằm bóc lịch.
Ngoài ra các cụ ta còn nhắc nhở: “Hãy cho bền chí câu cua, dầu ai câu trạch, câu rùa mặc ai. Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Chớ thấy sóng cả mà lo, sóng thời mặc sóng, chèo cho có chừng”.
Sách “Cổ Học Tinh Hoa” kể lại như sau: Nước Trịnh có người học nghề làm dù che mưa, ba năm mới thành nghề. Trời đại hán, không ai dùng đến dù, anh ta bèn bỏ nghề làm dù, đi học nghề làm gầu tát nước. Lại học ba năm mới thành nghề làm gầu, thì trời mưa luôn mãi, không ai dùng đến gầu. Bấy giờ anh ta lại quay về nghề làm dù như trước. Không bao lâu, trong nước có giặc, dân gian nhiều người phải đi lính, mặc đồ nhung phục, không cần đến dù, anh ta xoay ra nghề đúc binh khí thì đã già quách mất rồi. Úc Tử Ly thấy anh, thương tình nên nói rằng: “Than ôi! Bác chẳng đã già đời mất rồi ư! Già hay trẻ không phải là tự người, mà là tự trời, điều ấy cố nhiên. Nhưng nghề nghiệp thành hay bại, dù lỡ thời không gặp dịp, cũng không nên đổ cả cho trời, tất có mình ở trong”.
Ngày xưa nước Việt có một người làm ruộng, cấy lúa chiêm ba năm đều hại vì lụt cả. Có kẻ bảo anh ta nên tháo nước mà cấy lúa mùa. Anh ta không nghe, cứ cấy lúa chiêm như trước. Năm ấy nắng to, mà nắng luôn ba năm, vụ chiêm nào cũng trúng, thành ra anh ta kéo lại hòa cả mấy năm mất mùa trước. Cho nên có câu rằng: “Trời đại hạn, nghĩ đến sắm thuyền, trời nồng nực, nghĩ đến sắm áo bông. Đó là một câu thiên hạ nói rất phải”.
Tác giả còn thêm một lời bàn như sau: Người có gan, (người kiên trì), dù cho lỡ thời cũng cứ vững dạ mà giữ lấy nghề. Vì nghề chắc đã thành, thì tất cũng có chốn dụng, chẳng chóng thì chầy, chẳng nhiều thì ít. Chớ cứ nay làm nghề này, mai xoay nghề khác, như hòn đá lăn mãi không bao giờ mọc rêu, thì chỉ nhọc xác, già người mà vẫn không ăn thua gì cả.
Sau cùng là về phương diện gia đình và tình yêu.
Như trên, gã đã xác quyết: Nhân vô thập toàn. Chẳng ai là người hoàn toàn cả. Hay nói cách khác, ai cũng có những sai lỗi khuyết điểm của mình. Vì thế đi tìm một người chồng hay một người vợ lý tưởng là một việc làm luống công vô ích, có nằm mơ cũng chẳng thấy, đơn giản chỉ vì người chồng ấy hay người vợ ấy không hề tồn tại trong cuộc sống này. Vì vậy, một khi đã chọn lựa thì cũng phải chấp nhận. Chấp nhận những ưu điểm cũng như những khuyết điểm. Chấp nhận những sở trường cũng như những sở đoản. Chấp nhận những tính tốt cũng như những thói hư của người mình yêu. Với những tính tốt, mình giúp nhau phát triển tới một mức độ cao hơn. Với những thói hư, mình giúp nhau uốn nắn sửa đổi. Sau đây, gã xin giới thiệu một vài cách thức kiên trì đấu tranh của các chị vợ chống lại những tật xấu của các anh chồng và đã thành công mỹ mãn. Những độc chiêu “giữ chồng” này, gã trích từ một bài viết trên báo Phụ nữ Chủ nhật, số 9 ra ngày 01.3.2007.
Đối với những anh chồng thích…nhậu
Thú vui đầu tiên mà nhiều bậc tu mi nam tử ưa thích, đó là chén thù chén tạc, chén chú chén anh. Sau giờ làm việc, anh chồng thường hay nhậu lai rai với bè bạn có khi đến hai ba giờ sáng. Về đến nhà, anh gọi vợ con dậy tâm sự cho vui. Chị vợ cho biết: Anh yêu vợ thương con, lo cho gia đình. Khi say, anh không quậy phá, mà chỉ thích kể chuyện vui. Nhưng vui sao nổi khi bị gọi dậy vào lúc tờ mờ sáng, mẹ con tôi cười như mếu. Sau nhiều lần thấy chồng về nhà trong tình trạng xiêu vẹo, chị quyết định đến quán nhậu ngồi chờ. Kỷ lục “ghi nét” là từ mười hai giờ trưa đến mười hai giờ đêm. Để cho đỡ buồn, thoạt đầu chị chỉ muốn làm “dũng sĩ phá mồi”, sau thấy người mình ngày càng tròn trịa, chị chuyển sang uống bia để…đẹp da. Chồng làm mười ly, thì vợ cũng làm được một ly. Bên kia hò hét “Dzô, dzô”, thì bên này cũng nâng ly uống cạn. Được một thời gian anh bỏ nhậu, nguyên nhân theo chị có lẽ anh sợ chị cũng biến thành bợm nhậu chăng?
Đối với những anh chồng mê…bi da.
Anh mê đánh và cá độ bi da. Giá “bèo” nhất là năm trăm ngàn đồng. Còn cao thì từ hai đến năm triệu đồng. Anh mê đến mức đánh từ mười hai giờ trưa tới hai ba giờ sáng, bỏ cả ăn, chỉ uống nước cầm hơi. Thấy chồng mê bi da đến quên cả vợ con, chị bèn đến trước cửa tiệm bi da, nhưng không vào. Anh chơi tới giờ nào, thì chị ngồi chờ tới giờ ấy, chỉ vì nếu chị về, anh lại tìm nơi khác đánh tiếp. Vừa ngồi chờ, chị vừa quản lý công việc nhà và cửa hàng qua điện thoại di động. Sau một thời gian, các chiến hữu của anh bắt đầu nhìn chị với đôi mắt thiện cảm và dạy chị chơi bi da, hoặc đánh tiến lên, khi đông khách phải chờ bàn. Có lẽ thấy tình hình bất ổn, nên anh giảm chơi hẳn, trừ thời gian đi công tác, anh ở nhà cũng nhiều hơn.
Đối với những anh chồng say…bài bạc.
Anh biết tính vợ, không thích chồng bài bạc, chứ còn nhậu nhẹt thì lại OK. Vì thế, mỗi lần đi “sát phạt” đâu đó, anh lại làm một chai bia cho sừng sừng và đỏ mặt để về nhà, lừa chị cái một. Để chuẩn bị cho những cú sát phạt ấy, anh thường giấu tiền. Khi thì để trong giày, khi thì để trong cốp xe. Lúc ngồi xuống chiếu bạc, anh cứ việc ung dung rút tiền ra. Chuyện quĩ đen chỉ vỡ lở khi xe chị bị hư, chị lấy xe anh đi, nhưng “thiên bất dung gian”, xe hết xăng. Khi mở cốp xe để đổ xăng, thì chị không thể tin vào mắt mình, bởi vì trong cốp xe của anh đầy những tiền. Từ đó, chị lên hẳn một chiến lược đưa anh vào quĩ đạo. Chị gom hết số điện thọai những người bạn của anh và mở chiến dịch “truy nã” khi anh ra khỏi nhà. Biết anh đánh bài ở nhà ai, thì chị coi đó như là nhà của mình. Chị đi chợ, rồi tới đó nấu nướng. Nấu nướng xong, chị gọi con cái đến cùng ăn để xum họp với bố. Ăn xong, cả nhà ngồi chờ để về chung với bố. Được vài lần, anh bỏ chơi vì quá căng thẳng và lo ra, nên bị thua xiểng liểng.
Đối với những anh chồng ưa…karaoke.
Anh không đẹp trai, nhưng có một giọng ca trầm ấm, nên thường xuyên có mặt tại những tụ điểm hát với nhau và được nhiều bạn bè ái mộ. Chị để cho anh được tự do, nhưng sau một lần cùng anh đến những chỗ anh vui chơi, chị mới tá hỏa vì có nhiều nguy cơ mất chồng. Người ta dễ dàng đến với nhau khi có cùng sở thích, và nhất là lại có sự đồng lõa của ánh đèn màu. Trong không gian tranh tối tranh sáng ấy, người và cảnh bỗng trở nên tươi đẹp hơn và cũng lãng mạn hơn. Thế là chị hát karaoke luyện giọng để cùng hát với anh. Tuy nhiên, cuộc chiến giữ chồng của chị cũng không dễ dàng, bởi vì một tuần anh vui đến dăm ba ngày, còn chị làm nghề giáo viên, nên sáng nào lên lớp cũng phờ phạc, thiếu ngủ chỉ vì tối qua “can tội” hát với chồng tới một, hai giờ sáng.
Tương tự như thế, một chị sợ anh có bồ nhí khi chơi “tennis”, nên đã nhập cuộc. Lúc đầu làm cổ động viên. Sau đó cầm vợt ra sân cùng chồng. Và chị đã trở thành vận động viên thứ thiệt lúc nào không hay: cũng tóc vàng, cũng môi trầm, cũng da nâu chỉ vì nắng gió sân “tennis”.
Để kết luận gã xin ghi lại nơi đây tư tưởng của Samuel Johnson như sau: “Không phải là sức mạnh, nhưng chính là sự kiên nhẫn mới làm nên những công trình to lớn”.