Ngày nay, trong cộng đồng Kitô hữu, hình như ít người quan tâm đến vấn đề sắp nêu sau đây:
Trong giờ văn, cô giáo giảng:
- Bình Ngô đại cáo là một áng thiên cổ hùng văn của muôn đời.
Một học sinh hỏi:
- Thưa cô, ai là người đầu tiên nói Bình Ngô đại cáo là thiên cổ hùng văn?
Một thoáng bối rối, cô giáo trả lời:
- Sách xưa nói vậy.
Câu chuyện dừng lại, nhưng có lẽ mạch suy nghĩ trong cậu học trò đó vẫn còn tiếp diễn...
Trong giờ vật lý, thầy giáo nói:
- Vận tốc ánh sáng là lớn nhất và xấp xỉ 3.108 m/s”.
Một học sinh hỏi:
- Thưa thầy, làm sao tìm được số đó?
Thầy giáo trả lời chắc nịch:
- Khoa học chứng minh.
Em học sinh vừa nêu câu hỏi ngồi xuống, gương mặt chẳng vui nhưng chẳng dám hỏi thêm.
Hai câu chuyện nhưng cùng một vấn đề: thầy cô dường như rất ít chịu nhìn nhận những hạn chế về kiến thức của mình, và tất nhiên học sinh chẳng hài lòng với những câu trả lời như vậy. Nhưng giáo dục cứ mãi thế rồi thành quen, làm học sinh cũng trở nên lười suy nghĩ. Nếu thầy cô trả lời: “Vấn đề đó thầy/ cô chưa nghiên cứu” thì không những khơi dậy trong học sinh sự tò mò mà hình ảnh thầy cô trong mắt họ còn đẹp hơn vì biết khiêm tốn và chấp nhận sự thật...
Xin kể thêm một câu chuyện:
Đái Chấn một danh nhân Trung Quốc đời Thanh, thuở nhỏ đi học nghe thầy nói:
- Bài học này là lời của Khổng Tử do đệ tử là Tăng Tử thuật lại và đệ tử của Tăng Tử chép thành sách.
Đái chấn hỏi thầy:
- Thưa thầy, như vậy làm sao biết chắc đó là lời Khổng Tử và làm sao biết do học trò Tăng Tử ghi lại?
- Đó là do đại nho Chu Hy thời Nam Tống nói vậy.
Đái Chấn hỏi:
- Vậy Chu Hy cách Khổng Tử bao nhiêu năm?
- Khoảng 2.000 năm.
Đái Chấn không ngần ngại nói:
- Thưa thầy, thời gian tới 2.000 năm, làm sao Chu Hy biết chính xác như vậy?
Tới đây, tất nhiên thầy giáo không thể trả lời được, nhưng thầy đã vui cười chấp nhận sự thiếu suy xét của mình. Và từ đó, thầy luôn quan tâm đến suy nghĩ của cậu học trò mình, theo sát để giúp đỡ cậu, và cũng vì thế cậu học trò đã ngày càng giỏi giang. Không biết hiện có bao nhiêu thầy cô vẫn vui cười và giúp đỡ học sinh như ông thầy của Đái Chấn?
Bệnh kiêu mãn trong giáo dục hiện nhan nhãn trong cộng đồng Kitô hữu, đại khái vì sợ bị cho là dốt, là ít lòng đạo đức… người ta:
-Nói bừa, nói khống, nói theo đuôi, nói sáo ngữ, nói những điều thuộc suy diễn, nói mà không hiểu, nói điều mình không vững tin...
-Nhận mình là người thông giỏi, đạo đức.
-Không chịu nhận mình sai, không chịu nhận mình là người có đầy khiếm khuyết, có khả năng mang nhiều tội lỗi.
-Không chịu nhận mình hiểu biết có giới hạn cứ cho mình là người thông thạo tất cả mọi sự.
-Bám vào sách vở, khư khư nại đến bằng cấp, học thuật…
-“Cho mình là bất tử” (cách nói của ĐGH Phanxicô)
Từ đó sản sinh hàng loạt những học trò nối nghiệp thầy về khoản kiêu mãn, lười suy nghĩ, an phận trong dốt nát và“dị đoan trong niềm tin”, cố chấp trong mông muội. Thế rồi các Kitô hữu không thể nào ứng dụng nổi chỉ một điều trong số nhiều điều nghe giảng dạy. Họ tự nhủ phải rán tin dù tin không vô.
Nếu người ta khiêm tốn hơn, trong đạo sẽ có ít mầu nhiệm hơn.
Bài đọc thêm
Học biết mầu nhiệm
VRNs (03.12.2014) – Sài Gòn- theo news.va-“Những ai muốn học biết những mầu nhiệm nơi Thiên Chúa thì cần phải quỳ gối, vì Thiên Chúa chỉ mặc khải cho những tâm hồn khiêm nhường”.
Đó là những lời của Đức Thánh Cha trong bài giảng thánh lễ sáng thứ ba 2.12.2014 tại nguyện đường Santa Martha.
ĐTC nói rằng:
Nơi đôi mắt người nghèo có khả năng nhìn ra Chúa Kitô và qua Ngài, họ nhìn thấy khuôn mặt của Thiên Chúa. Còn những người khác muốn hiểu mầu nhiệm nơi Thiên Chúa ngoài trí thông minh ra họ cần phải “quỳ gối” để học trong một thái độ khiêm nhường, nếu không “họ sẽ không hiểu được gì cả”.
Bài giảng của Đức Thánh Cha dựa trên đoạn Tin Mừng trong ngày theo Thánh Luca (x.Lc 10,21-24) nói về mối liên hệ của Chúa Kitô trong việc Ngài ca ngợi và tạ ơn Cha.
Chúa Giêsu cho chúng ta biết về Chúa Cha, nói cho ta biết về mối hiệp thông sâu xa bên trong Thiên Chúa. Và những ai sẽ được Chúa Cha mặc khải cho: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”. Chỉ có những ai có tâm hồn bé mọn mới có khả năng đón nhận được mặc khải này. Đó là những tâm hồn khiêm nhường trong lòng, hiền lành, những người cảm thấy cần phải cầu nguyện, để mở lòng cho Thiên Chúa, những người muốn trở nên nghèo trước Chúa; chỉ những ai muốn sống các mối phúc thật: một tinh thần nghèo khó.
Do đó, nghèo chính là ân huệ sẽ mở ra cánh cửa đến với mầu nhiệm Thiên Chúa. Ân huệ này đôi khi nơi những nhà nghiên cứu thần học có thể bị thiếu.
“Nhiều nhà thần học có khả năng nghiêu cứu rất tốt, rất chuyên chăm! Nhưng nếu họ làm thần học mà không biết quỳ gối, bằng một thái độ khiêm nhường như trẻ thơ, họ sẽ không hiểu bất cứ điều gì. Việc nghiên cứu sẽ cho họ nhiều điều, nhưng họ sẽ không hiểu bất cứ điều gì về mầu nhiệm Thiên Chúa. Chỉ với ai có tinh thần nghèo khó thì mới có khả năng đón nhận sự mặc khải của Chúa Cha qua Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không như một viên đội trưởng, một vị tướng quân đội, một kẻ cai trị đầy quyền lực. Không! Ngài giống như một chồi lộc. Như chúng ta nghe trong bài đọc I:. “Một chồi non sẽ từ gốc tổ Jesse mọc lên”. Ngài là một chồi nụ khiêm tốn, nhẹ nhàng, và hiền lành, để mang lại ơn cứu độ cho người bệnh tật, kẻ nghèo hèn, người bị áp bức”.
ĐTC cũng nói rằng mầu nhiệm nơi Chúa Giêsu là mầu nhiệm của sự khiêm nhường. Đó là mầu nhiệm mang đến “ơn cứu độ cho những người nghèo, mang lại sự an ủi vui mừng cho người đau yếu, kẻ tội lỗi và những ai hoạn nạn.”
Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy nài xin Chúa đem chúng ta đến gần hơn với mầu nhiệm của Ngài và để làm được điều đó chúng ta hãy sống cách khiêm tốn, hiền lành, khó nghèo, cảm nhận mình là kẻ tội lỗi. Vì vậy Thiên Chúa sẽ đến và cứu chúng ta, giải thoát chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này. (Hoàng Minh)