Xin nhắc lại, lâu nay Thánh Nhạc Ngày Nay mượn những câu truyện trong THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA do tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần biên soạn.
Dưới đây lại trích đăng thêm những câu truyện và quan điểm của ông về CHỮ LỄ CỦA Á ĐÔNG.
Công tử Tống và công tử Qui Sinh đều là quí tộc nước Trịnh. Hai người cùng hẹn nhau vào triều. Bỗng đâu ngón thực chỉ của công tử Tống tự nhiên máy động. Công tử Tống mới giơ ngón tay cho công tử Quy Sinh xem. Quy Sinh lấy làm lạ. Tống nói:
- Bao giờ ngón thực chỉ của tôi máy động thì ngày hôm ấy thế nào cũng được ăn một món gì quí lạ.
Vào đến triều… Trịnh Linh Công nhân vừa bắt được một con giải, bảo làm thịt đãi các quan. Linh Công mời hai công tử cùng ở lại dùng tiệc với vua. Qui Sinh nhớ lại câu chuyện ngón tay thực chỉ của công tử Tống, bèn ngó Tống mỉm cười chúm chím mãi…
Linh Công hỏi, Qui Sinh thuật lại cho Linh Công nghe. Linh Công gật đầu, không nói gì, lại nghĩ một việc tác quái… Bèn kêu tên dọn yến, bảo ngầm:
- Đừng dọn món thịt giải cho công tử Tống.
Đến lúc dự tiệc, các quan khách đều được ăn thịt giải, trừ công tử Tống ngồi ngơ ngáo. Linh Công cười bảo:
- Thế thì ngón thực chỉ của công tử hết linh rồi.
Các quan đều cười ầm cả lên.
Công tử Tống thẹn đỏ mặt, đứng dậy, xô bàn và bước đến gần bên vua, lấy tay nhúng vào bát canh giải của vua, cầm lấy một miếng vừa ăn vừa nói:
- Ngón thực chỉ của ta vẫn linh kia mà.
Vua kêu tả hữu vây bắt. Công tử Tống thoát khỏi, rồi lập mưu giết Linh Công trong giấc ngủ.
Trịnh Linh Công nào có dè những lời nói đùa của mình có những cái kết quả khốc hại đến thế. Ỷ là chỗ chí thân nên không thận trọng; ông đâu có ngờ cái địa vị cao cả của một ông vua đã là một điều mà kẻ dưới của ông khó dung túng ông được rồi, huống hồ lại còn bị điếm nhục.
Kẻ nghèo thường hay sợ kẻ giàu giễu. Kẻ hèn thường hay sợ kẻ sang khinh. Cái tâm cảm tự ti thường khiến họ có những cử chỉ tự trọng thái quá: họ rất dễ bị phẫn khích vì những thói khinh bạc của người trên. Ta nên biết mà tha thứ cho họ: chẳng qua đó là một lối họ trả thù cái địa vị cao sang tài đức của mình hơn họ mà thôi.
Đọc những dòng trên ai cũng có thể thấy:
1/ Bất kỳ lúc nào và với ai… chúng ta đều nên cư xử thật thận trọng như nhau bằng chữ Lễ. Càng lớn chức, nhiều của, rộng biết… càng cẩn thận nhiều hơn trong cách cư xử qua sự nói năng lịch sự, hành vi ý tứ và xử sự có văn hóa.
2/ Chữ Lễ là giềng mối bảo vệ sự trật tự giữa xã hội loài người.
3/ Người ngày nay thường nghĩ nên đơn giản hóa, làm ngắn gọn, làm nhanh chóng v.v… với chủ ý để tỏ ra chân thật, nhẹ nhàng, văn minh như người Âu Mỹ v.v… nghĩ như thế đúng không sai, nhưng đã nghĩ được hay ho đến như thế thì cũng rất cần phải biết rõ luôn được cái mức độ của sự đơn giản, cái tiêu chuẩn của sự ngắn gọn và cái mẹo luật của sự nhanh chóng mau lẹ… đến đâu thì vừa; ví dụ ăn uống đơn giản, ngắn gọn và nhanh chóng cũng phải đến mức còn ăn được bằng chén đũa, còn ngồi được trên bàn (trong mâm) và còn có được một số thời gian để còn ra ăn uống… ăn mặc đơn giản, ngắn gọn và mau lẹ cũng phải đến mức còn được cái áo tử tế bên trên cái quần dài, ngắn gọn và nhanh chóng đến đâu thì cũng còn giữ tư cách và tôn trọng người khác…
Nương theo dòng suy nghĩ trên ta lại tiếp tục lạm chuyển sang lãnh vực thánh nhạc bằng kể tiếp chuyện hình thành và hoạt động của nhóm Thánh Nhạc Ngày Nay.
NHỮNG Ý TƯỞNG ĐƯỢC THAI NGHÉN
(tiếp theo)
Ý TƯỞNG PHỔ BIẾN PHƯƠNG PHÁP SÁNG TÁC THÁNH CA PHỤNG VỤ TRÊN MẠNG
Thánh Nhạc Ngày Nay là tên dùng để gọi cho hoài bão 3 điều sớm được xảy ra cho nền thánh nhạc Việt Nam a/ cải tổ, b/ cải tổ theo hướng đi đúng tinh thần và quy luật thánh nhạc của Giáo hội, c/ bằng cách hát Thánh ca Phụng vụ vì hát Thánh ca Phụng vụ mới giúp cộng đoàn sốt sắng (tích cực) khi tham dự thánh lễ. Cho nên từ năm 1993, BBT (3 chữ viết tắt tạm chỉ 1 người) đã nung nấu ý tưởng ấy qua việc kéo dần sự chú ý của mọi người đến Thánh ca Phụng vụ, đưa dần sự quan tâm của mọi người về việc sáng tác và hát Thánh ca Phụng vụ (thánh nhạc gồm 6 loại, Thánh ca Phụng vụ là loại I, mô phỏng Bình ca & chuyển ngữ chuyển nhạc từ Bình ca sang Âu nhạc, Dân nhạc và hát theo nghi thức phụng vụ - xin xem lại Thánh Nhạc Ngày Nay số 91).
Năm 2010, khi thấy ý tưởng đã nung nấu lâu, sự cố gắng gây chú ý đã nhiều, sự giới thiệu đã rõ và cũng gần đạt đến cái mốc 20 năm, BBT liền tổ chức quay phim phổ biến trên mạng giáo trình sáng tác Thánh ca Phụng vụ. Mảng 4 bài Thánh ca nghi thức gồm hình thể Đối ca Nhập lễ, Dâng lễ, Hiệp lễ và hình thể Đáp ca (1).
Mục đích: giúp các nhạc sĩ sáng tác, các ca đoàn hát Thánh ca Phụng vụ mảng I (2).
Ý nghĩa: sau khi đã trình bày giới thiệu về Thánh ca Phụng vụ xong, nay phải cụ thể hóa bằng bày biện cách làm (phương pháp sáng tác và cách hát) giúp mọi người thực hiện được.
Khi đề xuất ý tưởng này, BBT nhận được sự ủng hộ lẫn sự giúp đỡ của một số anh chị em trong và ngoài Ban Biên tập bằng nhân lực, vật lực và tài lực. Cho nên mọi việc tiến triển rất suôn sẻ tốt đẹp và hoàn tất nhanh chóng trong vòng 1 ngày. BBT luôn nhớ ơn những anh chị em ấy không bao giờ có thể nguôi đi được, vì nếu một mình, BBT sẽ không thể làm được nên chuyện. Bản tính con người thường hay hướng mắt ngưỡng phục về những nhân vật có thế lực, có tiếng tăm, nổi trội, giàu sang, bóng bẩy và khéo nói đi cùng những công việc to lớn, chính danh, nổi đình nổi đám của họ, ngược lại bỏ quên, không đếm xỉa, không chú ý và xem thường những người rất nhỏ bé, bình dị, kín tiếng cùng với những công việc không chính danh, không rầm rộ, nghe không ấn tượng. Vậy nên BBT rất tầm thường cùng với công việc phổ biến cách sáng tác và hát Thánh ca Phụng vụ nghe cũng chẳng chút ấn tượng, chắc chắn sẽ không được nhiều người đoái hoài, nhưng cũng cứ làm như để dọn sẵn, ai muốn dùng thì dùng.
Ngay bây giờ nếu ai còn quan tâm, xin vào website http://www.thanhnhacngaynay.vn sẽ thấy ngay cổng vào phương pháp “Dạy - Học Sáng tác Thánh ca Phụng vụ”. Trong đó BBT trình bày cách sáng tác đã học được từ linh mục nhạc sư Tiến Dũng, để trình bày lại theo cách dễ hiểu.
Công việc phổ biến trên hiện chưa thu hút được sự quan tâm nào, nhưng tin rằng, trong tương lai, sẽ có người sẽ tìm đến khi Giáo hội Việt Nam chuyển mình đổi mới về mọi phương diện, đặc biệt khi nền Thánh nhạc Việt Nam cải tổ.
Có nhiều công việc, người thực hiện không nên trông đợi kết quả nhanh chóng, nhưng phải sẵn lòng chờ đợi một thời gian dài, dài đến, thậm chí, bản thân người thực hiện sẽ “qua đi” không được nhìn thấy kết quả… Với công việc quảng bá phương pháp sáng tác và cách hát Thánh ca Phụng vụ cũng vậy, BBT sẵn lòng không nhìn thấy kết quả. Không dám mong nhìn thấy kết quả mà vẫn cặm cụi làm, chỉ vì muốn tôn kính, phụng lạy và suy tôn Chúa hết lòng hết dạ hết trí và hết sức lực gọi là để giữ chữ Lễ đối với Chúa… đồng thời cũng thủ Lễ với mọi người (thấy có chiếc đèn cháy sáng, thì bưng ra đặt giữa nhà để ai “sáng” thì sáng). Mong muốn duy nhất thế thôi.
(còn tiếp)
(1) Thánh ca Phụng vụ có 3 mảng rất lớn:
- Mảng I: tạm gọi là mảng “thánh ca nghi thức”; mảng “thánh ca nghi thức” gồm 4 thánh ca, Đối ca Nhập lễ (antiphona ad introitum), Đáp ca (responsorium), Đối ca Dâng lễ (antiphona ad offertorium), Đối ca Hiệp lễ (antiphona ad communionem). Ca từ là Thánh vịnh nguyên văn, hát đối đáp giữa ca đoàn và cộng đoàn với 2 lối hát: cantáre và cantíllare dịch là hát ca và hát xướng, hát xướng còn được gọi là tụng (psallère), tùy theo lãnh vực mà gọi là ngâm (thơ), tán, ru, hò, vãn, vịnh, khóc….
- Mảng II: gọi là mảng Bộ lễ; mảng Bộ lễ là một tổ khúc gồm 6 chương hay là 6 bài: Xin Chúa thương xót (kyrie), Vinh danh (gloria), Tin kính (credo), Thánh thánh (sanctus), Lạy Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei) và công thức giải tán (ite misa est). Ca từ do Giáo hội đặt (bản dịch của Hội đồng Giám mục được Thánh bộ chuẩn y) với yêu cầu giữ nguyên cho thống nhất, cũng hát đối đáp, nhưng hát lối hát cantáre (hát ca) hoặc tùy ý cantíllare (hát xướng) với tiêu chí càng gần Bình ca càng tốt.
- Mảng III: gọi là mảng Cung đọc; mảng Cung đọc gồm 3 thể loại; thể loại Cung Sách (dùng để hát 2 bài đọc và 1 bài Tin Mừng), Cung Nguyện (dùng để hát các lời nguyện của chủ tế lẫn của giáo dân, gồm cả kinh Tiền tụng và kinh Lạy Cha) và Cung Xướng Đáp (dùng để hát những câu trao đổi giữa chủ tế và cộng đoàn). Ca từ do Giáo hội đặt (bản dịch của Hội đồng Giám mục được Thánh bộ chuẩn y) với yêu cầu thống nhất, hát duy một lối hát cantíllare (hát xướng).
(2) Chưa cần mảng II và mảng III ngay. Lý do mảng II Bộ Lễ đã có các Bộ Lễ đang phổ biến; mảng III mọi người vẫn đang hát rôm rả, rất đúng kỹ thuật và hình thể Tonus (Cung Đọc) mà chớ hề hay biết –vì giọng đọc kinh của tín hữu Việt Nam từ bao đời và từ Bắc Trung Nam đều dựa trên bộ dấu Trụ 3 nốt nhạc tùy miền, tùy loại kinh mà 3 dấu Trụ ấy linh động biến hóa. Mọi người cứ tưởng đó là đọc kinh, kỳ thực đó là hát kinh, hát theo lối hát cantíllare nghiêm chỉnh. Vậy tổng thể Thánh ca Phụng vụ gồm có 3 mảng thì nền Thánh nhạc Việt Nam đã hát được 2 mảng (tuy mảng III vì không biết nên không tổ chức đệm đàn theo)… do đó BBT chú mục ngay vào mảng I Thánh ca Phụng vụ tức 4 bài thánh ca nghi thức.. trước đã.