Chúng ta tiếp tục với học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần (1), nghe ông vừa kể chuyện vừa luận giải. Trước khi đọc những dòng của ông viết, xin niệm hồn ông một lời kinh.
Người chúng ta thường nói: “Khôn sống, mống chết”. Mới nghe, không thể nghi ngờ gì nữa được. Nhưng, nếu nghĩ cho sâu, xét cho rộng ta sẽ thấy, chưa ắt khôn là sống mà dại là chết.
Khôn, mà khôn như Hàn Tín, Dương Tu… thì làm sao mà sống được. Còn dại, mà dại như Phạm Lãi, Tử Phòng (tức Trương Lương)… thì làm sao mà chết được. Cho nên bàn đến khôn dại… chưa biết lấy gì làm chuẩn đích.
Trang Tử cùng đệ tử đi chơi trên núi.
Thấy một cây to, cành lá rườm rà. Một anh thợ rừng đứng bên đó mà không đốn. Hỏi tại sao, anh ta nói:
- Không dùng đặng nó chỗ nào hết.
Trang Tử nói với các đệ tử:
- Cây này vì “bất tài” mà đặng sống lâu.
Ra khỏi núi, Trang Tử dẫn các học trò ghé vào nhà người quen. Chủ nhà mừng rỡ hối trẻ làm thịt chim mòng để nấu ăn đãi đằng. Thằng nhỏ thưa:
- Có một con chi mòng biết gáy, một con không biết gáy, giết con nào?
Chủ nhà nói:
- Giết con không biết gáy.
Bữa sau, các đệ tử hỏi Trang Tử:
- Hôm qua, cái cây trong núi vì “bất tài” mà sống, còn chim mòng, vì bất tài mà chết. Giả như thầy, thầy phải xử trí như thế nào?
Trang Tử cười nói:
- Tài và bất tài cũng như nhau, đều là quấy cả, nên không thể tránh khỏi lụy thân. Chỉ có kẻ nào biết là sống mà thôi.
Biết lúc khôn, biết lúc dại… nghĩa là biết thời biết thế. Chung quy chẳng qua biết rõ một chữ “thời”.
Lão Tử nói: “Thông minh duệ trí, thủ chi dĩ ngu; dũng lực chấn thế, thủ chi dĩ khiếp.” Mình là bậc thông minh, trí thức sâu sắc nhất, hãy biết làm như kẻ ngu khờ. Mình là bậc dũng lực kinh người, hãy biết làm như kẻ nhút nhát…
Nào đâu có bảo mình phải là đứa ngu! Sự thật là mình phải thật thông minh… vì chỉ có kẻ thật thông minh mới biết lúc nào nên làm như kẻ ngu được mà thôi.
Lữ Khôn nói: “…Thông minh, người ta ghét, thông minh mà biết làm như ngu, mới thật là khôn kín.”
Nhưng, biết được chữ Thời, đâu phải dễ gì. Thái quá là dở, mà bất cập cũng không hay. “Người trí đi quá mực trung; kẻ ngu theo không kịp mực trung…” (Trí giả quá chi, ngu giả bất cập chi).
Phần đông, chỉ “biết tiến, mà không biết thoái; chỉ biết giữ cho còn, mà không biết làm cho mất; chỉ biết lấy cho được mà không biết bỏ đi… nên, hễ hành động thì chắc chắn không khỏi có điều hối hận.
Đọc những dòng trên ta nhận thấy:
1.Có câu “Khôn chết, dại cũng chết, chỉ có biết mới sống”. Biết nghĩa là: nắm vững chữ Thời.
2.Biết chữ Thời là biết: làm gì, ở đâu, ra sao và lúc nào.
3.Bậc thánh nhân không khôn cũng chẳng dại, nhưng biết chữ Thời. Vậy chữ Thời là vô cùng quan trọng.
Nương dòng suy nghĩ trên ta lạm bàn chuyện thánh nhạc bằng kể tiếp chuyện hình thành và hoạt động của nhóm Thánh Nhạc Ngày Nay.
NHỮNG Ý TƯỞNG ĐƯỢC THAI NGHÉN
(tiếp theo)
Ý TƯỞNG: NHẮC ĐI NHẮC LẠI “THỜ PHƯỢNG CHÚA LÀ ĐỈNH CAO CỦA MỌI HOẠT ĐỘNG CON NGƯỜI.
Mỗi lần mở sách Đệ Nhị Luật của Cựu ước đọc lại câu "Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng". (Đnl 6,2-6), đọc xong ai cảm thấy bị đánh động người đó sẽ nhận ra mình chưa làm gì bao nhiêu để “yêu mến” Chúa.
Từ đó, BBT cố gắng dùng hết sức mình trong phần đời còn lại –vì trí ngu muội và lòng chai đá nên được câu trên đánh động muộn màng- để “yêu mến” Chúa “hết lòng, hết linh hồn và hết sức” bằng đời sống thường nhật và bằng thánh nhạc.
Bằng đời sống.
1.BBT tự nghĩ: nên cho mọi sinh hoạt hằng ngày hướng tới việc “yêu mến” Chúa. Nếu đã có ý thức, thì bất cứ việc gì cũng có thể biến thành dịp “yêu mến” Chúa.
2.BBT tự nghĩ: nên lọc bỏ những hoạt động nào có nguy cơ gây cản trở lòng “yêu mến” Chúa... ví dụ không sáng tác tình ca nam nữ (*), bớt những cuộc chuyện trò có hại đức bác ái, bớt dần những dịp giao tiếp tốn nhiều giờ…
3.BBT tự nghĩ rằng: “yêu mến” Chúa nên được xem là một hoạt động hay công việc lớn nhất và quan trọng nhất vượt trên mọi hoạt động hay công việc khác của đời người. Thật vậy, cho việc gì quan trọng việc ấy sẽ quan trọng.
Bằng thánh nhạc.
Người ta đa phần, coi thường thánh nhạc -do tâm lý cổ hủ lạc hậu bám rể sâu trong đầu: “xướng ca vô loại”- hoặc tự kỷ ám thị rằng thánh nhạc không phải là việc của mình, việc của mình phải cao trọng hơn như thần học, tín lý, luân lý, thánh kinh, mục vụ v.v… hoặc người ta viện lý do “không có năng khiếu âm nhạc”; ngoài ra nhiều người còn lầm tưởng âm nhạc là một món giải trí không có chẳng sao; tệ hơn, nhiều người coi âm nhạc là thuốc phiện làm hư người v.v… Thực tế lại quá khác, cứ mở đọc chương đầu của Thông điệp Kỷ luật Thánh nhạc (Piô XII) sẽ đổi hẳn quan niệm –thật! không biết thì đừng noi… Bình ca đã là nền âm nhạc phụng vụ được Giáo hội thành lập từ rất xa xưa- thuyết phục hơn hết là lý lẽ này: phụng vụ gắn liền với thánh nhạc “thánh nhạc là nữ tỳ của phụng vụ” (MSD 27), ai am hiểu phụng vụ, yêu mến phụng vụ và thực hiện phụng vụ người ấy tất phải am hiểu, yêu mến và thực hiện thánh nhạc vì không thể tách rời 2 chuyện ấy ra được; thánh nhạc còn là một thứ của lễ dâng lên Chúa và hiệp nhất mọi người (xin xem những số đầu của MSD tức Thông điệp Kỷ luật Thánh nhạc). Thánh Phaolô đã nói rõ khi viết cho Giáo đoàn Êphêsô: “Anh em hãy cùng nhau xướng đáp những bài Thánh vịnh, Thánh thi và những bài ca do Thần Khí linh hứng” (Ep 5,19). Từ suy nghĩ trên.BBT quyết tâm:
1.Học hỏi chuyên sâu Thánh ca Phụng vụ (TCPV).
2.Đi đường TCPV, vì TCPV là thể loại I trong 6 thể loại thánh nhạc do Giáo hội xây dựng từ xa xưa.
Vì để “yêu mến” Chúa “hết lòng, hết linh hồn và hết sức“ bằng thánh nhạc, thì TCPV là con đường tốt nhất để ta đi.
Dựa câu “Khôn chết, dại cũng chết, chỉ người biết là sống” (biết chữ Thời). BBT trộm nghĩ:
Đối với Cựu ước, người biết chữ Thời là người kính sợ Chúa tức “yêu mến” Chúa “hết lòng, hết linh hồn và hết sức“ trong Lề luật.
Đối với Tân Ước, người biết chữ Thời cũng là người kính sợ Chúa tức “yêu mến” Chúa “hết lòng, hết linh hồn và hết sức“ nhưngtrong Chúa Kitô.
Vậy là thời nào việc kính thờ Chúa Cha cũng là đỉnh cao mọi hoạt động con người, và đó là chữ Thời của các thánh chúng ta ai cũng nên học theo.
(còn tiếp)
Ý TƯỞNG HÁT TCPV NHƯ HÁT BÌNH CA,
Ý TƯỞNG MỘT SÁCH HÁT – ĐỂ KHÔNG PHẢI IN ẤN THÊM TẠO SỰ THỐNG NHẤT.
(còn tiếp)
(*) Đành rằng đó cũng là ca ngợi tình yêu, nhưng để tình ca được thăng hoa trong lãng mạn, người ta phải sống “lãng mạn”… thế là dễ có nguy cơ đi đến sa lụy.