Một hôm thầy Trang tử dẫn học trò đi ngao du. Nhân lúc ghé vào nhà một người bạn để thăm, chủ nhà tay bắt mặt mừng, nói:
- Tiếng tăm tiên sinh vang dội như sấm bưng tai. Hôm nay tiên sinh ghé thăm bỉ phu thật là vạn hạnh.
Nói rồi quay lại gọi một gia đinh, bảo:
- Hôm nay ta gặp khách quý, để mở đầu câu chuyện ngươi hãy thịt một con chim cho ta đãi khách!
Đứa ở dạ dạ vâng vâng xong đi một lúc quay trở lại hỏi:
- Nhưng thưa chủ nhân, nhà ta có những hai con chim, một con hót hay, một con không biết hót, chúng tôi mần thịt con nào?
Chủ nhân ngẫm nghĩ một lúc rồi chép miệng:
- Dĩ nhiên phải mần thịt con chim không biết hót, thứ vô dụng đó để làm gì?
Thầy Trang tử cùng chủ nhân ngồi nhâm nhi rượu với thịt chim, luận việc thế thái nhân tình, đoạn từ giã chủ nhà, dẫn học trò ra đi.
Đến bìa rừng, họ thấy một bác tiều phu chống rìu nhìn cảnh rừng núi bao la. Trước mắt lão là một cây cổ thụ. Thầy Trang tử thấy vậy hỏi:
- Trời đã về chiều rồi mà vẫn chưa thấy tiều ông đẵn được cây nào. Cứ như cái cây cao, to, thẳng đuột này ở ngay trước mắt thì hà cớ gì mà tiều ông không hạ nó ngay đi cho được việc?
Lão tiều nhìn từ trên xuống dưới thân cây xong thở dài nói:
- Lão cũng muốn hạ nó, nhưng ngặt một nỗi, gỗ của nó xốp lắm. Thứ vô dụng này đẵn mà làm gì!
Một học trò nghe vậy, rón rén hỏi thầy:
- Cây vô dụng thì bỏ qua không đốn hạ, còn con chim, cũng là vô dụng, lại dùng. Con thật không hiểu nổi thói đời?
Thầy Trang tử vuốt râu một lúc mỉm cười nói:
- Ta ở vào khoảng giữa của sự hữu dụng và vô dụng đó. Chỉ có bậc đạo đức mới tránh khỏi tai họa mà thôi.
(tiếp theo)
Câu nói: “Ta ở vào khoảng giữa của sự hữu dụng và vô dụng đó. Chỉ có bậc đạo đức mới tránh khỏi tai họa mà thôi” (Trang tử) nghĩa là gì? Cụ thể thì thế nào là “ở giữa hữu dụng và vô dụng”?
Xin thưa: “ở giữa hữu dụng và vô dựng” có nhiều nghĩa, xin lần lượt thử nêu vài nghĩa:
1. Nghĩa thứ nhất: Biết làm mà không làm: Trường hợp này ta có thể nghĩ ngay đến câu nói của Lão tử: “Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri” (biết thì không nói, nói tức là không biết). Tại sao thế?
- Tại vì kẻ biết (thông thái tức là người hữu dụng) một lãnh vực nào đó thường kín tiếng (tự tỏ ra mình là người vô dụng) do họ biết quá nhiều cho nên thấy rằng có nói cũng không nói xuể (1); đồng thời do họ càng biết nhiều càng thấy mình nhỏ bé (kẻ không biết thường ăn nói liều mạng); còn có thể do họ thấy mình không thể nói bừa; còn có thể do họ thâm hiểu quy luật: “Cao nhân tất hữu cao nhân trị” (mình giỏi tất có người còn giỏi hơn mình)… Nói chung kẻ biết thật sự (hữu dụng) là những người rất khiêm tốn và thận trọng, không khoe cái biết của mình ra (tự làm cho mình ra vô dụng) cho nên không ai có thể sai họ, khiến họ, lợi dụng họ… nhưng cũng chẳng ai dám khinh họ, bắt nạt họ, ai muốn hại họ cũng chẳng có lý do, vì họ biết cách tránh trước, dự tính trước, đề phòng trước những tình huống xấu. Ấy là họ ở giữa sự hữu dụng và vô dụng.
- Tại vì kẻ biết thấy rằng chưa đến lúc làm nên không ra tay: kẻ biết làm (hữu dụng) thường kiệm lời (tỏ ra mình như vô dụng) đã vậy, còn rất kiên nhẫn chờ thời (chờ đợi thời cơ giống như con hổ rình mồi); họ là những người thông biết luôn cả chữ “thời” (chữ “thời” nằm trong đại thiên cơ “thiên thời địa lợi nhân hòa”). Bởi đó, ai muốn họ làm, người ấy phải thỉnh họ và khi họ xét thấy đã có đầy đủ mọi điểu kiện thuận lợi (chữ “thời”), lúc ấy họ mới làm và đã làm là được. Cho nên họ sử dụng sự hữu dụng và sự vô dụng một cách khéo léo đến tài tình. Ấy là họ ở giữa sự hữu dụng và vô dụng.
- Tại vì kẻ hữu dụng khi đã làm thì phải có kết quả, phải mưu ích cho nhân sinh: những bậc cao trí, thâm đức… luôn nhắm đến mưu ích cho nhân sinh (hữu dụng) nhưng tuyệt nhiên không mưu cầu tư lợi (vô dụng). Ấy là họ ở giữa sự hữu dụng và vô dụng.
- Tại vì đã làm thì không gây hại bản thân: những bậc cao minh bác thức giả (đa mưu túc trí) làm gì (hữu dụng) cũng tránh di họa (vô dụng) cho bản thân lẫn những người khác có liên quan. Ấy cũng là ở giữa hữu dụng và vô dụng.
- Tại vì họ luôn hỏi trong đầu “nếu làm thì làm với ai, làm cho ai và làm vì cái gì: đó là những điều kiện tối thiểu mà người “biết làm” thường đòi hỏi. Ấy cũng là ở giữa hữu dụng và vô dụng
- Tại vì họ cũng luôn xét rằng khi làm, có bị ai ganh ghét, tranh giành, dèm pha v.v… nếu có thì họ quyết “chết cũng không làm”. Ấy cũng là ở giữa hữu dụng và vô dụng
- Tại vì họ luôn đặt mình ra ngoài vòng danh lợi: nghĩa là họ luôn xét mình rằng làm không mưu cầu danh tiếng: bậc thánh nhân không làm vì danh tiếng, tiếng khen, đó là một đặc điểm dễ thấy. Cho nên ai muốn đem danh ra mà dụ những bậc thức giả (hữu dụng) sẽ cầm chắc thất bại. Đứng ngoài vòng danh lợi cũng là ở giữa hữu dụng và vô dụng.
- Tại vì họ làm với sự tự do, không thông qua sự ép buộc: người có trí, bậc thánh hiền, kẻ cao tâm đắc trí đều có ý chí rất tự do, muốn làm là làm. Ấy là ở giữa hữu dụng và vô dụng.
Tóm lại: Biết thì biết tới, làm thì phải đúng nơi đúng chỗ đúng người đúng việc đúng thời đúng cách… mới làm. Chính những bậc thánh hiền như vừa kể, là những kẻ ở giữa hữu dụng và vô dụng. Thấy họ hữu dụng mà không lợi dụng hay sai khiến họ được, thấy họ dường như “vô dụng” (không dễ dùng) mà không thể khinh họ hay hại họ được.
2. Động trong tĩnh: Làm mà không làm
- Làm là động, nhưng từ ngoài nhìn vào thấy giống như không làm gì, tức là tĩnh. Trong sự tĩnh lặng chứa cái hoạt động. Đó là tài năng của những kẻ thông cơ quán kế, những thủ lãnh siêu quần: biết sắp xếp cho mọi người làm, còn mình thì ở không theo cái nghĩa “một người lo bằng kho người làm”, đó là thuật dũng nhân của những tướng lĩnh có tài.
- Làm trong im lặng: những bậc trí giả làm gì cũng im ỉm, không công bố, không thông báo, không quảng cáo, không mồm loa mép giải.
- Làm mà bình tĩnh, bình tĩnh đến bình thản.
- Hữu dụng mà dường như vô dụng giống như Lão tử nói: “Người cực khéo thì dường như vụng. Người nói giỏi thì dường như ấp úng”.
3. Tránh khỏi cái bẫy “thương – ghét” nông nổi và hàm hồ của con người:“Đã thương dở cũng thương, giỏi càng thương; đã ghét dở cũng ghét, giỏi càng ghét”
(Hết)
(1)Thí dụ một người biết quá nhiều về khoa hòa âm, khi bị kẻ khác chê mình sai v.v… anh ta lặng thinh; bởi vì anh ta xét, có nói ra thì giống như “bứt dây động rừng”, thật là khó nói; mà giả sử có cố nói người chê mình cũng không hiểu -chuyện này chúng ta đã nghe qua- đó là một cách biết làm (hữu dụng) mà không làm (vô dụng).