Chúng ta lại nghe học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần kể chuyện tiếp:
Vua Triệu phong Lạn Tương Như làm tướng quốc. Liêm Pha cậy mình có nhiều công hơn mà lại đứng dưới nên tức giận, dọa rằng hễ gặp mặt Lạn Tương Nhưở đâu thì giết ở đó. Vì thế Tương Như cứ phải lánh mặt Liêm Pha tướng quân mãi. Một hôm, Tương Như ra ngoài, gặp toán lính tiên đạo của Liêm Pha, ông vội sai tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra.
Bọn xá nhân (những người lo ngựa xe) thấy thế tức giận, bèn họp nhau hỏi Tương Như:
- Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây hầu Ngài, tức coi Ngài là bậc trượng phu nên mến mà theo. Nay Ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng mà hạng thứ lại ở trên. Liêm Pha mới nói dọa, Ngài đã không báo lại, đã tránh ở triều, nay lại tránh ở ngoài đường. Sao Ngài lại sợ quá thế vậy? Chúng tôi lấy làm xấu hổ, vậy xin đi, không ở nữa.
Tương Như nói:
- Các ngươi xem Liêm Tướng quân có hơn được vua Tần không?
Bọn xá nhân thưa:
- Không!
Tương Như nói:
- Lấy cái oai của vua Tần, thiên hạ ai dám chống, mà Tương Như này dám mắng giữa triều đình, lại làm nhục cả quần thần nữa. Tương Như đâu có hèn, há lại sợ một Liêm tướng quân ư? Nhưng ta nghĩ Tần sở dĩ không dám đánh nước Triệu chúng ta đây là vì sợ có ta và Liêm tướng quân. Nay nếu ta và Liêm tướng quân, như hai con hổ, tranh nhau, lâm vào cái thề không cùng sống. Tần nghe tin tất thừa cơ đánh nước Triệu. Ta sở dĩ chịu nhục tránh Liêm tướng quân là coi việc nước là trọng mà thù riêng là khinh vậy thôi.
Bọn xá nhân quỳ mọp mà rằng:
- Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm sao độ nổi chí của tướng công.
Liêm Pha nghe thuật lại việc làm của Tương Như, cả thẹn than rằng:
- Ta thật còn kém xa Tương Như biết mấy!
Sau đó, Liêm Pha bèn trần vai áo đến trước Tương Như tạ tội:
- Tôi tánh thô bạo, đội ân Tướng quốc bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá.
Lạn Tương Như đỡ dậy, nắm tay cùng khóc và kết làm bạn sống chết với nhau.
Cho hay cái mà thiên hạ cho là rất mềm lại thường thắng được cái rất cứng của thiên hạ “Thiên hạ chi chí nhu tri sinh thiên hạ chi chí kiên”(Lão Tử) nghĩa là nhu nhược thắng cang cường là như thế ấy.
Cổ nhân có câu nói: “Nuốt được cái cay đắng trong sự cay đắng mới trở nên hạng người ở bên trên loài người”. Và “Khí tượng như chim phượng hoàng liệng (lượn) trên mây xanh thì những lợi hại cỏn con không động được đến tâm nữa” (1).
Phần đông người ngày nay quen dùng cường lực, nên cho những tư tưởng, những cử chỉ như trên là một sự yếu hèn khiếp nhược.
Người xưa, trái lại cho sự điềm đạm là triệu chứng của sự mạnh mẽ hùng dũng nhất của tâm hồn, họ cho “nhu trung hữu cang” mà “cang trung hữu nhược” (trong cái mềm có cái cứng, trong cái cứng có cái mềm). Triết học Kinh Dịch, nền tảng của tất cả triết học Á Đông cổ, cho rằng trong trời đất không có sự gì, vật gì, mà không hàm chứa mâu thuẫn bên trong. Cái đạo Cương Nhu, thánh nhân thường ví với cái đạo lửa nước; lửa là cương đạo, nước là nhu đạo. Đạo xử thế người xưa đã được bàn vỡ lẽ trong hai quẻ này vậy: quẻ Ly và quẻ Khảm.
Quẻ Ly, hai hào dương bao ngoài, còn hào chính trung la hào âm. Nghĩa là “ngoại thực nhi trung hư” (ngoài thì thực mà trong thì hư), “thể nó là âm mà dụng nó là dương” (thể âm nhi dụng dương – Dịch Kinh), còn cái tượng của nó là lửa.
Quẻ Khảm, hai âm bao ngoài, còn hào chính trung là hào dương. Nghĩa là “ngoại hư nhi trung thực” (ngoài thì hư mà trong thì thực). “Thể nó là dương mà dụng nó thì âm”, còn cái tượng của nó là nước.
Tâm lý học đương đại gọi đó là trạng thái lưỡng cực (ambivalence) và cũng nhìn nhận cái lẽ mâu thuẫn đã nói trên trong Kinh Dịch. Họ nhận rằng hễ bên ngoài mà thô bạo cương cứng bao nhiêu đó là biểu hiện của sự hèn yếu bạc nhược của bên trong bấy nhiêu. Có đúng như vậy: bạo động, khủng bố… là con đẻ của tâm lý sợ hãi, nghĩa là của một tâm hồn yếu đuối, không làm chủ được mình. Trái lại, những kẻ đứng trước những khiêu khích thậm tệ mà vẫn thản nhiên, trầm tĩnh ung dung như không có việc gì, người ấy bên trong có một sự hùng dũng phi thường. Bởi vậy, người xưa cho rằng sự dùng bạo lực “tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh” là cái dũng của kẻ thất phu, còn “thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cớ gặp những điều ngang trái cũng không giận”, ung dung bình tĩnh… đó là cái dũng của thánh nhân.
BBT xin góp thêm một ý: những người nóng tính, khó tính trái nết, độc tài chuyên chế hay ngang bướng, những người hơi bị nói chạm tự ái là phát khùng, những người hơi bị nói nghịch ý là đùng đùng chống trả kịch liệt như đã bị ai đào bới mồ cha mả tổ của mình… đó là những người yếu ớt (2), non nớt, dễ bị thiên hạ xỏ mũi dẫn đi mà không hay, dễ gây đổ vỡ trong lòng những người xung quanh, khó được kính trọng hay ngưỡng mộ hoặc tin tưởng, hơn nữa, cái hậu kết tất yếu là khó làm được việc lớn, khó đảm trách đại sự, thậm chí còn bị người ta lợi dụng làm con cờ thí để “tương kế tựu kế: v.v… ; quẻ Ly khua ầm bên ngoài mà run rẩy sợ sệt vì trống hoác.
Từ đó, ta hiểu ngay người nhẫn nhịn, hiền lành, khiêm tốn (3) nhân ái, dễ tha thứ, lễ độ, lịch sự, dễ nghe theo ý kiến người khác nếu đúng, những người bề ngoài xem ra lúc nào cũng “nghe lời” người khác, lúc nào cũng giống như chịu đựng người khác, những người điềm tĩnh, ít nói (4), nhẹ nhàng, dịu dàng, ý tứ (5)… đều là những người ra sao cứ nhìn quẻ Khảm mà đoán biết..
(1)Sách Cái dũng của thánh nhân.
(2)Họ giống dàn trống, (battery) để trong nhà, so với các vật dụng khác, rất dễ kêu, hơi chạm nhẹ đã kêu vì trống rỗng bên trong và dễ vỡ, gãy, bung do người ta muốn dễ kêu… trong khi những vật dụng khác như dàn máy móc, dàn loa, xe ô tô… động chạm mạnh cũng không hề phát ra tiếng. Đó là quy luật tự nhiên để con người học lấy. Học thế nào? – Thưa học bài học nếu tâm đức ta cao đầy ở trong ta, khó ai lay động chuyển dời được ta; nếu tâm đức ta trống rỗng, ta dễ bị lung lạc, bị dẫn dắt thậm chí bị người ta làm trò đùa mà không hay biết.
(3)“Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”(Mt 11.29). Đó là một Lời dạy của Chúa vô cùng có ý nghĩa, vô cùng chân lý và chân sáng tựa ánh trời quang.
(4)Trong khi những người xung quanh tranh nhau phát biểu thì người có tâm đức cao đầy lại ngồi “im như thóc”, để rồi chính họ mới là những người “xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài tan”, khuấy động thiên hạ và mưu đồ đại sự như chơi trò chơi. Người Việt Nam, người Công giáo Việt Nam nhất là người trong làng thánh nhạc Công giáo Việt Nam khi nào thấu được lẽ này, lúc đó mọi sự mới mong tiến bộ thêm lên.
(5)Đa số chúng ta thường lầm tưởng: người mưu đồ đại sự hay làm chuyện đại sự thì bỏ qua việc nhỏ, sơ xuất việc nhỏ, khinh việc nhỏ, không giữ đúng giờ v.v… nhưng ngờ đâu quy luật Trời Đất không phải như vậy, những người tâm đức cao dẫu lại chính là những người chú trọng, xem trọng, chu toàn và ý tứ trong từng việc nhỏ đúng như Lời Chúa dạy: “Ai trung tín trong việc nhỏ cũng trung tín trong việc lớn”.