“Nhu thắng cương, nhược thắng cường” nghĩa là mềm dịu mà thắng được cứng cỏi, yếu ớt mà thắng được mạnh mẽ, – Lão Tử).
Chúng ta lại nghe học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần kể chuyện tiếp:
Câu Tiễn nước Việt (không phải Việt Nam ngày nay) đánh nước Ngô bị thua to. Ngô Vương bắt Câu Tiễn giam ở Cối Kê 3 năm. Trong thời gian đó, Ngô Vương bắt Câu Tiễn chịu không biết bao nhiêu điều sỉ nhục của một người thất trận.
Nếu Câu Tiễn không nhịn nổi cái nhục ấy mà tự sát thì nước Việt không mong gì có ngày khôi phục và ắt phải đi dần đến chỗ diệt vong cũng không chừng. Sở dĩ nhịn nổi, nhân vì Câu Tiễn nuôi hoài bão lớn lao, lập chí rất vững… Thật là một sự kiên tâm nhẫn chỉ phi thường…
Từ một nước chiến bại mà làm cho nó trở nên cường thịnh đến diệt được một nước Ngô và lên làm bá chủ thiên hạ, nếu không phải Câu Tiễn thì không sao làm nổi.
Người có một tâm hồn dũng mãnh như vậy, thế mà lắm lúc chịu đựng hết muốn nổi, tỏ ý liều chết… Phạm Lãi khuyên can:
- Ngày xưa, vua Trụ giam Văn Vương ở Dũ Lý, giết con Văn Vương là Bá Ấp Khảo, rồi làm mắm mà đem vào cho Văn Vương. Thế mà Văn Vương cũng chịu nhục ăn thịt con. Ta muốn thành đại sự thì cần gì những điều nhỏ mọn ấy…
Thấy Câu Tiễn phục lụy, khúm núm, rụt rè… Ngô Vương khinh thường, cho là hạng tiểu nhân khiếp nhược cho là chẳng làm nổi việc gì nên có ý muốn tha. Ngũ Tử Tư biết nhìn người liền can:
- Sao Đại Vương nghĩ lầm như vậy! Con hổ mà thu hình lại thì tất là để chụp vồ đấy! Con ly mà rút cổ lại, tất là định đánh cướp đấy! Vua Việt vào làm tôi vua Ngô, dẫu trong lòng oán giận, Đại Vương làm gì có thể biết được. Bây giờ cúi xuống mà nếm đống phân của Đại Vương, chắc đâu sau này không có một ngày kia ngẩng đầu lên mà ăn bộ lòng Đại Vương…
Bậc hào kiệt trong đời, họ hiểu tâm sự nhau rất rõ như Ngũ Tửi Tư hiểu Câu Tiễn.
Phàm ở trong thế yếu mà nuôi chí báo thù lại không có đủ đởm lược chịu đựng những điều sỉ nhục, ắt không bao giờ làm nên đại sự.
Nhịn được cái điều người ta không thể nhịn được, dung được cái điều người ta không thể dung được… Phải là người độ lượng hơn người, kiến thức hơn người, điềm tĩnh hơn người, mới làm nổi…
Nhịn tức là đè nén mình một cách khó khăn để:
- Chịu thua người khác.
- Chấp nhận sự phi lý mà người khác áp đặt trên ta.
- Kiềm chế sự tức giận, tính nóng nảy, tính hiếu thắng tự bản năng
- Cảm thấy rất nhục nhã mà vẫn cam chịu.
- Giấu kín đến nuốt vào trong, sự căm hờn..
Do đó, sự nhịn nhục đòi người muốn nhịn nhục phải có sức mạnh tinh thần lớn lao, bản lãnh vững mạnh mới kiềm chế được bản thân theo ý muốn của mình.
Vậy nhịn nhục là kế sách của những người khôn ngoan (hiểu giá trị của sự nhịn nhục), của những người dũng mạnh (thắng được chính mình vì “thắng mình khó hơn thắng vạn quân”), của những người nuôi chí lớn bởi chưng hễ ai có chí lớn, người ấy dễ bỏ qua những thắng thua vụn vặt, họ giống như chim phượng hoàng trong câu ngạn ngữ Latin “Aquila non capit muscas” (phượng hoàng không bắt ruồi).
Ngược lại, những người không biết nhịn nhục là những người không chịu nổi một vài câu nói khích, nói chạm tự ái, nói chê bai, nói nhắc nhở, nói phê bình hay chỉ trích, nói thật để chỉ ra những khuyết điểm của mình… của người khác; họ là những người dễ nổi nóng, phản ứng nhanh, có tài ăn nói “đốp chát”, có khiếu: “ăn miếng trả miếng”, háo thắng, thà chết chứ không thà chịu thua ai lấy một tiếng, dễ rơi vào bẫy của người khôn khéo, vì họ rất non yếu tinh thần, kém cỏi bản lãnh, thiếu cả đức độ; có thể thấy họ giống những đồ vật vừa mới chạm tay vào đã kêu inh ỏi như cái trống, cái bình cổ, cái chén kiểu… rỗng tuếch nên dễ kêu và cũng rất dễ vỡ, dễ bị hủy hoại, dễ tan tành.
Chính vì lẽ đó, BBT cố gắng học đòi và luyện tập không ngừng đức nhịn nhục; từ đó, BBT cố gắng nhịn nhục được nhiều người có những lời nói cho đến những hành vi xúc phạm, gây hấn, hiếp đáp, muốn phá muốn đè bẹp hay lấn hiếp cách bất công và vô lý… cũng chỉ vì BBT nuôi chí làm được những việc phụng thờ và tôn vinh Chúa qua những công việc còn đang diễn tiến hôm nay; nếu hiếu thắng, tự ái, nóng nảy, không chịu thua thì mọi việc đã bị đổ vỡ, đâu còn tồn tại đến nay. Suy nghĩ lại thấy Lão tử trong Đạo đức kinh nói rất đúng:
“Người ta sinh ra thì mềm yếu mà khi chết thì cứng lại. Thảo mộc sinh ra thì mềm dịu mà khi chết đi thì lại khô cứng. Cho nên cứng rắn, cáu giận là biểu hiện của chết, mềm yếu, khiêm nhường là dấu hiệu của sống. Binh mạnh thì không thắng, cây cứng thì lại bị chặt. Cứng mạnh thì phải ở dưới, mềm yếu lại được ở trên”.