“Đối diện đàm tâm” nghĩa là ngồi đối mặt để tỏ bày tâm ý cho nhau.
Đông phương ngày xưa, tình bạn cũng như tình yêu, suốt đời tha thiết, thâm trầm, lắng đọng vào bên trong, không sôi nổi, bồng bột ra ngoài. “Quân tử chi giao đạm nhược thủy”, sự giao thiệp giữa người quân tử với nhau lạt như nước lã. Ngày xưa, có khi hai người bạn (hay hai tình nhân) gặp nhau, chỉ ngồi hằng giờ không nói năng gì. Họ đã “đối diện đàm tâm” mà tâm tình lại thông cảm sâu sắc với nhau, đượm đà tha thiết hơn bao nhiêu lời môi miếng dông dài.
Trong thơ văn xưa, người ta thường nhắc đến bài Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê, bạn đồng khoa và đồng liêu:
Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngùi ngùi lòng ta:
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau.
Kính yêu từ trước nhẫn sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời.
Cũng có lúc cùng nơi dặm khách,
Tiếng suối reo lóc lách lưng đèo,
Có khi từng gác cheo leo,
Khúc vui con hát, lựa chiều cầm xoang.
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương măm máp bầu xuân.
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích điển phần (12) trước sau!
Nguyễn Khuyến nhắc lại gần đây đã gặp lại Dương Khuê:
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can.
Thế mà nay, Nguyễn Khuyến nhiều tuổi hơn còn sống, bạn ông ít tuổi hơn lại sớm qua đời:
Mà sao bác vội về ngay,
Chợt nghe tôi những chân tay rụng rời.
Cho nên, ông buồn, ông nhớ, ông chán. Bạn mất đi, là mất theo cái vui của cuộc đời ông:
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua, không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo chẳng viết,
Viết cho ai, ai biết mà đưa?
Tưởng có thể tìm thấy một tình bạn đặc thù Việt Nam trong mấy vần thơ của Nguyễn Khuyến vừa dẫn ra trên đây.
Nguyễn Khuyến là một thi sĩ đã đi tiền phong tiêu biểu cho loại thơ thăng hoa tình bạn, giọng thơ chân thành, tứ thơ chan chứa cảm tình thoát ra khỏi mọi khuôn sáo ước lệ và nếp suy tư quá duy lý của thời đại Nho giáo lúc bấy giờ. Tình bạn đặc thù Việt Nam ngày xưa này tuy mặn nồng mà có vẻ như lạnh nhạt, “quân tử chi giao đạm nhược thủy”, sự giao thiệp giữa những người bạn (trong hàng quân tử) là như nước lã, không vồn vã, màu mè như kẻ tiểu nhân “Tiểu nhân chi giao cam nhược lễ” (sự giao thiệp giữa tiểu nhân ngọt như rượu ngọt). Các cụ gặp nhau, có khi chỉ “đối diện đàm tâm” hằng giờ ngồi nhìn nhau, không nói lấy một câu! Và giữa vợ chồng ngày xưa cũng thường như thế. Khi cụ Phan Bội Châu bị bắt, giải về nước, cụ Bà đến thăm một lần ở thành Nghệ An, hai bên im lặng nhìn nhau suốt hơn nửa tiếng đồng hồ, rồi cụ Bà chỉ buông một câu:
- Vợ chồng ly biệt hơn hai mươi năm, nay được một lần gặp mặt thầy, trong lòng tôi đã mãn túc rồi... Từ nay, thầy làm gì, tùy ý thầy, đừng bận bịu vì vợ con!
Các cụ thời xưa có cái thú bầu bạn thông cảm tâm tình với nhau trong im lặng, một im lặng hùng hồn hơn muôn vàn lời trao gửi vồn vã, quấn quít nhau. Chính Nguyễn Khuyến cũng đã giải bày cảnh tiếp khách “suông tình” ấy qua hai câu kết bài thơ Đường như sau:
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.
Khi nhắc lại tình bạn xa xưa trong dĩ vãng, trầm lặng, không vồn vập sôi nổi, mà lắng kết vào trong, thông cảm khoan thứ, cầu mong điều lành cho nhau, sẵn sàng cứu giúp dù phải phá chấp, hy sinh, chúng ta không ra ngoài mục đích hài hòa những mối tương giao tình tự ấy cho thích ứng với nếp sống hiện đại, - một nếp sống vì quá xô bồ, hối hả, căng thẳng theo vận tốc cơ giới, nên đã thấy manh nha một khuynh hướng phản ứng đòi con người phải được quyền có những phút giây im lặng, trầm tĩnh trong cuộc sống hằng ngày, - những giây phút có tính chất như cái mà ta gọi là “thiền định”, - để tình tự lắng vào bên trong, để có dịp bắt gặp lại hồn mình, và nhất là để giúp ta thông cảm với tâm linh của người tri kỷ, tri âm một cách thấm thía, sâu sắc hơn.
Một nhu cầu thoát ly, dù hiếm hoi hay chỉ trong chốc lát, để được sống thực sự với bạn bè và với chính mình.
Có nhiều người đặt cho BBT những câu hỏi đại loại
- Sao không tổ chức giao lưu với nhóm này nhóm khác?
- Sao không đi thăm viếng người này người kia?
- Sao không kết thân lấy lòng với tổ chức này, tập thể khác?
- Sao không dự họp nơi này nơi kia?
- Sao không đi tiếp xúc?
- Sao không đàn đúm, cà phê, bia bọt với anh em để có nhiều cái hay?
- Sao không liên kết, kết đoàn với…?
BBT thường lúng túng thấy khó trả lời. Vì nếu trả lời rằng “nên” thì trái lòng mình, nếu trả lời rằng “không” thì khó giải thích. Những lúc đó BBT tránh né trả lời; từ đó nhiều người cho BBT là cô độc, đơn côi, xé lẻ, chia rẽ, lập dị…
Thôi thì sao cũng được! liên kết, thăm viếng, kết thân, lấy lòng người khác v.v… cũng hay lắm, nhưng tự thấy hoàn cảnh riêng không thuận lợi thì đành chịu; để dành thời gian làm những việc ấy vào sự nghiên cứu và làm việc cho ý tưởng về hoạt động thánh nhạc của mình tốt hơn; lầm lũi như thế từ từ mọi người hiểu mình mà thông cảm cũng được.
Trong nhóm Ban Biên tập có nhiều người lâu ngày rồi cũng quen với cách làm việc lủi thủi của BBT, không bạn không bè, không tiệc tùng quán xá, ít được mời dự đám tiệc… Vì BBT không hề nao núng khi chẳng ai đếm xỉa ngó ngàng đến mình, ai đến tận nơi thì vui vẻ vừa đủ, xong chuyện thì thôi… cho nên anh chị em trong Ban Biên tập cũng có phong cách tương tự.
Đến nay khi đọc câu “Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ” liền cảm thấy mình như có “đồng minh” ủng hộ.