Bà là vị vua duy nhất thuộc phái nữ trong nền quân chủ Việt Nam với vương hiệu Lý Chiêu Hoàng. Bà là vị vua cuối cùng của triều nhà Lý, có thể nói bà là một nhân vật đặc biệt nhất trong lịch sử nước ta –một đời người trải qua 6 thiên chức trong vương triều- người đã từng là công chúa, là thái tử, nữ hoàng, hoàng hậu rồi lại bị hạ bệ xuống làm công chúa và cuối cùng là phu nhân tướng quân.
Chiêu Thánh (vương hiệu Lý Chiêu Hoàng) tên thật là Phật Kim, con gái thứ của vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Vua Lý Huệ Tông vì không có con trai nên xuống chiếu lập Phật Kim còn có tên là công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng Thái Tử vào năm Giáp Thân (1224). Khi nhà vua rời bỏ ngai vàng để đi tu ở chùa Chân Giáo, Chiêu Thánh lên ngôi đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo.
Lên 7 tuổi, vua Lý Chiêu Thánh ngồi trên ngai vàng nghe các quan trình tấu. Nhưng phía sau vương hiệu Chiêu Hoàng, “cô bé” Phật Kim luôn mong cho hết giờ để quay về hậu cung chơi đùa như các cô bé cậu bé khác trong Hoàng tộc. Mọi việc đã có các triều thần, chủ yếu là người họ hàng thân tín của họ Trần lo liệu.
Họ Trần từ trước đó mấy năm đã có công lao giúp nhà Lý, hơn nữa bà Trần Thị Dung lại là hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông. Trần Tự Khánh anh trai của Trần Thị Dung được làm quan và nắm giữ binh quyền. Trần Tự Khánh lập được nhiều công lớn, làm cho triều Lý lúc bấy giờ đang chao đảo dần dần đi vào ổn định. Trần Tự Khánh sắp xếp cho người trong họ mình vào nắm giữ các chức vụ trong triều. Trần Thừa được giao làm phụ quốc thái úy có quyền hành rất lớn. Trần Bất Cập, Trần Thiên đều giữ chức hầu cận trong cung. Ngay đến con trai của Trần Thừa là Trần Cảnh mới 8 tuổi cũng được làm quan chính thủ, chầu chực bên cạnh vua Lý Chiêu Hoàng (tức nữ hoàng Chiêu Thánh đang được đề cập trong bài này). Người có quyền hành lớn và cũng là người có tài năng hơn hết tất cả là Trần Thủ Độ giữ chức Điện Tiền chỉ huy sứ, coi sóc mọi chuyện quân sự nội ngoại kinh đô. Chính con người này đang nuôi ý đồ làm cho họ Trần rạng rỡ, ông quan sát thấy nhà Lý đã quá suy đồi, con cháu, tôn thất của nhà Lý không có khả năng giữ gìn đất nước hay quản lý triều cang. Ông nhìn thấy viễn cảnh nhà Trần của ông đang có cơ hội nổi lên. Có điều, muốn cho nhà Trần thay thế nhà Lý mà không gây phản ứng chỉ trích, không để xảy ra xung đột thì phải khéo léo tìm cơ hội thuận tiện. Và cơ hội chính là lúc Trần Cảnh giữ chức chính thủ làm công việc hầu hạ vua, ở ngay trong cung và luôn luôn kề cận với Lý Chiêu Hoàng. Trần Cảnh biết giữ lễ vua tôi, khi nói năng đều tâu bệ hạ và xưng thần nhưng Lý Chiêu Hoàng thì không nghĩ gì đến phép tắc và nghi lễ mà chỉ thích được Trần Cảnh trò chuyện, vui đùa. Mỗi khi đi chơi đêm, cho gọi Trần Cảnh cùng chơi, có khi nắm lấy tóc hoặc trêu chọc Trần Cảnh. Có hôm Trần Cảnh bưng chậu nước đứng hầu, Lý Chiêu Hoàng rửa mặt xong liền lấy tay vốc nước hất vào mặt Trần Cảnh rồi cười rộ lên. Những lần bị chọc phá như vậy, Trần Cảnh liền về kể cho Trần Thủ Độ nghe. Trần Thủ Độ nói:
- Nếu đúng như vậy thì họ Trần ta: sẽ trở thành Hoàng tộc, hay sẽ trở thành diệt tộc đây?
Đó là ý nghĩ của Trần Thủ Độ, sau đó Trần Thủ Độ bày cách cho Trần Cảnh:
- Nếu lần sau có bị chọc phá như ném khăn chầu vào mặt thì cháu hãy quỳ lạy và nói: “Bệ hạ có tha tội cho thần không, thần xin vâng lệnh!”
Việc xảy ra đúng tiên liệu… Khi nghe Trần Cảnh tâu như vậy thì Lý Chiêu Hoàng cười nói:
- Tha tội cho ngươi, nay ngươi đã biết khôn rồi đó.
Trần Cảnh lại về trình lại với Trần Thủ Độ. Lần này Trần Thủ Độ quyết định ra tay, đem hết thân thuộc, thân thích vào trong cung cấm, đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi chừng và giữ không cho các quan lại vào triều. Thủ Độ loan báo: “Bệ hạ đã có chồng rồi”. Các quan nghe vậy đều nói đó là việc tốt, xin chọn ngày vào chầu.
Thế là Lý Chiêu Hoàng tức nữ hoàng Chiêu Thánh đã trở thành vợ của Trần Cảnh; chuyện đùa vui con trẻ nay trở thành chuyện tình duyên. Âm mưu là do Trần Thủ Độ sắp đặt. Chuyện chưa dừng ở đó, vì tiếp theo là tờ chiếu nhường ngôi, lời chiếu có đoạn:
“Trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ được ngôi báu. Trẫm dậy sớm thức khuya chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để giúp trị quốc. Kinh thi có nói: “quân tử tìm bạn tốt, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi”. Nay trẫm suy đi tính lại một mình duy chỉ có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thể cách quân tử hiền nhân uy nghi đàng hoàng, có tư chất, thánh thần văn võ dù đến Hán Cao Tổ hay Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ kỹ từ lâu, nghiêm xét nên nhường ngôi báu để ứng lòng trời cho xứng lòng Trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ mọingười điều biết”.
Sau khi nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, Chiêu Thánh lại trở thành hoàng hậu. Trần Cảnh lên ngôi lấy nhiên hiệu Trần Thái Tông. Nhà Trần thay nhà Lý dần dần dẹp tan được giặc giã chỉnh đốn lại kỷ cương, thiên hạ sống trong cảnh thái bình thịnh trị.
Ngày tháng trôi qua, Lý Chiêu Hoàng càng thiết tha yêu Trần Cảnh bởi nàng thấy Trần Cảnh là một đấng anh quân. Trần Thái Tông có học thức cao, nghiên cứu nhiều vấn đề. Ông lại là người có tài ngoại giao chính trị, bên cạnh có nhiều người giỏi phò tá nên việc quân việc nước đều được thu xếp ổn thỏa.
Lý Chiêu Hoàng vui mừng vì đã chọn được người chồng xứng đáng. Nàng chỉ băn khoăn một điều là vì sao hai người vẫn chưa có con? Khi nàng còn nhỏ tuổi vẫn chưa nghĩ đến việc này, song thời gian qua, chưa một lần sanh nở, Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng) vô cùng lo lắng và sự lo âu của nàng không sai. Không sớm có con là điều tai họa với nàng. Trần Thủ Độ -người đã tác duyên cho nàng- có thể lại vịn vào cớ này để chia rẽ nàng với nhà vua. Lúc đó thái sư Trần Thủ Độ nói với nhà vua Trần Thái Tông:
- Hoàng hậu Chiêu Thánh làm vợ đã hơn 10 năm, đến nay đã 20 tuổi mà không sinh nở thì làm sao có hy vọng nối dõi sau này, phải chọn hoàng hậu khác.
Ý muốn của Trần Thủ Độ trở thành một nghiêm lệnh, Trần Thái Tông dẫu hết sức yêu hoàng hậu Chiêu Thánh cũng không sao cưỡng lại được. Nhà vua rất buồn và áy náy. Một đêm, vua rời kinh thành trốn lên ở chùa trên núi Yên Tử. Phải rời bỏ Chiêu Hoàng, ông coi như đã làm một điều nhục nhã, không xứng đáng ở ngôi vua. Nhưng Trần Thủ Độ không nghe, đưa quan lại và quân lính lên núi bắt buộc Thái Tông phải trở về. Thủ Độ bắt buộc Trần Liễu, anh của vua Thái Tông nhường vợ đang có thai cho em trai mình. Trần Liễu tức giận, khởi binh làm loạn, song yếu thế phải đầu hàng. Mọi việc được sắp xếp phải thi hành theo lệnh của Trần Thủ Độ.
Thế là từ đó Chiêu Thánh bị giáng xuống làm công chúa sống âm thầm chiếc bóng đơn lẻ. Biết oán trách ai? Và cũng chẳng biết tâm sự cùng ai! Ròng rã 20 năm trôi qua, vua Thái Tông lao vào công việc triều chính chỉ đạo cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông, tất nhiên có điều mặc cảm không tiện và không đành gặp Chiêu Thánh. Nhưng có một hôm vua thân hành đến thăm nàng. Trần Thái Tông tỏ ý buồn rầu, đau khổ vì phải để cho nàng chịu số phận hẩm hiu một thời gian dài. Giờ đây Chiêu Thánh ở tuổi 40 nhưng vẫn còn xuân sắc cũng cần có nơi nương tựa khi mãn chiều xế bóng. Vua đề nghị nàng nối lại dây tơ duyên cùng một vị tướng đã lập nhiều công trận hiển hách.
Chiêu Thánh ngạc nhiên trước quyết định ấy của nhà vua vì đã từ lâu, nàng đã không còn nghĩ đến chuyện tình duyên nữa, cuộc hôn nhân của nàng với Trần Cảnh kết thúc một cách thảm sầu, vết thương lòng của nàng không thể nào bù đắp được thế mà bây giờ nhà vua lại nói đến chuyện gả chồng cho nàng. Người chồng ấy là ai?
Thái Tông tìm những lời tha thiết dịu dàng để khuyên người vợ cũ. Vua vẫn gọi Chiêu Thánh là “ái khanh”. Vua nhắc lại những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thiếu thời và không quên nhắc lại công lao của nàng. Nàng là người đã hy sinh vì cơ nghiệp của nhà Trần, vì quyền lợi của Trần Thái Tông. Dù cho số phận không cho hai người hạnh phúc bên nhau, song nhà vua phải có bổn phận với nàng. Người mà vua muốn nàng kết duyên cũng là người có công bảo vệ nhà vua, đó là tướng Lê Phụ Trần. Sau này, họ có người con trai tên là Lê Tông, còn có tên khác là Lê Phụ Hiền. Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng Lê Tông sau được ban quốc tính và đổi tên là Trần Bình Trọng. Trần Bình Trọng còn có người em gái tên là Ngọc Khuê được phong làm Ưng Thụy công chúa.
Trần Bình Trọng lớn lên rất giỏi võ nghệ. Chiêu Thánh đã xin với Trần Nhật Duật cho em gái ông về làm con dâu mình. Cô gái ấy là Thụy Bảo công chúa. Hai vợ chồng Trần Bình Trọng và Thụy Bảo sinh ra nàng Chiêu Hiền, được tuyển làm vợ vua Trần Anh Tông nhưng Chiêu Thánh không được chứng kiến. Nàng đã mất khi Trần Bình Trọng 17 tuổi (1278) không được biết tấm gương trung nghĩa của con mình trong trận đánh lịch sử với quân Nguyên năm 1285.
Tương truyền cho đến lúc mất dù đã ở tuổi 60, Chiêu Thánh tóc vẫn đen nhánh, da trắng ngần, môi vẫn đỏ như son, đôi má vẫn tươi một màu hoa đào. Nhân dân thương cảm an táng bà ở bìa rừng Báng, phía Tây Thọ Lăng Thiên Đức và lập đền thờ tưởng nhớ người phụ nữ đặc biệt này. Ngôi đền có tên Long Miếu Điện (thường gọi là đền Rồng). Sở dĩ Chiêu Thánh phải thờ riêng, không được thờ chung ở đền Đô (đền Lý Bát Đế thờ các vị vua nhà Lý). Vì người ta cho rằng bà làm mất ngôi vương triều Lý. Trên thực tế, nhà Lý mất ngôi không phải lỗi của Lý Chiêu Hoàng (Chiêu Thánh), không phải do thiên định mà chính do sự suy thoái nảy sinh từ đời Lý Huệ Tông làm chính sự đổ nát, lòng dân ly tán... để rồi Lý Chiêu Hoàng mới 7 tuổi phải thừa kế ngai vàng đã lung lay từ trước, cho dù một người khác kế vị cũng khó lòng cứu vãn được vương triều họ Lý.
Lê Anh Vũ (Theo Đại Việt sử ký toàn thư)
Qua bài trên, BBT muốn đề cập riêng về sự sống thọ. Nếu hiểu rộng, ta thấy có 2 loại sống thọ: Sống thọ thân xác (sống khỏe mạnh từ 50 tuổi trở lên), sống thọ thân danh (dù đang sống hay đã mất, nhưng người sống trong lòng người, tức được người đời nhắc mãi với lòng kính phục và ưu ái là những người sống thọ)
Hễ ai sống bác ái, sống chính trực hoặc sống hy sinh… kẻ đó được người đời nhắc mãi với lòng kính phục và ưu ái; được người đời nhắc mãi với lòng kính phục và ưu ái là sống thọ thân danh.
Sống thọ thân danh thật đáng ao ước vì sống thọ thân danh phản ảnh phần nào việc họ đang sống thọ ở bên kia thế giới. Do đó, dân gian mới đúc kết: “Thọ hình bất nhược thọ danh” (sống lâu thân xác không bằng sống lâu danh tiếng).